Công bằng và bác ái

DANH ĐỨC 07/10/2020 21:00 GMT+7

Chưa bao giờ trong xã hội lại chứng kiến các thể hiện của lòng nhân ái nhiều như hiện nay qua những hoạt động từ thiện. Song, cũng có thể nói rằng chưa bao giờ bất công lan tràn như hiện nay khi nhìn vào sự chi tiêu bề nổi của những người giàu có nhất và nghèo khó nhất. Liệu có thể hòa giải xã hội bằng cả bác ái và công bằng?

Trong cả hai vế bác ái và công bằng, đối tượng đều là người nghèo. Làm từ thiện “cho” người nghèo, còn giữ lẽ công bằng cũng là vì người nghèo, nhưng nói chung, vẫn có tranh luận về “bác ái trước hay công bằng trước?”, mà lời giải đòi hỏi một sự hiểu biết đôi khi vượt quá những khuôn khổ đóng khung suy nghĩ của không ít người theo chủ trương này hay chủ trương kia.

Nhân “mùa” Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hằng năm, có lẽ cần nhắc lại thông điệp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm 15-10-2018, nhân Ngày quốc tế loại bỏ khó nghèo (17-10 hằng năm): “Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, chúng ta hãy nhớ rằng xóa nghèo không phải là một hành động từ thiện mà là một vấn đề công chính. Có một mối liên hệ cơ bản giữa xóa nghèo cùng cực và quyền bình đẳng cho tất cả mọi người”.

Có thể thấy ông Guterres đã chọn công bằng khi nhấn mạnh rằng “xóa nghèo không phải là một hành động từ thiện mà là một vấn đề công chính”. Ông còn đào sâu yêu cầu công bằng khi gắn kết “xóa nghèo cùng cực” với “quyền bình đẳng cho mọi người”. Ông vạch rõ cách làm qua hai bước cụ thể: “Chúng ta phải lắng nghe hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói và cơ cực trên khắp thế giới, chiến đấu chống lại những bánh răng quyền lực ngăn cản họ hòa nhập vào xã hội và chấm dứt những sỉ nhục mà họ phải chịu đựng”.

Người nghèo đã thực sự được lắng nghe chưa? Nếu có, sự lắng nghe đó đã được thể hiện thế nào trong các công việc cần làm để xóa nghèo và xây dựng “nông thôn mới”? Liệu đã dành ưu tiên cho xây dựng trường lớp, bệnh xá…, hay là cho xây dựng trụ sở cùng cổng chào, quảng trường từ xã tới tỉnh, thị? Yêu cầu thứ nhì của ông Guterres càng khó hơn. Thế nào là những “bánh răng quyền lực” mà ông Guterres nói tới? Liệu đã nhận dạng những “bánh răng” đó chưa?

Trên bình diện cá nhân, đã có lúc người ta sống với lẽ công bằng lớn hơn. Lẽ công bằng là “một cảm giác tự nhiên và tự phát, dựa trên sự công nhận các quyền của mỗi người, mà không nhất thiết phải được gợi ý bởi luật lệ hiện hành. Cảm giác này thể hiện, chẳng hạn, khi người ta phải đánh giá một trường hợp cá thể hoặc cụ thể mà không để bị dẫn dắt bởi các quy tắc của pháp luật mà thôi. Đó là một hình thức công lý xem xét tinh thần của luật pháp hơn là qua chữ nghĩa, nhằm điều chỉnh các tác động của nó hoặc để làm cho nó phát triển”, như Aristotle đã nói.

Nôm na mà nói, đó là cảm giác ái ngại tuần rồi khi tôi mua thanh long 10.000 đồng hai ký trên một đường ven chợ Tân Quy, quận 7, TP.HCM. Hỏi bà bán: “Vậy chớ người trồng bán bao nhiêu một ký tại vườn?”, bà ấy trả lời thay người nông dân: “Hai ngàn một ký, không đủ tiền điện!”. Lại hỏi: “Tiền đốt đèn ban đêm cho cây hả?”. Bà ấy trả lời: “Tiền bơm nước tưới”. Nếu cảm giác ái ngại suông ấy trở nên phổ biến trong xã hội, bắt đầu từ những người có trách nhiệm ở địa phương, ở các ban ngành trung ương, nơi người mua sắm…, biết đâu sẽ có những động thái quy mô hơn, bề sâu hơn, thay vì là chỉ biết kêu lên “giải cứu thanh long”?

Còn nếu cảm giác ái ngại tự nhiên đấy cũng mất nốt thì e rằng xã hội đang tiến đến một tình trạng xem các hiện trạng không công bằng là bình thường, là “quy luật thị trường” hay trăm cách giải thích khác. Sự gắn kết xã hội ngày càng mất đi khi cảm nhận về lẽ công bằng tự nhiên ngày càng giảm xuống và người ta càng dễ làm những chuyện bất công, từ buôn bán tới ra quyết định quyền lực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận