Công nghiệp hóa dược Việt Nam: Bước khởi đầu gian nan

TTCT - Năm 2009 cả nước ta sử dụng khoảng 1,75 tỉ USD tiền thuốc, bình quân hơn 20 USD/đầu người. Một thị trường rất lớn, nhưng công nghiệp dược Việt Nam đang ở đâu trước cuộc hội nhập đầy sóng gió và cạnh tranh quyết liệt?

Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại thực trạng ngành dược Việt Nam.

Một hội nghị tổng kết ngành dược do Bộ Y tế tổ chức đánh giá như sau: “Công nghiệp dược VN đã tự sản xuất đáp ứng được gần 50% thuốc cho thị trường, nhưng trong số đó ngành dược đã phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu để sản xuất những thuốc thông thường, dạng bào chế thông thường, để chữa bệnh thông thường...”.

Nhưng việc sản xuất trùng lắp nhiều loại thuốc thông thường, một nguyên liệu gốc có đến hàng trăm sản phẩm đăng ký, có loại như Paracetamol có trên 300 số đăng ký - đủ để thấy ngành dược Việt Nam chỉ là ngành công nghiệp gia công.

Nghị quyết 46 (23-2-2005) của Bộ Chính trị đã chỉ rõ thế mạnh của ngành dược Việt Nam là dược liệu và đặt ra mục tiêu “Xây dựng ngành dược Việt Nam thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, lấy phát triển dược liệu làm then chốt”. 

  Điều đó có thành hiện thực không? Tôi tin là chắc chắn. Vì chúng ta có tất cả các điều kiện cần: Viện Dược liệu đã điều tra được gần 3.500 cây thuốc hiện có ở Việt Nam và phát triển tốt (nhưng hiện không được trồng và bảo vệ).

Về nghiên cứu, chúng ta hoàn toàn có đội ngũ chuyên gia ngành dược giỏi để đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học về bào chế công nghệ cao (nhưng doanh nghiệp gặp quá nhiều khó khăn: đầu tư sản xuất thuốc ở mức trung bình, phải lo vấn đề hoàn vốn, lo làm sao có một mức lời nhất định để tồn tại, không đủ sức để đầu tư những thiết bị hiện đại, không có những phòng thí nghiệm hiện đại để bào chế những dạng thuốc tốt).

Vậy những năm qua ngành dược đã làm được gì?

Đã hình thành được ngành công nghiệp hóa dược từ các hợp chất thiên nhiên.

Ví dụ như PGS.TS Phạm Gia Điền là một trong những người có công đầu trong sản xuất Artemisinin (chữa sốt rét) hoàn toàn từ thiên nhiên, từ cây cỏ Việt Nam. PGS.TS Đỗ Hữu Nghị có công phát triển sản phẩm Artemisinin thành các dạng thương mại hóa, cạnh tranh với thế giới về chất lượng và giá cả.

Doanh nghiệp Sao Kim (Vĩnh Phú) là doanh nghiệp hóa dược chuyên sản xuất Artemisinin hàng đầu ở Việt Nam.

Và còn khoảng 10 loại hóa dược khác đã ổn định về chất lượng và quy trình công nghệ, hoàn toàn có khả năng thương mại hóa.

Chúng ta cũng đã sản xuất một số thuốc thay thế được hàng nhập, những doanh nghiệp sản xuất thuốc tiêm chất lượng cao hoàn toàn thay hàng nhập ngoại có thể kể: Công ty Dược Vĩnh Phúc, Công ty Dược Bình Định, Công ty Dược Phú Yên, Công ty Imexpharm, Công ty Domexco.

Phải chi...

Thực tế những người đi vào lĩnh vực này rất cực khổ về vốn, về đầu tư nhưng Nhà nước chưa có chính sách gì ưu đãi cho họ.

Tôi ước gì Nhà nước có chính sách đầu tư hợp lý để VN có được một vài nhà máy hóa dược chuyên sản xuất các loại hóa dược từ thiên nhiên như thuốc ung thư (Taxol, Vinblastin, Cyclophosphamit, Cisplatin...), thuốc tim mạch (Rutin, Troxevutin, Ajimalicin...), các loại vitamin (C, B1, PP, caroten, lycopen...), các nhà máy tinh bột biến tính, nhà máy sản xuất Sorbitol...

Chẳng phải là cao xa gì, chỉ tội thiếu vốn, thiếu sự quan tâm, cả sự “hững hờ” của người sử dụng chỉ thích đồ ngoại.

Phải chi có một ngân hàng chính sách cho phát triển khoa học công nghệ (cho tất cả các ngành chứ không riêng ngành dược) để đầu tư nghiên cứu khoa học, không phải lo về tỉ giá thay đổi, về thời hạn vay ngắn hạn như đầu tư cho thương mại. Doanh nghiệp hiện nay không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để nghiên cứu.

Một số dự án nghiên cứu nhà nước chỉ đầu tư một phần, còn lại là cho vay nhưng vừa xong đã bị đòi phải trả ngay nên không thể nào phát triển sản phẩm, chính vì vậy nghiên cứu khoa học mới bị bỏ xó.

Bộ Y tế nên có chính sách khuyến khích khi cấp phép cho thuốc nội do ta tự nghiên cứu sản xuất. Hiện nay trong đòi hỏi thẩm định có quá nhiều điều mà năng lực của doanh nghiệp dược Việt Nam không đủ sức để chứng minh - ví dụ như đánh giá thử nghiệm lâm sàng...

Một thuốc mới muốn ra đời ít nhất phải năm năm mới xong một quy trình nghiên cứu, còn phải thử nghiệm lâm sàng chi phí rất đắt.

Hiện nay do vướng mắc từ khâu thử nghiệm lâm sàng (quá khó khăn, không làm nổi) nên thuốc của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không đưa được vào danh mục thuốc thiết yếu, cứ phải bán tự do bên ngoài, không thể phát triển được.

Không có trong danh mục, không được kê toa làm sao tạo thói quen dùng thuốc Việt Nam?

Ngành dược Việt Nam không phát triển được một phần cũng từ sự “hững hờ” trong quy định, chính sách của Bộ Y tế.

______________

Ông Trương Quốc Cường - Ảnh: L.A.
Trao đổi với ông Trương Quốc Cường - cục trưởng Cục Quản lý dược và PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG:

“Chúng tôi đang khuyến khích thử tương đương sinh học các thuốc do Việt Nam sản xuất, xem tác dụng có tương đương thuốc gốc (thuốc phát minh) hay không nhưng chi phí thử rất đắt nên mới thực hiện được với một số thuốc.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam tự tin về chất lượng thuốc của họ. Tôi cho rằng có những sản phẩm như thuốc tránh thai, thuốc chống lao, thuốc điều trị HIV/AIDS, sốt rét... hàng nội không thua kém hàng ngoại. Khi tổ chức đấu thầu, hàng nội trúng thầu vượt trội so với hàng ngoại”.

* Ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của ngành dược nội địa?

- Đang có hai xu hướng, một là xu hướng sản xuất thuốc generic (sản xuất thuốc theo công thức có sẵn cho phép phổ biến của nước ngoài) có chất lượng tương đương để thay thế thuốc nhập khẩu. Hai là xu hướng sản xuất thuốc từ dược liệu, lợi thế tương đối của ngành dược Việt Nam so với các ngành khác.

Hiện đã có những doanh nghiệp dược nội địa tiến hành sản xuất thuốc từ những hoạt chất tương đối mới, ví dụ như có sản phẩm thuốc tránh thai chất lượng ngang ngửa hàng ngoại, được các tổ chức quốc tế về chất lượng đánh giá và công nhận nhưng giá rẻ hơn nhiều lần, hay thuốc điều trị sốt rét sản xuất từ nguyên liệu trong nước.

Thuốc điều trị HIV cũng là dạng khó sản xuất vì nếu công nghệ kém dễ bị thay đổi hàm lượng, nhưng Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm này. Ngoài ra đã có một số doanh nghiệp sản xuất được thuốc điều trị tim mạch, ung thư, đái tháo đường...

BV Pharma (thuộc Vimedimex) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất mangiferin chữa herpes và zona - một loại kháng virus từ lá xoài, trở thành một trong ba quốc gia trên thế giới (Nga, Ấn Độ, Việt Nam) sản xuất mangiferin ở dạng tinh khiết (98-101%).

Việt Nam sản xuất với công nghệ riêng, giá thành hạ 50%, làm mangiferin có thể cạnh tranh với các nước.

* Nhưng rõ ràng mẫu mã, dạng dùng của thuốc nội còn rất đơn điệu. Cùng loại sản phẩm nhưng hàng nội khó dùng hơn và hay nhái mẫu mã hàng ngoại?

- Phải nói là công nghệ bào chế của Việt Nam nhìn chung vẫn còn thua, chưa cạnh tranh được với hàng châu Âu. Nhưng tôi biết nhiều doanh nghiệp đã đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu và phát triển vì họ biết nếu không đầu tư, không thể phát triển được.

Đã xuất hiện hàng chục công ty thuốc Việt Nam đầu tư công nghệ tiên tiến không thua kém châu Âu.

* Giá rẻ, thuốc tốt như ông nói, nhưng vì sao giá trị tiền thuốc nội địa được sử dụng tại bệnh viện năm 2009 vừa qua lại giảm so với năm 2008. Có phải doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tiềm lực để quảng cáo, giới thiệu thuốc vào bệnh viện, hay vì vấn đề “hoa hồng” chi phối?

- Tỉ lệ tiền thuốc nội sử dụng tại bệnh viện năm 2009 có giảm so với 2008, một phần là do giá thuốc trong nước rất rẻ, mà giá thuốc rẻ thì lượng sử dụng có lớn, tiền thu được cũng không cao. Thực tế ngành dược Việt Nam phát triển khá khả quan, năm sau tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước.

Kiểm nghiệm thuốc tại Công ty CP Dược Hậu Giang - Ảnh: Hữu Hồng

TS LÊ VĂN TRUYỀN:

TS Lê Văn Truyền - Ảnh: K.S.
“Mặc dù thuốc sản xuất trong nước đã chiếm tỉ lệ khoảng 55% nhưng tỉ lệ thuốc nội sử dụng trong bệnh viện chưa được cải thiện rõ rệt, vẫn chỉ ở mức khoảng 20%. Tỉ lệ này cho thấy công nghiệp dược nội địa chưa có vị thế xứng đáng trong nhóm thuốc kê đơn sử dụng trong các cơ sở điều trị và thuốc trong nước chưa tạo được dấu ấn trong giới y khoa”.

* Chúng ta có trên 300 cơ sở sản xuất, song 90% nguyên liệu phải nhập và nhiều nhà máy vẫn loay hoay với sản xuất thuốc generic. Để khẳng định thương hiệu và vị trí trên thị trường chỉ có vài đơn vị trội bật, làm sao để người bệnh tin dùng sản phẩm thuốc sản xuất trong nước?

- Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, nên việc công nghiệp dược tập trung sản xuất thuốc generic là lẽ đương nhiên. Generic là một bộ phận quan trọng của công nghiệp dược phẩm có tác dụng cung cấp thuốc tốt, giá cả hợp lý nhằm giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho ngân sách y tế, cho quỹ BHYT và chi phí của người bệnh.

Vấn đề cần xem xét là việc sản xuất thuốc generic được tiến hành như thế nào và chất lượng thuốc ra sao. Muốn người bệnh và giới y khoa tin dùng thuốc generic sản xuất trong nước, các doanh nghiệp dược Việt Nam cần phải chứng minh thuốc generic sản xuất trong nước tương đương về chất lượng, đặc biệt là tương đương về mặt sinh học/sinh khả dụng và tác dụng điều trị so với biệt dược. Rất tiếc nhiều doanh nghiệp trong nước chưa tập trung đầu tư vào vấn đề này.

Mặt khác, năng lực các phòng thí nghiệm đánh giá tương đương sinh học/sinh khả dụng chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là lý do để tiến trình đánh giá chậm trễ trong lúc yêu cầu trong nước, yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế đòi hỏi thuốc sản xuất trong nước phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá này. Đối với các thuốc kê đơn, các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam phải có những biện pháp tạo niềm tin cho giới y khoa.

Công nghiệp dược nội địa đã từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế - Ảnh: Hữu Hồng

* Một số đơn vị đi vào sản xuất đông dược, nhưng việc xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu vẫn còn manh mún và khó phát triển dù đây là ý tưởng của ngành dược Việt Nam hơn 30 năm qua. Theo ông, cần đột phá, cởi trói như thế nào?

- Cần tập trung ưu tiên lựa chọn chỉ một số dược liệu quan trọng nhất để thí điểm hình thành vùng nguyên liệu trồng trọt theo “Thực hành trồng trọt tốt” (GAP: Good Agriculture Practices) để kiểm soát chất lượng nguyên liệu cho các nhà máy bào chế thảo dược và cho các cơ sở sản xuất đông dược.

* Với kinh nghiệm gần 50 năm hoạt động trong ngành dược, theo ông, để ngành dược Việt Nam mau chóng phát triển thì điều trọng tâm nhất phải giải quyết hiện nay là gì?

- Sau 15 năm thực hiện “Chính sách quốc gia về thuốc”, ngành dược Việt Nam đã khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, tỉ lệ thuốc sản xuất trong nước tăng lên hằng năm và chắc chắn đạt được mục tiêu 60% vào năm 2010.

Chất lượng thuốc được nâng lên rõ rệt. Người dân được tiếp cận tốt hơn với thuốc trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Công nghiệp dược nội địa từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Điều trọng tâm nhất trong thập kỷ này là phải thực hiện tốt hơn mục tiêu còn lại của chính sách quốc gia về thuốc là: sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Hiệu quả của thuốc cần phải hiểu trên cả hai phương diện: hiệu quả chữa bệnh và hiệu quả kinh tế, có nghĩa là phải giảm được chi phí khám chữa bệnh thông qua việc lựa chọn và sử dụng thuốc.

Để chuẩn bị cho thập kỷ tới, cần kiểm điểm lại quá trình 15 năm thực hiện “Chính sách quốc gia về thuốc”, tập trung trí lực, khơi dậy tâm huyết và mở rộng tầm nhìn để đề ra các giải pháp hiện thực nhằm xây dựng nền công nghiệp dược tương xứng với vị thế của một nước Việt Nam phát triển.

Năm 2009 là năm kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng ngành dược vẫn tăng trưởng đạt hơn 20%, tỉ lệ thuốc giả dưới 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 3%. Về giá thuốc, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm - y tế năm 2009 tăng 3,26% (chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,52%), đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu.

______________



Công nghệ sản xuất thuốc Eugica - Ảnh: Hữu Hồng

 “Những viên thuốc này là để bảo vệ cộng đồng nên khi làm thì phải thật tốt, đảm bảo chất lượng từng viên, không thể ẩu tả. Nếu để người bệnh mua một sản phẩm ẩu tả thì uy tín của công ty sẽ bị ảnh hưởng”.

Thật ấn tượng với doanh thu bán hàng năm 2009 của Dược Hậu Giang đạt 1.745 tỉ đồng, tăng 109% so với kế hoạch và tăng 17,51% so với năm 2008.

Chỉ riêng một mặt hàng Eugica, Dược Hậu Giang đã đạt doanh thu 100 tỉ đồng/năm, chỉ tiêu năm 2010 là 120 tỉ đồng. Các thuốc như Choliver (hỗ trợ điều trị gan mật) làm từ atisô đã xuất sang Đông Âu (Romania, Nga, Ukraine...), sản phẩm Naturen để giải độc cho nạn nhân chất độc da cam làm từ cải trắng, lêkima, gấc, nhộng tầm cũng được nước ngoài ưa chuộng... 

Năm 2009 công ty đã xuất khẩu được 1 triệu USD các sản phẩm loại này. Th.S Duy Khương - giám đốc marketing của công ty - cho biết Eugica là thuốc ho từ thiên nhiên (gồm tần dày lá, gừng, tràm). Tình cờ trong một chuyến đi khảo sát thị trường, chúng tôi phát hiện đó là sản phẩm quý, có tiềm năng phát triển, nên đã huy động CBNV đăng ký trồng tần dày lá, công ty hướng dẫn cách trồng và thu mua, vừa đảm bảo được nguồn nguyên liệu sạch, đạt chất lượng, vừa tăng thu nhập cho nhân viên.

Không chỉ “phủ” thương hiệu Dược Hậu Giang với 34 chi nhánh trải dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hơn 8.000 đại lý trên toàn quốc, sản phẩm của công ty này còn có mặt trong 98% hệ thống bệnh viện đa khoa, đáp ứng 100% nhu cầu các loại thuốc cảm và vitamin, 80% nhu cầu các loại thuốc kháng sinh trên thị trường Việt Nam. Công ty còn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước. Có 88/150 sản phẩm đăng ký ở nước ngoài đã được cấp visa - trong đó 40 sản phẩm thuộc nhóm Hapacol, Eugica, kháng sinh như Haginat, Klamentin... được bán nhiều nhất.

Giám đốc Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga tâm sự: “Hiện các nhà sản xuất thuốc nội đang vấp phải tâm lý sính thuốc ngoại của người tiêu dùng. Điều quan trọng trong điều trị là sử dụng đúng loại thuốc để trị bệnh chứ không phải cứ dùng thuốc ngoại mới khỏi bệnh. Nghiên cứu của chúng tôi tại một bệnh viện quân đội về thuốc nội điều trị cho bệnh nhân đã khẳng định dù giá rẻ chỉ bằng 1/5 nhưng hiệu quả thuốc nội tương đương với thuốc ngoại. Chúng tôi nghiệm ra rằng nếu chỉ khuếch trương thương hiệu công ty nói chung thì không hiệu quả bằng việc tập trung vào một số sản phẩm cụ thể, cứ nói đến sản phẩm ấy là người ta nhớ đến công ty dược của mình. Phải xây dựng cho mỗi sản phẩm có cái hồn của nó mà chúng tôi hay gọi nôm na là hồn thương hiệu. Năm 2010 chỉ 10 thương hiệu chúng tôi đã đạt chỉ tiêu 1.041 tỉ - chiếm 54% tổng doanh số chung của công ty. Đây cũng là quyết định sự thành công của Dược Hậu Giang trong xây dựng thương hiệu Việt Nam. Dĩ nhiên mình phải làm tốt: chất lượng thuốc phải tốt, phải đưa sản phẩm đến từng ngõ ngách. Công ty đã đưa hàng lên Lai Châu, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Cà Mau... hàng đến tận huyện, xã, hàng đi bằng xe, tàu, xuồng chèo, xe ôm... Tôi cho rằng đây là mấu chốt thành công của Dược Hậu Giang. Chúng tôi dùng điểm mạnh này để cạnh tranh với thuốc nước ngoài”.

Vậy đó, từ công nhân, kỹ sư, nhân viên marketing... đến tổng giám đốc (được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động từ năm 2000) - đều làm tất cả chỉ vì cái “hồn thương hiệu” Dược Hậu Giang. Có lẽ nhờ tình yêu ấy mà Dược Hậu Giang đã vững bước trước sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường.

* Để có được những sản phẩm “đặc sản” của Dược Hậu Giang, chị đã đầu tư cho sản xuất thế nào?

- Giám đốc Phạm Thị Việt Nga: Hiện tại Nhà nước đã có chính sách rõ ràng là trích tỉ lệ phần trăm trong lợi nhuận dành cho nghiên cứu. Ví dụ năm 2009 lợi nhuận 411 tỉ đồng, Dược Hậu Giang sẽ trích 41 tỉ (10%) dành cho nghiên cứu khoa học trong năm 2010 và những năm sau. Nếu những năm tới có lãi, chúng tôi sẽ tiếp tục trích và hình thành cái vòng phát triển rất tốt cho nghiên cứu khoa học, thành công do đó sẽ mang lại lợi nhuận và sẽ tiếp tục phát triển.

Vườn dược liệu của ông Viễn - Ảnh: Hải Lê

25 tết năm Canh Dần, ông Nguyễn Thế Viễn - một nông dân trồng cây thuốc ở làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên - lên Hà Nội để chúc tết “đối tác”. “Đối tác” của ông Viễn từ mấy năm nay là một số cán bộ khoa học ở Viện Dược liệu và giám đốc vài công ty dược phẩm lớn.

Vẻ hể hả, ông Viễn kể năm nay làng ông thu hoạch cúc hoa thắng lớn và đang đầu tư vào mô hình sản xuất dược liệu sạch. Làng thuốc Nghĩa Trai đã thu được bình quân 166 triệu đồng/ha đất canh tác, trong khi mơ ước của nông dân VN chỉ là những cánh đồng 50 triệu đồng/ha.

Khi nhà khoa học - nông dân - doanh nghiệp bắt tay

“Khi cộng tác với Viện Dược liệu trồng dược liệu sạch như cúc hoa, bạch chỉ, đương quy, ngưu tất, chúng tôi theo quy trình: đất làm kỹ, dùng phân hữu cơ được ủ mục, nước tưới sạch, môi trường không bị ô nhiễm, kết quả sản phẩm không có dư lượng thuốc trừ sâu, không ô nhiễm kim loại nặng” - ông Viễn kể về mô hình làm ăn mới ở làng mình.

Cây thuốc đang được trồng ở khắp vùng Văn Giang, Khoái Châu, Mễ Sở, tỉnh Hưng Yên. Thay vì thu hái với số lượng hạn chế trên rừng, nay cây thuốc đã thành vườn ở Sa Pa (Lào Cai), Tủa Chùa (Lai Châu) và đang len lỏi vào tận Tây nguyên vì giá trị kinh tế nó mang lại. Ở vườn nhà ông Viễn, cây thuốc được trồng kiểu “mùa nào thức ấy”: mùa xuân ông trồng cây lấy tinh dầu như tía tô, kinh giới; mùa hè trồng hoa hòe, kim ngân; mùa thu trồng hoa cúc... Hoa cúc đắt hơn gạo, 1kg hoa cúc khô có giá 200.000 đồng, đem sản xuất thuốc làm sáng mắt, nhuận gan.

Bà Vũ Thị Thuận - giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, đối tác của ông Viễn - từ mấy năm nay khoe sản lượng dược liệu Traphaco mua từ Nghĩa Trai đang tăng rất mạnh. 

Ngoài cây thuốc nhà trồng, hộ ông Viễn thu gom của bà con xung quanh và bán cho công ty mỗi tháng 10 tấn dược liệu khô. Nhu cầu phát triển sản phẩm và thị hiếu của người dùng khiến bà Thuận nung nấu mong muốn làm mô hình dược liệu sạch cùng Viện Dược liệu và nông dân trồng cây thuốc ở Nghĩa Trai.

“Vấn đề của nông dân là được mùa mất giá, mà được giá lại bán ra thị trường bên ngoài. Giờ doanh nghiệp ký hợp đồng năm năm với nông dân, không bị ép giá, nông dân ổn đầu ra, doanh nghiệp ổn nguyên liệu, đồng thời đặt hàng nghiên cứu. Nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học, ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm như nhau” - bà Thuận nói.

“Đặc sản”

Tiền thân là xưởng sản xuất thuốc đường sắt, cổ phần hóa năm 1999 với tổng vốn chưa đến 10 tỉ đồng. Mười năm sau, doanh thu năm 2009 của Công ty Traphaco đã là 770 tỉ đồng, xếp vào hàng top tính về doanh thu trong số 179 doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước. Năm 2009, Traphaco đã xuất khẩu sản phẩm đông dược sang nhiều nước ASEAN, Đông Âu và Bỉ. Ngoài Traphaco, hiện đang có một số doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước nhằm khai thác thành đặc sản Việt Nam.

Theo tính toán của Cục Quản lý dược, hiện đã có hàng chục doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Dược Hậu Giang, Công ty Imexpharm, Công ty Dược Bình Định, Công ty Dược Phú Yên... có doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu hàng trăm tỉ đồng/năm, thậm chí có doanh nghiệp trong nước đã có doanh thu 1.400 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, doanh thu, lợi nhuận, lượng hàng bán ra... của ngành dược đều chỉ là những con số tương đối. Vấn đề đòi hỏi ngày càng bức bách là chưa có nhiều sáng chế, nghiên cứu thuốc mới, thuốc đặc trị để thật sự bước ra cạnh tranh một cách bình đẳng với thị trường thuốc quốc tế chứ không phải chỉ sản xuất thuốc nhái, thuốc phổ thông giá rẻ vốn đã đầy ắp trên thị trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận