Công nhân trong “cơn bão COVID-19”

Bức tranh việc làm của công nhân thời dịch là những mảng màu phức tạp: một số về quê tránh dịch chưa thể quay lại công ty, thu nhập bị đứt quãng. Một số khác mắc kẹt tại vùng dịch phải nhận hỗ trợ từ gia đình, và rất nhiều lao động đang cầm cự bằng tiền tiết kiệm ít ỏi.

Anh Nguyễn Công Hưng (phải), xóm Đội Cung 2, xã Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tranh thủ thời gian về quê tránh dịch làm lại mảnh vườn sau nhà, chăn nuôi kiếm thu nhập. Ảnh: B.D.

 

Kéo nhau về quê tránh dịch

Trong dòng người lao động ùn ùn hồi hương từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung, các vùng quê nghèo ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa là những nơi có đông các gia đình dắt díu nhau về né dịch nhất. Về rồi, suốt nhiều tháng qua, họ sống ra sao?

“Qua con số cách ly tập trung và cách ly tại gia đình, chúng tôi thống kê khoảng 500 người đi lao động ở TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương... buộc phải về quê tránh dịch đợt này. Từ khi về đến nay, nhiều người chẳng biết làm gì ngoài các việc vặt trong nhà, chăn nuôi, làm ruộng với quy mô nhỏ” - ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND xã miền núi vùng cao Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) cho biết.

Anh Nguyễn Công Hưng, xóm Đội Cung 2, xã Kỳ Sơn, cho biết anh cùng nhóm 10 công nhân xây dựng cùng quê ra Hà Nội làm từ nhiều năm nay.

 Cuối tháng 7, cả nhóm buộc phải đón xe về quê vì Hà Nội có dịch. Từ đó tới nay anh và nhiều người quanh quẩn với mảnh vườn nhỏ, đám ruộng, không biết làm gì thêm.

 “Giờ chỉ mong sao Hà Nội sớm hết dịch để quay lại làm việc kiếm thu nhập” - Hưng nói. Anh Đỗ Xuân Lân, xóm Đội Cung 1, cho biết lâu nay anh làm việc ở một doanh nghiệp dạy lái xe tại TP.HCM. Chị Huyền, vợ anh, làm cho một công ty điện tử. Hai vợ chồng thuê trọ, gửi con cho ông bà để đi làm kiếm tiền về quê mua đất xây nhà. 

Dịch bùng phát, họ lại phải quay về quê. Anh Lân cho biết họ và phía doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn giữ liên lạc, chỉ cần khống chế được dịch là cả hai sẽ vào lại thành phố. 

Cuối tháng 7, trong dòng người kéo nhau từ phía Nam về miền Trung tránh dịch, chúng tôi gặp nhiều người ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn (Nghệ An), Hoằng Hóa, Như Thanh (Thanh Hóa), Quảng Ninh (Quảng Bình)...

Ngày 12-9, khi liên lạc với những lao động này, chúng tôi nhận được câu trả lời chung: tất cả đang sống dựa vào gia đình ở quê, chờ đợi dịch hết để quay trở lại làm việc.

Nhưng Bùi Thu Hương - một công nhân lâu năm ở Khu công nghiệp (KCN) Vsip, Bắc Ninh - đợt dịch lần này đã nghỉ hẳn. Dù làm ở vị trí trợ lý của một dây chuyền sản xuất nhưng việc làm đợt nhiều đợt ít, chị về quê cả tháng nay chỉ ở nhà trông con chưa có việc gì để làm. 

Chồng chị làm nhân viên điện nước ở Hà Nội cũng đang nghỉ, hai vợ chồng đang sống cùng ông bà nội. Ở quê (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) chỉ có đồi núi, ruộng ít, chủ yếu trồng sắn, rau màu. Hương muốn làm vườn cũng phải đợi hết vụ người thuê mới trả đất, hoặc phải khai khẩn lại ruộng vườn bỏ hoang lâu ngày.

Xoay Xở để sinh nhai

Phải nghỉ việc khi dịch bùng phát dữ dội ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, vợ chồng Giàng A Phùa trở về quê nghèo và tới giờ vẫn chưa có nguồn thu nhập nào. 

Ngày trở lại công ty vẫn còn rất xa... Đều là công nhân thời vụ, dịch bùng phát khiến cả hai vợ chồng Phùa phải nghỉ việc không lương và cách ly tại phòng trọ. Vợ của Phùa lại đúng kỳ sinh con thứ 2 nên khó khăn càng nhân lên, đến mức ngày đưa vợ vào viện hạ sinh, họ chỉ còn 2kg gạo và vài trăm ngàn đồng. 

Chủ phòng trọ cho Phùa 500.000 đồng để đưa vợ đi sanh, sau được nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng trong thời gian cách ly. Hết cách ly, Phùa đưa vợ con về quê tránh dịch. “Về quê còn có rau cỏ, ở lại thì tôi không còn đồng tiền nào, vợ đói ăn sẽ không có sữa cho con bú” - Phùa nói.

Nhưng về quê rồi, họ vẫn gian nan. Tới nay đã hơn 2 tháng về quê Sìn Hồ, Phong Thổ, Lai Châu, vợ chồng Phùa ăn chưa đủ bữa. Bữa cơm đủ chất cho vợ ở cữ, Phùa cũng không thể lo được đầy đủ.

 “Lúa đến cuối tháng mới được gặt, tôi có trồng được một ít thảo dược nhưng chưa bán được. Từ hôm về vẫn chưa làm gì ra tiền” - anh buồn rầu. Ông bà nội ngoại đều khó khăn và ở xa. Con gái đi học mẫu giáo hết hơn 200.000 đồng học phí, Phùa cũng phải vay tiền. 

Công nhân Bùi Thu Hương ở Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa về quê phụ giúp gia đình thu hoạch lúa và cây thuốc. Ảnh: C.T.V

 

Nay tình hình dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đã ổn, Phùa chỉ muốn đi làm nhưng xe khách chưa có chuyến nào chạy. “Không biết khi nào mới có xe, tôi mong đi làm quá” - Phùa thở dài.

Anh Nguyễn Văn Tâm, ở Giồng Trôm, Bến Tre, là lao động chính trong nhà. “Trước đây tôi làm công nhân bao bì ở Bình Dương, lương mỗi tháng cộng thêm phụ cấp được gần 10 triệu đồng. Giữa tháng 7-2021, khi dịch bùng phát, công ty cho nghỉ việc nên tôi về quê và bị kẹt đến nay” - anh Tâm nói. 

Nhà anh có hơn 3 công (hơn 3.000m2) vườn dừa nhưng dịch bệnh nên dừa không bán được. Mọi nguồn thu nhập đều bị mất đột ngột, cuộc sống của cả gia đình lâm vào khốn khó. Hiện anh sống bằng nghề cắt tóc dạo, giá 20.000 đồng/lần nhưng ngày có khách ngày không.

Những người kẹt ở tâm dịch

Bùi Thị Dền và chồng làm công nhân may tại một nhà máy ở KCN Vsip (Bắc Ninh). Hơn 15 ngày nay, họ nghỉ làm, ở phòng trọ thực hiện giãn cách xã hội vì công ty may của họ đang tạm dừng hoạt động vì dịch. Cả hai không thể về quê Thái Nguyên vì không có chuyến xe khách nào được chạy giữa hai tỉnh. 

“Vợ chồng tôi phải nghỉ mấy đợt vì dịch rồi” - chị nói. Cả hai còn may mắn vì có lương cơ bản, hơn 4 triệu đồng/người, điều mà nhiều công nhân khác do làm thời vụ nên không có.

Cũng mắc kẹt tại phòng trọ, Bùi Thị Thi, quê ở Hòa Bình, đã làm lâu năm tại KCN Vsip và vẫn đang chờ công ty thông báo xem chị có được hưởng tiền lương cơ bản hay không.

 Chị lo lắng, nếu không có lương mà vẫn kẹt lại phòng trọ thì khó trụ được lâu. Ở quê chị còn hai con đang học cấp II, chị không về được quê mà tiền cũng chưa có để gửi về.

Sau khi mắc kẹt ở phòng trọ hơn 1 tháng, Nguyễn Thị Thu, công nhân thời vụ tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã phải về quê vì không thể cầm cự cho đến khi có việc làm. Vì là công nhân thời vụ nên việc làm vốn đã bấp bênh, mùa dịch càng khó khăn hơn.

“Nếu dịch không bùng phát chắc tôi đã được ký hợp đồng dài hạn rồi. Một số công ty có ca F0 nên họ không tuyển nữa” - Thu buồn rầu. 

Mới nghỉ việc, Thu ở lại phòng trọ với hy vọng sẽ có việc làm thời vụ, nhưng việc làm không có lại gặp đợt giãn cách ở yên một chỗ. Hết đợt giãn cách tại khu dân cư ở trọ, Thu chỉ còn cách tìm đường về quê Yên Bái. Nếu ở lại sẽ không đủ tiền cầm cự vì giá cả sinh hoạt đều tăng.

Chị Bùi Thị Hà (quê Tiền Giang) làm công nhân tại một KCN ở TP.HCM. Vừa làm được một thời gian thì công ty có người mắc COVID-19. Ban đầu công ty hoạt động “3 tại chỗ”, chị đăng ký ở lại làm nhưng khi dịch bùng phát, công ty đóng cửa, chị phải ở yên trong nhà trọ hơn 2 tháng nay.

 “Cũng may lâu lâu có đoàn cứu trợ, xin được bó rau, ký gạo cầm cự qua ngày nên cũng đỡ. Tôi đang nhờ người nhà dưới quê vay mượn gửi lên đây vài triệu để sinh sống” - chị nói.

Người lao động đưa gia đình về quê trong ngày 11-9 tại bến xe Miền Tây - Ảnh: VŨ THỦY

 

Những người không quay lại

Đầu tháng 9, những chuyến xe đưa người dân từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, miền Trung tiếp nối nhau. Tại Bến xe Miền Tây sáng 11-9, một hãng xe tổ chức gần 40 chuyến xe đưa hơn 700 người dân các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đồng Tháp về quê tránh dịch. 

Trong đó phần đông là công nhân, lao động tại các nhà máy, xí nghiệp. Họ không thể tiếp tục trụ lại thành phố sau nhiều tháng nhà máy đóng cửa. Dù đã bắt đầu có thông tin thành phố sẽ mở cửa lại một phần, họ vẫn quyết định về quê. 

“Vợ chồng tôi tính về quê rồi ở lại tìm việc chứ không quay lại thành phố nữa. Giờ chỉ muốn làm gần nhà cho con cái đi học, có ông bà giữ giùm để vợ chồng đi làm” - chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (25 tuổi, quê Bạc Liêu) vừa bồng con lên xe vừa kể. Lần về quê này cả nhà chị có 5 người: 2 vợ chồng chị, 2 đứa con và bà nội. 

“Vợ chồng tôi đều là công nhân may, lên thành phố mấy năm rồi. Hơn hai tháng qua thất nghiệp, không còn tiền bạc nữa. Ở quê cũng có nhà máy, lương không bằng ở đây nhưng gần cha mẹ. Bà nội không phải lên đây ở nhà trọ chật chội giữ cháu nữa” - chị Tiên chia sẻ. 

Đã quyết về quê luôn nên có bao nhiêu đồ đạc, họ gói ghém đem theo cả, từ mùng mền đến cái quạt điện, bình nước nóng...

Vợ chồng chị Tiên chỉ là 2 trong số nhiều công nhân trên những chuyến xe về quê này. Nhiều người khác cũng quyết định “về quê rồi ở lại”. Xách chiếc quạt điện và hai cái vali nặng, anh Nguyễn Thái Dương (28 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết vợ chồng anh và hai đứa con sẽ về quê và ở lại tìm việc làm.

“Hai vợ chồng làm công nhân may ở đây 2 năm rồi. Công ty cũng chưa biết khi nào gọi đi làm nên có muốn chờ cũng không chờ được nữa. Vợ tôi mới sanh bé thứ 2 được 6 ngày. Nhưng chúng tôi chờ có xe về quê lâu rồi mà nay mới có nên vẫn quyết định về luôn” - anh Dương kể.

Mang thai ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, chị Võ Thị Diễm Hương (29 tuổi, quê Bạc Liêu) cũng quyết định về quê sanh em bé và tìm việc làm ở quê. 

“Vợ chồng em lên thành phố làm công nhân cũng 4 - 5 năm rồi. Mấy tháng qua cũng ráng chờ đi làm lại để có tiền sanh em bé mà dịch lây lất hết tháng này qua tháng khác. Về quê sanh có cha mẹ đỡ đần. Giờ thành phố cũng không biết khi nào mới hết dịch nên vợ chồng em cũng chưa tính đường trở lên” - chị Hương tâm sự.

Chị Trần Thị Kim Thanh, quê Giồng Trôm, Bến Tre, là nhân viên trực điện thoại cho một công ty ở quận 7, TP.HCM, lương 7 triệu đồng/tháng. Trong một lần về quê giải quyết công việc gia đình thì dịch COVID-19 bùng phát.

“Ban đầu tôi cũng lưỡng lự có nên quay lại TP.HCM hay ở lại quê nhưng cuối cùng tôi chọn ở quê. Hằng ngày tôi và chồng tôi đi lấy cá biển, rau củ về bán, vừa bán tại chỗ vừa rao hàng online” - chị Thanh nói.

Kế hoạch giải quyết việc làm cho người ở lại quê

Ông Phạm Thanh Hùng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bến Tre, cho biết trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, sở đã phối hợp với ngành chức năng tại TP.HCM tổ chức đón 1.164 công dân từ TP.HCM về quê. Trước làn sóng người dân đổ về quê và có khả năng ở lại làm việc, sở sẽ nắm bắt tình hình và sắp xếp cho trung tâm giới thiệu việc làm hoạt động trở lại để giải quyết việc làm cho người lao động.

Hiện Bến Tre có 2 KCN đang giải quyết việc làm tại chỗ cho khoảng 35.000 lao động, 1 KCN khác tại huyện Bình Đại sắp hoạt động có thể nhận hàng ngàn lao động mới.

Là huyện có số lao động làm việc tại các KCN trong và ngoài tỉnh lớn, với tổng số 93.587 lao động, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đang lo lắng khi 5.567 lao động trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài ra huyện còn có 15.246 lao động ở các địa phương khác đến làm việc.

“Lao động ở quê sống dựa vào việc trồng trọt của gia đình, không đem lại thu nhập ổn định. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ gây áp lực lên đời sống người dân trong huyện”, ông Nguyễn Quốc Huy, phó Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết. Tỉnh dự kiến giải quyết nguồn lao động địa phương sau dịch qua đào tạo nghề ngắn hạn từ 3 tháng cho lao động, tiếp nhận thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp gửi đến địa phương, và đề nghị ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn để người lao động ở quê tự làm ăn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận