COVID-19 và năng lực phục hồi của nền kinh tế

BÙI THỊ MINH HỒNG (*) 18/08/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã gây ra mối đe dọa chưa từng có với hoạt động của hệ thống kinh tế - xã hội toàn cầu. Cuộc khủng hoảng y tế đã kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội lâu dài hơn.

 
 Ảnh: ft.com

 Các biện pháp nghiêm ngặt, gồm lệnh hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội, mà nhiều chính phủ đã phải lập tức đưa ra đã khiến GDP các nước giảm mạnh. Trong đó, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu trong hơn một năm qua là cực kỳ nặng nề và sâu đậm. Các doanh nghiệp này rất dễ tổn thương trước sự gián đoạn thị trường, chuỗi cung ứng và sự thay đổi đột ngột sang giao dịch không tiếp xúc. 

Theo hơn 180 cuộc khảo sát ở các nước OECD, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, 70 - 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiệt hại khoảng 30 - 40% doanh thu. 

Thương mại bán lẻ, vận tải, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ chuyên nghiệp và cá nhân bị tấn công nặng nề nhất. Chương trình theo dõi vận động của Google and Apple đầu năm 2021 cho thấy lượng người đến các trung tâm bán lẻ và giải trí giảm hơn 50% trong khối OECD kể từ khi đại dịch nổ ra.

Và điều này diễn ra khi mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu cả năng lực thích ứng do những hạn chế trong hoạt động, thiếu hụt kỹ năng và sự chậm trễ trong công nghệ hóa, nên thiệt hại càng lớn, dẫn tới phá sản hàng loạt.

Nhiều quốc gia đã có quyết sách kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Chẳng hạn, Chính phủ Mexico kết hợp một số doanh nghiệp tư nhân đưa ra sáng kiến thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng giao hàng/chuyển phát nhanh. Nước Úc đưa ra gói cứu trợ giáo dục đại học giúp các trường đại học và nhân viên bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại.

Và nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục. Theo báo cáo của OECD, sản lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 5,8% năm 2021 sau khi đã giảm vào năm 2020. Nhiều nền kinh tế thế giới dự kiến trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2022, trong đó có Việt Nam.

 
 Trung tâm kinh tế sôi động TP.HCM nay im ắng vì dịch bệnh. Ảnh: N.C.T.

 Tăng khả năng phục hồi kinh doanh qua công nghệ số

Các hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro thường tập trung vào dự đoán và giảm thiểu rủi ro trước khi chúng đe dọa đến hệ thống hiện hữu. Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn và chống chọi với những rủi ro thông thường có thể không đủ trong việc xử lý những khủng hoảng lớn như đại dịch COVID-19.

Một cách tiếp cận khác là chú trọng vào khả năng phục hồi trong tính chất không thể đoán trước và không thể tránh khỏi của những gián đoạn lớn. Năng lực tự phục hồi của mỗi nền kinh tế sau những biến cố như thế này, nếu đủ mạnh, không chỉ cho phép trở lại mức trước dịch mà thậm chí còn “bật lên phía trước”, nắm bắt các cơ hội mới hay chuyển đổi được hệ thống sau khủng hoảng.

Chính phủ nhiều nước đã tận dụng cơ hội này để hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi số. Chính phủ Ireland phát hành “Phiếu giao dịch kỹ thuật số trực tuyến”. Các doanh nghiệp có thể nhận được khoản hỗ trợ lên đến 2.500 euro để thanh toán các khóa đào tạo về giao dịch trực tuyến như phát triển web, tiếp thị số hoặc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.

Bộ Kinh tế và kỹ thuật số Áo ra mắt “Sáng kiến kỹ thuật số”, trong đó các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ nhận tiền của chính phủ để cung cấp dịch vụ số miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ít nhất ba tháng.

Pháp kêu gọi các công ty kỹ thuật số lớn cung cấp quyền tiếp cận các dịch vụ của họ miễn phí hoặc giảm giá để các chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh tiếp tục hoặc nối lại kinh doanh.

Hàn Quốc cũng có các chính sách tương tự để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được thử nghiệm công nghệ số với chi phí thấp.

Với doanh nghiệp, năng lực phục hồi có nghĩa là sự linh hoạt thích ứng với sự gián đoạn để tiếp tục hoạt động. Công nghệ số là công cụ hữu hiệu. Sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển của các mô hình dịch vụ kỹ thuật số mở ra cho doanh nghiệp nhỏ khả năng tiếp cận nâng cao với các công cụ kinh doanh, cho phép họ thích ứng nhanh chóng với hoạt động trong thời kỳ khủng hoảng mà không cần đầu tư trả trước lớn.

Lấy ví dụ, điện toán đám mây và ứng dụng trên điện toán đám mây là những công nghệ cho phép làm giảm rào cản với việc áp dụng các ứng dụng và công cụ kỹ thuật số khác. Các dịch vụ kỹ thuật số và nền tảng trực tuyến cung cấp các cách thức kinh doanh thay thế cho doanh nghiệp để khai thác thị trường tiêu dùng trực tuyến với chi phí tương đối thấp.

Một giải pháp khác là cải thiện năng lực làm việc từ xa. Trong đại dịch, các phương thức làm việc từ xa không còn là một lựa chọn mà đã trở nên cần thiết để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục. Công cụ truy cập từ xa, phần mềm hội nghị truyền hình và hỗ trợ chữ ký điện tử là một số ví dụ về các giải pháp kỹ thuật số cho phép hoạt động kinh doanh từ xa và không tốn nhiều giấy tờ.

Các phương pháp kỹ thuật số học được trong thời kỳ khủng hoảng sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, thích ứng với những gián đoạn trong tương lai, chẳng hạn như thiên tai. Để làm được điều này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần số hóa để có thể đáp ứng những thay đổi dài hạn.

Các nghiên cứu của Accenture, McKinsey hay KPMG trong năm 2020 đã chỉ ra rằng người tiêu dùng đã tích cực thử nghiệm và sử dụng dịch vụ kỹ thuật số trong đại dịch COVID-19. Xu hướng này đang gia tăng và thói quen mua hàng trực tuyến sau COVID-19 vẫn tiếp tục. Ví dụ, tháng 3-2020 Chính phủ Chile đã thay đổi luật lao động để đưa vào các yếu tố làm việc từ xa, mang tới sự linh hoạt cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Luật mới đảm bảo quyền của nhân viên được ngắt kết nối 12 giờ mỗi ngày.

Số hóa các dịch vụ công

Nhà nước cũng có thể tận dụng quãng thời gian giãn cách này để đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa chính quyền, trước mắt là các dịch vụ công thiết yếu.

Trong đại dịch, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đẩy mạnh việc này để giảm bớt gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp. Trước đại dịch, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc và 11 cơ quan trực thuộc đã duy trì 36 hệ thống cổng trực tuyến để thông báo và tiếp nhận thông tin cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về quan hệ với khu vực công, R&D và tiếp thị.

Ban đầu các hệ thống dịch vụ công vận hành riêng biệt, khiến người dùng phải đăng ký trên nhiều hệ thống. Để giảm sự bất tiện này, bộ này bắt đầu cung cấp cổng thông tin trực tuyến chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ tháng 8-2020 để tổng hợp thông tin trên cả 36 hệ thống. 

Hình thức “một cửa một dấu” online này hoạt động theo nguyên tắc “một lần duy nhất”, thông tin về người dùng được yêu cầu chỉ một lần và được chia sẻ giữa các dịch vụ hành chính. Cổng thông tin này đã cho phép doanh nghiệp truy cập thông tin và hỗ trợ của chính phủ với một ID duy nhất.

Các nỗ lực số hóa còn bao gồm tự động hóa các quy trình hành chính đang được tiến hành ở rất nhiều nước trên thế giới. Các cơ quan công quyền đã bắt đầu tìm hiểu những hệ thống dựa trên AI để tăng cường khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu và cho phép tương tác ít tiếp xúc với doanh nghiệp.

Ví dụ, Korea Technology Finance Corporation - tập đoàn chuyên hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ - đã tạo ra hệ thống đánh giá công nghệ dựa trên AI. Họ đang sử dụng hệ thống này để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ nhiều tiềm năng nhưng thiếu nguồn lực.

Việc sử dụng chatbot - dịch vụ trò chuyện tự động - là một ví dụ khác về việc chính phủ sử dụng AI. Qua giao tiếp với chatbot, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin về các chương trình của chính phủ liên quan đến doanh nghiệp của họ và đặt các câu hỏi cơ bản 24/7, trong khi biên chế nhà nước không cần phải tăng.

Những trải nghiệm với dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể giải quyết nhiều thủ tục, giấy tờ hành chính bằng cách đăng ký qua mạng mà không cần phải gặp cán bộ, nhân viên công quyền. Cải cách hành chính này là cực kỳ quan trọng, bởi nó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tham gia, đóng góp cho thị trường cũng như nền kinh tế, giảm bớt nhũng nhiễu từng làm nản lòng nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp. ■

(*) PGS.TS Đại học Bath (Vương quốc Anh), giám đốc Mạng lưới giáo dục AVSE Global.

Phục hồi ở Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đã không tăng trưởng vượt trội trở lại như mong đợi sau khi kiềm chế được COVID-19, một dấu hiệu cảnh báo cho cả nền kinh tế toàn cầu.

Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phải cho phép các ngân hàng thương mại giảm lượng tiền mặt dự trữ để thúc đẩy cho vay. Bloomberg thăm dò các kinh tế gia toàn cầu và họ dự báo kinh tế Trung Quốc trong quý 2-2021 dự kiến tăng trưởng 8%, so với mức kỷ lục 18,3% vào quý 1. Các chỉ số chính như doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đều chỉ ở mức trung bình.

“Chắc chắn việc Trung Quốc hiện chậm lại có ảnh hưởng lớn hơn với kinh tế toàn cầu so với 5 năm trước” - Rob Subbaraman, giám đốc nghiên cứu thị trường toàn cầu của Hãng tài chính Nhật Bản Nomura Holdings Inc, nói.

Phục hồi ở Mỹ

Sự phục hồi của kinh tế Mỹ, trong khi đó, là “chưa từng thấy trong lịch sử gần đây”, theo The Wall Street Journal, được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng đang có trong tay hàng nghìn tỉ đôla tiền tiết kiệm tăng thêm.

Tỉ lệ người lao động chủ động thôi việc (thường là để làm việc khác tốt hơn) - một chỉ dấu về sự tự tin của thị trường lao động - đang ở mức cao nhất kể từ năm 2000. Nợ của hộ gia đình Mỹ cũng đang ở gần mức thấp nhất kể từ năm 1980, khi chỉ số này lần đầu được ghi nhận. Các thị trường chứng khoán chính cũng tăng trưởng rầm rộ: Dow Jones tăng gần 18% so với mức đỉnh trước dịch (tháng 2-2020).

Sự phục hồi mạnh mẽ này của kinh tế Mỹ cũng đã gây ra vấn đề: thiếu thốn hàng hóa, nguyên liệu thô và lao động, dẫn tới lạm phát. “Chúng ta chưa bao giờ thấy điều gì như thế này: một sự sụp đổ rồi bùng lên lại gần như ngay lập tức - Allen Sinai, kinh tế gia trưởng của Decision Economics, Inc, nói - Điều này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”.

Giới chuyên gia dự báo quy mô của nền kinh tế Mỹ sẽ vượt mức trước dịch trong quý 3-2021, với mức tăng GDP trở lại như thể đại dịch chưa bao giờ xảy ra. Khác với các đợt suy thoái trước, khi sức cầu yếu dẫn tới tình trạng thất nghiệp cao kéo dài nhiều năm, lần này thị trường lao động đã bật lại gần như ngay lập tức. Việc dân Mỹ tiêm vắc xin đại trà cũng giúp các hãng xưởng tuyển lao động dễ dàng hơn. Một kịch bản phục hồi hình chữ V đang là hiện thực tính tới giờ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận