"Cụ Lý" nhìn ra thế giới

LÊ THÙY GIANG 15/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - “Triều Tiên - trò lừa thế kỷ; Nhật Bản - thái độ hẹp hòi, cực đoan; tướng lĩnh Myanmar - rất cứng đầu...”.

 

 

Ai, ai, ai? Ai mà dám lớn tiếng thế?

Dạ, cụ Lý ạ.

Cụ Lý nào?

Dạ, cụ Lý Quang Diệu ạ.

À, thế à, thế thì không sao, thế thì được. Nói thẳng nói thật thế thì đúng là Lý Quang Diệu, chứ ai mà dám. Và vì cụ có bao giờ nói suông mà không phân tích sắc sảo, thuyết phục bao giờ.

Đừng ngạc nhiên quá vì những câu nói “bạo miệng” đó. Bởi với Ông già nhìn ra thế giới (*), ta sẽ còn bất ngờ nhiều nữa trước những suy nghĩ của chính trị gia lão niên này.

Cuốn sách gồm 11 chương là một bản tổng kết quan điểm riêng của Lý Quang Diệu về đủ mọi khu vực từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu đến Đông Nam Á và Trung Đông, từ vấn đề dân số, chính trị đến kinh tế toàn cầu, năng lượng và biến đổi khí hậu...

Ông bàn về thế giới, trả lời đủ kiểu thắc mắc ngầm: Ông nghĩ gì về Việt Nam? Vì sao công chức, bộ trưởng ở Singapore được trả lương cao thế? Cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ trong 20, 30 năm tới thế nào trong mắt ông? Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ gồm những yếu tố gì?

Châu Âu có đang lâm nguy? Trọng tâm của nền kinh tế thế giới đã thay đổi hẳn từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương như thế nào? Một nước Thái Lan sau Thaksin sẽ đi về đâu?... Đôi khi câu trả lời của ông không dễ chịu như ta muốn, cũng chẳng làm ta thỏa mãn, nhưng ít nhất nó sẽ khiến ta suy ngẫm.

Vượt ra ngoài kỳ vọng của độc giả, Lý Quang Diệu đưa ra những luận điểm lạ lẫm và nói những điều không ai dám nói. Chẳng hạn khi bàn đến Ấn Độ, ông nói rằng không thể đem so sánh Ấn Độ và Trung Quốc, dù đây đều là hai quốc gia rộng lớn với dân số hơn 1 tỉ người.

Vì Trung Quốc là một thể thống nhất và họ dám mạnh tay khi làm luật, “chỉ có người Trung Quốc mới có thể ép một phụ nữ phá thai bảy tháng vì chưa được phép của chính quyền”, còn một bên là Ấn Độ “đến luật lệ còn không đề ra, huống chi là thi hành chúng”.

Hay khi ông dùng di truyền học để phân tích vì sao hệ thống đẳng cấp là một trở ngại của Ấn Độ: là bởi hệ thống đẳng cấp “khóa chặt nguồn gen trong từng đẳng cấp, khiến theo thời gian trí tuệ người dân sẽ bị thu hẹp”.

Hoặc một ví dụ khác là Nhật Bản khó giải quyết vấn đề dân số của mình, do sự cực đoan trong thái độ hẹp hòi phải giữ cho dòng máu thuần nhất của họ. Những quan điểm này, dù gây tranh cãi nhưng khá mới mẻ, cho thấy sự hiểu biết sâu rộng của một chính trị gia lão luyện.

Lý Quang Diệu luôn được đánh giá cao về tư tưởng đề cao phụ nữ và giáo dục phụ nữ. Một lần nữa, tư tưởng đó lại được thể hiện rõ trong Ông già nhìn ra thế giới.

Để giải quyết vấn đề dân số thế giới tăng nhanh, ông nói thẳng: “Làm sao chúng ta có thể chấm dứt sự gia tăng dân số không ngừng này? Chìa khóa nằm ở việc giáo dục phụ nữ, khiến họ muốn có ít con hơn. Càng sớm làm được điều này, chúng ta sẽ càng sớm có được một thế giới ít đông đúc”.

Và ông lý giải sự chậm phát triển của khu vực Trung Đông: “Đơn giản là vì họ luôn luôn kìm hãm phụ nữ... Những phụ nữ ít học sẽ nuôi dạy nên những đứa con ít học. Trái lại, một thế hệ những người mẹ có học thức chắc chắn nuôi dạy nên một thế hệ trẻ có nhân sinh quan và thế giới quan khác biệt”.

Dĩ nhiên, phần quan trọng là mối quan tâm thường trực của ông Lý dành cho Singapore, ám ảnh về sự tồn tại của đất nước nhỏ bé: “Trong 100 năm nữa, liệu Singapore còn tồn tại? Tôi không chắc lắm”.

Với Lý Quang Diệu, đất nước ông đang đứng giữa ngã ba đường: những đòi hỏi của người trẻ đối với nền chính trị, tỉ lệ sinh thấp và cái khó trong việc nhận người nhập cư, kinh tế phụ thuộc vào thế giới. Nhưng ông có còn muốn can thiệp? Không. “Tôi đã 89 tuổi. Liệu tôi còn phải lo thế giới sẽ diệt vong?” - ông già đã đặt đất nước vào tay thế hệ trẻ.

Mỗi chương trong Ông già nhìn ra thế giới được mở đầu bằng một cụm từ gây tò mò hay đầy tranh cãi. Ông già Lý không ngại “kể xấu” bất kỳ quốc gia nào nhưng bằng một cách kể luôn hấp dẫn, lôi cuốn và thấu tình đạt lý.

Cuối mỗi chương là một phần phỏng vấn ngắn, cho thấy ông là người không e ngại tranh luận. Lord Charles Powell, thư ký riêng cho thủ tướng Anh Margaret Thatcher, từng nhận xét: “Lý Quang Diệu không bao giờ né tránh các vấn đề, mà luôn đối đầu trực diện với chúng, không ngại gọi đích danh chúng”.

Bên cạnh những khảo luận hết sức nghiêm túc, Lý Quang Diệu còn có cách làm cho độc giả vui thích với những chi tiết nho nhỏ, như việc ông chuẩn bị một cái ống nhổ cho Đặng Tiểu Bình, hay khi ông so sánh tình hình dân số của Singapore với nguy cơ tuyệt chủng của loài gấu trúc, hay cái tính tằn tiện của người châu Á “nghèo khổ quá lâu, tới mức giờ để dành được ít tiền là lo gửi ngay vào ngân hàng hay giấu dưới gối”.

Những ai yêu mến Lý Quang Diệu hẳn sẽ rất vui khi cuốn sách hé mở đôi chút về đời sống riêng của ông, cũng như cách ông chuẩn bị để giã biệt thế giới trong chương “Đời sống riêng”, cùng rất nhiều hình ảnh ông chụp cùng vợ con và một Lý Quang Diệu đang yêu say đắm năm 1946.

Dù yêu hay ghét Lý Quang Diệu cũng khó mà phớt lờ ông được. Joseph S. Nye, tác giả cuốn sách nổi tiếng Tương lai quyền lực, kết luận: “Người Mỹ, người Trung Quốc và mọi dân tộc khác đều được lợi khi lưu tâm đến quan điểm của Lý Quang Diệu về thế giới”.

(*): Ông già nhìn ra thế giới, NXB Trẻ, 2017

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận