Cùng chạy với Pat Farmer

ĐẠO DIỄN LÊ QUÝ DƯƠNG 13/01/2013 01:01 GMT+7

TTCT - Chắc chắn nhân loại chúng ta sẽ có rất ít người được sống trong cảm giác đặt chân vào điểm km thứ 2.000 sau hơn 20 ngày chạy bộ liên tục, mỗi ngày bình quân 70km. Cảm giác ấy đến với Pat Farmer ngày 6-1-2013 trên gần địa phận giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Pat được các bạn trẻ và Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình chào đón khi trên đường chạy qua - Ảnh: Mai Trâm

Rất nhiều người đã cùng chạy với Pat ở từng chặng, nhưng không có ai chạy được liên tục 2.000km như ông. 

Riêng chúng tôi, hơn 30 thành viên của chương trình marathon “Nối liền một dải Việt Nam”, cả người Úc lẫn người Việt, cả người có hai dòng máu, người Việt ở nơi xa trở về tham gia chạy trên mảnh đất quê hương đều có chung một cảm giác: đó là niềm hạnh phúc được góp phần biến giấc mơ nối liền một dải giang sơn tại km cuối cùng ở đất mũi Cà Mau.

Thích những con đường ít bằng phẳng

Tôi đứng với Pat ở điểm km 2.000 và cố nhớ lại thật nhanh trong tâm trí những hình ảnh và cảm xúc đã lắng sâu trong tôi suốt hành trình đã vượt qua.

Từ km số 0 ở mũi Sa Vỹ, Trà Cổ, lồng lộng gió, một vùng than Quảng Ninh bụi nhuộm đen từng ngọn cỏ, từng kẽ lá, vậy mà làn da, nụ cười cô gái vùng than vẫn trắng tinh khôi. Vịnh Hạ Long bồng bềnh núi, bồng bềnh sóng, bồng bềnh những cánh buồm làm cho những bước chân người chạy như lạc vào trong một kiệt tác sơn thủy hữu tình. 

Rồi Hải Dương, Hưng Yên, hương bánh đậu xanh tan hòa với vị trà mạn nóng bỏng, chát ngọt, mới thấy thấm hơn cái tình mộc mạc của những nụ cười, những bàn tay vẫy của người già, người trẻ bên đường hướng theo những người chạy qua.

Hà Nội se lạnh sáng mùa đông cho tôi lần đầu tiên chạy một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Thành phố quê hương tôi, thành phố của biết bao thăng trầm và kỳ tích. Bao năm đã lớn lên, đã bôn ba xa cách khắp bốn phương trời, giờ về đây chạy bên từng kỷ niệm năm nào còn níu theo mỗi bước chân. 

Pat đã rất hưng phấn khi được chạy một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm trước khi xuôi theo đường Bà Triệu, ra Đại Cồ Việt, rẽ vào đường Giải Phóng, rồi hướng về phía Nam.

Rồi Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa. Từng bước chân người như được những huyền thoại của một vùng danh thắng và di tích dắt dẫn. Từ Hoa Lư tới Thành nhà Hồ. Lễ xuất phát tại Thanh Hóa được tổ chức trang trọng ngay dưới chân tượng đài Lê Lợi. 

Pat đã làm hơn 200 học sinh và 50 vận động viên điền kinh trẻ xứ Thanh ngạc nhiên khi ông chia sẻ trước giờ xuất phát: “Bàn tay của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đang chỉ xuống mảnh đất nơi các bạn đang đứng để nhắn nhủ rằng mảnh đất này sẽ mãi mãi thuộc về các bạn”.

Từ tượng đài Bác Hồ ở trung tâm thành phố Vinh, sau giờ phút dâng hoa và báo công lên Bác, chương trình “Nối liền một dải Việt Nam” đã chạy xuôi theo quốc lộ 1 vào Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi Quảng Trị. 

Bên dòng sông Nhật Lệ với tượng đài Mẹ Suốt, tôi kể cho Pat nghe huyền thoại của bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chèo đò dưới mưa bom bão đạn ngày đêm chở những chiến sĩ trẻ qua sông trong những năm tháng chiến tranh. Pat Farmer lặng im nhìn dòng sông giờ thanh bình như một dải lụa xanh ngắt như cố giấu đi những cảm xúc cho riêng mình.

Đêm ấy, hơn 30 thành viên trong đoàn đã ăn tối bên bờ sông. Dòng sông thì thầm sóng như đang kể cho chúng tôi nghe những vui buồn đã thành cổ tích.

Chạy tới Quảng Trị, tôi đã dừng hẳn lại giữa đường để xoay người đủ một vòng 360 độ, hướng ánh nhìn vào bầu trời lồng lộng để cố hình dung ra một thời chiến tranh, nơi đây đã từng là một túi bom bị B52 cày đi xới lại. 

Khi qua đài tưởng niệm tiểu đội Nam Quốc Cang bên bờ sông Thạch Hãn, từ trên cầu tôi định nói với Pat về “tất cả các dòng sông đều chảy” như bộ phim rất hay của điện ảnh Úc. Riêng dòng sông Thạch Hãn này, thời chiến tranh, đã dường như phải ngừng chảy vì bom đạn và hi sinh...

Nhưng tôi đã dừng lại không nói điều đó với Pat bởi vì hôm nay, trước mắt tôi, bầu trời Quảng Trị lồng lộng gió và dòng sông Thạch Hãn lung linh nắng thanh bình, rắc ánh vàng rực rỡ trên những lớp sóng lăn tăn xuôi về biển rộng.

Lễ xuất phát từ Huế diễn ra ngay dưới chân cầu Trường Tiền. Huyền thoại sông Hương làm Pat thật sự choáng ngợp và luôn miệng nói phải quay trở lại với dòng sông này. 

Chúng tôi đã chạy trên những nẻo đường xứ Huế, một bên là thành quách và Kỳ đài cổ kính, một bên là sông Hương êm đềm, sâu lắng. Cầu Trường Tiền nối hai bờ sông Hương mà như nối cả xứ Huế từ một bến bờ không gian văn hóa cung đình với di sản và tâm linh sang tới bến bờ của hiện đại, năng động và sáng tạo.

Trong niềm cảm hứng và thành kính tri ân đất trời, sông núi của quê hương, tôi đã chạy liền được một mạch 7km không nghỉ cùng với Pat, dưới cơn mưa tầm tã của xứ Huế, từ đỉnh đèo Phú Gia tới khu nghỉ dưỡng Làng Cò ở Lăng Cô. 

Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi. Tôi chưa bao giờ chạy được quá 2km. Khi chạy được 1,7km vòng quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, tôi đã cảm thấy đó là kỷ lục không thể lặp lại của mình rồi.

Vượt 24km đèo Hải Vân tưởng là vô cùng khó khăn và nguy hiểm, nhưng Pat Farmer và nhiều thành viên trong đoàn chạy hưởng ứng đã hoàn thành chặng đường này. Nhìn rất nhiều bàn thờ dựng áp vào vách núi hay bên lề đường, ai trong đoàn cũng hiểu đã có rất nhiều tai nạn xảy ra trên đèo trước khi có đường hầm xuyên qua núi. 

Pat tâm sự với tôi ông rất thích chạy đèo hơn là những con đường quá bằng phẳng và ít thách thức. Tôi có thể hiểu được điều đó khi thấy Pat rất thích thú với những khúc cua gập khuỷu tay trên đèo.

Pat đã làm hơn 200 học sinh và 50 vận động viên điền kinh trẻ xứ Thanh ngạc nhiên khi ông chia sẻ trước giờ xuất phát: “Bàn tay của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đang chỉ xuống mảnh đất nơi các bạn đang đứng để nhắn nhủ rằng mảnh đất này sẽ mãi mãi thuộc về các bạn” 

Pat Farmer vui mừng cùng các trẻ em ở Hàm Tân, Bình Thuận sau khi cán đích 2.000km - Ảnh: Thiện Trình

Quà giáng sinh đầy ý nghĩa

Đại lộ Hoàng Sa thẳng tắp bên bờ biển đã dẫn chúng tôi qua Đà Nẵng, một trong những thành phố hiện đại bậc nhất của Việt Nam hiện nay, để đến với những mái nhà lúp xúp rêu phong của phố cổ Hội An.

Lãnh đạo thành phố và những người dân Hội An đã đón đoàn chúng tôi bằng những tình cảm thật nồng ấm ngay trong đêm Giáng sinh. Pat đã rơm rớm nước mắt khi những cụm pháo hoa bất ngờ được bắn lên rực rỡ trên không gian vườn tượng bên bờ sông Hoài.

Tất cả mọi người đều bất ngờ khi thấy pháo hoa. Tôi đã giữ bí mật cho tới giây phút cuối cùng vì muốn tặng món quà Giáng sinh này cho nhân dân thành phố Hội An, cho các thành viên trong đoàn và đặc biệt cho Pat cùng những người bạn Úc đi trong đoàn.

Tôi đã rất cảm động khi Pat chia sẻ rằng cuộc chạy của ông là món quà Giáng sinh ông dành tặng nhân dân Việt Nam. Trong một khoảnh khắc của đêm Giáng sinh trên phố cổ, tôi đã thấy Pat ôm chặt hai đứa con của ông với người vợ đã mất từ khi còn rất trẻ, Brook và Dylan, trong ánh sáng pháo hoa rực rỡ in bóng lung linh trên mặt sông Hoài.

Từ Quảng Nam, đoàn tiếp tục hành trình khát vọng nối liền đất nước thành một dải. Qua Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, nơi đâu Pat và chúng tôi cũng nhận được những tình cảm chào đón nồng hậu nhất của lãnh đạo và người dân địa phương. 

Lễ xuất phát tại Bình Định diễn ra dưới trời mưa tầm tã. Vậy mà lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng mấy trăm thanh niên và vận động viên vẫn đội mưa đến cổ vũ.

Pat có vẻ rất thích thú dưới trời mưa. Cũng phải thôi vì sự thách thức của thiên nhiên đôi khi lại tăng thêm niềm cảm hứng cho con người đang khát khao cháy bỏng làm một điều gì đó. Hàng trăm người dân thành phố Quy Nhơn đã đội mưa chạy cùng chúng tôi. Chúng tôi nghỉ lại ở sông Cầu trước khi vào thành phố Tuy Hòa, trung tâm của tỉnh Phú Yên.

Đúng là sông Cầu nước chảy như thơ, dòng sông hiền hòa bình dị. Cả đoàn có một bữa liên hoan nho nhỏ với tôm, ghẹ, ốc và cá. Pat say sưa ăn ghẹ như chưa bao giờ được ăn món gì ngon đến thế. Ông nhìn dòng sông Cầu và nói với hai đứa con bằng tiếng Anh rằng sông Cầu rất giống với những dòng sông ở Úc. 

Từ sông Cầu, đoàn chúng tôi chạy đi thành phố Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên rồi Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Cả đoàn đã hân hoan đón chào năm mới 2013 bên bờ biển Nha Trang. Đó đã thật sự là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tất cả mọi người trong đoàn.

Từ mặt biển Nha Trang chuyển màu huyền diệu dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, những ngọn núi mờ tỏ ẩn hiện trong mây, tới một vùng bờ biển Phan Rí đẹp tinh khôi và nguyên vẹn nét hoang sơ của tạo hóa, núi và biển, đất và trời một vùng Nam Trung bộ như hòa quyện vào nhau thành nguồn năng lượng thiên nhiên vĩ đại để tiếp sức cho mỗi bước chân người chạy qua.

Trên hành trình còn lại, đoàn tiếp tục chạy về Trảng Bom, Đồng Nai rồi qua TP.HCM để về với đất mũi Cà Mau. Một dải giang sơn gấm vóc Việt Nam như nâng niu được trên từng bàn tay. Và chúng tôi vẫn chạy về phía trước với lòng thành kính tri ân đất trời đã ban tặng cho chúng ta một đất nước đẹp vô ngần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận