Cùng hát vang rằng... anh đã ngoại tình

XUÂN TÙNG 07/05/2023 06:20 GMT+7

TTCT - Đối mặt với một cuộc đổ bể trong tình cảm, ta nên làm gì?

Lana Del Rey, Miley Cyrus và Shakira đều từng viết về người tình đã phản bội mình. Ảnh: Punkee

Lana Del Rey, Miley Cyrus và Shakira đều từng viết về người tình đã phản bội mình. Ảnh: Punkee

Đối mặt với một cuộc đổ bể trong tình cảm, ta nên làm gì? Ngồi cày phim, tay xúc kem, tay lau nước mắt lưng tròng, hay tuôn hết những lời buộc tội ra nhật ký, lên tin nhắn? Các ngôi sao ca nhạc nữ lại có một cách hiệu quả hơn rất nhiều: Thu âm một "bài ca kể tội" người cũ, vừa kiếm thêm doanh thu, vừa hả hê trong lòng, lại giành sự ủng hộ của dư luận.

Đề tài hậu chia tay đã được khai thác qua nhiều thế hệ và bộ môn nghệ thuật khác nhau - từ tranh của Frida Kahlo, thơ Sylvia Plath, đến sơn dầu Edvard Munch hay Francis Bacon. Không ít nghệ sĩ đã biến nỗi đau tình cảm thành đề tài sáng tác, thậm chí trở thành dấu ấn lớn trong sự nghiệp của mình. Đến thời kỳ âm nhạc đại chúng, đề tài hậu chia tay lại càng được ưa chuộng vì tính dễ cảm, dễ tiếp cận của chúng.

Bị phản bội, về viết nhạc

Mới đây, siêu sao Hips Don't Lie Shakira vừa xô đổ nhiều kỷ lục của làng nhạc với ca khúc mới Music Session #53 hợp tác cùng nhà sản xuất âm nhạc người Argentina Bizarrap. Thu hút sự quan tâm của công chúng là phần lời bài hát kể chi tiết sự vụ ngoại tình của chồng cũ, cựu danh thủ bóng đá Tây Ban Nha 37 tuổi Pique. Vụ ngoại tình được cho là diễn ra ngay trong ngôi nhà chung của hai người trong lúc Shakira đi lưu diễn.

"Anh đã đổi xe Ferrari lấy Twingo/ Đổi đồng hồ Rolex lấy Casio" - nữ ca sĩ bóng gió về Clara Chia, bạn gái mới 23 tuổi của Pique. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục chỉ thẳng vào chồng cũ "dành rất nhiều thời gian trong phòng tập gym, nhưng não anh cũng cần tập luyện nữa!". Sau hơn 2 tháng phát hành, ca khúc vẫn thu về hàng triệu lượt nghe mỗi ngày, đồng thời phá kỷ lục ca khúc Latin thu về nhiều lượt xem trên YouTube nhất trong một ngày (63 triệu view).

Cùng lúc đó, một ca khúc kể xấu tình cũ khác cũng gây được sự chú ý: Flowers của Miley Cyrus, nói về việc đứng dậy sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với diễn viên Liam Hemsworth. Mượn ý từ lời bài hát When I Was Your Man của Bruno Mars, Miley thay đổi góc nhìn để biến người phụ nữ trong câu chuyện từ bị động thành chủ động: "Tôi có thể tự mua hoa cho mình, có thể tự nắm tay mình nếu muốn". Người hâm mộ chỉ ra rằng trong những cảnh nhảy nhót trong MV, Miley mặc chính bộ vest mà Liam từng mặc trong lễ cưới của hai người.

Hai bài hát kể trên đều gây bão trên các mạng xã hội, trở thành xu hướng trên TikTok, đồng thời thu được nhiều phản hồi đồng cảm từ những phụ nữ từng trải qua chuyện tương tự. Gloria Gaynor, chủ nhân bản hit I Will Survive năm 1978 - được coi là "thánh ca hậu chia tay" qua nhiều thập niên - cũng bị ấn tượng với Flowers. "Ca khúc mới của bạn đang chuyền ngọn đuốc sức mạnh, khuyến khích mọi người vững tin và vươn lên. Làm tốt lắm Miley!" - Gaynor viết trên Instagram.

Ảnh: Adobe Stock

Ảnh: Adobe Stock

Dữ dội và dịu êm

Hai ca khúc của Miley và Shakira không chỉ là hai sự kiện đơn lẻ, mà là phần tiếp theo của một truyền thống các ca khúc "mạnh mẽ hậu chia tay" đã được truyền qua nhiều thế hệ - trong đó sự hiện diện của phái nữ đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Có thể kể đến Pat Benatar (Heartbreaker), Pink (So What) hay Maroon 5 (Wake Up Call), hay gần đây nhất là những khúc ca về tình cũ của Taylor Swift. Thế nhưng, nhiều khán giả cũng đang nhận ra rằng các ca khúc mới về đề tài này, tiêu biểu như We Are Never Ever Getting Back Together của Taylor Swift, đang có phần "hiền" hơn rất nhiều so với các ca khúc trong quá khứ, cụ thể như bản hit năm 1995 của Alanis Morissette You Oughta Know.

"Lý do khiến âm nhạc đại chúng có phần "cách mạng" hơn trong các thập niên trước là do ngày nay nhạc pop hướng đến các khán giả trẻ hơn trước kia. Họ ưa thích nhạc điện tử EDM vì có thể tận hưởng sự đồng điệu cùng nhóm bạn - hoàn toàn vui tươi và không vướng bận cuộc sống. Thế hệ millennials ngày nay không quá quan tâm đến việc tạo ra phong trào trong âm nhạc - âm nhạc với họ là niềm vui và chỉ vậy thôi" - Joe Bennett, chuyên gia phân tích thuộc Nhạc viện Boston (Mỹ), nói với Los Angeles Times.

Cũng theo Bennett, nhạc pop vốn từng mạnh bạo hơn rất nhiều, bởi các biến cố từ các thập niên trước có sức ảnh hưởng đến văn hóa đại chúng, và âm nhạc, vốn có giá thành sản xuất rẻ hơn phim, là một trong những môn nghệ thuật bắt kịp đầu tiên. Tuy vậy, trong thời điểm hiện tại, khi các nền tảng streaming và YouTube bắt đầu kìm kẹp doanh thu bán nhạc, các hãng đĩa cũng sẽ do dự hơn khi phát hành nhạc có thể khiến khán giả trẻ quay lưng.

"Anh trông ổn nhỉ, mọi chuyện bình yên. Em thì không thế, tưởng anh nên biết". Lời nhắn gửi "kẻ bắt cá hai tay" của Alanis Morissette trong You Oughta Know

"Anh trông ổn nhỉ, mọi chuyện bình yên. Em thì không thế, tưởng anh nên biết". Lời nhắn gửi "kẻ bắt cá hai tay" của Alanis Morissette trong You Oughta Know

Dù vậy, những người nghệ sĩ có tầm nhìn vẫn sẽ luôn biết cách thể hiện ý tưởng của mình một cách tinh tế nhất. Album Lemonade của Beyonce là một ví dụ điển hình. Phát hành năm 2016, album này như một sản phẩm bảo chứng cho vị thế hàng đầu của nữ diva da màu trong làng nhạc. Cô sẵn sàng dằn mặt người chồng Jay-Z - rapper huyền thoại, cũng là tỉ phú trong ngành công nghiệp âm nhạc - bằng cách úp mở về mối quan hệ ngoài luồng của anh với một người phụ nữ da trắng. 

"Đây là cảnh báo cuối cùng/ anh biết tôi đã dành cả cuộc đời cho anh ... [nếu không dừng lại], anh sẽ mất vợ mình". Cách Beyonce xử lý người chồng phụ bạc trên đĩa - cùng những dư luận đi kèm - đã góp phần không nhỏ trong việc biến Lemonade thành album bán chạy nhất năm 2016 với 2,5 triệu bản bán ra toàn cầu.

Không chỉ giúp thúc đẩy con số doanh thu, nhạc "hậu chia tay" còn quan trọng đối với chính bản thân người nghệ sĩ. Theo cây bút Madeleine Fletcher của tạp chí Sleek, thể loại nhạc này là một thành tố quan trọng của cuộc sống văn hóa: Với nghệ sĩ, các sáng tác này là cơ hội để giải tỏa nỗi lòng; với người nghe, các ca khúc này lại là nguồn cảm hứng, cũng là nơi tìm sự đồng điệu về những cảm xúc khó nói thành lời.

Thể loại này cũng mang đậm tính nữ. Mặc dù không thiếu các sáng tác của nam nghệ sĩ như Kayne West (Heartless) hay Leonard Cohen (Hey, That's No Way To Say Goodbye), dấu ấn của các nghệ sĩ nữ vẫn tỏ ra áp đảo. Trong một thế giới mà tâm tư nữ giới vẫn bị gắn mác là "ủ dột" và "làm quá", các sáng tác âm nhạc lại trở thành nơi chốn an toàn để tô đậm tính nữ trong và sau các cuộc chia tay - ví dụ cụ thể là Beyonce (Irreplaceable) hay Lana Del Rey (Dark Paradise).

Dĩ nhiên, không ít người vẫn cho rằng Beyonce hay Lana Del Rey đang "làm quá". Có thể nhìn ngay sang Taylor Swift: Sau một vài ca khúc kể chuyện tình cũ, cô công chúa nhạc đồng quê một thời bị gắn với danh hiệu "nữ hoàng nhạc chia tay", kéo theo hàng loạt đùa cợt về việc ai hẹn hò Taylor cũng sẽ có sẵn một suất bị kể xấu trong album tới của nàng. Thế nhưng, Taylor vẫn không màng đến những lời chỉ trích - cô tiếp tục sử dụng xúc cảm từ các mối quan hệ trong các sáng tác của mình, và dần được công chúng công nhận trong vai trò nhạc sĩ.

Đứng trước thể loại nhạc "hậu chia tay", cũng có ý kiến cho rằng việc trả thù tình cũ không phải là phương án tốt nhất để đi tìm sự yên bình cho bản thân. Tuy vậy, việc biến nỗi đau thành sáng tác không hẳn chỉ mang ý nghĩa trả thù - đó còn là cơ hội để đẩy lùi nỗi đau vào quá khứ, đứng dậy và đi tiếp đến những điều tốt đẹp hơn. 

Nếu đang là một ngôi sao có lượng người hâm mộ đông đảo, việc bạn có thể vừa chữa lành bản thân, vừa kết nối và an ủi những tâm hồn đồng điệu qua bài hát của mình, đồng thời kiếm thêm chút doanh thu cũng không phải ý tồi.

Nhạc từ góc nhìn của người bị cắm sừng đã quỵ lụy, vậy nhạc từ góc nhìn của người đi ngoại tình thì sao? Cũng không thiếu: Có thể kể đến Part-time Lover của Stevie Wonder với những lời lẽ ngọt ngào: "Ban ngày người lạ, ban đêm người tình (...) Biết là sai, nhưng cảm giác mới đúng làm sao".

Dù vậy, sự ngọt ngào này vẫn không đủ để thuyết phục nữ giới nguôi ngoai cơn giận với những người phụ bạc. Theo một nghiên cứu của Cassandra Alexopoulos (Đại học Massachusetts, Mỹ), các bài hát ủng hộ ngoại tình như If You Leave của Destiny's Child ("Nếu anh bỏ nàng, tôi sẽ bỏ chàng, mình cùng lang thang") có khả năng khiến nữ giới phản ứng tiêu cực hơn vì hành vi này, trong khi các lời lẽ "ăn năn hối cải" như trong Unfaithful ("Tôi biết chồng chết trong lòng vì tôi bội bạc, tôi sẽ không làm thế nữa") của Rihanna có thể tăng khả năng rộng lòng tha thứ của phái nữ. "Có lẽ khi các câu chuyện trên bài hát cho thấy kẻ bội tình bị trừng phạt theo cách nào đó, người ta sẽ ít cảm thấy cần chồng thêm sự trừng phạt vào nữa" - Alexopoulos đưa ra giả thuyết.

Trái lại, mức độ tha thứ cho hành vi ngoại tình của nam giới gần như không bị ảnh hưởng sau khi nghe các bài hát về ngoại tình, dù là tích cực hay tiêu cực. "Có lẽ nam giới không để ý nhiều tới lời bài hát như nữ giới" - Alexopoulos cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận