Cuộc chiến đặt bàn

TRÚC ANH 21/06/2024 07:14 GMT+7

TTCT - Thành bại của việc đặt chỗ thời Internet nằm ở mạng mạnh, ngón tay nhanh, thời gian dư dả, và một chút may mắn. Ai không có những thứ ấy, phải có tiền.

Ảnh: The Hustle

Ảnh: The Hustle

Phe vé xem đại nhạc hội hay sự kiện thể thao lớn là chuyện quá xưa. Giờ người ta mua đi bán lại các suất đặt chỗ trong các nhà hàng sang cả, đắt đỏ mà luôn kín khách ở New York. 

Tiền mua lại chỗ ăn tối còn đắt hơn bữa ăn, nhưng vẫn luôn có người chịu chi đậm, nhiều khi hơn cả tiền bữa ăn. 

Đặt bàn ở các nhà hàng như thế rồi bán lại đã thành một nghề hái ra tiền, một thị trường mà chỉ có dân áp phe là thắng, còn ai cũng thua. Nhưng mọi chuyện sắp thay đổi.

Hôm 7-6, các nhà lập pháp bang New York thông qua dự luật cấm các dịch vụ bên thứ ba mua bán suất đặt chỗ ở các cơ sở dịch vụ ăn uống mà không có sự đồng thuận của chủ cơ sở đó. Dự luật cần thống đốc Kathy Hochul chính thức ký thành luật.

Các dịch vụ "bên thứ ba" ở đây không phải các trang web đặt bàn online chính quy có liên kết làm ăn đàng hoàng với chủ nhà hàng, mà là các sàn mua đi bán lại suất đặt chỗ kiểu Appointment Trader, nơi những người đã đặt bàn thành công nhưng vì lý do gì đó không muốn tới ăn nữa bán lại cho người cần, ai trả giá cao nhất sẽ được "nhượng" lại. 

Và giá thì vô chừng. Đúng hôm 7-6, chẳng hạn, trên Appointment Trader có rao 1 suất đặt bàn 2 người ở Tatiana (nhà hàng đỉnh nhất New York năm 2023 do báo The New York Times xếp hạng) với giá 365 USD.

Ai đã xí chỗ trước rồi hét những cái giá nhượng lại như thế? Hãy gặp một "dân phe" hiện đại: Alex Eisler, người hầu như ngày nào cũng nắm trong tay khoảng 10 suất đặt chỗ ở các nhà hàng khắp khu Manhattan, cách ký túc xá của anh ở Providence, Rhode Island hơn 300km. 

Ngày ngày, anh sinh viên khoa học máy tính Đại học Brown này dậy sớm, rảo khắp các trang đặt chỗ để "book bàn" với một loạt số điện thoại và email khác nhau. Có khi anh cũng chơi kiểu cũ: gọi điện trực tiếp, mỗi lần xưng một nhân thân khác nhau.

Phi vụ béo bở nhất của Eisler là bán lại đặt chỗ ở Maison Close - nhà hàng Pháp trứ danh khu Soho - với giá 855 USD, và hơn 1.000 USD cho bữa tối (nên nhớ là chưa tính tiền ăn uống gì sất) ở Italian Carbone, nơi vợ chồng ca sĩ Justin Bieber từng tới dùng bữa nhưng bị lịch sự mời về vì không đặt bàn trước.

Eisler nói với báo The Times (Anh) mình kiếm được khoảng 70.000 USD/năm nhờ nghề tay trái này. Cậu tự nhận mình làm ăn chân chính - ai không muốn vất vả canh đặt chỗ thì cứ chi tiền để người khác làm hộ, có cầu có cung. 

Thị trường thực tế không trong lành như vậy. Eisler tự mình "lao động", nhưng đối thủ của anh dùng bot - các phần mềm máy tính có khả năng quét các trang và đặt chỗ 24/7, với tốc độ không con người nào đọ nổi.

Yêu cầu đặt chỗ - dù do con người hay máy thực hiện - đều hợp lệ, cứ mang lên Appointment Trader đổi thành tiền muôn bạc vạn được. Sự "lũng đoạn" này khiến tất cả cùng thua, tất nhiên trừ dân phe. 

Người thực tình muốn ăn nhưng chỉ chấp nhận đặt chỗ truyền thống xem như vô vọng; nhà hàng có nguy cơ chịu bàn trống, thất thu tiền phạt "đặt mà không đến" vì bot đăng ký bằng thẻ tín dụng giả, hoặc mất cơ hội phục vụ khách thực sự cần (và phục vụ mất tiền boa).

Bởi thế ai cũng trông chờ thống đốc New York sớm ký ban hành luật mới. "Người dân New York không cần phải trả tiền cho những kẻ trung gian mờ ám chỉ để có quyền đặt chỗ ăn tối. Với đạo luật này, các gia đình có thể tổ chức lễ tốt nghiệp, lễ kỷ niệm hoặc sinh nhật mà không phải trả khoản phí phụ trội 250, 500 thậm chí 1.000 USD. Chúng cũng giúp các nhà hàng tránh tình trạng hủy bàn ngày càng tăng và bảo vệ người lao động khỏi bị mất tiền boa. Tất cả sẽ cùng có lợi" - Alex Bores, thành viên hội đồng thuộc Hiệp hội Nhà hàng New York, hào hứng trả lời trang Eater.

Nhưng vì ai mà ra cớ sự này, khiến các nhà lập pháp phải vào cuộc? Jonas Frey, nhà sáng lập Appointment Trader, phân bua do đặt bàn nhà hàng ở New York khó ngay từ đầu ("chứ đâu phải tại tụi tôi"), ông mới lập chốn này để người mua kẻ bán gặp nhau. 

Hay cứ đổ cho chủ nghĩa tư bản cho nhanh, như một công dân khu Brooklyn nói với The Times: chủ nghĩa tư bản phát triển quá mức thì sinh ra cái nghề vừa tài tình vừa đáng sợ này cũng là lẽ tự nhiên thôi.

Trước mắt, các "dân buôn đặt chỗ" chuyên nghiệp chưa cần hốt hoảng. Chàng sinh viên Eisler đã tạm dừng "làm nghề" để học hết năm hai đại học, và dự định quay lại, tranh thủ kiếm đâu đó 10.000 - 40.000 USD trong mùa hè này. 

Dự luật còn nằm trên bàn thống đốc Hochul. Nếu ký thành luật, cũng phải 60 ngày sau đó mới có hiệu lực. "Hiện chưa có gì phải lo" - anh với The Washington Post hồi tháng 5.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận