Cuộc chiến Ukraine: Một nấc leo thang mới

DANH ĐỨC 16/10/2022 07:39 GMT+7

TTCT - Chiến cuộc tại Ukraine quyết liệt hẳn từ hôm thứ hai 10-10 khi quân Nga tấn công tới tấp bằng tên lửa cùng khắp, vịn lý do trừng phạt vụ tấn công cây cầu Crimea.

Cuộc chiến Ukraine: Một nấc leo thang mới - Ảnh 1.

Vụ nổ cây cầu Crimea đánh dấu bước leo thang mới của cuộc chiến tranh Ukraine. Ảnh: AFP

Rạng sáng thứ ba 11-10, "ngày thứ 230" của cuộc chiến, tờ The Guardian của Anh cho biết ít nhất 19 người thiệt mạng và 105 người bị thương, theo Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine, sau khi Nga phóng một loạt không kích và pháo kích nhắm vào các thành phố khắp nước này. 

Nhiều nơi bị trúng tên lửa hành trình và UAV Shahed-136 "tự sát" vào giờ cao điểm buổi sáng. Có vẻ các địa điểm dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng được chọn để làm cho dân Ukraine kinh hoàng.

Ai là "khủng bố"?

Trên đây là nguồn tin Anh, còn báo chí Nga thì khác, tất nhiên - "chân lý bên này dãy Pyrénées sang bên kia là sai lầm". Tờ Nezavisimaya Gazeta thứ hai 10-10 cho rằng sau vụ "tấn công khủng bố" ở cầu Crimea, xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi về chất: Kiev, được phương Tây hậu thuẫn, đang tìm cách thực hiện các hành động phá hoại lớn "trong lãnh thổ nước Nga, đồng thời cố gắng chiếm lại các vùng đất đã mất".

Đến tối, trang tin Sputnik của Nga thuật lại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga hôm đó và trích phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin: "Chiến dịch không kích và tên lửa hàng loạt của Matxcơva nhằm vào Ukraine là phản ứng không chỉ với vụ tấn công cầu Crimea, mà còn vào danh sách dài các hành động khủng bố khác của Kiev những tháng gần đây nhắm vào cơ sở hạ tầng của Nga, và thậm chí cả các thành phố và người dân Ukraine".

Theo Điện Kremlin, quân Ukraine không chỉ "khủng bố" nước Nga và dân Nga mà còn "ác" cả với dân Ukraine, bởi thế nay ông Putin đáp lại tương xứng, mắt đền mắt, răng đền răng. Sputnik thuật tiếp các phát biểu của ông ở Hội đồng An ninh: 

"Các hành động của chính quyền Ukraine đặt họ ngang hàng với các nhóm khủng bố đáng sợ nhất, và Nga không thể bỏ qua những tội ác như vậy". Và ông cảnh cáo: "Nếu chủ nghĩa khủng bố chống Nga còn tiếp tục, phản ứng của Matxcơva sẽ cứng rắn và tương xứng về quy mô và mức độ đe dọa".

Sputnik liệt kê các đòn trừng phạt của Nga: "Các cuộc không kích hôm thứ hai nhằm vào cơ sở hạ tầng trên một khu vực suốt hơn 1.000km, với nhà máy điện và các mục tiêu quân sự khắp từ Kharkov và Dnepropetrovsk đến Odessa, Kiev, Ternpol và Lvov... khiến nhiều vùng Ukraine tạm thời không có điện".

Tối 11-10, The Guardian bổ sung: "Các cuộc không kích tiếp tục hôm thứ ba. Một cuộc tấn công vào vùng Lviv ở miền tây Ukraine đã khiến các khu vực của thành phố mất điện. Thống đốc Maksym Kozytskyi cho biết đã có ba vụ nổ tại hai cơ sở năng lượng vùng Lviv. Thị trưởng thành phố, Andriy Sadovyi, thì kêu gọi người dân dự trữ nước". 

"Ở Kiev, báo động không kích kéo dài suốt buổi sáng, có tin ít nhất một tên lửa của địch bị bắn rơi. Thống đốc vùng Dnipro, Valentyn Reznichenko, loan báo phòng không đã bắn hạ bốn tên lửa. Thống đốc vùng Mykolaiv, Vitaliy Kim, cho biết vẫn còn tên lửa bay tới và phòng không Ukraine vẫn đang hoạt động".

Cuộc chiến Ukraine: Một nấc leo thang mới - Ảnh 2.

Một ngã tư ở thủ đô Kyiv của Ukraine sau khi trúng tên lửa bắn từ Nga. Ảnh: GMA

Lằn ranh đỏ

Chiến sự Nga - Ukraine coi như sang trang mới kể từ chủ nhật 10-10, tiếp sau vụ nổ cây cầu Crimea trước đó một ngày. Sự cố xảy ra cho cây cầu dài 19km (dài nhất châu Âu), trị giá 228 tỉ rúp (3,69 tỉ USD) này là vô cùng nghiêm trọng với phía Nga, đặc biệt là với ông Putin. 

Sau khi thôn tính chớp nhoáng Crimea năm 2014, ông Putin đã quyết định cho xây cây cầu kết nối bán đảo và vùng Krasnodar của lục địa Nga. Cuộc bỏ phiếu online ở Nga chọn tên cho cây cầu đã quyết định nó sẽ là Crimea.

Cây cầu này là hình ảnh biểu tượng quan trọng tới mức đích thân ông Putin đã mặc áo xanh công nhân, tự tay lái xe tải khánh thành cầu hôm 15-5-2018. Thành ra, nay ông Putin nổi đóa trừng phạt tới bến "khủng bố Ukraine". 

Sputnik 10-10 chạy tít: "Các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng của Nga cho thấy cầu Crimea là "lằn ranh đỏ" và Kiev đã vượt qua nó". Thế nhưng, câu chuyện thực hư về vụ "khủng bố" cây cầu lại rất ly kỳ.

Thoạt đầu, ngay hôm thứ bảy 8-10, Sputnik loan tin: "Một xe tải đã nổ tung trên cầu Crimea hôm 8-10, khiến 7 bồn nhiên liệu của một đoàn tàu chở hàng bốc cháy và 2 nhịp toa bị sập một phần, Ủy ban Chống khủng bố quốc gia Nga cho biết. Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra làm rõ. Theo thông tin sơ bộ, có 3 người tử vong. Các dịch vụ giao thông và đường sắt trên cầu Crimea đã bị đình chỉ".

Đến 10h55 (giờ quốc tế GMT) cùng ngày, Sputnik cho biết thêm: "Theo dữ liệu sơ bộ, có 3 người tử vong do vụ việc. Họ có thể là hành khách trên một chiếc ô tô ở gần đường ray bị nổ. Hiện tại, thi thể một người đàn ông và một phụ nữ đã được vớt lên từ dưới nước, danh tính của họ đang được xác minh".

Một đồng nghiệp rất "đáng tin cậy" của Sputnik là Russia Today (RT) cho biết thêm rằng chiếc xe tải gây ra vụ nổ đã đi xuyên qua vùng Krasnodar tiếp giáp bán đảo Crimea suốt nhiều ngày trước khi tới bán đảo Taman, tức phần bên kia Nga nối với Crimea bằng cây cầu. RT dẫn kênh Telegram Baza nói chiếc xe tải thuộc sở hữu công dân Nga Samir Yusubov, 26 tuổi, nhưng người này khẳng định không dính líu gì tới vụ việc.

Yusubov nói anh thậm chí không đang ở Nga, còn chiếc xe tải được anh giao cho một "người chú" tên là Makhir Yusubov. Theo Mash, Makhir đã không liên lạc với người thân ít nhất từ ngày 6-10, nhưng Hãng tin Nga RBC dẫn một nguồn an ninh nói tài xế xe tải có thể không hay biết chiếc xe đang chở gì.

Thế nhưng đến 11h56 GMT cùng ngày thứ bảy xảy ra vụ nổ, tức chỉ 1 giờ 1 phút sau mẩu tin đầu tiên, Sputnik đã loan một tin mới quả quyết đây là hoạt động "khủng bố" của Ukraine: "Giết người, phá hoại, hủy hoại - tính logic hình sự học ràng buộc trách nhiệm các chế độ NATO với nhau: Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích tuyên bố của Estonia về vụ nổ cầu Crimea".

Theo Sputnik, hôm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu đã nói Estonia hoan nghênh vụ nổ trên cầu Crimea và cho rằng các lực lượng đặc biệt Ukraine có thể đứng sau vụ nổ này, như vậy thì ắt là do Ukraine làm. 

Cuộc chiến Ukraine: Một nấc leo thang mới - Ảnh 3.

Vụ tấn công cầu Crimea có vẻ là lằn ranh đỏ với Nga. Ảnh: Reuters

Nói cho ngay, hôm đó "thần khẩu hại xác phàm" Ukraine tới hai lần. Sáng hôm đó, lúc 7h18 giờ GMT, Sputnik loan tin Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã tweet sau sự cố cầu Crimea: "Crimea, cây cầu, là khởi đầu. Mọi thứ bất hợp pháp phải bị phá hủy, mọi thứ bị đánh cắp phải được trả lại cho Ukraine, mọi lính Nga chiếm đóng phải bị trục xuất". 

Nội dung tweet của ông này trong bối cảnh súng đạn ngợp trời thật ra cũng "bình thường" thôi, riêng chữ "khởi đầu" mang hàm ý còn những vụ khác nữa, nên dễ bị Nga quy đây là cả một kế hoạch. Ông cố vấn tổng thống "ăn mừng", rồi ông bộ trưởng ngoại giao Estonia cũng "ăn mừng", dẫn tới Nga phản ứng gay gắt.

Đến 19h29 GMT cùng ngày, tức 13 tiếng 22 phút sau vụ nổ, phía Nga "chuyển tông", nhắc lại những phát biểu trước đó trong tuần của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi NATO tấn công "phủ đầu" Nga, kèm theo bình luận của bà Zakharova rằng các phát ngôn đó chứng tỏ "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga là cần thiết. 

Đầu tuần này, phát biểu trực tuyến với Viện Lowy của Úc, ông Zelensky đã nói NATO nên tiến hành tấn công "phủ đầu" Nga, chứ đừng "chờ các cuộc tấn công hạt nhân của Nga". 230 ngày sau khi khởi chiến, nay như thừa nhận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova, Nga có được chứng tá cho tính "hữu lý của cuộc tấn công ngày 24-2".■

Một ông tướng không quân

Phải nói rằng trước vụ cầu Crimea, Nga đang "kẹt" ở miền Đông Ukraine, "kẹt" đến nỗi phải gọi lính, không phải để cho xếp hàng tập diễu hành mà để "thay quân" ở các mặt trận.

Cũng may là vài tuần sau này, tình hình có chút thay đổi khi Nga sử dụng các UAV của Iran khiến quân Ukraine có phần e dè, mà chúng tôi hy vọng có thể hầu chuyện quý độc giả chi tiết trong số báo tới.

Nga hình như cũng đang tính toán thay đổi cách đánh, tránh giao tranh trực tiếp, kể cả bằng máy bay. Nay là lúc họ sử dụng tên lửa có tầm bắn càng xa càng tốt, có độ chính xác tương đối, và thêm đặc tính "tự sát" của các UAV là cầm chắc gây được tiếng vang, đỡ lo mất người, mất tàu bay, xe tăng.

Việc ông Putin vừa bổ nhiệm một ông tướng không quân, đại tướng Sergey Surovikin, người giữ chức vụ Tư lệnh Lực lượng không quân Nga từ năm 2017, làm Tư lệnh lực lượng liên hợp trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt, cũng là một chọn lựa theo chiều hướng đó.

Chiến dịch ném bom vào các thành phố của Ukraine do tướng Surovikin này đạo diễn. Ở Nga, ông này là một quân nhân lừng lẫy.

Ông từng đích thân dẫn đầu đoàn xe bọc thép trong cuộc phản đảo chính tháng 8-1991 ở Matxcơva, sau cuộc tấn công của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp - một nhóm gồm tám quan chức Đảng Cộng sản Liên Xô và KGB tổ chức đảo chánh ông Gorbatchev hôm 19-8-1991.

Ông Surovikin còn gắn với binh chủng thiết giáp: năm 2014, khi còn ở Quân khu phía Đông, ông đã chỉ huy điều động các đơn vị xe tăng dưới quyền đến đông nam Ukraine.

Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ liên bang Nga vào tháng 11-2017, tướng Surovikin lần lượt chỉ huy hai sư đoàn bộ binh cơ giới số 34 và 42, khét tiếng với thành tích bắn phá ở chiến trường Aleppo (Syria) trong cương vị tư lệnh lực lượng Nga tại Syria.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận