Cuộc chiến Ukraine: Một thống kê thiệt hại

TƯỜNG ANH 20/11/2022 06:36 GMT+7

TTCT - Chiến sự Ukraine đã diễn ra hơn 8 tháng. Tổn thất trực tiếp cho nước này đến nay ước tính là 108,3 tỉ USD, thiệt hại gián tiếp 128,8 tỉ USD nữa, theo Kiev School of Economics.

Cuộc chiến Ukraine: Một thống kê thiệt hại - Ảnh 1.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra thiệt hại vô kể về nhân lực và tài lực. Ảnh: AP

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tổng thiệt hại về cơ sở hạ tầng và nhà ở của Ukraine là 97,4 tỉ USD, thiệt hại do đóng cửa doanh nghiệp là 252 tỉ USD.

Ngoài ra, Ukraine đã mất quyền tiếp cận những khoáng sản trị giá 12,4 nghìn tỉ USD trên các lãnh thổ Nga đang chiếm đóng, theo The Washington Post, tương đương 63% mỏ than, 11% mỏ dầu, 20% mỏ khí, 42% mỏ kim loại và 33% mỏ đất hiếm của nước này.

Khủng hoảng nhân lực - thâm hụt ngân sách

Cuộc chiến khiến một số lượng lớn dân Ukraine trở thành người tị nạn, hơn 6,8 triệu người đã rời khỏi đất nước. Nền kinh tế đương nhiên thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Thống kê quý 2-2022, GDP Ukraine giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. 

WB dự kiến mức sụt giảm thực tế GDP của Ukraine năm nay sẽ vào khoảng 45%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự đoán GDP nước này sẽ giảm 35% trong năm nay.

Chính phủ Ukraine dự tính đến cuối năm, thâm hụt ngân sách sẽ lên tới mức kỷ lục 50 tỉ USD, gần bằng 35% GDP năm ngoái. Ukraine đang cố gắng không in thêm tiền để tránh tình trạng lạm phát tăng nhanh. 

Vì vậy thuế tăng và dự trữ ngoại hối cạn kiệt, trái phiếu chiến tranh được phát hành. Ukraine vẫn còn 12,9 tỉ USD dự trữ, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây, tình hình tài chính chỉ có thể giữ được ổn định trong vài tháng.

Hiện nay, nguồn thu ngân sách Kiev chủ yếu là các khoản vay và trợ cấp nước ngoài, cũng không thể bù đắp toàn bộ thâm hụt ngân sách. Viện trợ nước ngoài ước tính bù đắp tới 17% thâm hụt ngân sách cho Ukraine. 

Trái phiếu chiến tranh cũng đảm nhiệm một phần quan trọng. Giữa tháng 5, Bộ Tài chính Ukraine cho biết trái phiếu này đã giúp thu về 114 triệu USD. Thu nhập từ thuế hiện chiếm 40% chi tiêu của chính phủ.

Tổng cộng bản cân đối kế toán, Ukraine cần khoảng 5 tỉ USD từ nước ngoài hằng tháng để ổn định ngân sách và trang trải cho cuộc chiến, theo Bộ trưởng Tài chính Sergei Marchenko. 

Đến cuối năm, số tiền dự kiến sẽ tăng lên 9 tỉ USD mỗi tháng, theo tính toán của cố vấn tổng thống Ukraine về các vấn đề kinh tế Oleg Ustenko. Theo Quốc hội Ukraine, nợ công của nước này vào tháng 9 đã lên tới 105,4 tỉ USD, tức 68% GDP, và có thể lên tới 86% GDP vào cuối năm nay.

IMF không để Ukraine vỡ nợ

Cho đến nay, IMF tiếp tục cung cấp các khoản vay cho Ukraine, dù nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái. Nhà khoa học chính trị Rostislav Ishchenko giải thích trên Đài Nga RT: quyết định của IMF là do tổ chức này muốn giữ cho Ukraine không vỡ nợ và giữ chân các nhà đầu tư. 

"Nếu Ukraine vỡ nợ, một số lượng lớn các chương trình hỗ trợ của phương Tây sẽ đơn giản đóng cửa, bởi vì các nhà đầu tư sẽ ngừng làm việc không chỉ với quốc gia này, mà còn với những người đầu tư vào nó, vì đây là khoản lỗ được đảm bảo".

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergei Marchenko đã đề nghị cung cấp cho Kiev 5-10% số tiền mà IMF phân bổ cho các nước G7 để hỗ trợ khắc phục hậu quả kinh tế của đại dịch. 

Ông Marchenko nhắc tình hình rất phức tạp do Ukraine phải trả 2,36 tỉ USD cho IMF và trong số hỗ trợ Ukraine nhận được từ tổ chức này, tương đương 7,4 tỉ USD, chỉ 5% (khoảng 360 triệu USD) là tài chính, phần còn lại dành cho quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4 cũng phàn nàn rằng IMF còn đòi các cải cách kinh tế. "Nhưng lòng dạ nào bây giờ mà đòi Kyiv cải cách", ông Zelensky bất bình. 

"Hãy đưa tiền vô điều kiện cho tôi. Tại sao cứ mỗi lần chúng tôi được phân bổ một khoản tiền nhất định, thì lại phải thực hiện một, hai, ba, bốn, năm, bảy, tám, mười cải cách?".

Vào tháng 8, Bloomberg trích dẫn Bộ Tài chính Ukraine nói nước này đã được hoãn thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến năm 2024. 

Các nhà đầu tư, những người nắm giữ khoảng 75% tổng số trái phiếu ở nước ngoài của Ukraine trị giá 19,6 tỉ USD, đã đồng ý neo lại khoản nợ. Câu hỏi giờ là ai sẽ trả những khoản tiền khổng lồ đó, phương Tây hay chính người dân Ukraine? ■

Cuộc chiến cũng rất tốn kém với Nga, dù chi phí chính thức, được coi là bí mật nhà nước, không được tiết lộ. Ngân hàng trung ương Nga vào tháng 10 dự báo kinh tế nước này năm nay sẽ suy thoái 3-3,5%. Ngân hàng này cũng cảnh báo lệnh động viên một phần vừa qua có thể gây thêm căng thẳng lên lạm phát, được dự báo ở mức 11-13% trong năm nay.

downfall russia

Kinh tế Nga năm 2022 sẽ rơi vào suy thoái. Ảnh: The Statesman

Trang intellnews.com dẫn lời Heli Simola, kinh tế gia cấp cao của Viện Các nền kinh tế mới nổi, Ngân hàng Phần Lan, ước tính trong một bài viết ngày 20-10 rằng riêng chi phí quân sự của Nga tăng thêm ít nhất 110 tỉ USD, và tác động kinh tế chung còn lớn hơn thế.

Trong nghiên cứu của mình, Simola nói kinh tế Nga lẽ ra tăng trưởng 5% trong năm tài khóa 2022-2023, nhưng do cuộc chiến, giờ sẽ rơi vào suy thoái.

Chi phí rõ ràng nhất sẽ là tăng chi tiêu quốc phòng. Chi tiêu quốc phòng của Nga năm 2022 được ước tính tăng thêm ít nhất 1.200 tỉ rúp (gần 20 tỉ USD) so với mức trước chiến tranh.

Tuy nhiên, còn phải tính thêm vào đó các khoản chi không phải trực tiếp cho hoạt động quân sự, như "chi đảm bảo an ninh quốc gia", mà hiện không ai biết đã tăng thêm bao nhiêu. Tổng cộng, Simola ước tính tổng chi tiêu cho các mục đích quốc phòng - an ninh tăng thêm của Nga khoảng 110 tỉ USD, tức gần 6% GDP.

Cũng khó đánh giá đầy đủ là chi phí cơ hội - tức những gì Nga lẽ ra có thể làm được cho người dân nếu không có cuộc chiến.

"Không có cuộc chiến, nhà nước Nga đã có thể sử dụng nguồn ngân quỹ đó cho phúc lợi của người dân. Còn để chi trả cho cuộc chiến, Nga sẽ phải giảm chi tiêu cho các phúc lợi xã hội như xây đường sá hay đầu tư cho khoa học. Chi tiêu cho quốc phòng và ngành công nghiệp vũ khí chắc chắn sẽ tăng, nhưng điều đó không giúp cải thiện phúc lợi cho người dân", Simola nhận định.

Ở tầm thế giới, tạp chí Fortune vào tháng 9 tính toán rằng cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra thiệt hại 2,8 nghìn tỉ USD cho toàn cầu dưới nhiều dạng: lạm phát, giá nhiên liệu và lương thực tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng...

H.MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận