TTCT - Tình hình Đài Loan đã nóng lên đột ngột bởi chuyến thăm của bà Nancy Pelosi. Nhưng có thật chuyện này là "đột ngột"? Bà Pelosi (áo hồng) và phái đoàn ở sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc. Ảnh: WikipediaSáng thứ tư 3-8, China Daily (Nhân Dân Nhật báo) chạy một tựa nhẹ nhàng: "Chuyến thăm Đài Loan của Pelosi bị lên án mạnh mẽ". Trong khi đó, tờ báo khét tiếng mạnh miệng nhất của Trung Quốc, Global Times (Hoàn Cầu Thời báo) thì giựt tít: "Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) khởi động diễn tập tên lửa ở phía Đông Đài Loan vào lúc Pelosi đến", mô tả một "thực tế khách quan" hơn là "rủa xả" như trước kia.Có vẻ phiên bản Anh ngữ phục vụ thông tin đối ngoại của hai tờ báo không muốn biến sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ tối 2-8 đặt chân xuống Đài Loan biến thành một "đám cháy" khó kiểm soát, dù từ cả tháng qua, đặc biệt là mấy bữa nay, một số tờ báo Mỹ dùng từ ngữ "cuộc chiến ngôn từ" (war of words) để gọi những va chạm Mỹ - Trung hiện tại.Các lựa chọn đặt trên bànTrên trang chủ tờ China Daily dàn rải rác "đông, tây, nam, bắc" tổng cộng bốn tin: "Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bị lên án mạnh mẽ", "Bắc Kinh triệu tập Đại sứ Mỹ về chuyến thăm Đài Loan của Pelosi", "Chuyến đi Đài Loan của Pelosi dẫn đến chỉ trích ở Mỹ", "PLA thao diễn bắn đạn thật trên biển Hoa Đông". Kèm theo có hai bài xã luận: "Mỹ chịu hoàn toàn trách nhiệm về chuyến đi đầy rủi ro của Pelosi", và "Đùa với lửa về Đài Loan".Còn Global Times, như thường lệ, chi tiết hơn về khía cạnh quân sự trong phản ứng của Trung Quốc: "PLA tập trận huy động tên lửa, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 bao vây Đài Loan khi Pelosi đặt chân lên đảo". Theo tờ này, PLA sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 4 đến 7-8 tại 6 khu vực khác nhau bao quanh đảo Đài Loan từ mọi hướng, đồng thời nói rõ Trung Quốc còn nhiều lựa chọn khác để "đẩy nhanh quá trình thống nhất".Các lựa chọn đó bao gồm tấn công các mục tiêu quân sự của Đài Loan, giống như PLA từng làm trong các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trước đây, thông qua luật mới về thống nhất đất nước, cử máy bay và tàu quân sự vào "không phận" và "vùng nước" của hòn đảo, và chấm dứt lệnh ngừng bắn "bất thành văn" với quân đội Đài Loan.Tất nhiên, các lựa chọn này mới đang ở "trên bàn", còn chừng nào thực thi chưa rõ. Việc liệt kê các lựa chọn trả đũa khả dĩ như thế là cần thiết để tỏ rõ cho dân chúng sự kiên quyết của chính phủ - tương tự là mẩu tin thời sự chiếu cảnh xe bọc thép chạy rần rần trên một bãi biển đang có kha khá người, biểu thị cho sự sẵn sàng chiến đấu của PLA.Có thể cảm nhận bầu không khí "sẵn sàng chiến đấu" này trên tờ China Daily ngay từ tối 1-8 qua phóng sự "Bộ Tư lệnh PLA công bố bài báo, video "báo động cao độ"". Bài này cho biết Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông phụ trách Đài Loan đã công bố trên WeChat nhân 95 năm ngày thành lập PLA, một bài báo cho biết lực lượng của họ đang báo động cao độ, sẵn sàng chiến đấu ngay khi có lệnh, để "chôn vùi mọi kẻ xâm lược" và "tiến tới thắng lợi".China Daily thông tin thêm: "Trong video kèm theo bài báo, một số vũ khí tiên tiến được giới thiệu khi huấn luyện bắn đạn thật, bao gồm từ tên lửa đạn đạo DF-15B tới giàn pháo phản lực PHL-03 và máy bay chiến đấu tàng hình J-20". Một tin "cổ động" thuần túy, không quên chú thích thêm: "Bộ Tư lệnh không nói rõ các ý định đằng sau những lời lẽ ngắn gọn này". Có một chi tiết nhỏ nữa song ý nghĩa: tất cả bài vở tin tức về sự kiện này, cả China Daily và Global Times đều chỉ viết "Đài Loan", chớ không chua thêm "Đài Loan (Trung Quốc)".Đòn phép PelosiLần này, có vẻ chú thích "không rõ ý định" không chỉ là một lối viết công thức. Trung Quốc thực sự sẽ phản ứng ra sao, tới tận tối thứ ba 2-8 vẫn chưa rõ. Có vẻ Bắc Kinh muốn đợi thêm, xem đối thủ Nancy Pelosi làm gì hay nói gì hơn nữa trong ngày thứ tư 3-8 trước khi rời Đài Loan buổi tối để đưa ra các phản ứng tương xứng.Bà Pelosi đã an toàn đến Đài Loan trên chiếc máy bay Boeing C-40C mang tên SPAR 19 của không lực Mỹ, hạ cánh xuống sân bay Shongshan (Tùng Sơn, Đài Bắc). Dòng Twitter đầu tiên của bà sau khi tới nơi: "Chuyến thăm của phái đoàn chúng tôi tới Đài Loan tôn vinh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hậu thuẫn nền dân chủ sôi động của Đài Loan" - khiêu khích thật đấy, nhưng chưa "phạm húy": chỉ nói "hậu thuẫn nền dân chủ của Đài Loan" chớ không nhắc gì tới hai chữ cấm kỵ: "độc lập".Sự dền dứ của hai phía càng rõ khi bà Pelosi đã rất kỹ lưỡng trong những phát ngôn sau đó: "Các cuộc thảo luận của chúng tôi với giới lãnh đạo Đài Loan tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi với đối tác này và thúc đẩy lợi ích chung của hai phía, bao gồm cả việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Thông điệp của bà Pelosi rõ ràng vẫn chưa phạm vào nguyên tắc "một Trung Quốc". Không có chuyện "Đài Loan độc lập", mà chỉ bàn chuyện "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" thôi!Tương xứng, tuyên bố mạnh mẽ nhất tối thứ ba 2-8 là của Bộ Quốc phòng Trung Quốc là: "PLA sẽ khởi động một loạt các hoạt động quân sự có mục tiêu nhằm chống lại chuyến thăm của Pelosi tới đảo Đài Loan... nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và vẹn toàn lãnh thổ".Chuyện xửa chuyện xưaTrong bài báo của Global Times, có nhắc tới "các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trước đây". Tất nhiên, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều nhớ không quên 3 cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1954-1955, 1958 và 1995-1996. Đặc biệt, trong giới chính trị chóp bu ở Mỹ, bà Pelosi là một trong số hiếm hoi những người đã trực tiếp trải nghiệm cả ba cuộc khủng hoảng.Sinh năm 1940, bà 15 tuổi khi xảy ra vụ khủng hoảng lần thứ nhất (1954-1955), chắc chắn có hay biết những vụ pháo kích hằng ngày nã vào hai hòn đảo Kim Môn, Mã Tổ sát bờ lục địa và Đài Loan phản pháo. Cuộc khủng hoảng lần thứ hai, 1958, nổ ra khi bà Pelosi học năm cuối trung học rồi sau đó vô đại học - tốt nghiệp cử nhân chính trị năm 1962, rồi làm thực tập sinh cho thượng nghị sĩ Daniel Brewster hồi những năm 1960 và lãnh đạo đa số ở Hạ viện trong tương lai Steny Hoyer. Những vụ pháo kích hằng ngày vào Kim Môn, Mã Tổ thời gian đó ở Sài Gòn nhựt trình bán chạy như tôm tươi, huống hồ là ở Mỹ.Cũng rần rần theo dõi như chuyện ứng cử viên tổng thống John Kennedy từng là thuyền trưởng thuyền phóng ngư lôi PT-109 bị hải quân Nhật đánh chìm trong Thế chiến II. Thế hệ thanh niên như bà Pelosi thích theo dõi thời sự quốc tế vào một thời kỳ vốn lắm thứ đa đoan, nhiễu sự. Vào năm 1959, còn có biến cố Đạt Lai Lạt Ma bỏ sang Dharamsala (Ấn Độ) lưu vong. Bà Pelosi thuộc về một thế hệ người Mỹ hiểu biết Trung Quốc qua các sự kiện như vậy. Thành ra, cũng không lạ khi năm 1991, bà từng sang Bắc Kinh giăng biểu ngữ về vụ Thiên An Môn hai năm trước. Cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ ba 1995-1996 với những màn phóng tên lửa từ lục địa về hướng Đài Loan sau khi Washington để ông Lý Đăng Huy sang thăm trường cũ ở Mỹ vào năm 1995, bà Pelosi ắt càng nhớ kỹ hơn.Tâm lý dân chúng MỹThiệt ra, không hẳn bà Pelosi "cứng" với Trung Quốc chỉ vì quá khứ - tới giờ thì đã có thể nói đây là một thái độ không xa lạ với xã hội Mỹ. Muốn hay không muốn, mỗi xã hội có những cách nhìn, cách sống, suy nghĩ, tâm tư riêng. Khảo sát của You.gov 2-8 có câu hỏi: "Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể đến thăm Đài Loan để gặp các nhà lãnh đạo Đài Loan trong tuần này, điều này sẽ khiến bà trở thành quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm hòn đảo này trong 25 năm qua. Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo không nên đến thăm Đài Loan, nơi mà nước này tuyên bố là lãnh thổ. Pelosi có nên đến thăm Đài Loan?". Kết quả thăm dò: nên đến: 40%; không nên: 27%; không chắc lắm: 32%.Câu hỏi kế tiếp: "Trong tương lai, nếu một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan, bạn có nghĩ Hoa Kỳ nên giúp bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự, hay bạn chưa biết đủ vấn đề này để phát biểu?". Kết quả có phần đắn đo hơn: nên giúp: 40%; không nên giúp: 17%; chưa nắm rõ vấn đề để phát biểu: 43%.Ở trong nước, bà Pelosi thực ra cũng không được cử tri ưa lắm. Trong cuộc khảo sát dư luận của báo The Economist kết hợp với You.gov thực hiện từ ngày 23 đến 26-7 với một mẫu là 1.500 công dân Mỹ trưởng thành, số người có ý kiến "rất thuận lợi" về bà Pelosi chỉ là 14%, trong khi những người có ý kiến "rất không thuận lợi" tới 43%. Tức chuyến thăm Đài Loan rất có thể bao gồm mục tiêu vực dậy phần nào uy tín chính trị đang sứt mẻ nghiêm trọng của bà trong nước.Tất cả những yếu tố đó giải thích cho sự thận trọng của Trung Quốc trong biến cố này. Giờ đã là 2022, không còn là 1989 hay 1995 nữa. Số người Trung Quốc học thành tài các môn khoa học xã hội giờ cũng đông đảo và học thật cả. Có thể thấy tính co giãn của nhà cầm quyền Bắc Kinh: họ biết khi nào cần phải cẩn thận! ■Việc chiếc SPAR 19 chở bà Pelosi bay đến Đài Loan theo lộ trình bên hông Philippines chắc chắn là có tính toán kỹ lưỡng: máy bay ở hoàn toàn trong Vùng thông tin bay (FIR) và Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Philippines, chớ không phạm chút nào vào những khu vực thuộc Trung Quốc. Tất nhiên, cũng phải nói tới nhu cầu đảm bảo an ninh cho chuyến bay đặc biệt này khi ở khu vực chung quanh Đài Loan hờm sẵn một lực lượng gồm ba tàu sân bay USS Reagan, USS Tripoli và USS America. Tags: Chủ tịch Hạ viện MỹNancy PelosiĐài LoanQuan hệ Mỹ-Đài LoanKhủng hoảng Đài Loan
Quốc hội chốt ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT là 200 triệu đồng/năm THÀNH CHUNG 26/11/2024 Luật mới được thông qua quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế VAT.
TP.HCM: 80 phường hoàn thành sáp nhập trong vòng 1 tháng THẢO LÊ 26/11/2024 Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị công bố quyết định sắp xếp các phường (sáp nhập) từ ngày 28 đến 30-12-2024. Đến 1-1-2025, các phường mới chính thức đi vào hoạt động.
Clip cận cảnh Đàm Vĩnh Hưng gặp nạn ở Mỹ, chồng ca sĩ Bích Tuyền kiện ngược lại HOÀI PHƯƠNG 26/11/2024 Ca sĩ Bích Tuyền chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng chồng cô là ông Gerard Williams sẽ kiện ngược lại Đàm Vĩnh Hưng. Phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn chưa có phản hồi về vụ việc này.
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.