Cuộc ngưng bắn của ông Putin!

DANH ĐỨC 01/03/2016 17:03 GMT+7

TTCT - Vì sao thỏa thuận ngưng bắn ở Syria có thể được coi là một thắng lợi ngoại giao với Nga?

Ông Obama quá hiền lành so với ông Putin ở Syria - Ảnh: NBC News, Washington Post
Ông Obama quá hiền lành so với ông Putin ở Syria - Ảnh: NBC News, Washington Post


Cuối ngày 22-2, một thông cáo chung cùng được phát đi từ Matxcơva và Washington loan báo sẽ ngưng chiến tại Syria bắt đầu lúc 0g ngày 27-2 (giờ Damascus). Tiếp sau thông cáo chung, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị lên đường thăm Cuba, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại đọc ngay một diễn văn giải thích rằng “thỏa thuận đình chiến Syria là cơ hội thật sự để chấm dứt đổ máu”.

Diễn văn “nhấn mạnh” của ông Putin cho thấy ông coi trọng thành quả này như thế nào. Ông nhắc lại những chi tiết then chốt của thỏa thuận ngừng bắn: “Tôi vừa có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Các cuộc gọi điện được khởi xướng bởi phía Nga, nhưng lợi ích chắc chắn là chung cho hai bên...

Đến 12g ngày 26-2, tất cả các bên tham chiến ở Syria phải thể hiện cho Liên bang Nga và đối tác Mỹ của chúng tôi thấy rõ cam kết chấm dứt chiến sự của họ. Quân đội Nga và Mỹ sẽ cùng nhau phân định các vùng lãnh thổ nơi mà các nhóm này đang hoạt động.

Không một hành động quân sự nào sẽ được thực hiện chống lại họ bởi các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Ả Rập Syria, lực lượng vũ trang Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu. Đổi lại, phe đối lập sẽ chấm dứt tất cả hành động quân sự chống lại các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Ả Rập Syria và các nhóm khác hỗ trợ cho họ”.

Phản ứng từ dư luận Nga và Mỹ

Những giải thích của ông Putin trước hết là dành cho dân chúng Nga mà ông luôn cần sự ủng hộ. Kết quả thăm dò của Tổ chức dư luận quần chúng (POF) hôm 3-12-2015 cho thấy 70% người Nga ủng hộ việc Nga không kích hỗ trợ Syria, một thay đổi đảo chiều so với 69% số ý kiến phản đối việc trực tiếp giúp đỡ quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, được ghi nhận vào tháng 9-2015, một phần bởi những ám ảnh của cuộc chiến tranh Afghanistan thời Liên Xô đã khiến 14.500 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng.

Trong khi ông Putin chăm chú với chiến sự ở Syria, ông Obama có vẻ còn những ưu tiên khác, ngay cả khi dư luận Mỹ cũng sẽ có phản ứng nhất định với thỏa thuận ngừng bắn vừa công bố.

Theo AP ngày 20-11-2015, một cuộc thăm dò của Bloomberg cho thấy tới 73% người Mỹ ủng hộ tăng cường không kích chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đặc biệt có đến 60% muốn tăng sử dụng lực lượng Mỹ trên bộ, trong bối cảnh chỉ 37% ủng hộ can thiệp sâu hơn ở Syria để chống IS trong một cuộc thăm dò trước đó.

Mối lo của dân chúng Mỹ với IS là rất dễ hiểu, bởi vết sẹo 11-9 còn chưa lành: cũng trong cuộc thăm dò của Bloomberg, 81% số người được hỏi nói họ sợ rằng nước Mỹ sẽ hứng chịu một vụ tấn công tồi tệ từ IS.

Hành động quân sự ở Syria của Nga và Mỹ khác nhau về mục đích, một đằng là để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, còn đằng kia là để chống IS và lật đổ ông Assad, nên không có gì lạ khi dư luận Mỹ đã “đo đếm” được mất của hai bên từ lệnh ngừng bắn.

Roger Cohen của tờ New York Times đặt tựa cho xã luận ngày 8-2 của ông là “Nỗi xấu hổ Syria của nước Mỹ”! Cohen tỏ ra không thương tiếc với chính sách đối ngoại của Mỹ ở Syria: “Aleppo hiện nay gần như bị quân đội Syria bao vây hoàn toàn...

Tình cảnh của thành phố này giờ là kết quả của sự vô trách nhiệm và chần chừ không mục đích trong gần năm năm qua của chính quyền Obama.

Tổng thống và các trợ lý của ông, ở những thời điểm khác nhau, đã trốn tránh sau những ý kiến rằng Syria chỉ là phần rìa của các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ, rằng họ đã cân nhắc những bất lợi của việc can thiệp kỹ lưỡng hơn ai hết..., rằng Afghanistan và Iraq là những bài học về sự vô ích của việc phô diễn sức mạnh của Mỹ trong thế kỷ 21 này...và rằng nhất thiết phải tránh một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông dù cho uy tín của nước Mỹ có bị sứt mẻ và tổn hại tới đâu đi nữa”.

Bài xã luận của Cohen được đăng tải trước thông báo đình chiến (theo ý ông Putin?) chỉ hai tuần, và chỉ hai ngày trước khi các bên cùng thỏa thuận tại Munich hôm 11-2 về việc giao cho một nhóm công tác phụ trách ngừng bắn (Nga và Mỹ), trong vòng một tuần, đề ra bộ khung quy tắc cho việc chấm dứt chiến sự trên toàn bộ lãnh thổ Syria (nhóm đã mất đến hơn 10 ngày để có thể thống nhất thông cáo chung hôm 22-2).

Ông Obama quá hiền lành so với ông Putin ở Syria? -NBC News, Washington Post
Ông Obama quá hiền lành so với ông Putin ở Syria? -NBC News, Washington Post

 

Ông Putin cao tay hơn?

Cơ sở pháp lý của lệnh ngừng bắn, theo thông cáo chung ngày 22-2 là: “Chiếu theo nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng các tuyên cáo của Nhóm hỗ trợ Syria (ISSG), việc chấm dứt chiến sự không áp dụng cho “Daesh”, “Jabhat al-Nusra”, hoặc các tổ chức khủng bố khác theo chỉ định của Hội đồng Bảo an...”.

Nghị quyết 2254 được nhắc gồm những điểm chính như sau, theo trang chủ của Liên Hiệp Quốc: “Người dân Syria sẽ quyết định tương lai của Syria”; Hội đồng Bảo an yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, thông qua các vận động thiện chí và những nỗ lực của đặc phái viên của ông, triệu tập đại diện chính phủ Syria và phe đối lập để đàm phán chính thức từ đầu tháng 1 về quá trình chuyển đổi chính trị “khẩn cấp”;

ủng hộ tiến trình chính trị do chính người Syria cầm trịch nhằm thành lập trong vòng sáu tháng một bộ máy “quản trị đáng tin cậy, bao gồm mọi bên và không bè phái”; và thiết lập một lịch trình cùng quy trình cho việc soạn thảo hiến pháp mới.

Nghị quyết đó cho thấy ít ra là trong ngôn ngữ văn bản, các cường quốc không còn cầm trịch tiến trình chính trị cho người Syria, và cũng không còn việc ông Assad phải ra đi như đòi hỏi quyết liệt từ các nước phương Tây trước đó.

Cohen viết tiếp trên New York Times: “Chính quyền Obama vẫn khua môi rằng Assad là một phần của vấn đề chứ không phải của giải pháp, rằng nếu nhà lãnh đạo Syria có “sống sót” được qua quá trình chuyển giao chính trị đi nữa thì ông cũng sẽ không thể trụ lại được sau đó. Nhưng đó chỉ là lời nói miệng.

Chính Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga mới đang “làm mưa làm gió” ở Syria thiếu vắng bất cứ sự cam kết đáp trả hay chính sách rõ ràng nào từ Tổng thống Obama”.

Những bình luận của Cohen không phải là vô cớ, và đây không phải lần đầu tổng thống Mỹ bị cho là thiếu quyết đoán và nhất quán ở Syria. Thật vậy, ông Obama từng có một cái cớ rất rõ ràng để can thiệp mạnh tay hơn vào Syria và lật đổ ông Assad.

Đó là cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học hồi tháng 8-2013. Khi đó, trong tình hình chiến sự cực kỳ lộn xộn, truyền thông phương Tây đã làm ầm ĩ về một vụ việc được cho là thảm sát bằng vũ khí hóa học của quân đội chính phủ ở thị trấn Ghouta. Chính phủ Syria đổ lỗi cho phiến quân về vụ tấn công này, cũng như cho tất cả các cuộc tấn công vũ khí hóa học khác tại Syria.

Phản ứng lại sự kiện Ghouta, một liên minh của các quốc gia dẫn đầu bởi Hoa Kỳ và Pháp đe dọa trừng phạt Syria bằng những đợt không kích cường độ cao. Trưa 31-8, từ Vườn Hồng - Nhà Trắng, ông Obama tuyên bố trên truyền hình:

“Mười ngày trước, thế giới đã chứng kiến trong kinh hãi cảnh nam phụ lão ấu bị sát hại ở Syria trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất thế kỷ 21. Hôm qua, Hoa Kỳ đã trình bày một hồ sơ vững chắc chứng minh rằng Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này nhắm vào chính người dân nước họ”.

Ngày 9-9-2013, từ London, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ra thời hạn một tuần để Syria phải kê khai và giao nộp vũ khí hóa học nếu không muốn hứng chịu các đợt không kích, tức chẳng khác gì một tối hậu thư.

Ngày hôm sau, 10-9-2013, ông Obama lại lên truyền hình với những lời đe dọa mới: “Điều đã xảy ra cho những người dân ở đó, trẻ em ở đó, không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn là một mối đe dọa cho nền an ninh của chúng ta. Để tôi giải thích tại sao.

Nếu chúng ta không hành động, chế độ Assad sẽ không thấy lý do gì để ngừng sử dụng vũ khí hóa học. Rồi những kẻ độc tài khác cũng sẽ chẳng thấy tại sao phải đắn đo suy nghĩ việc sở hữu và sử dụng khí độc. Với thời gian, các binh sĩ chúng ta sẽ phải đối diện viễn cảnh vũ khí hóa học ở chiến trường...

Sau khi cân nhắc cẩn thận, tôi xác định rằng đáp trả việc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học bằng một cuộc tấn công quân sự chính là vì lợi ích an ninh quốc gia (của Mỹ)”.

Nếu bài diễn văn dừng lại ở đó và biến thành hành động thật sự, có lẽ tình hình Syria đã khác, nhất là khi việc chính quyền Assad sở hữu vũ khí hóa học có vẻ là một sự thật đã được thừa nhận. Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an thông qua ngày 27-9-2013, với 15/15 phiếu nhất trí, yêu cầu loại bỏ vũ khí hóa học của Syria.

Song, bài phát biểu của tổng thống Mỹ vẫn còn một đoạn rào đón rất nước đôi nữa: “Vừa rồi là nhận định của tôi với tư cách tổng tư lệnh (quân đội Mỹ). Song tôi còn là tổng thống của nền dân chủ hiến định lâu đời nhất.

Thành ra, dù tôi có quyền ra lệnh tấn công quân sự, tôi vẫn nghĩ rằng nên đưa việc này ra quốc hội thảo luận, do lẽ chưa có sự đe dọa trực tiếp hay cận kề nào với nền an ninh của chúng ta” (ông cũng nói thêm rằng bộ binh Mỹ “sẽ không đặt chân lên đó”).

Sự phân thân giữa vai trò tổng tư lệnh và tổng thống hiếm có này của ông Obama phản ánh điều mà báo chí Mỹ trách là những tính toán “giật cục” của ông với những cân nhắc nước đôi “nếu... thì” trong vấn đề Syria.

Như thế, ông Obama bị cho là đã để vuột cơ hội “trói tay” ông Assad, để rồi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nhảy vào thế chỗ, dàn xếp việc tiếp nhận kho vũ khí hóa học của Syria, và nhờ thế “giải cứu” cho chính quyền Assad. Có vẻ như sự cân nhắc thiệt hơn quá thấu đáo của ông Obama đã cản trở hành động quyết liệt của Mỹ ở Syria và tạo ra cảm giác ông luôn thất thế trước một Putin đã quen ra tay hành động dứt khoát và không ngần ngại.■

220.000: Số người thiệt mạng sau năm năm nội chiến ở Syria tính tới tháng 2-2016.

3,8 triệu: Số người phải rời bỏ Syria đi tị nạn trong thời gian nội chiến. Liên Hiệp Quốc ước tính gần một nửa trong dân số 23 triệu người của quốc gia này đã mất nhà cửa và số người phải bỏ đất nước ra đi tới cuối năm 2016 sẽ là 4,7 triệu, cuộc di tản vì chiến tranh tồi tệ nhất kể từ thảm sát Rwanda 20 năm trước.

7,7 tỉ USD: Liên Hiệp Quốc nói họ cần 7,7 tỉ USD để hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến tranh ở Syria.

50%: Ước tính 50% số người tị nạn từ Syria là trẻ em.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận