6.000 tỉ đồng/năm để... nhậu

QUỐC VIỆT 19/10/2003 01:10 GMT+7

TTCN - “Ở thành phố này bây giờ, tìm thư viện, số nhà, phòng vệ sinh công cộng có thể còn rất khó. Nhưng có một thứ mà bất cứ ai, ở đâu, lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy, đó là: quán nhậu!”, những người bạn ở Mỹ, sau mười mấy năm trở lại quê hương đã bất ngờ nhận xét. Họ không thể ngờ “ngành ăn nhậu” ở TP.HCM tăng trưởng nhanh đến thế!


“Lạm phát”... nhậu

Vừa xuống đến sân bay, việc đầu tiên của họ là ghé mua ngay một cái simcard điện thoại đi dộng để tiện liên lạc với bà con, bạn bè tình nghĩa sau mười mấy năm không gặp mặt. Nhưng sử dụng đúng ba ngày, họ đã lặng lẽ “ngâm” nó vào bồn tắm vì quá… sợ nhậu! Hầu như bất cứ cuộc hẹn hò nào dù ở nhà riêng hay dã ngoại, quán ăn, đều kết thúc bên đống vỏ chai rượu bia. 

Có lẽ chưa bao giờ TP.HCM lại “lạm phát” quán nhậu như hiện nay. Những con đường bia bọt Thi Sách; cầy tơ Thị Nghè, Hồng Hà; lẩu dê Lê Văn Sĩ, Quang Trung; cháo gà Hải Triều… một thời định danh, định hình bộ mặt ăn nhậu của thành phố, nay tiếng tăm đã bốc hơi theo sự xuất hiện rầm rộ của hàng ngàn quán nhậu lớn, hơn hẳn về qui mô lẫn chất lượng. 

Hầu như không một “mặt tiền” quan trọng nào của thành phố là chưa bị quán nhậu “xâm lược”. Cả những vị trí, khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt hành chánh, lịch sử văn hóa như Tòa án nhân dân TP.HCM, dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, chùa chiền, trường học, công viên, kể cả bô rác… cũng ngày ngày ngập trong bia bọt. Nhậu diễn ra tràn lan. Mươi năm trước, kinh doanh quán nhậu cũng như buôn bán các mặt hàng khác thường phải tập trung theo phố, theo đường, nay xé lẻ một mình, thậm chí lùi vào cả trong hẻm mà vẫn đông khách…

“Mốt” quán nhậu đang được ưa chuộng nhất là các quán sân vườn. Ở đâu càng có nhiều khoảng không, giếng trời, cửa sổ thông thoáng và cây xanh với trang trí tre nứa, rơm rạ, cuốc cày vừa lạ mắt vừa dân dã là nơi đó đông khách... Nhiều “làng nướng”, “vườn xanh”, “hoa viên”, “rừng xanh, biển đỏ” này nọ đã có qui mô lên đến 300-400 bàn. Một tầng chưa đủ, người ta cơi thêm lên đến 3-4 tầng, thậm chí đào hầm chui cả xuống đất. Ngày trước, quán nhậu chủ yếu chỉ tập trung ở các quận trung tâm, nơi làm việc của công chức và giới kinh doanh lắm tiền, bây giờ đã tỏa ra cả các vùng ngoại thành.

Mới 9g-10g sáng, các quán nhậu ở quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức đã nhộn nhịp. Dân nội thành ra tìm chút “trăng thanh gió mát” đã đành. Ngay cả những nông dân mới bán đất trở thành thị dân cũng miệt mài cụng ly bên bàn nhậu. Các em “sẹc bia” tóc xanh, tóc đỏ lả lướt mời chào. Chỉ có điều nhiều em vẫn còn vết nứt nẻ do lội ruộng dưới gót chân. 

Dường như người ta nhậu suốt ngày, suốt tuần. Trong một tuần bảy ngày không có ngày nào mà người ta không nhậu. Có những chầu nhậu kéo dài từ sáng đến tối, lại có những chầu nhậu kéo dài thâu đêm đến sáng. Tên tuổi các quán hình như cũng là một nét “văn hoá mới”. “Xưa rồi diễm ơi” cái thời của những bảng hiêu trau chuốt, ngôn từ văn chương, bây giờ càng bình dân, càng “quê” cỡ “Hai Lúa, Hai Mơ, Cu Tí …” người ta càng thích. 

So với “mốt” sân vườn, nhậu nhẹt trong các quán bar có vẻ trầm kín hơn. Ở trung tâm thành phố, chỉ điểm sơ qua vài con đường như Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão… đã có đến hàng trăm quán nhậu “trí thức”. Bên cạnh khách Tây vốn là đối tượng chính của các quán này trước đây, thì hiện khách ta lại chiếm đông hơn. Ngoài công chức, doanh nhân ngồi khui rượu ngoại đắt tiền, còn có cả các cậu ấm, cô chiêu chưa bao giờ tự kiếm ra được đồng nào. 

Nếu như các bar ngày trước chủ yếu chỉ kinh doanh rượu, nhạc và vài cô cave thì nay đã nhanh nhạy mơ thêm lắm trò. Chí ít là cũng vài bàn bida lỗ có các “em út” mặc áo hai dây, trễ ngực làm cơ thủ cò mồi để câu khách ở bên dưới, rồi dăm phòng hát hò “nhạc chết” nhưng có “đào sống ngồi hầu”…

Lan tràn ở mọi hè phố, ngóc ngách hiện nay là các quán nhậu bình dân. Đã qua rồi những ngày thành phố còn bao cấp, đêm đêm chìm trong bóng tối vì cúp điện, dân nhậu hè phố chỉ biết loanh quanh lai rai rượu trắng với trứng vịt lộn, khô cá đuối dưới ngon đèn dầu lập lòe. Bây giờ, tiếng là nhậu hè phố, nhưng các ma men vẫn có đủ mồi mèn lâm, hải, đặc sản. 

Không chỉ giới bình dân mà ngay cả các dân lắm tiền cũng khoái la cà ở chốn này để tìm cảm giác. Thậm chí vừa nhậu vừa ngó chừng công an để ôm ghế chạy, nhưng người ta vẫn thích ngồi. Có những quán nhậu đông đúc tới hàng trăm người, rượu bia chảy ra như suối. Không khí ngoài trời lộng gió vẫn ngột ngạt mùi rượu bia, thuốc lá và mồ hôi. Người ta chen chúc nhau, chỉ cần ai đó say quậy chân, quậy tay là chắc có kẻ văng ngay xuống sông đen. Một buổi tối bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, tôi đã mục kính cảnh các cô gái mặc áo hở rốn, lòi bụng bia ngồi bá vai “cưa đôi” rượu rắn với cánh mày râu. 

Trẻ hóa , sành điệu và “lầy lội!”

Đó là nhận xét của giới chủ quán và cả dân nhậu về đặc điểm chè chén hiện nay. Đã qua rồi cái thời chỉ có dân làm ăn khui rượu ký hợp đồng, giới công chức cà kê bàn chuyện “đại sự” sau giờ làm việc và các văn nghệ sĩ nhâm nhi tìm cảm hứng. Hiện nay, ở bất cứ quán nhậu nào dù bình dân hay cao cấp, người ta cũng có thể nhìn thấy những đệ tử lưu linh còn rất trẻ. Thậm chí cả những áo trắng sinh viên, học sinh cũng gật gù bên bàn rượu bia với đủ lý do “trăm năm trong trong cõi người ta” như sinh nhật, đỗ đạt, tìm được việc làm thêm và tất nhiên cả chuyện… thất tình, thi rớt! 

Một buổi tối ở quán bia tươi P trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi đã tận mắt thấy không dưới 5-6 bàn nhậu toàn là những gương mặt 16-17. Đặc biệt, ở một bàn còn có cả các cô nữ sinh mặc đồ thể thao trường trung học. Những vại bia gần 1 lít cứ chảy tuồn tuột qua đôi môi “chíp non”. Lát sau, có cô bé ồng ộc cho “chó ăn chè” ngay trên bàn, nhiều cô khác vẫn tỉnh rụi bĩu môi, rồi dựa đầu vào vai bạn trai, tiếp tục nâng ly “dzô, dzô”. Chuyện bên bàn rượu cứ lộn xộn, không nội dung, chỉ láng máng hình như các cô cậu không buồn, không vui nên dắt nhau vào quán tìm cảm giác “vui, buồn”! 

Giá trị của một con người dường như đang được hứng tỏ bằng trình dộ sánh điệu của tửu lượng của mình trong ăn nhâu. Giới chủ thời nay hiểu rất rõ sự cầu kỳ, khó tính của khách nhậu nên phải ra sức chiều họ. Từ chuyện trang trí quán theo kiểu trồng bụi chuối ngược đầu, chụp bóng đèn bằng cái nơm cá dưới quê đến “menu” bách tửu hổ lốn cả dân gian, cung đình, lẫn ngoại nhập. Thậm chí họ còn học Tây treo bảng hầm rượu này nọ với bao kiểu chai lọ xếp kín các bức tường. Về bia, giờ đây là thời thống trị các tên tuổi “bia lên cơn” đã lụi tàn của những thương hiệu đắt tiền. Các chủ quán nhậu sân vườn cho biết vài năm gần đây nhiều khách đã chuyển sang “mê” vị bia “ken”, còn tầm trung trung thì cũng phải Tiger, Sài Gòn “đỏ”, có giá bằng cả thùng “bia lên cơn” ngày trước. 

Tuy nhiên, đáng nể nhất vẫn là các món nhậu. Thời của những đầu bếp càng tự do “sáng tác” món ăn bao nhiêu thì quán càng đông khách bấy nhiêu. Ở Làng nướng PN, đường Cách Mạng Tháng Tám, menu dày cộp có đến mấy trăm món. Ở môt quán nhậu “nhà quê”, quận 2, anh đầu bếp bụng phệ liếc dao tuyên bố con gì ngọ nguậy mà bỏ vào mồm không chết thì quán có tất, từ rắn biển, thằn lằn núi đến bò cạp, kiến mối chiên bơ… “80-90% dân nhậu bây giờ lật thực đơn là tìm “món độc”. Chỉ có “lúa” với các bà các cô là dân nghèo mới gọi gà, vịt thôi…” - một chủ quán nhậu trên đường Lê Văn Sĩ nhận xét. 

Nhiều chủ quán cũng khẳng định tửu lượng của đa số dân nhậu hiện đang cao đến mức… “lầy lội”! 

Lượng tiêu thụ quá lớn. Các bợm uống đến say khướt đã đành, mà ngay cả nhiều dân làm ăn, giới công chức và cánh trẻ cũng khoái cụng ly “tới chỉ”. Rất hiếm khách bước vào quán uống 1-2 chai bia cho ăn ngon miệng như hồi xưa, mà như nhiều chủ quán nhận xét phổ biến là cỡ 5-6 chai, còn 7-8 chai trở lên cũng phải chiếm tỉ lệ 30-35% khách.

“Dân nhậu sỉn tại chỗ thì nhiều không nhớ nổi. Nhân viên cứ 15 phút, nửa tiếng lại phải vô nhà vệ sinh để dọn dẹp những thứ mà khách đã cho vào bụng không lâu trước đó. Nhiều quán đã phải chuẩn bị cả bãi trống dành cho khách sỉn gửi xe máy đi taxi về...”. Đặc biệt, “đôi mươi năm trước, nhìn một thanh niên uống hết chục chai bia là chuyện hiếm, nhưng bây giờ đó là chuyện thường ngày, ngay cả với bộ phận thanh niên áo bỏ vào quần, xách cặp đi làm!”.

Theo khảo sát điểm ở một số quán nhậu bậc trung ở quận 1, 3 và Tân Bình, rất ít có chầu nhậu nào có giá thanh toán 200.000 -300.000 đồng, phổ biến vẫn mức 500.000 - 600.000, còn từ 700.000 - 800.000 trở lên đang có tỉ lệ tăng dần. Các chủ quán quen mặt khách cũng phải lắc đầu: “Có rất nhiều nhiều cái biu (bill) “bèo” sau vài giờ say sưa cũng phải trả ngang với mức lương của một ông chủ tịch phường, ngạch của một giáo viên đã còng lưng dạy mười năm. Không hiểu họ lấy tiền ở đâu ra mà nhậu dữ vậy?”. 

Làm giàu trên quán nhậu

Ngành kinh doanh ăn nhậu có lẽ đang đứng ở top ten ngành nghề dễ thu siêu lợi nhuận nhất hiện nay. Nhiều chủ quán bây giờ đã mở thêm chi nhánh ở nội, ngoại thành với qui mô nhân viên đông đến hàng trăm người. Thậm chí ngay cả cac quán bia hơi, thịt chó, nghêu sò bình dân cũng có chi nhánh và xin “độc quyền thương hiệu” hẳn hoi.

Qua khảo sát riêng của chúng tôi tại một quán bia tươi ở quận 1, mỗi ngày có cả 1.000 khách vào đây ăn nhậu. Nhân viên tính tiền cho biết trung bình mỗi người chỉ tiêu khoảng 150.000 đồng thì quán đã đạt doanh số 150 triệu đồng mỗi ngày. 

Nếu cứ tạm tính lợi nhuận đạt tỉ lệ 30% như họ nói( nhiều người cho biết các quán nhậu có thể lời được 40-50% trên doanh số) thì mỗi ngày chủ quán này đã kiếm được xấp xỉ 45 triệu đồng. Thậm chí chỉ ba ngày khảo sát ở quán nhậu “nghêu sò vỉa hè” bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, chúng tôi đã ghi nhận có không dưới 150 khách vào quán mỗi đêm. Trung bình mỗi khách “uống” hết 80.000 đồng, và với lợi nhuận 30%/doanh số thì quán đã có gần 4 triệu đồng mỗi đêm.

Việc kiếm lời trên một chai bia là không đáng bao nhiêu (ăn trên số nhiều), mà chủ yếu từ rượu, thức ăn và các thứ linh tinh khác. Một chai rượu ngoại hạng bèo ở siêu thị bán 150.000 đồng, trong quán nhậu thường có giá từ 250.000 đồng trở lên (chưa kể công khui, rót). Còn “rượu ta, rượu thuốc” thì vô giá. Các mối bán buôn ở Gò Vấp, Tân Bình, Long An mang can 50 lít lên đổ với giá rẻ mạt, nhưng quán nhậu phải “hét” lên không dưới 200% giá thật. Thức ăn ít nhất là cứ một lời một, thậm chí hơn nữa. Một con cá saba mua ở siêu thị là 30.000 đồng, trong một quán nhậu ở quận 3 nó đã có giá 130.000 đồng. Những thứ linh tinh khác như khăn mặt, đĩa đậu phộng thì cứ bỏ một lời hai, thậm chí bốn lần.

Thực tế thành phố đã xuất hiện nhiều đại gia có máu mặt, mua nhà biệt thự, đi xe “mẹc” chỉ nhờ thành công từ các quán nhậu.

6.000 tỉ đồng/năm để... nhậu

Chưa khi nào thị trường rượu, bia VN lại phát triển mạnh như hiện nay. Chỉ riêng dòng rượu nhập ngoại, có đi rảo các shop, siêu thị suốt hai ngày vẫn chưa nắm hết nổi các cái tên, giá cả, xuất xứ của chúng. TP.HCM hiện đang có vài chục đầu mối nhập khẩu rượu qui mô lớn, và thêm khoảng vài trăm công ty thỉnh thoảng đánh vài công “hàng ké” để về bán lại kiếm lời. 

Nhân viên kinh doanh của một công ty nhập khẩu rượu có tên tuổi ở quận 1 cho biết chỉ trong ba năm qua doanh số của công ty đã tăng lên gấp... ba lần. Lúc đầu, công ty này chỉ chuyên “đánh” hàng tàu rượu vang, gần đây đã mở rộng ra cả rượu mạnh theo “nhu cầu của thị trường”.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ hải quan và quản lý thị trường đều thừa nhận luồng nhập khẩu chính thức chỉ đang chiếm khoảng 50-60% thị trường rượu ngoại, phần còn lại là… rượu nhập lậu qua các ngõ biên giới đường bộ và tàu hàng viễn dương. Giá bán lẻ của chúng chỉ thấp hơn giá rượu nhập khẩu chính thức khoảng 15-25%, nhưng các đầu nậu buôn lậu đã bỏ túi đến 75-85% tiền lơi trên thực vốn bỏ ra. Điều đặc biệt là dân nhậu không chỉ chịu giá cắt cổ, mà còn đang vô tình uống rượu dỏm vốn đang chiếm đến hơn nửa trên thị trường châu Á. 

Theo Bộ Công nghiệp, rượu ngoại hiện đã “chảy tràn” ở VN khoảng 2 triệu lít mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng năm sau cao vọt hơn năm trước. Nhưng con số đó vẫn chưa là gì, nếu nhìn tổng thể “chiếc bánh” thị trường rượu với phần cắt riêng của dòng rượu trong nước gồm cả sản xuất công nghiệp lẫn dân tự nấu lên đến khoảng… 102 triệu lít mỗi năm! Đặc biệt là nhóm rượu sản xuất công nghiệp đang phát triển mạnh trở lại (chiếm khoảng 20 triệu lít) sau một thời gian trầm lắng do mất thị trường. 

So với rượu vốn đa dạng nguồn hàng, bia hiện nay lại là thời hầu như độc chiếm thị trường của các công ty trong nước và liên doanh. Thực tế nguồn bia nhập ngoại trực tiếp chỉ có thị phần rất nhỏ, chủ yếu là vào thẳng các nhà hàng cao cấp và một ít ở các siêu thị. Hơn 90% tương đương với gần 1 tỉ lít mỗi năm là phần của trong nước. 

Mặc dù mức huy động công suất mới chỉ chiếm đạt khoảng hơn 78% năng lực sản xuất, nhưng sản lượng bia VN đã tăng nhanh đến chóng mặt, khi bình quân năm năm 1996-2000 là 10,9%, còn năm 2002 so với 2001 là 9,3%. Với tổng cộng 320 công ty, cơ sở sản xuất, hiện hầu như tỉnh thành nào cũng có cơ sở sản xuất riêng, nhưng dẫn đầu thị phần bia ở VN vẫn đang thuộc về cac tên tuổi quen thuộc như bia Sài Gòn, 333, Hà Nội, Tiger, Heineken …

Về tình hình kinh doanh rượu, bia ở VN hiện nay, một chuyên gia của công ty khảo sát, tư vấn thị trường nước ngoài đã nhận xét: “Ở VN, hiện không có ngành sản xuất, kinh doanh nào có thể dễ kiếm lợi nhuận như ngành này!”. Nếu ước tính sơ bộ thì người dân của đất nước còn nghèo khổ như VN chúng ta đã “nhậu” khoảng… 6.000 tỉ đồng, nếu giả sử đổ đồng giá cả ở mức thấp là 8.000 đồng/lít rượu sản xuất trong nước, 150.000 đồng/lít rượu ngoại và 5.000 đồng/lít bia!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận