Bhutan không hoàn hảo

HẰNG MAI 28/07/2016 17:07 GMT+7

TTCT - Một vương quốc sống hài hòa với tự nhiên, trị vì bởi một vì vua thông thái và nhân từ. Vương quốc được cả thế giới biết đến và tò mò vì đong đo sự phát triển không phải bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà bằng tổng hạnh phúc quốc dân (GNH).

Người dân được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc ở Bhutan -Hằng Mai
Người dân được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc ở Bhutan -Hằng Mai


Ấn tượng đầu tiên về Bhutan là sự đa dạng sinh học. Hoa dại nở dọc đường đi, bên bờ suối, trong vườn, khắp mọi nơi. Dường như chúng chưa bao giờ nếm mùi thuốc diệt cỏ. Quả là phước lành! Cỏ ba lá hoa trắng và bồ công anh thật sự thống trị nơi này.

Đi bộ xuyên qua các con đường nhỏ ở làng quê hay trong rừng có thể thấy rất nhiều loại rau dại ăn được dọc đường. Đất nước này có lẽ cũng chả cần làm nông. Chỉ cần không làm gì cả, cứ để tự nhiên phong phú như nó đang là, và thực phẩm tự nhiên ở ngay dưới chân người. “Chỉ cần phụng sự tự nhiên là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy” - Masanobu Fukuoka đã nói.

Hạnh phúc không?

Gần đây, sau clip TED talk mà vị thủ tướng Bhutan nói về Bhutan là quốc gia carbon âm tính gây cảm hứng cho rất nhiều người Việt Nam, cũng có nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu Bhutan có phải là quốc gia hạnh phúc nhất không?” khi mà Bhutan đang đối diện nhiều vấn đề như tỉ lệ tự sát cao, nhiều người nghèo...

Những thắc mắc này khiến tôi nhớ một người bạn đã nói khi chúng tôi ở Bhutan: “Nếu so sánh cấp độ hạnh phúc, một số thị trấn nhỏ ở châu Âu có khi xếp hạng còn cao hơn Bhutan”.

Có lẽ như thế thật. Bởi công cuộc “mưu cầu hạnh phúc” chả có gì mới và nhân loại cũng đã đạt được những thành tựu nhất định. Trước GNH rất lâu, từ năm 1934, Genuine Progress Indicator (GPI) đã được giới thiệu như thước đo cho sự phát triển thay GDP, nhưng phải mất một thời gian dài, mãi đến thập niên 1990 mới được vài chính phủ sử dụng.

Chúng ta có xu hướng trông đợi Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Chúng ta có lý do để làm vậy vì Bhutan là nơi khai sinh của GNH. Nhưng thực tế là rất nhiều người trong chúng ta sinh ra ở một nơi nhưng lại thành đạt ở những nơi khác.

Từ những năm 1970, vị vua thứ tư của Bhutan đã tuyên bố với thế giới rằng: “Tổng hạnh phúc quốc dân thì quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc dân”. Trong khi các lãnh tụ khác bận rộn hết chương trình này đến chương trình khác, vua Bhutan có hẳn một tầm nhìn mới: “Nếu thế giới có được cứu thì nó sẽ được cứu bởi những con người thay đổi tâm thức, những con người với một tầm nhìn mới. Chứ nó sẽ không được cứu bởi những người với tầm nhìn cũ và chương trình mới”.

Trong khi cả thế giới lấy bản ngã làm trung tâm (Ego centric), Bhutan lấy tự nhiên làm trung tâm (Eco-centric).

Trong khi chúng ta nhìn thế giới với đôi mắt của con giun nên không thấy con người (people) và hành tinh (planet), hoặc giả ta có thấy con người thì sẽ thấy loài người thống trị tất cả các loài khác; thì Bhutan nhìn thế giới với đôi mắt của con chim, nhìn từ vũ trụ, thấy hành tinh trước tiên, rồi thấy con người như một loài giữa bao loài khác.

Bhutan không hi sinh hành tinh và con người vì lợi nhuận (profit), cũng không coi loài người quan trọng hơn những sinh vật khác.

Trong khi đa số tầm nhìn và chính sách của các quốc gia được xây trên nền móng kinh tế, Bhutan đặt nền móng trên hệ sinh thái. “Chúng ta phải nhìn vào sự phụ thuộc của ba hệ thống. Nếu ta muốn lấy đi bất kỳ chức năng sinh thái nào của hành tinh, loài người chúng ta sẽ không còn tồn tại, bởi chúng ta chỉ là một sinh vật phụ thuộc vào nước sạch, thực phẩm, không khí, ánh sáng mặt trời...

Hành tinh không có thì rõ ràng không có sự hiện diện của nền kinh tế. Sau đó, nếu ta loại bỏ xã hội loài người ra khỏi hành tinh này, nền kinh tế cũng sẽ không còn tồn tại, nhưng hệ sinh thái sẽ không bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, hãy tưởng tượng rằng ta sẽ loại bỏ hệ thống kinh tế ra khỏi hành tinh thì con người vẫn sẽ có thể tương tác một cách khác đi, ví dụ tự cấp tự túc, và trong trường hợp này thì hệ sinh thái vẫn giữ nguyên. Nói cách khác: không có hành tinh thì không có con người, không có kinh tế. Còn không có nền kinh tế, không có con người thì hành tinh này cũng vẫn tồn tại” - Tobias Stöcker, chuyên gia phát triển bền vững, nhận định.

Ngón tay chỉ trăng không phải mặt trăng

Như mọi quốc gia khác, Bhutan có những vấn đề của mình cần phải giải quyết. Hiển nhiên, có khoảng cách giữa tầm nhìn của nhà vua Bhutan và nhận thức của chính thần dân của ông cũng như phần còn lại của thế giới. Việc thu hẹp khoảng cách sẽ cần thời gian.

Đức Phật dạy rằng: “Ngón tay chỉ trăng không phải mặt trăng. Người chỉ nhìn ngón tay và lầm tưởng nó là mặt trăng, sẽ không thấy mặt trăng thực”. GNH là ngón tay chỉ trăng chứ không phải mặt trăng. Còn Bhutan là người cầm cờ trên hành trình hạnh phúc. Chúng ta có quyền theo Bhutan hoặc không theo. Nhưng Bhutan không cần phải hoàn hảo mới trở thành nguồn cảm hứng.

Thầy Hà Vĩnh Thọ là giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia ở Bhutan, người đã có hơn 4 năm sống và làm việc tại đây, chia sẻ: “Chúng ta cần phải thực tế về Bhutan, thật quá dễ dàng để mơ về hiện thực hoàn hảo ở nơi nào khác.

Nhưng điểm chính yếu là đừng tưởng tượng ra một nơi hoàn hảo mà là hãy thật sự nỗ lực để đi đúng hướng. Điều này đúng ở cả cấp độ cá nhân và tập thể. Nếu chúng ta phóng chiếu ý tưởng về sự hoàn hảo ở một con người hay một quốc gia nào đó, chúng ta ắt sẽ thất vọng. Nhưng mỗi người và mỗi quốc gia có thể làm hết sức mình để đi theo hướng của trí tuệ và từ bi”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận