Cách chúng ta tổ chức cuộc sống đang đi vào con đường sai lạc

NGUYỄN VẠN PHÚ 09/04/2021 06:05 GMT+7

TTCT - Cứ loay hoay giải các bài toán trên thế giới số, ai sẽ ở trên mặt đất, nơi hàng ngàn con tàu đang mắc kẹt ở nhiều kênh đào khắp nơi cần giải cứu?

 
 Ảnh: cointelegraph.com

Bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Tam thể của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân có nội dung phức tạp, với nhiều tình tiết đan xen, không phải là chủ đích của bài viết này. Nhưng truyện có một chi tiết liên quan: Hành tinh Trisolaris sắp rơi vào ngày tận thế, dân cư Trisolaris nhắm tới Trái đất như một chốn địa đàng, xinh đẹp, ổn định để họ di cư. Một hạm đội Trisolaris được cử đi xâm chiếm Trái đất, chuẩn bị cho cuộc đổ bộ nhưng phải mất 450 năm nữa hạm đội này mới bay đến nơi.

Thế nhưng người Trisolaris lo sợ 450 năm là thời gian quá dài, đủ để nền khoa học của Trái đất tạo ra các cú đột phá như từng đột phá tìm ra bom nguyên tử. Biết đâu chừng vài chục năm nữa, người Trái đất phát hiện ra những vũ khí đáng sợ đánh tan hạm đội Trisolaris. Biết đâu chừng trăm năm nữa, người Trái đất có thể du hành ra khỏi Thái dương hệ, đưa tàu chiến ra nghênh đón hạm đội Trisolaris từ xa.

Vậy là các bộ óc thông minh, tài giỏi nhất Trisolaris nghĩ cách chặn đứng con đường phát triển khoa học trên Trái đất. Họ gửi các Hạt trí tuệ, là các siêu máy tính tí hon, có khả năng gây nhiễu loạn các máy gia tốc hạt, tạo ra kết quả sai lạc, khóa cứng lãnh vực nghiên cứu cơ bản này làm người Trái đất không tài nào thoát khỏi giới hạn vật lý phi lượng tử. 

Các Hạt trí tuệ còn có khả năng tạo ra ảo giác quy mô lớn, làm con người không còn tin nhau, không còn tin vào khoa học, chuyển sang gửi gắm số phận cho các thế lực huyền bí như thời Trung cổ.

Đấy là sách. Nhưng đối chiếu vào thực tế hiện giờ, ta không tránh khỏi cảm giác như có một hành tinh xa lạ nào đó đang quấy phá Trái đất y như trong cốt truyện Tam thể này. 

Người Trái đất tiêu tốn năng lượng cao hơn lượng điện nhiều nước như Hà Lan, Bỉ, Áo đang tiêu thụ chỉ để giải những bài toán vô nghĩa. Hằng ngày, hàng giờ, hàng trăm ngàn máy tính nằm rải rác khắp nơi trên thế giới chạy hết công suất chỉ để ghi nhận các giao dịch vào một cuốn sổ cái - một động tác mà các hệ thống cũ như thẻ Visa hay MasterCard có thể xử lý trong chớp nhoáng. Họ cố ý làm khó việc ghi nhận này bằng cách kèm các bài toán cực kỳ phức tạp; ai giải trước sẽ được thưởng để tạo giá trị cho đồng Bitcoin.

Hành động ghi vào sổ cái không ai tự tiện sửa chữa được nay lan qua các lãnh vực khác. The New York Times cho phóng viên công nghệ viết một bài rồi rao đấu giá hình ảnh chụp bài đó, thu về hơn nửa triệu đôla trị giá tiền mã hóa. 

Người mua không hề mua được bản quyền bài báo, nó vẫn thuộc tờ The New York Times; cái họ mua là một dãy mã số dùng để truy cập vào cuốn sổ cái, trong đó ghi nhận họ là người sở hữu tấm hình chụp bài báo đó.

Nguồn lực của xã hội, trong đó có cả lượng điện năng không hề nhỏ để các dàn máy tính tranh nhau giải bài toán để giành quyền cập nhật nội dung nói trên vào sổ cái, bị lãng phí một cách vô lối. Hàng chục, hàng ngàn ví dụ như thế khiến người ta hoang mang, tại sao không ít người lao vào cuộc chơi phi lý, vô nghĩa này?

Đại dịch COVID-19 đang phân thế giới ra làm hai mảng tách biệt: thế giới vật lý ngày càng rã nát như khung cảnh hỗn loạn của một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng và một thế giới số ngày càng tinh vi, ngày càng hút cạn nguồn lực từ thế giới vật lý để làm những điều phi lý.

Hình ảnh con tàu Ever Given mắc kẹt ở kênh đào Suez chỉ là ẩn dụ gần đây nhất về sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng hàng hóa, tình hình thật ra gay cấn hơn nhiều. Thế giới thiếu hụt từ container chở hàng đến cà phê, ngay cả giấy vệ sinh cũng trải qua nhiều đợt biến mất trên kệ hàng siêu thị. 

Thiếu trầm trọng nhất là các con chip hiện diện trong đủ loại máy móc quanh ta; nhiều dây chuyền lắp ráp xe hơi phải ngưng hoạt động vì không có chip. 

Do nhu cầu chuyên chở hàng giảm mạnh, các hãng tàu rút bớt tàu ra nên giờ giá vận tải hàng hóa bằng đường biển đã tăng hơn ba lần: một container loại 40 feet từ Đông Á qua bờ tây nước Mỹ nay tốn đến 4.000 đôla, trong khi đầu năm 2020 giá chở chỉ 1.500 đôla.

Sự dịch chuyển một phần cuộc sống từ thế giới vật lý sang thế giới số càng làm thế giới vật lý nhanh chóng điêu tàn hơn. Ở nước ta là hình ảnh các con phố từng sầm uất cảnh mua bán nhộp nhịp nay hàng quán đóng cửa, mặt bằng nhếch nhác không người thuê. Ở nước ngoài là các trung tâm thương mại bỏ hoang, cầu thang xoắn đầy mảnh gương vỡ. 

Ở nước nào cũng là hình ảnh những người vận chuyển hàng, thức ăn, chở người len lỏi trên đường; những dòng người đồng phục nhiều sắc màu dần chiếm hết không gian; người tiêu dùng rút vào bên trong căn hộ của họ và sống chủ yếu trên không gian mạng.

Làm sao để mọi người bừng tỉnh, nhận ra con voi to tướng đang ở trong phòng, rằng cách chúng ta tổ chức cuộc sống đang đi vào con đường sai lạc. 

Đó có thể là cái ảo tưởng rằng giải được các bài toán trên không gian số sẽ giúp giải được các bài toán ở thế giới thật. 

Đó có thể là ảo tưởng rằng điều ta tin là đúng chính là sự thật chứ không còn một sự thật khách quan được chia sẻ như nhau giữa tất cả mọi người. 

Cứ loay hoay giải các bài toán trên thế giới số, ai sẽ ở trên mặt đất, nơi hàng ngàn con tàu đang mắc kẹt ở nhiều kênh đào khắp nơi cần giải cứu?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận