Chúng ta sẽ đánh giá cao hơn công việc, và sự cô đơn

ROSSIYSKAYA GAZETA 31/08/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Khi những làn sóng dịch bệnh qua đi, con người dần trở lại với những bình thường mới ra sao?

Nhà tâm lý Nga Georgy Solodovnikov thuộc Trung tâm Khủng hoảng Chelyabinsk và Alexey Kozyrev (phó chủ nhiệm khoa triết Đại học Tổng hợp Matxcơva) đã trò chuyện với báo Rossiyskaya Gazeta (R.G) về thời giãn cách đã tác động thế nào đến mỗi chúng ta. TTCT trích dịch trong khuôn khổ cho phép của dự án “Thích ứng. Suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo”(*).


 
 Bức tranh Loneliness của Salvador Dali, 1931.
CẦN NHỮNG KHÔNG GIAN CÁ NHÂN


R.G: Đại dịch coronavirus đã thay đổi đáng kể cuộc sống của chúng ta. Điều gì xảy ra với một người phải sống trong tình huống căng thẳng và sau đó, khi nó kết thúc?

- Georgy Solodovnikov: Một nhân cách có nhiều cấp độ với tiềm năng riêng của nó. Chính xác là có ba cấp độ: sinh học, xã hội và sinh tồn. Sinh tồn là cấp độ của các suy nghĩ, các giá trị, hệ tư tưởng cá nhân. Khi cấp độ thứ nhất và thứ hai cạn kiệt nguồn dự trữ, sẽ xuất hiện “logos” - nghĩa sống của mỗi đời người, bao trùm lên hai cấp độ đầu tiên, cung cấp cho ta năng lượng cần thiết để vượt qua khủng hoảng.

Nhà tâm lý học hiện sinh Viktor Frankl đã viết cuốn sách nổi tiếng Nói “có” với cuộc sống, trong đó ông kể chi tiết thời mình bị giam cầm trong trại tập trung. Là một tù nhân, Frankl tiếp tục phát triển một phương pháp mà ý nghĩa của nó nằm ở chỗ: mạnh mẽ về thể xác, nhưng không tìm ra nghĩa sống, một con người coi như đang chết. Điều này chính xác đang diễn ra hiện giờ: sẽ rất khổ ải nếu một con người không biết anh ta vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay vì cái gì. Nhưng không phải ở tất cả mọi người phạm trù sinh tồn này đều được kích hoạt. Nhiều người đã nản lòng.

Còn ai đó, ngược lại, bắt đầu hiểu họ sống vì lẽ gì. Khi tất cả kết thúc, con người thực sự có thể thay đổi: ai đó hiểu cả đời họ mơ trở thành một nhà thiết kế cảnh quan chứ không phải ngồi trong văn phòng để nhận một mức lương tượng trưng. Tôi có thể khẳng định chắc chắn một điều: chúng ta sẽ đánh giá cao hơn công việc và không gian cá nhân của mình.

Tại sao lại chính là công việc?

- Người ta đã hiểu ra sẽ dễ mất việc thế nào, mà công việc giúp pha loãng sinh hoạt tại nhà. Từ chỗ làm có thể đi về nhà, và từ nhà trở lại chỗ làm - trong việc đó có sự hài hòa. Đó là tôi không nói về việc ai đó bắt đầu có những vấn đề tài chính do việc cắt giảm hoặc đóng cửa các nhà máy.

Sau giãn cách, người ta bắt đầu đánh giá cao sự cô đơn?

- Đúng vậy, mọi người bắt đầu đánh giá cao không gian cá nhân, khả năng được tận hưởng sự đơn độc. Tức thời gian mà bạn có thể tĩnh tại đọc một cuốn sách, viết một bài thơ hoặc làm một việc gì đó. Thời cách ly, sự cô độc đã trở nên ít hơn bởi người ta thường sống vài người trong một căn hộ, buộc họ phải từ bỏ những thói quen hay sở thích nào đó. Không được đi dạo, không được ở nhà một mình.

Mọi người mệt mỏi vì nhau. Vào tháng 4, 5, có rất nhiều lời than phiền liên quan đến những khó khăn trong gia đình, với các vụ ly hôn. Giờ đây chúng đã ít hơn. Không gian cá nhân trong gia đình được tìm thấy thông qua giao tiếp: bạn nói với vợ để yên cho mình trong một tiếng, và cô ấy đã làm thế. Thương lượng và thỏa hiệp là đỉnh cao tiến hóa của loài người.

Chúng ta sẽ coi trọng không gian cá nhân ấy trong bao lâu, khó mà nói được. Tất cả tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Nếu bạn là người hướng nội, thích sự cô độc và tĩnh lặng, và việc tự giãn cách, ở cùng một mái nhà với tất cả thành viên gia đình với bạn là một cực hình, thì chắc chắn bạn sẽ coi trọng cơ hội được ở một mình hơn bao giờ hết.

Liệu chúng ta có quên cách giao tiếp với những người ít thân quen hơn không?

- Tôi nghĩ, một khi có Internet, việc giao tiếp sẽ được hỗ trợ. Kỹ năng giao tiếp sẽ không giảm sút.

Nhưng là một chuyện khác với sự tương tác tiếp xúc, chúng có thể sẽ trở nên có phần bối rối: những cái bắt tay, những cái ôm, một số loại thông điệp không lời. Đối với nhiều người, sự đụng chạm rất quan trọng, đặc biệt là giữa bạn bè, đối tác. Ai đó không thể sống thiếu những cái ôm.

Tôi nghĩ mọi người sẽ khôn ngoan hơn về mặt vệ sinh cá nhân, nhưng những cái ôm và những lời chào sẽ không ít hơn. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục củng cố khoảng cách xã hội. Chúng ta đâu có giãn cách vĩnh viễn. Nhưng nếu ai đó bệnh thì mọi người đã biết chính xác họ sẽ phải làm gì.

NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA THẾ HỆ COVID-19

Nhưng Georgy này, có cần phải nhắc mọi người rửa tay như trước đấy không?

- Gì chứ việc rửa tay đúng là như thế nào và thường xuyên ra sao, mọi người sẽ khó mà quên trong một thời gian dài.

Còn các quy tắc về giãn cách xã hội đã giúp người ta xây dựng mối giao tiếp và những ranh giới cá nhân. Khi tôi nói với người thân và họ hàng rằng sẽ không bắt tay ôm hôn khi chào hỏi, họ đều thông cảm.

Tôi cho rằng kỹ năng xây dựng những ranh giới cá nhân sẽ được củng cố. Đôi khi thật bất tiện khi nói với một người: “Dừng lại!”, “đây là của tôi, đây là của bạn”... Còn trong thời giãn cách điều này được chính tình huống tạo điều kiện (“Tôi không ôm chào nhé”). Kỹ năng này rất đáng để gìn giữ. Điều này rất tốt, bởi trong văn hóa của chúng ta, người ta không coi trọng lắm những ranh giới cá nhân. Biết làm sao, tiếng vọng của chủ nghĩa tập thể mà.

Có một lý thuyết mà theo đó, các giá trị của một thế hệ được xác định bởi các sự kiện toàn cầu thời kỳ con người đó trưởng thành. Đại dịch có đóng vai trò của nó trong việc này?

Một điều thú vị là khi không có COVID-19, mọi người chẳng đặc biệt quan tâm đến đường phố, thiên nhiên, du lịch... Ngay khi người ta lệnh: “Ngồi nhà!” thì tất cả lại khát khao dạo chơi. Đó chính là tâm lý giãn cách: việc không bị cấm thì không ai thích thú. Nếu bạn muốn thu hút chú ý vào việc gì đó, hãy cấm làm nó!

Tôi nghĩ thế hệ COVID-19 sẽ đi bộ nhiều hơn, dành thời gian ở ngoài trời nhiều hơn. Và còn nữa. Coronavirus là một thảm họa nối kết con người. Tất cả những hoạt động từng có như hỗ trợ các nhân viên y tế, người già, những bài học từ xa, không khí hợp tác của nhân loại chống lại virus là một động lực nhân văn mạnh mẽ. Điều đó rất tốt.

Liệu chúng ta có sợ hơn không khi bị cúm hay cảm lạnh thông thường?

- Tất nhiên, thái độ đối với bệnh tật đã thay đổi. Tôi không nghĩ sẽ có sợ hãi. Nỗi sợ chỉ có ở nơi người ta không biết gì. Còn về virus thì chúng ta biết nếu không phải là tất cả, thì cũng đã khá nhiều. Cứ nhìn xem đã có bao nhiêu thông tin xuất hiện, bao nhiêu nghiên cứu được tiến hành. Đó là một kinh nghiệm quý báu, sẽ còn phục vụ nhân loại trong một thời gian dài.

Hãy đánh giá khách quan những gì nhà nước đã làm và sự nhiệt tình của nó trong việc hỗ trợ công dân. Và việc giữ khoảng cách 1,5m là một mô phỏng tuyệt vời để phát triển kỹ năng xây dựng những ranh giới tâm lý cá nhân và khả năng thương lượng.

Và cuối cùng, điều đáng nhớ là chúng ta vượt qua khủng hoảng để làm gì. Cho dù là giãn cách, giá dầu tuột dốc hay cải tổ - mọi thứ đều có thể khắc phục. Chỉ cần có một mục tiêu.

CHÚNG TA SẼ ĐÁNH GIÁ CAO NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT TRONG NHỮNG NGÀY THÁNG GIÃN CÁCH

R.G: Giáo dục trực tuyến, thương mại trực tuyến, công việc trực tuyến - đây là một bước khởi đầu cho tương lai hay một nỗ lực để thích nghi với hiện tại không mấy dễ chịu? Đại dịch sẽ kết thúc - và chúng ta sẽ trở lại với nhịp sống thường ngày?

- Alexey Kozyrev: Hiện chúng ta không có cơ sở để nghĩ khác. Hãy để những người coi đại dịch là một thứ do con người tạo ra, nhằm cho những âm mưu xảo quyệt không thể tưởng tượng được, nghĩ khác điều này. Nếu nhân loại quyết định tự hủy diệt, thì cuộc sống trực tuyến là bước đệm tốt nhất để dẫn đến sự bất tử trực tuyến trên những không gian của Facebook hay của nhà để tro hỏa táng ảo nào đó. Nhưng nếu chúng ta xuất phát từ thực tế rằng trong suốt lịch sử, các thử thách như chiến tranh, dịch bệnh, cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh - được xen kẽ với những khoảnh khắc phát triển ổn định, thì kết thúc của đại dịch hoàn toàn không tiên báo cho chúng ta sự mất mát của hình thức và bản chất con người. Chúng ta sẽ coi trọng hơn những gì đã mất trong những ngày tháng giãn cách này. Có lẽ những giá trị của giao tiếp, nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục, gia đình, nơi có tổ ấm và chốn ẩn náu để ta tránh khỏi những bão táp bên ngoài, sẽ có giá trị hơn với chúng ta. Có thể, nhà nước sẽ nghĩ nhiều hơn về văn hóa, không bỏ mặc sự tồn tại nửa chết đói của các nghệ sĩ, thủ thư, nhạc sĩ, giáo viên trường nhạc và đại học sân khấu...

Giao tiếp trực tiếp không chỉ là lời nói, mà còn là nét mặt, cử chỉ, ngữ điệu... Đây là nụ cười buồn, kia là cái nhướn mày ngạc nhiên... Những sắc thái như vậy không được yêu cầu trên mạng, chưa kể nó cũng không được truyền tải tốt. Và một lần nữa câu hỏi: chúng ta sẽ đối diện với việc này như thế nào? Chấp nhận tiêu chuẩn hóa giao tiếp của con người như một tất yếu? Đồng ý rằng “cuộc bàn bạc”, “buổi trò chuyện” sẽ được thay thế (không chỉ trong từ điển - mà còn trong lối sống) bằng “giao tiếp”?

Tôi nghĩ rằng phỏng vấn từ lâu đã lấn sân bàn bạc. Mà bàn bạc và phỏng vấn là hai thể loại hoàn toàn khác nhau. Người phỏng vấn đã biết mọi thứ về người đối thoại của mình và đoán trước được câu trả lời. Những tổn thất về văn hóa đi kèm với việc mất đi sự tế nhị trong giao tiếp là rất khôn lường. Ngay cả việc lan tỏa nụ cười trong tất cả sự đa dạng của chúng và vô số những hình thức khác cũng đã giảm rõ rệt. Vì thế không cần nói ở đây về một cái gì đó hoàn toàn mới sẽ xảy ra trong giao tiếp. Trong thư từ cá nhân của chúng ta, từ ngữ ngày càng được thay thế bằng những biểu tượng cảm xúc. Với sự trợ giúp của những biểu tượng cảm xúc, những người dùng sành sỏi và có kinh nghiệm có thể viết toàn bộ văn bản mà không cần dùng đến ngôn ngữ lời nói hoặc giảm số lượng ký tự của nó xuống mức tối thiểu.

(Nhà văn) Ivan Iliyn từng nói về tài giao tiếp. Theo nghĩa này, có người có tài ăn nói và người ít tài này hơn. Có người hướng nội và người hướng ngoại. Có những người cần họp cả nhóm để kỷ niệm ngày sinh nhật và có những người thoải mái hơn khi đánh dấu nó một mình. Không thể có sự đồng nhất trong giao tiếp. Và cuối cùng, theo cách viết thư điện tử hoặc trao đổi trong messenger của một người, có thể biết nhiều điều về tính cách và đặc điểm con người đó. Ai đó từng nhận xét rằng việc số hóa đã đưa vào giao tiếp một số lượng lớn người trước đây chưa bao giờ trao đổi bằng văn bản. Với họ, viết thư là một nhiệm vụ bất khả thi. Vào thời Xô viết, đã thành thông lệ việc gửi bưu thiếp vào các ngày lễ cho tất cả các thành viên trong gia đình, họ hàng và bạn bè thân thiết. Ý nghĩa của bưu thiếp này không nằm trong lời lẽ ghi trên đó, người ta thường viết những nội dung y hệt nhau. Ý nghĩa nằm ở chỗ, tôi không quên bạn, tôi luôn nhớ bạn! Ở đây cũng vậy. Nhưng tôi e rằng nếu tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội, phép nghịch hợp của những khái niệm mâu thuẫn nhau đó sẽ càng tăng. Mọi người sẽ quên đi thói quen giao tiếp. Một con thú, bị bắt khỏi môi trường tự nhiên và nhốt vào chuồng trong sở thú, sẽ mất đi một số kỹ năng và thói quen của chúng. Sẽ khó, thậm chí là nguy hiểm, nếu trả chúng về môi trường tự nhiên. Điều này có thể xảy ra với “con thú thành phố” mà triết gia Karl Proper từng tiên đoán về sự cô đơn trong xã hội mở. Nhưng để làm điều đó cần hủy diệt không chỉ giáo dục, mà còn tôn giáo, xóa bỏ tàn tích của gia đình truyền thống, phá hủy nhà hát, bảo tàng, thư viện. Tôi chẳng muốn sống đến thời kẻ báng bổ nào dám làm điều đó...■

Phan Xuân Loan (trích dịch)

(*) “Thích ứng. Suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo” là một dự án báo chí toàn Nga về thời giãn cách, khởi động từ tháng 5-2020. Đơn vị tổ chức là Liên hiệp các nhà báo Nga cùng các tờ báo Rossiyskaya GazetaSt. Petersburg Vedomosti. Mục đích của dự án là trao đổi các ý kiến, lý thuyết, dự báo và lời khuyên của các chuyên gia từ các khu vực khác nhau để độc giả, thính giả và người xem trên khắp nước Nga có thể chiêm nghiệm về thời đại mình đang sống. (https://spb.ruj.ru/news/adaptatsiya-17105)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận