Có nguy cơ ĐBSCL phải di dời 12 triệu dân?:  Đừng hốt hoảng, hãy tìm giải pháp

THS NGUYỄN HỮU THIỆN 30/09/2019 22:09 GMT+7

Maeslantkering - đập chắn nước di động bảo vệ thành phố Rotterdam được thiết kế và xây dựng trong 20 năm, tốn 450 triệu euro, là một trong 13 công trình thuộc dự án Delta Works, tốn 7,4 tỉ euro của Hà Lan để trị thủy trước khi họ nhận ra nên sống chung với nước. Ảnh: holland.com
Maeslantkering - đập chắn nước di động bảo vệ thành phố Rotterdam được thiết kế và xây dựng trong 20 năm, kinh phí 450 triệu euro, là một trong 13 công trình thuộc dự án Delta Works, tốn 7,4 tỉ euro của Hà Lan để trị thủy trước khi họ nhận ra nên sống chung với nước. Ảnh: holland.com

TTCT - Gần đây, báo chí thông tin về một nghiên cứu mới mà các nhà khoa học Hà Lan vừa công bố, cho rằng ĐBSCL thực tế thấp hơn nhiều so với trước đây lầm tưởng. 

Nhóm các nhà khoa học cho biết cao trình trung bình của ĐBSCL bị nhiều báo cáo quốc tế lầm tưởng là 2,6m so với mực nước biển, nhưng nay họ nghiên cứu thì chỉ có 0,8m, thấp hơn 1,8m. Vì vậy, ĐBSCL sẽ xuống dưới mực nước biển sớm hơn.

Báo cáo này cho rằng, với phát hiện mới đó, đến năm 2100 (80 năm nữa), với ước lượng trung bình nước biển dâng 40cm thì 25% diện tích ĐBSCL dưới mực nước biển. Cộng thêm tốc độ sụt lún trung bình hiện nay là 1,1cm/năm, phần lớn diện tích ĐBSCL sẽ dưới mực nước biển trong những thập niên tới.

Ngoài ra, nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 12 triệu người (70% dân số ĐBSCL) sẽ phải sống ở những vùng mà sau này sẽ thấp hơn mực nước biển, nhiều gấp đôi con số ước lượng trước đây là 5 triệu người (29% dân số ĐBSCL).

Sau đó, nhiều báo chí trong và ngoài nước diễn dịch báo cáo này thành “nguy cơ phải di tản 12 triệu người”, gây ra sự lo lắng không đáng có trong dư luận.

Phát hiện có ý nghĩa, nhưng không lầm tưởng

Chúng tôi đã đọc bản gốc báo cáo khoa học nêu trên, đăng trên tạp chí Nature Communications ngày 28-8-2019 và thấy rằng kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học Hà Lan với mô hình mới, độ chính xác cao là rất quý để khẳng định chắc chắn cao trình của ĐBSCL và giúp hiểu chi tiết hơn địa hình từng vùng ở ĐBSCL.

Báo cáo này còn chỉ ra một lỗ hổng lớn rất có ý nghĩa đối với các đồng bằng trên thế giới: nếu chỉ áp dụng dữ liệu không gian toàn cầu từ nguồn mở miễn phí để tính cao trình địa phương sẽ có sai số lớn, dẫn đến đánh giá sai về tác động của nước biển dâng, không phù hợp cho các đồng bằng trong việc định ra sách lược thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Báo cáo cũng dẫn một số tài liệu trước đây cho rằng cao trình trung bình của ĐBSCL là 2,6m và nói rằng các tài liệu này đã được đưa vào các báo cáo có tầm ảnh hưởng chính sách quan trọng.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy các báo cáo được cho là lầm tưởng nêu trên không có ảnh hưởng lớn về chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của VN. Bởi trước nay, nhận thức chung của cộng đồng khoa học trong nước là cao trình của ĐBSCL chỉ khoảng 0,8-1,2m trên mực nước biển.

Ví dụ, báo cáo năm 2013 của chuyên gia Hà Lan Stefania Balica và các nhà khoa học của ĐH Cần Thơ đã xác định: “Dọc theo biên giới Campuchia, địa hình cao nhất, từ 2,0-4,0m so với mực nước biển, sau đó hạ thấp ở vùng đồng ngập lũ trung tâm, khoảng 1,0-1,5m, và chỉ khoảng 0,3-0,7m ở vùng triều và vùng ven biển. Độ dốc toàn vùng nhỏ hơn 2%”.

Trong bản Kế hoạch ĐBSCL (MDP) 2013 do các chuyên gia Hà Lan hỗ trợ VN soạn thảo, tại trang 22, bản tiếng Anh, cũng ghi cao trình trung bình của ĐBSCL là 0,8m. Như vậy, kết quả mới này riêng đối với ĐBSCL là khẳng định lại chứ không có gì ngạc nhiên.

Di tản 12 triệu dân?

Con số 12 triệu người này là dựa vào mật độ dân số năm 2016 ở các vùng mà các nhà khoa học Hà Lan cho rằng cuối thế kỷ (tức 80 năm nữa) sẽ nằm dưới mực nước biển trong tình huống nước biển dâng 1m.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc sẽ có làn sóng di tản với số lượng dân lớn như thế. Cần nhớ dân số sẽ biến động theo thời gian, 80 năm nữa không ai biết trong các vùng đó có bao nhiêu dân. Nếu nước biển dâng và sụt lún là dần dần thì dân số sẽ tái phân phối dần dần theo, như vậy con số sẽ không phải là 12 triệu dân.

Đúng là việc sụt lún, chìm dần của đồng bằng trong bối cảnh nước biển dâng là rất đáng lo ngại vì khi ngập thì sẽ chịu ảnh hưởng của sóng, gió nhiều hơn. Nhưng nếu chỉ suy luận đơn giản rằng nơi nào dưới mực nước biển thì không còn sinh sống được và phải di dân đi hết thì chưa chính xác vì còn phải xét đến độ sâu ngập và bối cảnh thực tế.

Khác với sạt lở, nước biển dâng diễn ra từ từ, làm ngập chứ không làm mất nền đất. Cao trình mà các nhà khoa học nói là cao trình của mặt đất, có thể hiểu là mặt ruộng. Thực tế nhiều nơi hiện nay khi làm muối, nuôi tôm rừng, lấy nước biển vào mà không cần bơm thì mặt đất đã dưới mực nước biển rồi.

Nhưng với nhà cửa để sinh sống thì không ai cất nhà ở mặt ruộng mà luôn ở trên bờ cao, dọc bờ kênh hoặc đào ao để lấy đất đắp cao làm nền nhà. Dĩ nhiên, khi nước sâu hơn, muốn làm bờ phải cao hơn, tốn nhiều đất hơn và phải đào ao sâu hơn hoặc lớn hơn. Ruộng hay ao ngập có thể nuôi thủy sản chứ không nhất thiết phải trồng lúa.

Có nên làm đê biển kiểu Hà Lan?

Từ kết quả nghiên cứu trên, trong dư luận có ý kiến cho rằng “Hà Lan nằm dưới mực nước biển vẫn sống được nhờ có hệ thống đê ngăn nước biển, vậy VN phải gấp rút học tập Hà Lan và làm công trình đê như thế”.

Thực tế chỉ khoảng 30% diện tích Hà Lan nằm dưới mực nước biển, nơi thấp nhất đến gần 7m. Tuy nhiên, phần dưới mực nước biển đó là phần họ lấn ra trong một quá trình dài kể từ thế kỷ 16. Họ đắp những ô đê bao lấn dần từ trong ra ngoài, xẻ kênh bên trong và lắp những cối xay gió để bơm nước ra dần, năm này qua tháng nọ, không dễ dàng gì.

Khi bơm nước ra thì mặt đất bên trong cũng sụt lún. Hiện Hà Lan cũng phải quản lý tốt để giữ cho đê không rò rỉ, tràn hay vỡ, rất tốn kém. Vấn đề quản lý nước bên trong các ô đê bao rất phức tạp về mặt tổ chức, thể chế thông qua các ban quản lý nước (waterboards). Điều này chúng ta không dễ thực hiện.

Chúng ta phải xét bối cảnh của ĐBSCL là rất khác. Một sự can thiệp lớn vào tự nhiên như vậy sẽ ảnh hưởng mọi mặt: môi trường, kinh tế, xã hội, kể cả an ninh quốc phòng.

Trong bối cảnh nhiệt đới với lượng mưa lớn như ở ĐBSCL (1.400-2.000mm/năm), với một đê biển to lớn kiểu thế thì nước không thể thoát ra được, chúng ta có thể bị dìm trong nước mưa, chưa kể mùa nước lũ sông Mekong đổ về sẽ chảy đi đâu.

Với một bức tường to lớn ven biển như vậy, việc lưu thông ghe, tàu ra biển sẽ khó khăn dù có âu thuyền. Về môi trường, vấn đề tù đọng nước, tích tụ ô nhiễm rất khó giải quyết. Khi cách ly biển và bờ thì thủy sản sông ngòi, thủy sản biển sẽ đều suy kiệt.

Một đê biển như thế sẽ tạo ra thế yếu về an ninh vì luôn nơm nớp lo thảm họa vỡ đê. Công trình to lớn như vậy, một khi đã làm sẽ đẩy ĐBSCL vào thế không thể thối lui.

Giả sử chúng ta thật sự cần làm đê kiểu Hà Lan thì cũng không phải bây giờ, mà ít nhất là 50-80 năm nữa. Vội vã làm bây giờ là quá sớm, vì làm công trình càng sớm, càng phải gánh chi phí duy tu bảo dưỡng sớm. Với hàng tỉ đôla đầu tư, chỉ cần tiền lãi trong 50 năm đã là số tiền cực lớn.

Điều kiện địa chất của ĐBSCL rất khác ở Hà Lan. Vùng đất ven biển ĐBSCL là đất yếu, nếu làm công trình đê to lớn, chính cái đê ấy sẽ bị lún nhanh và tuổi thọ không cao.

Do đó, học tập kinh nghiệm Hà Lan là điều nên làm nhưng sao y là không nên. Giống như khi ta bị bệnh, thấy người khác trị bằng thuốc gì thì cũng trị theo thuốc ấy, trong khi “cơ địa” của chúng ta khác. Uống nhầm thuốc, tiền mất tật mang.

Năm 2016, bên lề Diễn đàn ĐBSCL, tôi trò chuyện với bà Tineke Huizinga, cựu bộ trưởng về nhà ở, quy hoạch không gian và môi trường Hà Lan. Bà nói đại ý: Nếu trước đây chúng tôi biết những điều chúng tôi biết bây giờ thì chúng tôi đã không làm như thế.

Giải pháp nào?

Giữa hai vấn đề làm cho ĐBSCL chìm nhanh là nước biển dâng và sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì sụt lún đất đáng lo hơn, đáng ưu tiên giải quyết ngay vì tốc độ nước biển dâng chỉ khoảng 3mm/năm, trong khi sụt lún của đồng bằng đang gấp 3-4 lần, có nơi 10 lần.

Do vậy, ĐBSCL cần giảm ngay sử dụng nước ngầm, nhưng phải có nguồn nước thay thế. Đối với vùng ven biển thì nên thuận theo tự nhiên, chuyển sang canh tác mặn vào mùa mặn, làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt.

Với vùng nội địa thì cần phục hồi sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm, trước khi thâm canh nông nghiệp với lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu và nhiều công trình ngăn sông làm tích tụ ô nhiễm.

Giải pháp chính cho ĐBSCL nằm ở việc chuyển hướng nền nông nghiệp từ thâm canh, chạy theo số lượng, sang nông nghiệp giảm thâm canh, tập trung vào chất lượng và giá trị, như tinh thần của nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận