​Con dê và chính trị

HẢI MINH 21/02/2015 02:02 GMT+7

TTCT - Trong di sản của nhiều nhà hoạt động chính trị, trong mối quan hệ của một số quốc gia có sự tham gia kỳ lạ của những chú dê.

1.Thế giới ngày nay nhớ tới Mohandas K. Gandhi như một nhà cách mạng vĩ đại, người đã cho cả nhân loại thấy sức mạnh của đấu tranh trong hòa bình. Trong nhiều lý do khiến Gandhi bắt đầu hành trình kỳ diệu của ông, món thịt dê, và sau này là sữa dê, có vai trò không hề nhỏ.

Như phần đông người Ấn ở thời của ông, Gandhi lớn lên là một người ăn chay. Gandhi giải thích về tập quán ăn chay ở Ấn Độ: “Trên thực tế, gần như mọi người Ấn Độ đều ăn chay, một số tình nguyện, những người khác bắt buộc phải ăn chay vì họ quá nghèo không thể mua thịt”.

Nhiều người Ấn muốn từ bỏ thói quen đó, cho rằng chính việc không có đủ protein trong khẩu phần khiến người Ấn trở nên yếu đuối trước những kẻ cai trị da trắng.

Người bạn thơ ấu của Gandhi, Sheik Mehtab, cổ xúy mạnh mẽ cho điều đó và thuyết phục Gandhi ăn thịt, bắt đầu bằng món thịt dê. “Thịt dê cứng như da, tôi không thể ăn được. Tôi phát ốm và phải bỏ” - Gandhi kể trong cuốn tiểu sử về ông in năm 1983 ở ĐH Chicago.

Thói quen ăn uống đó góp phần quan trọng vào tư duy cách mạng của ông sau này và tạo dựng nên hình ảnh quen thuộc khác của nhà cách mạng lớn: Gandhi trong nửa sau cuộc đời dẫn theo một con dê đi khắp nơi, vào cả tòa nhà quốc hội Anh (và gây nên một tranh cãi không nhỏ), ông uống sữa của con dê và chỉ ăn trái cây, rau củ - điều giải thích cho thể trạng gầy gò của ông.

Gandhi bên một chú dê là hình ảnh quen thuộc ở Ấn Độ - Ảnh: realiran.org

2. Con dê cũng từng là vấn đề nổi cộm, dai dẳng trong việc kiểm soát biên giới Israel - Palestine.

Tại dải Gaza, vùng đất biệt lập bị Israel phong tỏa nơi người Palestine sinh sống, những bầy gia súc nhỏ, chủ yếu là dê và cừu, trở thành nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho những người dân khốn khổ ở đây.

Không lâu sau khi Hamas đắc cử và chính thức kiểm soát dải Gaza năm 2006, Israel đã bao vây vùng đất 1,5 triệu dân này, hàng loạt cuộc chiến sau đó đã hủy hoại hoàn toàn cơ sở kinh tế ít ỏi của Gaza. Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc nói từ năm 2006, khoảng 35.000 gia súc, chủ yếu là dê và cừu, đã chết trong các cuộc chiến.

Phần lớn những người chăn thả gia súc ở gần biên giới Gaza và Israel, cũng là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thức ăn cho bầy dê chủ yếu được tuồn vào Gaza từ những đường hầm ngầm dưới đất phía Ai Cập. Hơn 1.000 đường hầm ngầm đã bị Israel lấp gần hết sau hàng loạt cuộc chiến, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới những chú dê, vốn là nguồn protein chính của người dân Gaza, dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng nhất là ở trẻ em Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo lời các nhà bình luận chính trị, đã sử dụng “sách lược con dê” khi đối phó với Palestine. Một câu chuyện cổ của người Do Thái kể rằng một phụ nữ sống với chồng và bảy đứa con trong một căn nhà nhỏ. Bà tới than phiền với giáo sĩ Do Thái về điều đó. Ông khuyên: “Hãy mang thêm một con dê vào nhà”. Vài ngày sau, người phụ nữ trở lại gặp giáo sĩ và nói cuộc sống của bà giờ là không thể chịu đựng được. Vị giáo sĩ nói: “Giờ hãy đưa con dê ra ngoài trở lại”. Người phụ nữ làm theo và nhanh chóng quay lại nói lời cảm ơn: “Giờ thì nhà tôi thật rộng rãi”. T

háng 3-2014, Netanyahu trở thành thủ tướng Israel đầu tiên đưa ra điều kiện tiên quyết trong một thỏa thuận hòa bình yêu cầu phía Palestine phải tuyên bố Israel là một nhà nước Do Thái, điều mà phía Palestine vẫn từ chối cho tới giờ. Israel cũng không đòi hỏi một tuyên bố như thế từ bất cứ quốc gia nào khác, ngay cả các nước láng giềng gần nhất, như Ai Cập và Jordan, khi ký các thỏa thuận hòa bình trước kia. Palestine, với thỏa ước hòa bình Oslo 1993, trên thực tế đã công nhận Israel là một nhà nước độc lập rồi. Vì thế, theo Haggai Cammon - một luật sư quốc tế chuyên viết cho trang Huffington Post, Netanyahu đã định “thả con dê” vào căn nhà của người Palestine để rồi sau đó rút lui hòng đạt được một hòa ước. Tuy nhiên, cho tới giờ điều đó vẫn chưa trở thành sự thật.

3. Con người còn làm khổ loài dê vì những tranh đấu chính trị.

Năm 2011, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử quốc hội tại Thụy Sĩ, chú dê Zottel, biểu tượng của đảng cánh hữu Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP), mất tích, làm dấy lên một cuộc tìm kiếm toàn quốc. Không lâu sau đó, Zottel được tìm thấy, bị buộc vào một cái cây trong một ngôi làng gần Zurich nhưng toàn thân đã bị sơn đen.

SVP, với cương lĩnh tranh cử bao gồm việc cấm xây dựng các kiến trúc điển hình Hồi giáo ở các thành phố Thụy Sĩ, đã dần vươn lên trở thành một trong những đảng lớn nhất ở quốc hội. Năm 2007, họ giành 28,9% số phiếu bầu với một chiến dịch chỉ trích những người nước ngoài nhập cư vào Thụy Sĩ rồi phạm tội là “những con cừu đen” cần bị trục xuất. Con dê Zottel, 10 tuổi, thành linh vật cho các cuộc tranh cử của SVP trong năm năm cho tới khi bị bắt cóc. Một nhóm cánh tả, Antifaschistische Aktion, đã nhận trách nhiệm vụ bắt cóc.

Còn tiến xa hơn Zottel, con dê Henry Clay III không chỉ là một biểu tượng, mà còn được bầu làm thị trưởng của thị trấn Lajitas, bang Texas (Mỹ). Nó thuộc về một dòng họ danh gia vọng tộc đã ba đời làm thị trưởng thị trấn Lajitas. Ông của nó, Clay I, đắc cử vào năm 1986. Trang chủ của thị trấn, lajitas.com, giới thiệu về ngài thị trưởng: “Nhiều thị trấn có thị trưởng là dê. Nhiều thị trấn có thị trưởng thích uống bia. Nhưng chỉ Lajitas có một thị trưởng vừa là dê, vừa thích uống bia”.

Tất cả bắt đầu từ một trò đùa gần 30 năm trước. Người chủ khi đó của thị trấn Lajitas, Walter Mischer, mời một nhóm bạn và chính trị gia từ Houston tới để gây quỹ cho một bảo tàng trong thị trấn. Thời tiết tồi tệ khiến họ phải ở lại thêm một ngày, trong khi tụ tập với nhau, các quý ông quyết định đã tới lúc thị trấn có một thị trưởng. 

Ban đầu, một trong những người bạn của Mischer, Tommy Steele, “đắc cử”. Nhưng cuộc bầu bán khiến Bill Ivey, một cư dân bản địa gia đình nhiều đời sống ở Lajitas rất bức xúc. Ông tuyên bố nếu ai đó ở Houston có thể là thị trưởng quê nhà của ông thì một con dê cũng làm được. 

Thật ngạc nhiên, Henry Clay I thắng cử, và truyền thống đó được duy trì tới tận ngày nay! 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận