"Đại dịch" bắt cóc toàn cầu

MẠNH KIM 14/10/2008 20:10 GMT+7

TTCT - Ngày 4-10-2008, một nhóm vũ trang Nigeria đã bắt cóc sáu công nhân Philippines, nâng tổng số người nước ngoài bị bắt cóc ở nước này lên hơn 200 nạn nhân kể từ đầu năm 2006.


Cậu bé xấu số Fernando Marti cùng bố mẹ trước khi bị bắt cóc và sát hại 

Tại Venezuela, số nạn nhân bị bắt cóc đã tăng từ 44 năm 1999 lên 382 vào năm 2007. Còn ở Colombia, năm 2007 có 521 vụ bắt cóc tống tiền. Nghiêm trọng hơn cả là Mexico với 7.000 vụ năm 2007. Bắt cóc đang trở thành một “dịch vụ” hái ra tiền với “doanh số” khoảng 1 tỉ USD/năm tính trên toàn cầu! 

1. Roberto Carlos Castro vẫn không nhớ làm thế nào mà liều thuốc mê được bỏ vào ly nước của mình sáng 20-10-2007 tại một quán bar. Khi tỉnh lại, cậu sinh viên 20 tuổi này bị một nòng súng gí sát thái dương cùng một giọng lạnh lùng vang lên đòi tiền chuộc 10 tỉ peso Colombia (hơn 5 triệu USD). 

Bọn bắt cóc trói nạn nhân bằng băng dính suốt bảy ngày liền. Với gia đình Castro, bi kịch đang được lặp lại: vài năm trước mẹ cậu cũng bị bắt cóc và nhốt nhiều tháng trước khi được trả tự do... Dù số vụ bắt cóc bắt đầu giảm, nhưng Colombia vẫn là một trong những địa điểm nguy hiểm nhất thế giới đối với du khách nước ngoài lẫn giới doanh nhân giàu có trong nước.

Tại Mexico, gây chú ý nhiều nhất gần đây là vụ bắt cóc và giết hại cháu Fernando Marti, 14 tuổi. Khi Marti bị bắt ngày 4-6-2008, bố em (chủ chuỗi cửa hàng dụng cụ - quần áo thể thao nổi tiếng khắp Mexico) đã bí mật thuê một chuyên gia đàm phán thương lượng trực tiếp với bọn bắt cóc thay vì báo cáo sự việc cho cảnh sát cũng như báo chí. Gia đình Marti chấp nhận trả 6 triệu USD tiền chuộc.

Tuy nhiên, thi thể cậu bé đã bị chặt nát với chi chít vết đạn được phát hiện ngày 1-8-2008 trong thùng một chiếc xe Chevy bị đánh cắp đậu ở một khu lao động tồi tàn. Vụ việc gây kinh động Mexico cũng như thế giới, buộc Tổng thống Felipe Calderon phải triển khai 40.000 lính và 5.000 cảnh sát khắp toàn quốc. 

Tijuana (Mexico) hiện có lẽ là thành phố “kinh dị” nhất thế giới với hàng trăm vụ bắt cóc mỗi năm. Giả dạng cảnh sát, bọn bắt cóc bắt người ngay tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, bãi đỗ xe...

Nhiều trường hợp chúng cắt tai, ngón tay hoặc ngón chân gửi về gia đình nạn nhân để đòi tiền chuộc. Bọn bắt cóc lộng hành và táo tợn! 

Trong vụ bắt cháu Fernando Marti, bọn chúng đã xả súng giết chết tài xế và người cận vệ giữa thanh thiên bạch nhật, trước cặp mắt kinh hãi tột độ của nạn nhân và nhiều người đi đường. 

Cuối tháng 8-2008, hàng ngàn người Mexico đã xuống đường biểu tình, bày tỏ bất mãn trước sự bất lực của nhà chức trách và tình trạng tham nhũng gián tiếp bao che các nhóm bắt cóc, đặc biệt khi người ta biết rằng tên thủ lĩnh nhóm La Flor (vụ Fernando Marti) là một cựu thanh tra cảnh sát Mexico City!


Tay anh chị Vassilis Paleokostas (giữa)

... Một nhà buôn Mexico bị trói chặt trong nhà vệ sinh, trên người chỉ còn độc quần đùi. Sau đó, một tên trong bọn bắt cóc xuất hiện. 

Hắn bịt mắt rồi cắt một bên tai nạn nhân để gửi về gia đình. “Tao là người có danh dự. Nếu gia đình mày chịu trả tiền chuộc, tao bảo đảm tính mạng mày an toàn. Đối với tao, đây là một doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt”(!) - tên thủ lĩnh nhóm bắt cóc nói.

Bắt cóc đã thật sự là một “doanh nghiệp” đang bùng nổ ở những nơi như Mexico, Colombia, Iraq, Afghanistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines...

Thiệt hại do tình trạng bắt cóc gây ra không nhỏ, không những ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà cả chính trị. 

Hiscox Group cho biết hiện có 60-65% công ty đa quốc gia (những công ty nằm trong top 500 do tờ Fortune bình chọn) đã buộc phải mua bảo hiểm bắt cóc, với trị giá trung bình 150 triệu USD/năm - bao gồm chi phí cho chuyên gia thương lượng, chi phí tư vấn tâm lý và tất nhiên bao luôn tiền chuộc. Bọn bắt cóc luôn lên kế hoạch rất kỹ, có cả khâu “nghiên cứu thị trường”.

Chuyện kể của John Heidema (Mỹ) là ví dụ điển hình. Khi cùng cô con gái 18 tuổi thực hiện chuyến du lịch trong rừng ở Ecuador, John Heidema bị một nhóm thảo khấu chặn đường. 

Chúng yêu cầu Heidema “tình nguyện” làm nạn nhân bắt cóc nếu muốn cô con gái được thả. Trong 38 ngày sau đó, Heidema cùng đám bắt cóc lặn lội trong rừng, ngủ trên võng, ăn thịt khỉ và uống nước suối. Sau cuộc đào tẩu bất thành, Heidema được đưa đến một thị trấn và bị nhốt vào phòng. 

Cuối cùng, sau trận bệnh thập tử nhất sinh và sụt 8kg, Heidema được cảnh sát Ecuador giải cứu... Tại Rio de Janeiro (Brazil), bọn chuyên nghiệp còn có cả một “khách sạn con tin”, giam giữ nạn nhân của nhiều nhóm bắt cóc khác nhau!

Tại Trung Quốc, vấn nạn bắt cóc bắt đầu nghiêm trọng hơn thời gian gần đây với việc truy tố loạt đường dây mua bán trẻ em ở nhiều nơi, trong đó có tỉnh Hồ Nam. 

Tháng 11-2007, cảnh sát bắt 27 thành viên trong một đường dây mà từ năm 2002 đã bắt cóc hoặc mua gần 1.000 trẻ em ở tỉnh Quảng Đông và bán chúng lại cho các cô nhi viện ở Hồ Nam với giá 400-538 USD. 

Chỉ trong năm năm (2000-2005), nhà chức trách Trung Quốc đã phá tổng cộng 4.911 vụ bắt cóc trẻ em, cứu được 10.000 bé...


Hàng ngàn trẻ em Trung Quốc đã được giải cứu từ thảm họa bắt cóc

2. Tháng 6-2008, doanh nhân George Milonas (giám đốc điều hành hãng nhôm Alumil với doanh số 420 triệu USD) bất ngờ tiếp một “đoàn” khách lạ tại nhà riêng ở Thessaloniki (thành phố lớn thứ hai Hi Lạp). 

Tối hôm đó lúc trở về từ công ty, ngay khi bước xuống xe Milonas bị bốn tên trùm đầu ép ngược trở lại vôlăng và được yêu cầu lái đi. 

Trong 13 ngày, nạn nhân bị giam trong một căn lều kín ở sân vườn thuộc một biệt thự chỉ cách nhà ông 20 phút đi xe. Thời tiết nóng, Milonas như bị “hấp” sống trong căn lều.

Nhất cử nhất động đều bị camera theo dõi và Milonas bị dọa giết chết nếu có ý đào thoát. Bọn bắt cóc đòi món tiền chuộc khổng lồ 40 triệu USD! 

Bên ngoài, vợ ông - bà Nellie - bắt đầu phong tỏa giao dịch cổ phiếu Alumil tại thị trường chứng khoán Athens để bọn bắt cóc không thể buộc bà chuyển cho chúng 70% cổ phần gia đình trong công ty. Cái giá mặc cả để Milonas được tự do mà Nellie đề nghị là 19 triệu USD. Nhóm bắt cóc đồng ý.

Hôm được trả tự do, Milonas bị bịt mặt và được chở đi lòng vòng trong hai giờ. Trùm bọn bắt cóc hóa ra là Vassilis Paleokostas, tên tội phạm khét tiếng giới giang hồ châu Âu từng có tiền án bắt cóc rồi vượt ngục năm 2006 bằng trực thăng do chính anh hắn đánh cắp và đỗ xuống sân tù để “rước” đương sự thoát đi trong vụ giải cứu gây chấn động Hi Lạp. 

Sau khi nhận tiền chuộc, Paleokostas đưa Milonas đến địa điểm vắng, trao chìa khóa chiếc BMW để nạn nhân tự lái về. Tháng 8-2008, Paleokostas cùng sáu tên khác bị thộp khi chuẩn bị rửa tiền...

3. Theo tác giả Nathan Vardi trong bài viết trên Forbes (13-10-2008), mỗi năm có khoảng 100.000 vụ bắt cóc toàn cầu và gần đây khu vực châu Á cũng không ngoại lệ.

Từng sống một thập niên ở Mỹ, Naresh Gupta - phó chủ tịch cấp cao Công ty Adobe Systems - trở về quê nhà Ấn Độ để giúp xây một trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất cho Adobe ngoài phạm vi Mỹ. Gupta sống trong khu biệt thự an ninh đặc biệt nghiêm cẩn tại ngoại ô New Delhi.

Một buổi sáng cuối năm 2006, bất chấp sự có mặt của sáu nhân viên an ninh, hai thanh niên lạ mặt đi xe gắn máy đã bất ngờ chụp cậu con trai Anant của Gupta, khi cậu bé vừa được cô hầu gái mở cửa đưa ra đường để đến trạm xe buýt gần đó. 

Đang trên đường trở về Ấn Độ từ cuộc họp hằng năm ở San Jose (California), Gupta nhận được tin dữ khi bước xuống máy bay trong chuyến quá cảnh Hong Kong. Gupta hối hả về nhà trong lúc vợ ông đang nói chuyện điện thoại với bọn bắt cóc và đồng ý món tiền chuộc 110.000 USD.

Năm ngày sau vụ bắt cóc, bọn tội phạm hướng dẫn gia đình Gupta đến trao tiền chuộc trên chuyến tàu hỏa đêm đến Mumbai. Một thân nhân Gupta, với nhiệm vụ giao tiền, liên tục nhận chỉ thị từ bọn bắt cóc qua điện thoại di động trên chuyến tàu sáng sớm lúc trời còn tối mịt. 

Khi thấy ánh đèn chớp từ một cây cầu trước mặt, như được hướng dẫn, ông ấy bắt đầu quẳng túi tiền qua cửa sổ. 

Tuy nhiên, nỗi kinh hoàng vẫn chưa chấm dứt. Sau khi ôm túi tiền, bọn bắt cóc gọi lại và nói bé Anant đã được bỏ lại trên xe lửa. Thế là mọi người bủa ra tìm nhưng vẫn không thấy bóng dáng Anant.

“Sáu giờ sau đó thật sự là ác mộng - Gupta kể - Tôi giận muốn phát điên và chẳng biết mình nên làm gì”. Cuối cùng tận chiều hôm đó, Anant được cảnh sát phát hiện gần nhà sau khi một taxi chở đến rồi bỏ đi. Tên cầm đầu bọn bắt cóc bị thộp, đào thoát mất dạng đầu năm 2008 rồi lại bị bắt...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận