Đâu chỉ có một con đường

TTCT - Tôi đã trải qua kỳ thi đại học cách đây mười năm nhưng kỷ niệm về nó không sao phai mờ trong ký ức.

LTS: Sau Câu chuyện cuộc sống “Tôi không qua nổi kỳ thi này”, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những câu chuyện thất bại của mình với tác giả Thiên Kim cùng lời nhắc nhở cuộc sống có muôn ngàn lối mở...

Tôi như con búp bê được lập trình

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Quê tôi ở một xã nghèo, heo hút thuộc thị xã Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Cha mẹ tôi là những người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Năm tôi lên 6, cha tôi bị trọng bệnh qua đời. Trước khi ra đi, cha tôi có dặn mẹ rằng ráng lo cho tôi ăn học thành tài.

Hai năm sau, mẹ tôi tái hôn với người đàn ông chết vợ có đến ba con riêng. Gia cảnh nhà tôi đã nghèo lại còn nghèo hơn, cả nhà thường xuyên đứt bữa. Các anh chị con riêng của dượng đã lần lượt nghỉ học đi làm thuê khi mẹ tôi sinh em thứ hai. Riêng tôi học giỏi nên dượng và mẹ vẫn cho đi học.

Trường cách nhà 15km, dượng hay chở tôi đi học bằng chiếc xe đạp có dáng vẻ kỳ quái với cái yên sau to đùng, dùng để chở nông sản ra chợ bán và cái thắng xe to “khủng bố” đạp bằng chân gắn ở bánh sau. Khi đến cổng trường, dượng lấy cho tôi một chai nước và một phần năm cái bánh tráng mè Bình Định. Đó là bữa trưa của tôi, cứ ăn bánh tráng, uống hết chai nước tôi sẽ được no.

Chiều tối, sau khi làm rẫy xong, dượng đến đón tôi về. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì đường trơn và sình lầy kinh khủng. Có thể nói tôi và dượng “bơi” trong bể bùn nhão nhoét và đặc sệt. Có khi gần đến nửa khuya tôi và dượng mới về được nhà, rã rời, đói mềm và bị nhuộm đỏ từ đầu tới chân.

Tôi vắt kiệt mình cho kỳ tho đại học

Lên cấp III, dù ăn đói mặc rách tôi vẫn học giỏi nên dượng và mẹ gửi lên thị xã học. Nơi tôi học cách nhà hơn 30km. Tôi phải ở trọ nhà người bà con xa của mẹ. Cứ cuối tháng, dượng đạp xe lên, chở cho tôi một túi gạo và một ít tiền. Bao giờ lên thăm dượng cũng dẫn tôi đi ăn phở nhưng dượng không ăn mà chỉ ngồi than vãn về chuyện thóc cao gạo kém, chuyện các em tôi nay yếu mai đau, chuyện gây gổ, bất hòa giữa dượng và mẹ, cả chuyện nuôi tôi tốn kém thế nào... Dượng nói nhiều đến nỗi tôi nhiều lần quyết định bỏ học đi làm thuê tự nuôi sống bản thân.

Nhưng rồi cô chủ nhiệm và thầy cô giáo dạy tôi cứ khuyên nhủ động viên tôi ráng học. Cô chủ nhiệm tôi tên Kim Anh, dạy tôi môn văn. Cô là người mẹ của hai con trai, cũng rất vất vả và khó khăn về kinh tế nhưng cô vẫn thương tôi không kém gì con ruột. Cô thường xuyên mua sách tập giấy bút cho tôi, thậm chí cô xuất tiền lương đóng cho tôi những khoản tiền đầu năm học.

Thầy dạy môn toán của tôi là thầy Siêng thì gọi tôi đến nhà dạy riêng mà không lấy tiền. Có những hôm thầy bảo vợ gói chục trứng gà nhà đem đến chỗ trọ cho tôi ăn bồi dưỡng. Thậm chí, mẹ thầy làm cho thầy lon thịt chà bông thầy cũng bảo vợ sớt cho tôi một nửa...

Tôi đã học lấy chữ nghĩa từ tất cả tình yêu thương lo lắng của thầy cô rồi dần dần nuôi dưỡng ước mơ vào đại học. Ước mơ ấy lớn lên theo ngày tháng và hầu như choán hết tâm trí tôi. Có thể khẳng định một điều, tôi đã vắt kiệt sức mình cho việc luyện thi vào đại học. Tôi thi y khoa. Biết là khó khăn nhưng quyết tâm cứ cháy bỏng như một ngọn lửa trong tôi.

Trước kỳ thi, mẹ tôi phải bán non lứa heo để có tiền đưa tôi đi thi. Dượng đưa tôi đi với rất nhiều lời lẽ càm ràm và rất nhiều nhăn nhó: nào phải thuê nhà trọ trước mấy bữa với giá cao, nào phải ăn uống bên ngoài tốn kém, một ly trà đá bằng giá ký cà chua, một đĩa cơm bằng giá năm ký rau cải…

Không phải bằng chiếc xe đạp thồ to vật vã ngày xưa mà là một chiếc Dream đời cũ tơi tả xì ra một lượng khói kinh hoàng và một thứ âm thanh “khủng bố”, dượng đưa tôi từ chỗ trọ đến trường thi. Chẳng biết “hồn kinh phách tán” thế nào tôi không làm bài được và thi rớt.

Đau đớn, khổ sở vì thi hỏng, tôi luôn nghĩ đến cái chết. Tôi sốt mê man rồi nằm liệt giường, không nhấc nổi tay chân. Mẹ tôi nấu cháo đút tôi, tôi ăn vào là nôn hết cả mật xanh, mật vàng. Tóc tôi bắt đầu rụng từng chùm. Thân thể tôi gầy rộc đi, nhìn như ma đói, gió thổi cũng xiêu xiêu vẹo vẹo.

Chọn con đường khác

Hoảng quá, sợ tôi chết, dượng chạy đi mời một thầy thuốc đông y giỏi nhất vùng tới xem mạch, cắt thuốc cho tôi. Rồi thì những thức ăn ngon dượng mua về tự tay nấu nướng cho tôi ăn. Sau mười ngày thuốc thang, chạy chữa, tôi mới ngồi dậy được. Một sáng, dượng nhờ tôi đi cùng ra chợ huyện bán đậu và bắp.

Dượng nói một cách mộc mạc mà rất chân tình: “Học tài, thi mạng đó con. Không đậu đại học, con tìm một cái nghề đi. Con giỏi giang thì ở bất cứ nghề nào con cũng giỏi. Sau này đi làm vài ba năm rồi con lại đi thi tiếp lên đại học, ai cấm. Buồn làm gì hả con, nhụt cái chí đi...”. Nói xong dượng chìa cho tôi một tờ báo đăng thông báo chiêu sinh của trường cao đẳng sư phạm. Tôi coi xong và quyết định nộp hồ sơ. Lần này tôi đậu.

Những năm đi học xa nhà, tôi đi làm thêm, dạy thêm kiếm sống cho mẹ và dượng đỡ cực. Trong thâm tâm, tôi bắt đầu hiểu và thương dượng, người mà tôi nghĩ rất khe khắt và keo bẳn thật ra rất sâu sắc và bao dung. Nhiều khi chuyện miếng cơm, manh áo, những lo toan vụn vặt khiến dượng trở thành người thích than vãn nhưng dượng đối với tôi đâu khác gì cha ruột. Nhờ biến cố thi rớt tôi mới hiểu một con người mà từ trước đến nay tôi luôn ghét bỏ.

Bây giờ tôi đã là giáo viên nòng cốt của một trường quốc tế tọa lạc tại quận 2, TP.HCM. Công việc của tôi là giúp một số trẻ thiểu năng hòa nhập và theo kịp chương trình học của trường. Tôi thấy thích công việc này và nghĩ rằng đây hẳn là cái nghiệp. Hai em tôi cũng bắt đầu vào đại học và tôi có điều kiện giúp các em trang trải các khoản học phí. Ngẫm ra, học đại học chưa phải là con đường duy nhất để vào đời. Còn rất nhiều, rất nhiều con đường khác...

Cốt yếu là cách hành xử sau thất bại

Gửi bạn Thiên Kim

1. Hai người bạn tôi có cách hành xử vừa giống nhau vừa khác nhau trước cùng một kết quả thi không mong muốn, dẫn tới hai kết cục rất khác nhau. K.O. học cùng trường và cùng lớp luyện thi với tôi hồi trung học phổ thông, K.O. học khá và chăm chỉ. T.V. học cùng lớp chuyên với tôi trong trường phổ thông.

T.V. là con đầu cháu sớm của cả hai bên nội ngoại vốn giàu có và trọng danh nên dù học hành trung bình nhưng T.V. liên tục được cha mẹ “chạy” vào trường điểm, lớp chuyên từ tấm bé, và dĩ nhiên T.V. luôn đội sổ và thường người nhà phải “ngoại giao” mới được lên lớp. Biết khả năng hạn chế của mình và ảo vọng của gia đình, T.V. rất cần mẫn song sức người có hạn.

2. Năm đó chúng tôi thi tốt nghiệp và đại học, K.O. rớt tốt nghiệp - điều chẳng ai ngờ, riêng T.V. trượt đại học thì không ai bất ngờ. Chính K.O. chẳng hiểu mình làm bài thế nào đến nỗi rớt và hoang mang tột độ nhưng không dám bộc lộ, phải giấu gia đình bằng cách vẫn đến lớp luyện thi đại học đều đặn, ngày đi thi bạn vẫn dậy sớm đến hội đồng thi rồi lẻn ra ngoài lang thang tới hết giờ...

Vì quá căng thẳng đối phó nên K.O. phát bệnh liên tục, sau đợt thi, K.O. bắn tiếng trước với gia đình là sức khỏe kém, làm bài không đạt. Ngày trường công bố kết quả, một lần nữa K.O. phải đóng kịch là đến xem và về báo thi trượt. Hôm đó K.O. khóc nức nở hết ẩn ức trong lòng vì từ nay không còn phải giả vờ với gia đình nữa…

Sau đó nhằm tránh sự thăm hỏi của họ hàng làng xóm, tránh dự những buổi liên hoan mừng thi đậu của bạn bè và để nghỉ dưỡng, K.O. xin phép bố mẹ lên ĐL sống cùng nhà bà con để sang năm thi lại.

Môi trường trong lành và con người thân thiện nơi đây giữ K.O. học ôn và thi vào ĐHĐL luôn. Tốt nghiệp loại giỏi, bạn được giữ lại làm giảng viên, lập nghiệp và lập gia đình tại cao nguyên xinh đẹp này. Bây giờ ngoài công tác giảng dạy, bạn điều hành việc kinh doanh của gia đình, cuộc sống viên mãn…

3. Riêng gia đình T.V. không chấp nhận sức học yếu kém của con mình nên yêu cầu T.V. phải vui cười trả lời thi đỗ đại học luật khi người quen hỏi han, sau đó họ thu xếp cho T.V. du học Mỹ. Qua đó T.V. tiếp tục được sự đỡ đầu của gia đình người dì nhưng trầy trật mãi mới có được tấm bằng đại học của một trường tư và lấy chồng.

T.V. quen được sự nâng đỡ từ xưa nên dù lớn vẫn không độc lập được và sĩ diện gia đình không cho phép làm những việc tầm thường trong khi năng lực hạn chế, thế là T.V. ở nhà chồng nuôi và lại nhận sự hỗ trợ từ hai bên nội ngoại.

Năm ngoái bạn bè gặp nhau, K.O. cười dung dị “mình thành người ĐL mất rồi”, còn T.V. sụt sùi “mình ở quốc gia văn minh nhất thế giới gần 20 năm mà lạc hậu hơn cả người nhà quê, suốt ngày quanh quẩn nội trợ… Giá mà không có áp lực danh hão và sĩ diện của gia đình để mình được học hành và làm việc đúng năng lực thì cuộc sống đã hữu ích hơn...”.

Thế đấy Thiên Kim ạ, điều gì cũng có cách giải quyết, không quá bi đát như bạn tưởng đâu, nhưng hãy sống thật với khả năng của mình vì cuộc đời bạn là của chính bạn. Rớt đại học thì học lại hoặc tìm đường khác, đó chỉ là thất bại nhỏ trên đường đời vốn dĩ phức tạp, cam go và còn rất dài phía trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận