Điều trị hiệu quả chấn thương

THS.BS NGUYỄN ĐỨC THÀNH 01/06/2011 02:05 GMT+7

TTCT - Anh N.K.L. (35 tuổi, nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu) viết thư hỏi bác sĩ: ”Cách đây hai năm tôi bị chấn thương bong gân khớp cổ chân, điều trị thuốc một tuần, sau đó cổ chân không khỏi hẳn mà cứ sưng đau từng đợt.

Tôi đi khám và chụp phim ở nhiều bệnh viện khác nhau. Các bác sĩ chẩn đoán bị viêm khớp, kê toa uống thuốc bớt rồi đau lại. Có bác sĩ khuyên nên mổ nội soi. Xin hỏi bác sĩ mổ nội soi cổ chân là như thế nào, có tốt hơn so với mổ bình thường không?

Phóng to
Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân - Ảnh: footandankleproblems.blogspot.com

Khớp cổ chân được tạo bởi ba thành phần: mắt cá ngoài, mắt cá trong và xương sên. Bao quanh khớp cổ chân là một hệ thống dây chằng rất phức tạp. Các dây chằng này có nhiệm vụ giúp cổ chân hoạt động trong tư thế cân bằng, vững chắc. Khi các dây chằng quanh khớp cổ chân bị rách (thường gọi là bong gân), cổ chân sẽ kém vững, bàn chân bị lệch ra ngoài hoặc vào trong, ít hay nhiều tùy vào mức độ tổn thương của dây chằng.

Bề mặt khớp cổ chân nhỏ hơn khớp gối và khớp háng, nhưng phải chịu lực tác động gấp 2-4 lần khi đi bộ và chịu lực gấp 6-8 lần khi chạy nhảy. Khi hoạt động, khớp cổ chân phải thực hiện vận động “đa trục” chứ không đơn thuần là khớp bản lề. Do đó, chỉ một chấn thương nhỏ ở cổ chân cũng có thể ảnh hưởng lớn tới chức năng vận động.

Chấn thương khớp cổ chân rất thường gặp

Bong gân khớp cổ chân là loại chấn thương thường gặp đến mức hầu như bất kỳ ai trong chúng ta đều gặp phải ít nhất một lần trong đời. Nếu không được điều trị đúng cách và đầy đủ, bong gân cổ chân có thể dẫn đến tình trạng viêm bao khớp cổ chân mãn tính. Bệnh nhân sẽ bị sưng đau từng đợt, kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến việc đi đứng hằng ngày. Khi điều trị nội khoa nhiều đợt không hiệu quả, vấn đề phẫu thuật khớp cổ chân sẽ được đặt ra.

Trước đây, khi chưa có những tiến bộ trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi khớp, để giải quyết các bệnh lý trong khớp bác sĩ phải thực hiện mổ mở, nghĩa là rạch mở rộng da và bao khớp để có thể thấy rõ phía trong của màng bao khớp, sụn khớp. Mổ mở tuy giúp giải quyết được bệnh nhưng gây ra nhiều tổn thương cho các phần không bị bệnh.

Hiện nay, xu hướng của điều trị phẫu thuật trên thế giới cũng như ở Việt Nam là phẫu thuật “xâm lấn tối thiểu”, nghĩa là cố gắng càng ít gây tổn thương cho cơ thể càng tốt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị. Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Ưu điểm của phẫu thuật nội soi khớp cổ chân

Để tiến hành phẫu thuật nội soi khớp cổ chân, người ta sử dụng những dụng cụ phẫu thuật nhỏ như chiếc đũa, với các đường rạch da chỉ 5-7mm. Nhờ sự phóng đại của hệ thống ống kính nội soi mà phẫu thuật viên có thể phát hiện và sửa chữa được những thương tổn nhỏ nhất, quan sát được các khu vực ngóc ngách trong khớp mà với mổ mở nhiều khi không thấy được.

Các ưu điểm nổi bật của phẫu thuật nội soi khớp cổ chân so với mổ mở có thể kể đến: sau mổ bệnh nhân ít đau hơn rất nhiều và thông thường có thể đi lại ngay và ra viện trong ngày đầu tiên sau mổ, sẹo mổ rất nhỏ và thẩm mỹ, tỉ lệ nhiễm trùng sau mổ thấp hơn nhiều so với mổ mở, bệnh nhân có thể sớm quay lại với công việc hằng ngày.

Ngoài ra, trong những trường hợp bệnh lý khớp cổ chân không thể chẩn đoán được với thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thì nội soi khớp có thể coi như một cách điều trị, vừa giúp chẩn đoán chính xác vừa giúp điều trị bệnh hiệu quả.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng phẫu thuật nội soi. Đối với một số tình trạng chấn thương hay bệnh lý của khớp cổ chân, điều trị phẫu thuật bằng mổ mở là điều không thể tránh khỏi.

Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân thường được áp dụng trong điều trị: viêm khớp cổ chân do chấn thương hoặc do bệnh lý, viêm chỗ bám gân gót, đau khớp cổ chân do gãy xương cũ, thoái hóa khớp, mảnh sụn rời trong khớp, gai xương, khuyết sụn và những trường hợp đau khớp cổ chân mà không thể chẩn đoán được nguyên nhân dựa trên các kỹ thuật thông thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận