Dọn nhà đón tết: Sạch chưa chắc lành!

LÊ MY 06/02/2021 20:45 GMT+7

TTCT - Có một thực tế phũ phàng là trong lúc dọn dẹp nơi ở sạch sẽ và thơm tho, chúng ta có thể đã tự làm bẩn bầu không khí trong nhà.

Minh họa: Davide Bonazzi/Salzman Art

Trước hết, hãy dành ít phút để tri ân bầu không khí mà ta hít thở. Không giống như đại đa số động vật trên Trái đất, loài người dường như rất thích những chiếc hộp. Chúng ta ngủ trong căn phòng hình hộp, đi taxi hay xe buýt thì cũng là di chuyển trong những chiếc hộp ngắn dài. Và sau một ngày làm việc, vui chơi giữa bốn bức tường, ta lại quay về chiếc hộp của chính mình.

“Ở các nước phát triển, chúng ta dành 90% thời gian ở trong nhà nhưng khi nhắc đến ô nhiễm, tất cả sự tập trung lại dành cho 10% thời gian khi ta ở ngoài trời. Thật ra phần lớn sự tiếp xúc của con người với ô nhiễm thường xảy ra trong nhà” - BBC Future dẫn lời Nicola Carslaw, giáo sư tại ĐH York (Anh).

Ở những nước đang phát triển, tỉ lệ trong nhà - ngoài trời cũng gần như tương tự. Chẳng hạn như ở vùng Metro Manila của Philippines (bao gồm thủ đô Manila và các khu vực xung quanh), mọi người dành 84% lượng thời gian ban ngày ở trong nhà, bao gồm nhà ở, trường học và nơi làm việc. Khảo sát trên do nhóm nghiên cứu người Đức và Philippines thực hiện hồi năm 2018, khi mà lệnh phong tỏa hay đóng cửa phòng dịch COVID-19 nghe như phim viễn tưởng.

Cần quan tâm chuyện hít thở trong nhà còn bởi vì bầu không khí nơi tổ ấm lại có thể ô nhiễm gấp 2 đến 5 lần không khí ngoài trời, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA). Sự ô nhiễm bắt nguồn từ một loạt hoạt động của con người, trong đó có việc làm sạch mọi thứ bằng hóa chất và đốt lửa để nấu nướng, sưởi ấm.

Cần lưu ý rằng đây không phải tình huống chọn 1 trong 2 giữa trong nhà và ngoài trời, vì ô nhiễm không khí bên ngoài cũng có thể xâm nhập vào bên trong. Hay nói cách khác, ô nhiễm không khí trong nhà = ô nhiễm không khí ngoài trời + các tạp chất khác.

 Theo Tổ chức Y tế thế giới, vào năm 2016, ô nhiễm không khí tại hộ gia đình có liên quan 3,8 triệu ca tử vong toàn cầu. Gần như tất cả các ca này đều thuộc các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân tử vong hàng đầu liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, bao gồm đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Mối nguy vô hình và thơm phức

Không khí mà chúng ta đang hít thở bao gồm rất nhiều thành phần. Khí oxy (O2) chỉ chiếm khoảng 21%, phần còn lại là các khí như nitơ (N2), cacbonic (CO2)... Ta sẽ có ô nhiễm không khí nếu có thêm các loại hạt hoặc khí khác xen vào, làm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Kẻ phá bĩnh đáng gờm nhất là VOC (Volatile organic compound, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Chúng có thể phát sinh từ hàng ngàn sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh, diệt côn trùng, khử mùi hay khử trùng, dễ nhận biết hơn cả là những loại hứa hẹn mang đến mùi thơm như ý. 

VOC bốc hơi ở nhiệt độ phòng, lởn vởn trong không gian kín, chỉ chờ ta hít phải. Theo EPA, tuy mức độ độc hại của các loại VOC khác nhau là khác nhau, những vấn đề sức khỏe có thể bao gồm: kích ứng mắt, mũi và cổ họng, nhức đầu, buồn nôn, … Những trường hợp nặng có thể dẫn đến tổn thương gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Một số loại VOC được biết là có thể gây ung thư ở động vật.

Trả lời BBC, Nicola Carslaw đưa ra một tình huống éo le: “Nếu bạn nói với mọi người rằng họ đang tiếp xúc với các hạt (ô nhiễm) ngoài trời từ các phương tiện giao thông, họ sẽ thấy khó chịu và có thể tránh đi lại trên vài tuyến đường nhất định - nhưng sau đó họ sẽ vui vẻ cắm máy xịt thơm phòng mà không biết rằng chúng cũng đang tạo ra các hạt tương tự”.

Tóm lại, cứ nước gì thơm mãnh liệt, thơm bền lâu, cứ chất gì sạch boong, không cho con gì sống là ta phải tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng. 

Năm 2020 thật bất thường (chẳng cần phải nói), người người đã chẳng đợi đến mùa xuân mới bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Thế là từ tháng 3 đến tháng 5-2020, mức VOC và CO2 tại hơn 2.000 hộ gia đình ở Na Uy và Mỹ đã tăng từ 15 đến 30%, theo báo cáo của Airthings - nhà sản xuất máy đo không khí Na Uy. 

Tương tự, dữ liệu do Dyson - công ty công nghệ Anh thu thập ở 11 thành phố trên bốn lục địa cho thấy mức VOC và NO2 trong nhà dân đã tăng lên từ ngày họ về nhà tránh dịch.

 

Một cái tên khác nên được đưa vào “diện tình nghi” là máy hút bụi, nhất là những chiếc cổ lỗ sĩ. Ngược lại với cái tên của nó, máy hút bụi có thể phát thải bụi trong nhà, theo công bố của một nhóm các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý vào năm ngoái trên tạp chí Science Direct. 

Trừ khi một bộ lọc cao cấp và phù hợp được sử dụng, bụi vẫn có thể rò rỉ từ động cơ chân không lẫn quá trình hút bụi. Với kích thước siêu nhỏ, bụi dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ta hít thở và gây ra các phản ứng miễn dịch; chúng thậm chí còn là “phi thuyền” chuyên chở một số vi sinh vật gây bệnh vào cơ thể ta.

Bên cạnh dọn dẹp, chuyện tân trang nhà cửa cũng có thể vô tình rước thêm “kẻ địch” vào nhà. Nhiều chất hóa học có trong các loại keo dán nội thất, sơn, chất trám khe, gỗ, vật liệu xây dựng… có khả năng lan tỏa trong không khí. 

Khi ai đó ngửi được một căn phòng vừa được phủ sơn, hay một món đồ nội thất mới cóng, họ có thể đang ngửi thấy mùi formaldehyde và benzene, vốn là những chất VOC thường lưu lại trong không khí. Đó là lý do người mua nhà mới cần tìm cách khử mùi sơn, mùi nội thất mới trước khi sử dụng.

Phải làm gì đây?

Quét dọn, lau chùi là chuyện phải làm hằng ngày, làm sao để tránh mối nguy vô hình thơm phức? Trong đa số trường hợp, có 2 cách hữu hiệu và hiển nhiên để giảm thiểu các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà: loại bỏ nguồn phát thải và đảm bảo thông gió.

“Các loại máy lọc không khí không thể giải quyết hoàn toàn ô nhiễm không khí trong nhà, nếu ta không bắt tay vào giải quyết từng nguồn phát thải" - PGS. TS Phạm Thị Anh, viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và giao thông, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

"Ngay từ đầu, hãy hạn chế sử dụng các loại hóa chất trong nhà như nước xịt phòng, nhang muỗi; đừng lạm dụng chúng và hãy tìm kiếm các chất gắn nhãn VOC thấp hoặc biện pháp thay thế tự nhiên như khử mùi bằng trái thơm, tẩy rửa bằng giấm”.

Chúng ta có thể học hỏi nhiều mẹo vệ sinh nhà cửa từ cái thời mà bình xịt hay hóa chất đóng chai chưa trở thành câu trả lời cho mọi vấn đề. Thí dụ, để khử mùi từ thức ăn ôi thiu, xác động vật phân hủy, ta có thể thắp một ngọn nến nhỏ để đốt cháy các VOC gây mùi khó chịu trong không khí. Việc đốt nến có thể sinh ra một lượng nhỏ khí thải, nhưng chấp nhận được, vì đôi khi chẳng thể có cách vẹn cả đôi đường.

Minh họa: BBC

Đến cuối cùng, nếu chúng ta không tránh khỏi việc tạo ra chất ô nhiễm trong nhà, hãy mở cửa để không khí lưu thông. Nhưng nếu một gia đình sống gần quốc lộ, nhà máy hay công trình xây dựng, việc mở cửa sổ có thể chỉ tổ kéo thêm khí bẩn vào nhà. 

TS Phạm Thị Anh đưa ra lời khuyên: “Trồng cây xanh trước cửa nhà, ví dụ như các loại dây leo, và thường xuyên tưới rửa cây để các hạt ô nhiễm có thể bám lên bề mặt lá, như vậy không khí được lọc sạch phần nào trước khi vào nhà mình”. Các hệ thống thông gió như quạt, quả cầu thông gió cũng đã chứng minh hiệu quả trong việc điều hòa không khí từ trong nhà ra ngoài trời.

Chuyện dọn dẹp đại ý là cần phải thế. Nhưng chưa hết, giữa một thời đại mà dịch bệnh vẫn còn gây ám ảnh, liệu chúng ta có nên sử dụng các sản phẩm kháng khuẩn để… tiệt trùng nhà cửa chăng? Emily Anthes, tác giả của cuốn sách The Great Indoors về ô nhiễm không khí trong nhà, cảnh báo: “Bọn vi khuẩn thích nghi với những hóa chất này với tốc độ ánh sáng, nên việc sử dụng chúng trong nhà có thể góp phần dẫn tới sự trỗi dậy của những con vi khuẩn kháng thuốc mới… Hơn nữa, phủ các hợp chất kháng khuẩn khắp nhà sẽ quét sạch các lợi khuẩn cùng với bọn có hại”. 

Nhắc đến virus corona, Anthes nói: “Hóa ra, chỉ cần xà phòng và nước là đủ loại bỏ chúng rồi”.■

Nấu nướng cũng gây ô nhiễm trong nhà

Theo Nicola Carslaw, “khi bạn nấu ăn, bạn tạo ra nitơ oxit và các loại hạt, vốn chính là những chất ô nhiễm mà bạn có thể hít phải ở ngoài trời - chỉ là chúng khác nguồn thôi”.

Không chỉ giải phóng nhiều loại VOC, việc đốt cháy nhiên liệu bao gồm gỗ, than đá, khí gas hoặc dầu hỏa có thể thải ra bụi mịn PM2.5 (các hạt có kích thước 2,5 micromet trở xuống, tức chỉ bằng khoảng 1/30 đường kính sợi tóc). Vậy nên, mùi thơm hấp dẫn từ nhà bếp thực chất có thể chứa một số chất có hại.

Năm ngoái, một nghiên cứu của ĐH Colorado Boulder (Mỹ) chỉ ra rằng buổi nướng thịt ngày chủ nhật hoặc bữa tối lễ Tạ ơn có thể tạo ra lượng PM2.5 cao hơn so với mức bụi mịn trên đường phố Delhi (Ấn Độ) - một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vì thế các chuyên gia thường khuyên người dân nên chuyển sang bếp điện, sử dụng máy hút mùi hoặc mở cửa sổ khi nấu ăn.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận