Dựng tượng Zidane húc đầu: Một sai lầm?

LOAN PHƯƠNG 07/10/2012 03:10 GMT+7

TTCT - Sách vở, những bài ca tụng và những bức tượng thường chỉ được dành để vinh danh người hùng hay người chiến thắng. Nhưng một ngoại lệ trong thế giới thể thao đã diễn ra tuần trước khi kẻ tội đồ và chiến bại được vinh danh: một bức tượng đồng cú húc đầu của Zinedine Zidane vào ngực Marco Materazzi được dựng lên bên ngoài Trung tâm Pompidou tại thủ đô Paris.

Phóng to
Bức tượng húc đầu của Zidane đặt bên ngoài Trung tâm Pompidou, một điện thờ nghệ thuật hiện đại tại thủ đô Paris có phần đóng góp thiết kế của các kiến trúc sư Ý - Ảnh: Reuters

Từ Cannes tới Real Madrid, những câu lạc bộ nơi Zinedine Zidane khởi nghiệp và treo giày, sự nghiệp của anh luôn tràn ngập những khoảnh khắc cảm xúc. Cầu thủ có lẽ là vĩ đại nhất nước Pháp đã trải qua mọi bước thăng trầm. Anh ghi hai bàn trong trận chung kết World Cup giúp Pháp đánh bại Brazil 3-0 hồi năm 1998, cũng như bàn thắng được coi là đẹp nhất mọi thời đại ở Champions League, cũng trong trận chung kết, cho Real Madrid vào lưới Bayer Leverkusen ở Glasgow năm 2002.

Khoảnh khắc bi kịch

Không chỉ cầu thủ là chủ đề cho điêu khắc. Trọng tài biên người Azerbaijan Tofiq Bahramov, người đã công nhận bàn thắng thứ ba đầy tranh cãi cho tuyển Anh ở trận chung kết World Cup 1966, có một bức tượng vinh danh ông ở quê nhà. Nhưng có lẽ kỳ lạ nhất là Fulham khi đội bóng Premier League có một bức tượng ông hoàng nhạc pop quá cố Michael Jackson bên ngoài sân nhà Craven Cottage của họ. Lý do là ông chủ câu lạc bộ, tỉ phú người Ai Cập Mohamed al Fayed, từng là bạn thân của Jackson trước khi ông qua đời năm 2009.

Nhưng nghệ sĩ điêu khắc Adel Abdessemed sinh ở Algeria, cũng là quê hương nguồn cội của Zidane, đã không lựa chọn những khoảnh khắc đầy ánh hào quang đó để khắc họa sự nghiệp của tiền vệ tấn công tài hoa này. Thay vào đó, ông tập trung vào thời điểm có lẽ là vực sâu trong sự nghiệp của Zidane, cú húc đầu nhắm vào Materazzi tại chung kết World Cup 2006, khoảnh khắc cuối cùng trong cả một sự nghiệp lừng lẫy, bởi sau đó là chiếc thẻ đỏ và thất bại cay đắng của Pháp trước Ý.

Nghệ thuật đôi khi đi ra ngoài những suy nghĩ thông thường và việc lựa chọn khoảnh khắc này chắc chắn đạt được hiệu quả về sự chú ý. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu trên tạp chí bóng đá FourFourTwo, đồng đội cũ của Zidane là Frank Leboeuf (hiện đang sống ở Mỹ) đã bình luận rằng tại Mỹ, cú húc đầu của Zidane là “một màn làm thương hiệu hảo hạng”. Dân Mỹ đâu có mê bóng đá kiểu châu Âu và không nhiều người biết được tường tận về sự nghiệp của tiền vệ nhạc trưởng người Pháp. Nhưng cú húc đầu “trứ danh” thì ai cũng nhớ rõ.

Zidane không phải là cầu thủ đầu tiên được vinh danh bằng cách dựng tượng. Sân Wembley, sân nhà của đội tuyển Anh, cũng được trang trí bằng một bức tượng Bobby Moore, hậu vệ đội trưởng đội tuyển Anh giành chức vô địch World Cup duy nhất của nước này trong lịch sử vào năm 1966. Carlos Valderrama, cầu thủ khoác áo đội tuyển Colombia nhiều nhất (111 lần), cũng có một bức tượng rất hoành tráng ở thị trấn quê hương anh Santa Marta. Nhưng bức tượng Zidane chơi xấu thì...

Phóng to
Materazzi đau nhưng người Ý cũng đau - Ảnh: Reuters

Thiếu tôn trọng

“Bức tượng này đi ngược các giá trị truyền thống vinh danh chiến thắng. Đây là một bản tụng ca thất bại” - nhà tổ chức triển lãm Alain Michaud nói với Hãng tin AFP sau khi bức tượng cao 5m được dựng lên bên ngoài Trung tâm Pompidou. Khoảnh khắc của cú húc đầu, khi tỉ số trận chung kết đang là 1-1 ở Berlin, đã trở thành một thời điểm đáng nhớ của lịch sử bóng đá quốc tế. Bởi sự nổi tiếng của Zidane, Materazzi và chính xác những gì diễn ra dẫn tới sự kiện hi hữu đó vẫn còn là một bí ẩn.

Trên tờ La Repubblica, cây viết xã luận Gabriele Tomagnoli cho rằng tác phẩm nghệ thuật này khiến người Ý nổi giận vì ba lý do rất dễ nhìn thấy. Thứ nhất, không cần phải là Pierre de Coubertin (nhà sáng lập phong trào Olympic hiện đại năm 1884) mới nhận ra rằng chẳng có lý do gì để tôn vinh một hành vi phi thể thao vốn có rất nhiều trong lịch sử bóng đá. Nó vừa phản thể thao khi người ta tìm cách mua lại động tác này bằng sự kiêu hãnh và biến một thời khắc báo trước thất bại thành chiến thắng của niềm tự hào.

Thứ hai, không cần phải là một công dân yêu nước mới thấy rằng thật chẳng tế nhị tí nào khi ném hình ảnh được vinh danh này vào mặt nước Ý. Các cầu thủ Ý cũng nổi tiếng chơi xấu, nhưng người Ý đâu có dựng tượng Francesco Totti trước Đại sứ quán Đan Mạch sau khi cầu thủ này phun nước bọt vào mặt Christian Poulsen ở trận đầu tiên tại Euro 2004 và bị UEFA cấm thi đấu ba trận.

Thứ ba, tác phẩm này là một sự lăng nhục chính Zidane, một trong những nhà vô địch vĩ đại và từng hưởng vinh quang ở cả ba quốc gia (Pháp, Ý, Tây Ban Nha), từng đoạt nhiều chiếc cúp vô địch. Khi trả lời phỏng vấn gần đây, Zidane tuyên bố: “Mọi người nhớ mãi những gì tôi đã cống hiến... Nhưng hình ảnh cuối cùng thật kinh khủng đối với tôi và chắc chắn là với cả nhiều người... Tất nhiên tôi chẳng tự hào gì về cú húc đầu này”.

Zidane biết thế và mong muốn mọi người đừng gán ghép anh với chuyện không hay này. Bản thân anh có một đánh giá chừng mực hơn những gì mà người khác nói về anh. Zidane cũng không lẫn lộn giữa lòng kiêu hãnh và sự giận dữ, hành động anh hùng và sự ngu ngốc. Và anh cũng không muốn sai lầm của mình được đưa lên bục tượng như thế. Đêm chung kết hôm đó tại Berlin, người Ý đã xuống đường ăn mừng chiến thắng và hát vang “tạm biệt Zinedine Zidane, tạm biệt Zinedine Zidane”. Thế nhưng, trong điệp khúc trên vẫn có sự tôn trọng cầu thủ đã bị hạ bệ. Điều này lại không nhìn thấy ở bức tượng.

Người Ý cho rằng lẽ ra nghệ sĩ Abdessemed nên giữ bức tượng gây tranh cãi này trong vườn nhà mình, nhưng rồi nó được ai đó đặt hàng triển lãm ngay tại Trung tâm Pompidou, một điện thờ về nghệ thuật hiện đại được xây dựng vào năm 1977 do một nhóm kiến trúc sư thiết kế, trong đó Renzo Piano và Gianfranco Franchini đều là người... Ý!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận