Elon Musk “quấy” Twitter

NGUYỄN VŨ 25/04/2022 23:00 GMT+7

TTCT - Câu chuyện Elon Musk - người giàu nhất thế giới, người sáng lập hãng xe hơi điện Tesla, tập đoàn thám hiểm không gian SpaceX - đang tìm cách mua lại mạng xã hội Twitter bằng những chiêu thức bất ngờ đã hé mở cho chúng ta thấy nhiều điều lạ trong thế giới kinh doanh.

 
 Ảnh: Fox Business

Diễn biến còn lắt léo hơn phim 

Đầu tiên vào ngày 4-4, Elon Musk chính thức khai báo ông ta đã mua 9,2% cổ phần của Twitter, trở thành cổ đông lớn nhất của mạng xã hội này. Ngay lập tức, giá cổ phiếu Twitter tăng 22%. Thật ra Musk đã lai rai mua vào cổ phiếu Twitter từ đầu năm trong khi liên tục chê bai Twitter ở nhiều khía cạnh. Nặng nhất có lẽ là câu: “Cứ cho là Twitter đang đóng vai trò một diễn đàn công cộng, lại không thể tuân thủ nguyên tắc tự do ngôn luận nên chủ yếu đang làm hại nền dân chủ. Nên làm gì đây?”.

Giá cổ phiếu tăng là bởi nhiều người kỳ vọng Elon Musk sẽ làm gì đó mang tính cách mạng cho Twitter đang trên đà suy yếu. Chưa gì 9,2% cổ phần Elon Musk mua trị giá 2,89 tỉ USD đã tăng vọt lên thành 3,7 tỉ USD! Chừng đó chỉ là con số lẻ tài sản của ông này (theo các báo, đã lên đến 273 tỉ USD).

Ngay ngày hôm sau 5-4, Twitter tuyên bố Elon Musk sẽ trở thành một thành viên của hội đồng quản trị Twitter. Hai bên có vẻ bàn tán sôi nổi các phương cách cải tiến Twitter như thêm nút “chỉnh sửa” cho phép người viết sửa lại nội dung sau khi đã đăng; để người dùng tự quyết định nội dung nào thì chấp nhận, nội dung nào không. Musk cũng hứa hẹn sẽ không mua quá 14,9% cổ phần để chi phối Twitter.

Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, Elon Musk “quay xe”, nói không nhận lời vào hội đồng quản trị Twitter nữa. Là thành viên hội đồng, Musk có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Twitter, có nghĩa không thể công khai phê phán cách điều hành công ty, không thể mua đứt Twitter, không thể dùng 81 triệu người đang theo dõi ông ta trên Twitter để chi phối đường đi nước bước mạng xã hội này. Nay là người ngoài cuộc, ông ta có thể mua hết Twitter, ưa gì nói nấy.

Đúng là ngay sau đó, ông ta “quậy” Twitter hết cỡ như đề nghị bỏ mẫu tự w trong cái tên, còn lại thành Titter; đề nghị biến trụ sở công ty ở San Francisco thành nơi cư trú cho dân vô gia cư; và cuối cùng chính thức ngỏ lời mua đứt Twitter với giá chừng 40 tỉ USD. Ông viết thẳng cho chủ tịch hội đồng Twitter: “Sau mấy ngày suy nghĩ kỹ, tôi đã quyết định muốn mua công ty và chuyển nó thành công ty tư nhân”. Một lời dạm ngỏ rất lạ vì trước đó mấy ngày Elon Musk hỏi 81 triệu người theo dõi mình có đồng ý là Twitter đang chết dần chết mòn vì ngay cả các ca sĩ như Taylor Swift, Justin Bieber cũng bỏ Twitter cả năm rồi không viết dòng nào.

 
 Ảnh: Getty Images

Không thể thiếu bóng dáng Donald Trump

Cũng giống như trên Facebook, tranh cãi xung quanh chuyện Twitter có nên kiểm soát, kiểm duyệt nội dung người dùng đưa lên hay không kéo dài nhiều năm nay. Ngoài những nội dung đương nhiên phải cấm như gây hận thù, kêu gọi bạo lực, khiêu dâm… Twitter chịu áp lực phải kiểm duyệt các nội dung đang còn tranh cãi như các thuyết âm mưu, các lập luận chống vắc xin… Thậm chí, Twitter còn cấm cửa vĩnh viễn không cho Donald Trump xuất hiện khi ông này vẫn còn làm tổng thống Mỹ.

Elon Musk hứa hẹn nếu mua lại Twitter thành công, ông ta sẽ nới lỏng các chính sách kiểm soát nội dung rồi công khai các thuật toán sắp xếp ưu tiên, là thuật toán đang chi phối những gì hàng triệu người thấy trên tường nhà Twitter của họ. Tại một buổi phỏng vấn của chương trình Ted Talk, ông nói: “Twitter đã trở thành diễn đàn công cộng nên mọi người cần phải được quyền phát ngôn tự do trong khuôn khổ luật pháp”.

Phe bảo thủ hoan nghênh chuyện Musk đòi mua lại Twitter vì họ đã ngao ngán chuyện bị Twitter kiểm duyệt, chặn hết mọi nội dung được cho là “có vấn đề”. Ngược lại, phe cấp tiến lo ngại Twitter dưới tay Musk sẽ trở thành một nơi truyền bá tin giả, thuyết âm mưu và các lập luận phản khoa học. Có lẽ diễn tiến sắp tới xung quanh vụ mua bán này sẽ tập trung vào điểm khác biệt này.

Chẳng hạn đã có nhiều lời đồn đoán, rằng Twitter mà vào tay Elon Musk, cựu tổng thống Donald Trump sẽ quay về nền tảng này, mỗi ngày tung ra cả chục tweet cho thiên hạ đọc. Tuy nhiên ông Trump đã khẳng định không hứng thú chuyện quay trở lại Twitter ngay cả khi Musk mua xong công ty. Ông nói tại một cuộc phỏng vấn trên radio: “Twitter giờ chán lắm. Họ đã loại bỏ nhiều tiếng nói hay ho trên Twitter…”.

Các thủ thuật trong mua bán, sáp nhập

Giá Elon Musk trả để mua Twitter là 54,20 USD mỗi cổ phiếu, tức 43 tỉ USD cho toàn bộ công ty, cao hơn giá trên thị trường trước lúc Musk công bố ý định là 45 USD/cổ phiếu nhưng giới quan sát vẫn cho là thấp.

Thái tử Al Waleed bin Talal, một trong những cổ đông lớn lâu năm của Twitter, cho rằng Twitter phải bác bỏ lời đề nghị của Musk vì giá chào mua chưa đủ cao “để phản ánh giá trị nội tại của Twitter với những viễn cảnh tăng trưởng tốt”. Năm ngoái, giá cổ phiếu Twitter ở mức 70 USD. Nhiều người lo ngại những thay đổi Musk áp dụng sẽ làm các nhà quảng cáo bỏ đi (90% doanh thu của Twitter là nhờ quảng cáo) đồng thời gây hại đến giá trị công ty. Twitter hiện có 217 triệu người dùng, doanh thu năm ngoái đạt 5,08 tỉ USD.

Thoạt tiên ban lãnh đạo Twitter nói sẽ nghiêm túc cân nhắc đề nghị mua lại của Elon Musk nhưng sau đó, sau một cuộc họp hội đồng quản trị căng thẳng, dường như đã lên kế hoạch đối phó khả năng bị thâu tóm. Một trong những biện pháp ngăn cản Elon Musk thâu tóm Twitter có chiêu thức “viên thuốc độc”, tức tung ra thật nhiều cổ phiếu mới làm bên muốn mua nản lòng vì chi phí mua tăng vọt đáng kể. Gọi là “viên thuốc độc” bởi nó cũng gây hại cho Twitter khi pha loãng giá trị cổ phiếu. Một cách khác là rao bán công ty cho bên khác cho dù giá thấp hơn chỉ để công ty khỏi rơi vào tay Elon Musk. Ngược lại Musk cũng có thể chào mua trực tiếp từ cổ đông cho đến khi đủ số cổ phiếu kiểm soát công ty.

Nhiều nhân viên Twitter đã lên tiếng phản đối chuyện Elon Musk nhảy vào công ty của họ vì lo ngại anh chàng tính khí bốc đồng này sẽ thay đổi văn hóa công ty, chấm dứt các nỗ lực hiện nay của Twitter để ngăn chặn tin giả, tin sai lệch, dùng Twitter để đe dọa, ăn hiếp người khác. Thật ra, nhiều người lo ngại khi Musk hủy niêm yết Twitter trên sàn chứng khoán, đưa nó trở thành công ty tư nhân, quyền lợi cổ phiếu của họ bị ảnh hưởng.

Mặc dù là tỉ phú, hầu như tài sản của Elon Musk nằm trong cổ phiếu của các công ty như Tesla, SpaceX. Muốn mua Twitter, Musk phải bán bớt cổ phiếu đang nắm giữ hay đi vay tiền và dùng các cổ phiếu này làm vật thế chấp. Suy cho cùng, cũng như các tỉ phú muốn mua các tờ báo để gây ảnh hưởng, thời đại kỹ thuật số nên thay vì mua báo, Elon Musk mua Twitter thì cũng không có gì lạ. ■

Trong diễn biến mới nhất, các nguồn thạo tin cho biết Twitter đã bắt đầu đàm phán với Elon Musk hôm 25-4. Các nguồn tin cho biết quyết định của Twitter về việc hợp tác với Musk không có nghĩa là công ty sẽ chấp nhận giá 54,20 đôla/cổ phiếu của nhà tỉ phú. Tuy nhiên, động thái mới này cho thấy Twitter đang thăm dò xem liệu việc bán cho Musk có khả thi nếu các điều kiện đưa ra hấp dẫn hay không. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận