Hồ sơ về những cuộc chiến bảo vệ môi trường nước: Trung Quốc bắt ban giám đốc gây ô nhiễm sông

MỸ LOAN TỔNG HỢP 31/07/2010 17:07 GMT+7

TTCT - Vụ kiện của nông dân VN chống Công ty Vedan xả nước thải vừa bắt đầu, nhưng cuộc chiến chống các doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước không phải là mới trên thế giới. TTCT giới thiệu kinh nghiệm bảo vệ môi trường nước ở một số nơi trên giới.

Ngày 15-7, chính quyền huyện Thượng Hàng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc công bố bắt ba lãnh đạo của nhà máy sản xuất đồng thuộc Tập đoàn khoáng sản Tử Kim, do liên quan đến vụ xả nước bẩn làm ô nhiễm nặng nước sông Thinh.

Công nhân Nhà máy Tử Kim rút nước thải ra khỏi hồ chứa để sửa chữa hồ sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm - Ảnh: Reuters

Báo Kinh Tế Thế Kỷ 21 của Trung Quốc cho biết sự cố nước bẩn xả ra sông Thinh đã được người dân huyện Thượng Hàng phản ảnh từ ngày 5-6, nhưng phải mất đến 28 ngày sau (3-7) lãnh đạo nhà máy mới thông báo cho chính quyền địa phương và đến ngày 12-7 mới công bố với báo chí. 

Tập đoàn khoáng sản Tử Kim chuyên sản xuất vàng, đồng và tinh chế kim loại lớn nhất ở Trung Quốc. Tập đoàn này sở hữu mỏ vàng Tử Kim Sơn là mỏ vàng lớn nhất Trung Quốc và ba mỏ vàng khác quy mô nhỏ hơn. Năm 2006, sản lượng vàng của Tập đoàn Tử Kim đạt 49,28 tấn, chiếm 20,53% tổng sản lượng vàng của toàn Trung Quốc. Ngay khi có thông tin ô nhiễm sông Thinh, cổ phiếu của tập đoàn niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong bị giảm giá.

Dân nói có, doanh nghiệp bảo khôngĐối với sáu thôn nuôi cá dọc sông Thinh, thiệt hại vật chất là vô cùng lớn. Ông Tiết Hữu Y, người dân thôn Hào Khang, kể: “Ngày 17-6, cá đã bắt đầu nổi lên mặt nước và bỏ ăn, năm ngày sau thì chết trắng mặt nước. Nước sông Thinh khi ấy bốc mùi hôi nồng nặc”. Lúc đầu ban quản lý nhà máy khẳng định đã xác minh nguyên nhân và thông báo cho người dân, đồng thời cho rằng đây là sự cố rất nhỏ. “Tuy nhiên, chỉ sau khi nhận được tin báo cá chết trắng trên sông Thinh thì họ mới thấy đây là vấn đề nghiêm trọng” - một công nhân nhà máy cho biết.

Trong thôn có người làm trong nhà máy đồng đã tiết lộ chuyện nước thải ô nhiễm được tống thẳng ra sông hằng ngày. Khi người dân kéo đến chính quyền địa phương để thông báo tình hình, họ nhận được câu trả lời: “Nước sông Thinh đạt tiêu chuẩn quốc gia, cá chết là do mưa lớn và lũ lụt gây ra”. Mọi việc đã lắng dịu sau khi có sự can thiệp của chính quyền.

Đầu tháng 7-2010, nông dân nuôi cá dùng năm xe cải tiến chở 5 tấn cá chết đến trụ sở huyện Thượng Hàng để phản đối cách giải quyết lỏng lẻo của địa phương về vấn đề nước sông Thinh ô nhiễm. Ước tính số cá chết lúc đó lên đến 25 tấn.

Nghi vấn nước sông Thinh bị ô nhiễm đã xuất hiện từ năm 2009. Báo Sina cho biết ngày 28-9-2009, khu vực này đã có hiện tượng cá chết hàng loạt với triệu chứng tương tự như đợt tháng 7-2010 vừa qua. Tuy nhiên, Phòng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản huyện Thượng Hàng lúc đó khẳng định đã kiểm tra khá kỹ chất lượng nước, cá chết là do nuôi với mật độ cao nên thiếu dưỡng khí. Sau đó, chính quyền địa phương tổ chức thu mua cá chết như một phương án đền bù thiệt hại cho người nuôi. “Nếu như chúng tôi được thông báo sớm nguyên nhân thì thiệt hại đâu quá lớn thế này, chúng tôi đã mất trắng” - ông Khâu Vĩnh Khang, nông dân nuôi cá ở thôn Hoành Khê, phẫn uất nói.

Thông cáo báo chí của nhà máy cho rằng nước bẩn chảy ra sông Thinh là do mưa lớn nhiều ngày khiến hồ chứa nước thải có chứa axit đồng của nhà máy này bị thẩm thấu vào đường ống thoát nước ngầm của huyện Thượng Hàng và chảy ra sông Thinh. Tuy nhiên, điều tra ban đầu của cơ quan môi trường huyện Thượng Hàng cho biết tập đoàn này đã phớt lờ cảnh báo về việc chất thải của họ chứa quá nhiều độc tố và không sửa chữa hệ thống theo dõi nước thải tự động vốn đã có vấn đề kỹ thuật theo yêu cầu của chính quyền năm 2009. Quá trình điều tra và thống kê thiệt hại của người dân vẫn đang được cơ quan an ninh tiếp tục.

Về phía Tập đoàn Tử Kim, tổng giám đốc bộ phận chứng khoán Triệu Hưng Cương xác nhận đến tối 4-7 mới nhận được thông tin về sự cố trên và ngay sau đó đã ra thông cáo báo chí nhằm cứu vãn tình hình và bàn cách xử lý.

Cá chết do ô nhiễm trên sông Thinh - Ảnh: sina.cn

Liệu chính quyền đã thật sự vào cuộc?

Sau khi nhận được thông báo của Tập đoàn Tử Kim, chính quyền tỉnh Phúc Kiến và cơ quan bảo vệ môi trường thành phố Long Nham chỉ đạo lập đội điều tra phối hợp và trong hai ngày 3 và 4-7 phát hiện nhà máy trên đã lén đổ tổng cộng 9.100m3 nước thải có chứa chất axit đồng ra sông Thinh theo đường ống đặt ngầm. Ước tính từ ngày 5 đến 8-7 có hơn 1.900 tấn cá chết.

Ngày 14-7, Sở Môi trường tỉnh Phúc Kiến đưa ra kết quả điều tra ban đầu kết luận “sự kiện ô nhiễm 3-7” đã gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường huyện Thượng Hàng và các huyện lân cận. Sau đó, chính quyền địa phương đã đóng cửa không kỳ hạn nhà máy sản xuất đồng, yêu cầu sửa chữa toàn bộ hệ thống xử lý nước thải và tính đến phương án bồi thường cho người dân nuôi cá với giá 6 tệ/kg cá chết và gấp đôi đối với cá giống. Tuy nhiên, người dân cho rằng phương án này không khác cách mà chính quyền địa phương đã vỗ yên họ từ đợt cá chết năm 2009. Nghi vấn đặt ra là liệu chính quyền đã thật sự vào cuộc?

Phản ứng trước dư luận này, ngày 14-7, chính quyền huyện Thượng Hàng đã ra lệnh cho nhà máy trên ngừng sản xuất, đồng thời tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt hành chính những cá nhân có liên quan. Tân Hoa xã cho biết giám đốc nhà máy Lâm Văn Tường, phó giám đốc Vương Dũng và Lưu Sinh Nguyên, người có trách nhiệm chính trong khâu bảo vệ môi trường của nhà máy, đã bị bắt.

Liên quan đến sự kiện trên, Tân Hoa xã dẫn lời ông Lương Bát Sinh, phó chủ tịch huyện Thượng Hàng, xác nhận chính quyền huyện đã chấp thuận đơn xin từ chức của ông Trần Quân An, giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường của huyện, do tắc trách để sự cố ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra trong địa hạt ông quản lý. Song song đó, chính quyền huyện cũng cách chức giám đốc phòng kinh tế thương mại Hoàng Trọng Hoa để điều tra sự liên đới của ông này.

Chính quyền tỉnh Phúc Kiến đã lập ba đội điều tra tiếp tục sự kiện “ô nhiễm 3-7”, các đội này sẽ quan sát 24 giờ/ngày nhằm xử lý những tình trạng khẩn cấp phát sinh. Chính quyền Phúc Kiến sẽ phát động cuộc điều tra trên quy mô toàn tỉnh tất cả các nhà máy có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Thảm họa lây lan

Ngày 16-7, Nhân Dân nhật báo cho biết một đợt rò rỉ nước thải từ Nhà máy Tử Kim được phát hiện, khoảng 500m3 nước thải đã chảy ra sông Thinh. Sau đó bốn ngày, Nhật Báo Trung Quốc ngày 20-7 cho biết hiện dòng nước ô nhiễm đã lan sang tỉnh Quảng Đông. Sở Môi trường tỉnh này đang căng thẳng theo dõi tình hình nước do lượng axit đồng trên sông Hàn Giang (nối với sông Thinh của Phúc Kiến) đang cao 0,028mg/l, gần 6 lần mức cho phép (0,004mg/l). Chính quyền Quảng Đông lo sợ hơn 900.000 tấn cá trong hồ Thanh Khê thuộc khu vực này bị nguồn nước ô nhiễm đe dọa. Tỉnh đã lập các trạm quan sát chất lượng nước 24/24 giờ trên sông Hàn Giang.

Ngày 19-7, Tập đoàn Tử Kim đã chính thức xin lỗi về sự cố ô nhiễm trên sông Thinh, đồng thời loan báo nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm tại các khu vực mà nhà máy của họ gây ra. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn đang bị điều tra về việc liệu họ có chậm trễ hoặc bưng bít thông tin về tình trạng ô nhiễm hay không. Đại diện tập đoàn thừa nhận nguyên nhân để xảy ra sự cố là do họ đã chủ quan, không kiểm soát được cán cân giữa phát triển kinh doanh và bảo vệ môi trường cũng như sự quan tâm của cộng đồng trong vấn đề này.

Dù vậy, dư luận vẫn chưa thỏa mãn và yêu cầu cơ quan chức năng điều tra đến tận cùng ngọn ngành sự việc, bởi họ lo ngại sau khi làm đình đám thì sự việc lại “chìm xuồng” như trước đây.

__________

Kỳ 2: Erin Brockovich và cuộc chiến chống PG&E

Nhiều người trong chúng ta đã xem bộ phim đoạt giải Oscar Erin Brockovich, nhưng cuộc đấu tranh vì môi trường nước gợi cảm hứng cho bộ phim ấy khốc liệt thế nào?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận