India’s daughter (Người con gái của Ấn Độ) phát hồi đầu tháng 3 trên kênh BBC4 với gần 600.000 lượt người xem. Trước đó, nhà sản xuất dự định chiếu phim ở các quốc gia Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Canada... Nhưng, trước buổi chiếu đầu tiên tại Ấn Độ vào Ngày quốc tế phụ nữ thì phim bị cấm chiếu. Tranh: LÊ THIẾT CƯƠNG TỪ MỘT BỘ PHIM BỊ CẤM Phim kể lại một chuyện có thật xảy ra ba năm trước tại Ấn Độ. Jyoti Singh - cô sinh viên 23 tuổi - cùng bạn trai sau buổi chiếu phim thì đón xe đi nhờ về. Trên xe, sáu tên côn đồ dùng những thanh sắt đánh cô, thay nhau cưỡng hiếp, sau đó chúng lột trần và vứt cô xuống đường. Hai tuần sau đó, cô gái chết vì những vết thương. “Chính tôi là người bị chúng cưỡng hiếp” - Leslee Udwin, nhà làm phim người Anh, nói. Họ vào nhà tù Tihar, nơi Mukesh Singh - một trong bốn kẻ thủ ác lãnh án tử - đang bị giam giữ để thực hiện phỏng vấn. Những gì được nói ra làm người ta bàng hoàng. “Khi bị cưỡng hiếp, cô ta không nên chống cự. Hãy im lặng để chuyện đó xảy ra. Xong việc, người ta sẽ thả cô, chỉ đánh cậu trai thôi”. Singh 26 tuổi khi vụ cưỡng hiếp xảy ra, sống trong khu ổ chuột và là người lái chiếc xe tội ác, giờ than phiền trong cuốn phim. “Người ta không thể vỗ tay một bên, cần phải có hai tay. Một phụ nữ đoan chính không ra ngoài lúc 9 giờ đêm. Một đứa con gái có lỗi nếu bị cưỡng hiếp hơn là đàn ông”. Đó không chỉ là lời biện bạch của tên tội phạm. Giới luật sư Ấn Độ cũng tham gia trong bộ phim với những lý luận tương tự. AP Singh - luật sư biện hộ cho nhóm này trước tòa - giờ vẫn giữ quan điểm rằng nếu điều tồi tệ xảy ra với một người phụ nữ trong nhà, ông ta sẽ “dẫn loại con gái đó về trang trại, trước mặt toàn thể họ hàng, đổ xăng lên người và thiêu sống thứ gái đó”. Trước ngày chiếu phim tại Ấn Độ, với một danh sách các điều cấm kỵ mà bộ phim phạm phải (do cảnh sát Delhi đưa ra), hôm 4-3 tòa án Ấn Độ xuất lệnh cấm chiếu phim tại Ấn. NÓI RA, KHÔNG NÓI RA Trong cùng một chủ đề, hôm 16-4, Cao ủy Pháp về bình đẳng nữ và nam (HCEfh) công bố một kết quả thăm dò cho biết 100% phụ nữ bị quấy rối tình dục khi đi tàu điện ngầm (tại Paris). Bất kể lão ấu mỹ xú, làm thế nào mà điều này xảy ra ở nước Pháp - nơi người ta kiên quyết rằng thứ tự ưu tiên luôn là phụ nữ, chó cưng của phụ nữ, rồi mới tới các đấng mày râu? Rắc rối đôi khi nằm ở cách gọi tên. Cao ủy này định nghĩa toàn bộ những thứ mà một người đàn ông có thể làm một phụ nữ cảm thấy “phải sợ hãi, thấy xấu hổ, bị hạ thấp, bị xúc phạm” là quấy rối. Một số bị trừng phạt bởi luật pháp, ví như gọi một phụ nữ là “con đĩ”, một số khác ví như huýt sáo mồm mà chưa động chân tay thì không vào tù nhưng cũng là quấy rối. 100%, con số cuối cùng. “Đó không phải tán tỉnh, đó là quấy rối” - người ta kêu gọi phụ nữ hiểu rõ quyền của mình và sẵn sàng lên tiếng. KHI CÁC NGÓN TAY CHỈ CÙNG MỘT HƯỚNG Khoảng cách nào tồn tại giữa hai con người sau khác biệt màu da và quốc tịch? Những lời lẽ của gã đàn ông Singh tại Ấn Độ có gì khác những gì từng làm dư luận dậy sóng khi các thủ phạm Hồi giáo nói trước tòa rằng một phụ nữ (phương Tây) đi du lịch một mình và ăn mặc hở hang nghĩa là đã sẵn sàng cho đàn ông quyền được lạm dụng họ? Ngay tại Việt Nam ngày chủ nhật vừa rồi, có gì khác khi các cô gái bị đám đông nam giới sàm sỡ tại công viên nước Hồ Tây, bên cạnh sự bảo vệ từ cộng đồng và yêu cầu trừng phạt kẻ quấy rối, lại cũng nhận chỉ trích khi cho rằng đây là bài học cho chính họ, thân con gái mà thấy đám đông lại còn mặc bikini chen vào? Giới trẻ đang lớn lên trong những đất nước thâm u nặng nề bất bình đẳng giữa hai giới, lớn lên dần một thế hệ phụ nữ với kết nối toàn cầu, đầy tri thức và sẵn sàng lên tiếng. Nhưng khoảng cách vẫn nằm đó. Nói ra, không nói ra, khác biệt của lựa chọn không chỉ nằm ở mỗi nạn nhân của tấn công tình dục và các bất công khác, mà còn ở những quy ước vô hình do một xã hội áp đặt ra cho dù chúng có phi đạo đức đến mức nào. “Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào phụ nữ. Hãy nhớ, Mariam”, một phụ nữ Hồi giáo nói với cô con gái của bà trong Ngàn mặt trời rực rỡ của Khaled Hosseini. Chúng ta đang ở đây, chính nơi này khi mọi ngón tay buộc tội đều chỉ cùng một hướng. Chúng ta có thể làm gì? “Tôi đi ngủ” - như Singh kể lại trong cuốn phim về cái đêm sau tội ác. Anh ta đi ngủ với những vệt máu người còn dính trên tay. Ta có thể ngủ đi hay không? Tags: Bình đẳng giới
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Real Madrid 'thót tim' giành vé cuối cùng vào bán kết FIFA Club World Cup ĐỨC KHUÊ 06/07/2025 Rạng sáng 6-7, Real Madrid đã có trận thắng sát nút 3-2 trước Dortmund tại tứ kết FIFA Club World Cup 2025, qua đó góp mặt ở vòng đấu cho 4 đội mạnh nhất.
Musiala chấn thương rùng rợn sau va chạm với thủ thành Donnarumma THANH ĐỊNH 06/07/2025 Tiền vệ Jamal Musiala gặp chấn thương rất nặng trong trận đấu giữa Bayern Munich và PSG tại tứ kết FIFA Club World Cup. Thủ thành Gigi Donnarumma của PSG đã ôm mặt khóc sau tình huống "rùng rợn" này.
Chữa 'tâm thần', vợ chồng vẫn đi đánh bạc thua hàng chục tỉ, 'nghệ danh' Mr Bank và Mrs Rose THÂN HOÀNG 05/07/2025 Nguyễn Thị Mai Anh và Lê Văn Đông đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần trung ương nhưng khi bước vào "sòng bạc" King Club dưới cái tên nước ngoài, lại biến thành con bạc khát nước chơi cả chục tỉ.
Công an Khánh Hòa xử phạt 'cô giáo vùng cao' nói run sợ khi đến Nha Trang NGUYỄN HOÀNG 05/07/2025 Công an tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ trang Facebook đăng các clip "cô giáo vùng cao run sợ khi đến Nha Trang" vì đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc...