Người Việt lạc quan, chứ chưa hạnh phúc

LAN ANH 23/03/2014 04:03 GMT+7

TTCT - “Sẽ rất khó có hạnh phúc thật sự nếu chúng ta vẫn giữ nguyên lối suy nghĩ “được như thế này là tốt rồi” mỗi khi được ăn ngon hơn, được ở nhà tốt hơn trước một chút”. Câu chuyện giữa TTCT với nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) nhân Ngày quốc tế hạnh phúc 20-3 bắt đầu với mối ưu tư này.


Ông Trịnh Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng

Ông Bình nói: Ở VN chưa bao giờ có cuộc điều tra tìm hiểu về chỉ số hạnh phúc. Đã có một số điều tra quốc tế về chỉ số hạnh phúc có đề cập đến VN, trong đó người Việt không đứng đầu về chỉ số hạnh phúc mà đứng ở top cao về mức độ hài lòng với cuộc sống.

Sau khi kết quả điều tra được công bố đã có những ý kiến phản ứng, phàn nàn làm gì có chuyện đi bệnh viện nằm ba người/giường, giáo dục thì cha mẹ đạp đổ cổng trường để tranh xin học cho con, đường sá thì chật chội, đầy tai nạn giao thông... mà hạnh phúc đến vậy?

Tôi cho rằng những người khảo sát đã dựa vào thuộc tính của người Việt để đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống, hay còn gọi là mức độ hạnh phúc của người Việt. Người Việt có tính cách lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống, có đặc tính cố kết cộng đồng, và biểu hiện của những tính cách này là sự dễ bằng lòng với thực tại.

* Nhiều năm nghiên cứu dư luận xã hội, ông thấy người VN đã hạnh phúc đến mức độ mà các nghiên cứu quốc tế ghi nhận chưa?

- Nếu xét tính cách người Việt thì tôi có nhận định rằng người Việt mình khá ngại thay đổi. Người Việt rất thích sự tuần tự, lớp lang và nếu có đổi mới thì thích “gọt chân cho vừa giày”, cái mới là cái cũ sửa chữa, sơn phết lại. Một mặt người Việt thể hiện tinh thần lạc quan - thứ tinh thần giúp người ta trụ vững trong khó khăn.

Nhưng nếu bảo đó có phải là hạnh phúc đến mức nằm trong top đầu về mức sống và sự hài lòng với cuộc sống hay chưa thì tôi nghĩ là chưa. Những thành quả đã đạt được mang lại niềm vui cho mỗi chúng ta, nhưng đó không phải hạnh phúc thật sự nếu chúng ta luôn nhìn nhận những gì đã đạt được (dù là nhỏ nhoi) bằng sự lạc quan thái quá, bằng tính cách “được như vậy là tốt rồi, còn mong muốn gì nữa”?

* Vậy theo ông, hạnh phúc thật sự sẽ phải bao gồm những yếu tố nào?

- Năm nay, Ngày quốc tế hạnh phúc lần đầu tiên được tổ chức ở VN (20-3, với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”) sẽ giúp ta có cơ hội nhìn nhận lại như thế nào là hạnh phúc thật sự. Tôi vẫn cho rằng đó là việc cải thiện đời sống vật chất hơn nữa, nhất là đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, với người già, người nghèo bằng việc cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, hướng đến hạnh phúc cá nhân và giải phóng được cá nhân.

Bên cạnh đó là thực thi công bằng trong tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, đi lại, mỗi người dân được thực hiện quyền con người theo nghĩa được tham gia, bàn bạc và hưởng lợi, như tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra...”.

Tháng 6-2012, Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20-3 là Ngày quốc tế hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

* Nếu nói về đời sống vật chất thì rõ ràng đời sống ngày càng nâng lên đáng kể. Đó cũng là một mặt của hạnh phúc, thưa ông?

- Đời sống vật chất đúng là ngày càng được nâng cao, nhưng cùng với nó chênh lệch giàu nghèo cũng ngày càng nâng lên. Nếu mức độ hạnh phúc được đo bằng sự hài lòng thì sự thỏa mãn nhu cầu hợp lý sẽ mang đến sự hài lòng. Tôi vẫn mong muốn bên cạnh việc cải thiện mức sống phải coi trọng hơn việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Hiện nay chúng ta đã cung cấp được dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục ở mức độ đại trà và coi đó là đã phát triển về mức sống. Nhưng nếu đáp ứng dịch vụ y tế, giáo dục... phù hợp với mỗi cá nhân, coi trọng mỗi cá nhân thì hạnh phúc mới là đích thực.

Tôi cho là như vậy thì cái nhìn về hạnh phúc mới thực tế hơn và cũng để bắt kịp thiên hạ là các nước xung quanh ta cũng như trên thế giới.

* Có một vấn đề đang khiến nhiều người nêu ý kiến: Chúng ta đã sống khá giả hơn nhưng vẫn có người Việt bị bắt vì tội ăn cắp ở nước ngoài, người Việt bị chê cười khi cướp hoa trong lễ hội, tranh đồ ăn, không xếp hàng... Những thói xấu này ngày càng thấy ở nhiều nơi. Vậy nó phản ảnh điều gì trong mối quan hệ với chỉ số hạnh phúc của người Việt, thưa ông?

- Đó là những biểu hiện của sự lệch lạc về giá trị. Có khi ngay cả người cướp hoa, giành đồ ăn cũng không cho đó là xấu, vì quan niệm “cái gì tốt đẹp là của mình, không tốt là của người khác”. Ngay cả ở nhóm người có học vẫn có chuyện trộm cắp, trốn thuế, nói dối, lệch lạc về giá trị sống...

Nhưng đời sống ngày càng nâng lên thì càng cần tôn vinh những giá trị tốt đẹp, con người nhân bản, hành vi văn minh, vì cộng đồng. Tôi nghĩ khi giáo dục luôn đi bên cạnh, song hành với đời sống để nhân rộng những điều tốt đẹp, tôn vinh giá trị thực của người Việt thì lúc đó mới thật sự là hạnh phúc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận