Những đồng tiền cám dỗ

DANH ĐỨC 13/06/2013 06:06 GMT+7

TTCT - Sáu ngày trước sinh nhật lần thứ 90, người đã đưa hai cựu kình địch Trung Quốc và Mỹ xích lại gần nhau vẫn còn xả thân bao biện cho quan hệ Trung - Mỹ trong một hội thảo do China-United States Exchange Foundation tổ chức để quảng bá cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.

Thoạt nghe có vẻ cao cả, song nhìn gần thì thấy chỉ một chữ $.

Kỳ 1: Kissinger và Trung Quốc

Phóng to
Henry Kissinger tại hội thảo kỷ niệm 40 năm chuyến viếng thăm Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã

“Tôi rất phấn khởi trước tin hai vị lãnh đạo sẽ gặp nhau, nhất là lịch trình đã được loan báo... Chúng ta nay đã đạt đến một giai đoạn quan hệ hoàn toàn khác. Hồi đầu, chúng ta đã cùng chung một đối thủ, sau đó với thời gian qua đi, chúng ta nay đang đứng trước chung một thách thức...” - cố vấn Kissinger ngày nào của Nixon đã mở đầu bài diễn văn cổ võ “tình hữu nghị Trung - Mỹ” như thế hôm 21-5 tại trụ sở Tổ chức Asia Society (1).

Từ câu kết trở thành kình địch

“Đối thủ cùng chung” của Mỹ và Trung Quốc mà ông Kissinger ngày nay nhắc đến là nước nào? Tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 1969-1976 (FRUS 1969-1976 volume XXXIV), tức dưới trào Kissinger, giải thích: “Sự gia tăng tranh chấp biên giới Trung - Xô đầu năm 1969 dẫn đến nhiều vụ đụng độ võ trang... mà đỉnh cao là giao chiến ngày 13-8 gây tổn thất nặng nề, đặc biệt bên phía Trung Quốc”.

Thật ra, các vụ đụng độ biên giới này cũng như cuộc tranh chấp lý thuyết “cộng sản chân chính” hay “chủ nghĩa xét lại” cũng chưa lớn bằng điều mà phía Mỹ lúc đó gọi là “một Trung Quốc hạt nhân đang nổi lên”. Hơn ai hết, Liên Xô không thể chấp nhận nguy cơ hạt nhân từ “đồng chí láng giềng”.

Trong cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 25-9-1969, ông trùm của trường phái “chính trị thực dụng” (realpolitik) Kissinger vạch phương hướng: “Thái độ của chúng ta tùy thuộc nơi chúng ta mong muốn vụ (xung đột) này sẽ kết cuộc như thế nào. Tỉ như: nếu chúng ta muốn nghiêng về phía Trung Quốc trong giai đoạn chưa xung đột này, đó là do dựa trên giả định rằng Trung Quốc sẽ là một cỗ máy hoạt động (cho chúng ta). Còn nếu Trung Quốc bị đập tan, chúng ta sẽ rơi vào một thế giới khác và sẽ không còn có cơ may hậu thuẫn Trung Quốc...

Việc Liên Xô và Trung Quốc trở thành một khối thuần nhất không hề có lợi cho chúng ta... Nếu Liên Xô bị dính vào một cuộc chiến tranh kéo dài ở Viễn Đông, họ sẽ ngại dính vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông. Song nếu họ có thể dứt điểm bằng một vụ tấn công dọn sạch hạt nhân, điều đó sẽ làm tăng cám dỗ can thiệp ở Trung Đông” (2).

Hậu quả của những tính toán thiệt hơn chiến lược có tầm nhìn bất quá khoảng một phần tư thế kỷ đó (cùng với những nhu cầu khác như ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam) là ngày nay “vua đi đêm” Kissinger phải khuyên lơn: “Một nghiên cứu của Harvard cho thấy trong lịch sử có 15 trường hợp các nước đang nổi lên xưng hùng đối đầu với các nước đã xưng bá từ lâu và có đến 11 trường hợp dẫn đến xung đột chiến tranh... Nếu chúng ta không cùng nhau giải quyết được các vấn đề chung đó, sẽ là một thảm họa cho cả hai nước và thế giới”.

Cái thảm họa mà Kissinger ở tuổi 90 mới nhận ra và nói đến được tờ Pravda của Nga mô tả bằng tựa đề “Trung Quốc đe dọa chấm dứt sự thống trị quân sự của Mỹ tại châu Á”. Lịch sử thật trớ trêu: “đối thủ chung” năm xưa nay lại là nhân chứng cho sự kình địch trong mối “câu kết” ngày nào!

“Quan chép sử" của Bắc Kinh

Khi tường thuật những phát biểu ca tụng và bảo vệ quan hệ hữu nghị Trung - Mỹ của Kissinger, Tân Hoa xã đã sử dụng Kissinger như “cái loa” của mình.

Vấn đề là khi tự nguyện làm “cái loa” đó, Kissinger hành xử trong cương vị cựu ngoại trưởng kiêm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hay là đương kim chủ tịch công ty tư vấn quốc tế mang tên chính mình là Kissinger Associates (theo tự khai lý lịch trên trang web henryakissinger.com) và nhất là trong cương vị cố vấn cao cấp của Tập đoàn dầu hỏa Trung Quốc CNOOC cùng chủ tịch của vô số hội hữu nghị Trung - Mỹ như kiểu China-United States Exchange Foundation?

Tác phẩm “loa” hiển hiện và mới nhất là quyển On China (Về đất nước Trung Hoa), bắt đầu từ lịch sử lập quốc với chương một là “Tính độc đáo Trung Hoa” đến ngày nay trong chương cuối “Thiên niên kỷ mới”. Tất nhiên, độc giả nhắm đến là người Âu - Mỹ vốn không quen với thói quen chính trị bạo lực, nhằm giúp họ dễ hiểu “ông chủ” mới của thế kỷ 21 này, bắt đầu là chủ nợ trước khi là chủ gì khác, vốn có thói quen bạo lực với người dân.

Michiko Kakutani của tờ New York Times, đoạt giải Pulitzer 1998 thể loại phê bình, giải thích tại sao Kissinger trong On China lại ra sức “hợp lý hóa cho sự đẫm máu” thường thấy trong lịch sử Trung Quốc. Đó để là phòng khi “Trung Quốc vẫn cứ thống nhất và nổi lên như là một siêu cường của thế kỷ 21”... thì “những (hành động) thái quá (cũng) đã được một số người thừa nhận như là một điều ác cần thiết” (3).

“kissinger và các cộng sự”

“Công ty Kissinger Associates chuyên hỗ trợ khách hàng trong việc xác định các đối tác chiến lược cùng các cơ hội đầu tư, tư vấn khách hàng về các mối quan hệ với các chính phủ trên toàn thế giới”

Trên website của mình, Kissinger tự khai là chủ tịch Công ty tư vấn quốc tế Kissinger Associates, cố vấn của ban giám đốc American Express (thẻ tín dụng), giám đốc danh dự của Freeport-McMoRan Copper and Gold (công ty khai thác mỏ đồng và vàng lớn nhất thế giới). Song Kissinger không hề khai chức vụ cố vấn cao cấp của Tập đoàn dầu hỏa Trung Quốc CNOOC.

Công ty Kissinger Associates chuyên hỗ trợ khách hàng trong việc xác định các đối tác chiến lược cùng các cơ hội đầu tư, tư vấn các khách hàng về các mối quan hệ với các chính phủ trên toàn thế giới, hành tung vô cùng bí mật (4). Danh sách các thân chủ của Kissinger không bao giờ được công bố, song thương trường và chính trường Mỹ đều biết gồm có các tập đoàn ExxonMobil, Arco, American Express và Coca-Cola.

Tất nhiên làm khách hàng của Kissinger Associates không có nghĩa là xấu! Song điều thu hút khách hàng của công ty tư vấn này ở chỗ Kissinger có sẵn vô vàn mối quen biết cấp đỉnh cao, nhất là ở Trung Quốc, một thị trường mà khi tháp tùng Nixon sang Bắc Kinh năm 1972, các doanh nhân Mỹ đều mơ kiểu “bán một lon coca mỗi người dân xứ ấy cũng là 1 tỉ lon rồi”!

Trong thực tế, đến năm 2000 Coca-Cola chiếm lĩnh đến 70% thị trường nước ngọt ở đất nước 1,2 tỉ dân lúc đó, theo Journal of Current Chinese Affairs (3-2010). Các công ty sản xuất hàng tiêu dùng Mỹ có muốn liên doanh với các công ty hay cơ quan nhà nước Trung Quốc thì hãy gõ cửa Kissinger Associates.

Từ công ty đầu tiên này, Kissinger lập thêm công ty “con” Kissinger McLarty Associates hùn hạp với Mack McLarty. Tại sao Kissinger lại “công ty” với một chính khách nhỏ hơn mình hơn hai chục tuổi? Chẳng qua nếu như Kissinger là “bạn hiền” của các lãnh đạo Trung Quốc thì McLarty, nguyên chánh văn phòng Nhà Trắng thời kỳ tổng thống Bill Clinton, nay đang quen biết hết các quan chức ở Washington mà các ban ngành và công ty Trung Quốc cần làm quen.

Kissinger Associates là để lobby vào Trung Quốc, Kissinger McLarty Associates là để lobby vô nước Mỹ. Từ năm 1997, tờ Boston Globe đã phẫn nộ trước đội ngũ lobby cho Trung Quốc, mà đứng đầu danh sách là Kissinger và các cộng sự: “Đa số không được Chính phủ Trung Quốc trả tiền, song lại sống nhờ vào sự gần gũi các quan chức Trung Quốc để giành được những hợp đồng béo bở cho họ hay cho khách hàng” (5).

Năm 2005, Hãng dầu Mỹ Chevron và Tập đoàn dầu hỏa CNOOC của Trung Quốc giành nhau mua lại Hãng dầu Mỹ Unocal phá sản. CNOOC đưa ra giá 18,5 tỉ USD “tiền tươi”, còn Chevron đề xuất 16,6 tỉ cộng một số cổ phiếu. Nếu CNOOC thắng, coi như Trung Quốc đã thò tay vào vòi dầu hỏa của cả nước Mỹ! Cầm chắc CNOOC thắng vì có tay trong Kissinger vừa là cố vấn của CNOOC vừa là cố vấn của Unocal (công ty đang rao bán).

Trước nguy cơ vòi dầu của nước Mỹ bị Trung Quốc khống chế, Bộ trưởng ngân khố John Snow ra lệnh thẩm tra vụ này (6). Rốt cuộc, CNOOC không mua được Unocal sau khi các cổ đông của Tập đoàn Unocal hôm 11-8 đã chấp thuận cú bỏ thầu trị giá 17,3 tỉ USD mà hãng dầu đồng hương Chevron mới nâng lên, thay vì nhận 18,5 tỉ USD của hãng dầu Trung Quốc. Hú vía, cũng còn những người Mỹ chân chính yêu nước Mỹ chớ không chỉ có những người Mỹ yêu Trung Quốc như “Kissinger và các cộng sự”.

Liệu cố vấn Kissinger của CNOOC có vai trò gì trong tất cả những gì đã và đang diễn ra trên biển Đông, như từng “chỉ đường cho hươu chạy” trong tư cách cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng Mỹ, hậu quả là vụ Hoàng Sa năm 1974?

Những tin tức như CNOOC đã sản xuất từ 10 giếng dầu của mỏ dầu Vi Châu 6-12 thuộc bể trầm tích Sông Hồng (vịnh Bắc bộ) từ tháng 4 năm nay (7) hay những cáo thị đấu thầu các lô dầu trong thềm lục địa của Việt Nam mà tự tiện CNOOC rao bán năm ngoái, năm kia chỉ là “chuyện vặt” đối với “ông cố vấn Kissinger”.

___________

(1): http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-05/22/c_132399849.htm
(2): Foreign Relations, 1969–1976, Volume XXXIV, tr. 250
(3):
http://www.nytimes.com/2011/05/10/books/on-china-by-henry-kissinger-review.html?pagewanted=all&_r=0
(4): http://www.sourcewatch.org/index.php?title=Kissinger_Associates,_Inc.
(5):
http://www.spokesman.com/stories/1997/mar/25/the-new-china-lobby-goes-to-bat-for-beijing/
(6): http://www.canadafreepress.com/2005/cover071305.htm
(7): http://www.upi.com/Business_News/Energy-Resources/2013/04/23/CNOOC-starts-production-in-South-China-Sea/UPI-94261366712576/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận