Những kiểu "thể hiện đẳng cấp"

BẢO NHI 23/10/2015 20:10 GMT+7

(Xem TTCT từ số ra ngày 4-10-2015)TTCT - Sự phát triển của Internet cùng với mạng xã hội đã giúp lan tỏa nhanh những giá trị tinh thần tốt đẹp, và cùng với đó là con dao hai lưỡi: không quá khó nếu muốn tìm kiếm sự “nổi tiếng”.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Mạng xã hội giúp bạn trẻ dễ dàng khẳng định bản thân theo nhiều cách thức khác nhau. Nhiều nhóm thiện nguyện, nhóm “phượt”, nhóm giải cứu chó mèo, nhóm du lịch trải nghiệm... ra đời từ mạng ảo để tập trung những ai cùng sở thích và chí hướng.

Gần đây ta thấy còn có nhóm “giải cứu cây xanh” phản đối chặt cây ở Hà Nội. Những hoạt động này của các bạn trẻ nhằm hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn mà mạng xã hội như một phương cách giúp lan tỏa những giá trị tinh thần tốt đẹp.

Không ít những nhóm nhỏ tập văn nghệ, tập kịch để tung hình ảnh lên Facebook và YouTube. Không ít những câu lạc bộ là fan của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng cũng có nhiều hoạt động gây ồn ào trên mạng xã hội, “ăn theo” thần tượng của mình. Những hoạt động này xem ra vô hại nếu không dẫn đến khích bác và đánh nhau ngoài đời giữa các fan.

Cũng có nhiều người trẻ được cộng đồng mạng biết đến rất nhanh nhờ... khoe thân, mặc trang phục thiếu vải, múa cột... “Nổi tiếng” kiểu này quá dễ dàng, không tốn công sức bao nhiêu. Số khác tìm sự “nổi tiếng” bằng cách ngồi trên đầu rùa và các pho tượng danh nhân lịch sử tại các di tích, lăng tẩm, đền đài rồi chụp hình khoe trên Facebook.

Cắt tay chân một thời cũng là trào lưu. Khởi đầu, việc cắt tay chân trong một số người thuộc giới trẻ là để giải thoát khỏi những dằn vặt về tinh thần, nỗi đau về sự phản bội hay chối bỏ, giải thoát khỏi cảm xúc buồn khổ mạnh mẽ. Nó là “hội chứng hành hạ bản thân” do tổn thương về tâm lý. Sau nó lan rộng trên mạng xã hội như sự thể hiện bản thân, một thứ “đẳng cấp”.

Rồi nó tự lắng xuống, nhường chỗ cho những cách “khẳng định” mới hơn là xăm mình và đánh nhau để tung ảnh lên mạng. Một người bạn tôi là giáo viên cấp III còn cho biết học trò của chị đã hút shisha và không ngại tương lên Facebook. Khi được hỏi, các em cho rằng đó là cách “thể hiện đẳng cấp”, mau nổi tiếng trên cộng đồng mạng về sự... “sang chảnh”.

Khẳng định bản thân và tìm kiếm sự nổi tiếng là một nhu cầu không khó hiểu. Nhưng nổi tiếng bằng mọi giá lại chỉ ra khiếm khuyết lớn trong hiểu biết về nhân cách. Các bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục vì thế cần gần gũi, thấu hiểu con mình, học trò mình, cũng cần là “người mẫu” cho con em mình, tránh những hệ quả đáng tiếc do các em bị dẫn dắt bởi một “ông thầy Internet” nguy hiểm do thiếu trải nghiệm và bị hoa mắt bởi những giá trị ảo mà quên đi giá trị độc đáo, quý báu của riêng mỗi con người.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận