Phía sau những ráo riết quảng bá...

LÊ MY 27/06/2020 01:06 GMT+7

TTCT - Sự tự tin của giới học giả Trung Quốc về nền y học cổ truyền của nước này và vai trò của nó trong địa dịch Covid đang được chính phủ tiếp sức chống lưng nhiệt thành. Nhưng phía sau, sự hoài nghi cũng đang lớn dần.

Ảnh: Scientific American
Ảnh: Scientific American

Ngoài tự hào ưu thế đặc sắc của đông y trong dịch COVID-19, Trung Quốc năm ngoái cũng hồ hởi khi y học cổ truyền được WHO đưa vào “Phân loại quốc tế về bệnh tật” (International Classification of Diseases - ICD), và mới đây cũng “ghi điểm” khi loại một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ra khỏi danh sách dược liệu. 

Tất cả đều là tin vui cho “con đường tơ lụa sức khỏe”, tham vọng Bắc Kinh nỗ lực xúc tiến nhiều năm qua.

Ngày 25-5-2019, WHO công bố ICD phiên bản thứ 11 với một chương nói về đông y, và ngay hôm sau, trang tiếng Anh của Tân Hoa xã (Trung Quốc) gọi đây là “Một bước đi quan trọng để y học cổ truyền Trung Quốc vươn ra toàn cầu”.

ICD thống kê khoảng 55.000 mã ký tự về toàn bộ các vấn đề sức khỏe và phương pháp chữa trị. Vì thế, văn bản này ảnh hưởng đến các công trình nghiên cứu và cung cấp một ngôn ngữ chung giúp các chuyên gia chia sẻ thông tin y khoa.

“ICD-11 có thể thúc đẩy hoạt động trao đổi - hợp tác đông y quốc tế và phát triển tích hợp đông y vào các hệ thống y tế - chăm sóc sức khỏe của các nước khác” - Zhang Boli, học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch Đại học Y học cổ truyền Thiên Tân, nhận định.

Sự tự tin trên vốn được “chống lưng” bằng những con số mà chính phủ đang tự hào. Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin cho đến nay, đông y đã lan rộng đến 183 quốc gia và khu vực, với hơn 40 thỏa thuận được ký kết.

Từ đây đến cuối năm, trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc sẽ thành lập 30 trung tâm y học cổ truyền ở các nước tham gia. Có thể nói, một chương trong ICD-11 như tờ giấy chứng nhận mà Trung Quốc còn thiếu bấy lâu.

Thượng tuần tháng 6, Trung Quốc công bố loại vảy tê tê ra khỏi danh sách dược liệu đông y năm 2020, đồng thời nâng mức bảo vệ đối với loài động vật có vú này lên cao nhất, ngang với gấu trúc. Lâu nay, một bộ phận trong cộng đồng đông y Trung Quốc vẫn sử dụng động vật làm dược liệu, trong đó có các loài hoang dã được thế giới bảo vệ như tê tê và tê giác. Điều này góp phần phá hủy công sức gầy dựng danh tiếng của y học cổ truyền Trung Quốc, và cũng vì thế mà quyết định bảo vệ tê tê được cộng đồng quốc tế hân hoan đón nhận.

Chủ tịch Tập Cận Bình là người ủng hộ nhiệt thành y học cổ truyền như một trụ cột của nền công nghiệp. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ước tính rằng “ngành công nghiệp” đông y có thể vượt mốc 430 tỉ USD vào cuối năm nay. Ông Tập gọi đây là “bảo vật” của văn minh Trung Hoa.

Song những tín hiệu vui kể trên vẫn đi kèm với tin tức không làm hài lòng Bắc Kinh. Với ICD-11, quyết định của WHO đã nhận “cơn mưa” chỉ trích của các chuyên gia và tổ chức phương Tây.

Tạp chí khoa học uy tín Nature (Anh) xem đó là “một phần của chủ ý chào đón đông y dưới thời cựu tổng giám đốc Margaret Chan, người lãnh đạo WHO từ năm 2006 đến 2017”. Bà Chan, mang quốc tịch Trung Quốc, thường công khai ủng hộ y học cổ truyền. Trong năm cuối cùng bà tại nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm trụ sở của WHO tại Geneva lần đầu tiên và mang theo món quà là một bức tượng đồng hình người có khắc các huyệt đạo.

Nhiều chuyên gia theo tây y cho rằng có cơ sở để hoài nghi đông y, và có vẻ có rất ít ý kiến ủng hộ. Theo tạp chí Nature, chưa có bằng chứng nghiên cứu đáng kể nào cho thấy hiệu quả của đa số các liệu pháp, mặc dù Trung Quốc đã đầu tư hàng triệu nhân dân tệ để “hiện đại hóa”, “tiêu chuẩn hóa” nền đông y của họ và chiến lược quảng bá thì theo kiểu “y học thực chứng” (evidence-based medicine).

Những con số lạc quan về hiệu quả của đông y trong điều trị COVID-19 cũng bị hoài nghi. Cộng đồng nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc vẫn cần nhiều bằng chứng hơn những con số Bắc Kinh đã đưa ra.

Mới tháng trước, Nature đăng một bài phản biện dài, cho rằng thật nguy hiểm khi Trung Quốc đem các liệu pháp chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả vào hỗ trợ quốc tế. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các thử nghiệm y khoa hiện nay của Trung Quốc không được thiết kế nghiêm ngặt và khả năng cho kết quả đáng tin cậy là khá thấp. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận