Sống rẻ: Đi tìm một xã hội thanh đạm và hiệu quả

LƯU VĨ LÂN 19/04/2014 09:04 GMT+7

TTCT - Vừa rồi, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm thấp, đã “bùng phát” cuộc tranh luận về lý do giá không tăng: do kinh tế trì trệ, sức mua thấp; hay do người tiêu dùng đã biết tiêu xài hợp lý hơn?


Túi ngủ giữ ấm duy trì nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh mà không cần đến lồng ấp ở bệnh viện - Ảnh: wired.co.uk


Đồng hồ báo động lượng hemoglobin bị oxy hóa trong máu được thiết kế ở Đan Mạch sau quá trình nghiên cứu ở Ấn Độ - Ảnh: wired.co.uk

Cuộc tranh luận này đã không xảy ra nếu không có nghịch lý của một xã hội phát triển nhờ tiêu dùng: người ta phải xài nhiều để giá cả tăng, từ đó kích thích nhà đầu tư bỏ vốn vào xây nhà máy mới, nhờ vậy người công nhân mới có việc làm... Có nghĩa: Chúng ta phải xài, nếu không xài thì không có phát triển!

Một mặt, kinh tế vĩ mô “đòi” giá không được giảm, mặt kia là ai cũng thích một xã hội giá rẻ mà hiệu quả và việc cố gắng giảm giá để tạo ra một đời sống dễ cho mọi người là một thái độ văn minh.

Chọn một thái độ sống

Thật ra, nếu chúng ta còn tồn tại được ở đây và khi ra đường ta gặp nhiều người nước ngoài hiện đang tìm đến sống rải rác ở các quận vùng ven như Gò Vấp, Thủ Đức, hoặc trong các ngôi nhà thuê nhỏ bé tận Đà Lạt... là bởi vì đây vẫn là một xã hội dễ sống. Hãy ngẫm xem, vì sao những người bình thường chúng ta còn sống được?

Năm ngoái, người viết bài bị đau cứng vai cả nửa năm. Bác sĩ chẩn đoán: tuổi lớn, làm việc liên tục bằng “con chuột” vi tính, có vấn đề với xương sụn khớp vai, phải mổ! Một người bạn doanh nhân thành đạt cũng bị tương tự phải qua Hong Kong phẫu thuật mất một đống tiền, một bác sĩ quen khác dứt khoát bảo phải mổ ở Pháp Việt cũng tốn kha khá đôla... 

May sao, gặp một bác sĩ chuyên khoa vai, ông nhẹ nhàng chỉ định vào chấn thương chỉnh hình... tập vật lý trị liệu với giá 20.000 đồng/suất. Hơn một tháng tập, bệnh dứt hẳn! 

Nói thật, chưa bao giờ tôi cảm nhận được giá trị của một nền y tế rẻ rõ ràng hơn thế. Dĩ nhiên, thật không dễ dàng khi lần đầu chen chúc vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đông như một cái chợ, nằm chung đụng trên giường tập quá tải và không lấy gì làm dễ chịu. 

Nhưng trong cái hỗn tạp đó dường như vẫn toát lên tính nhân văn: những y bác sĩ hơi mệt mỏi, cau có nhưng vẫn tận tụy và điều quan trọng là họ hiểu công việc, chịu được áp lực và chịu làm với chi phí thấp, để tạo một nền y tế... không quá đắt đỏ.

Sau y tế thì đến chuyện học hành, không ít lần tôi đã chứng kiến cảnh bạn bè mình phải trả một chi phí quá cao cho việc giáo dục con cái. Anh bạn có hai cháu học cấp I ở trường Việt Úc xanh mặt khi mỗi tháng phải trả hơn 20 triệu đồng tiền học và ăn uống cho hai cháu. Một doanh nhân quen cho con theo học từ cấp I trường quốc tế (toàn con em nước ngoài mà chi phí học do công ty đài thọ) phải chi hơn 200 triệu đồng cho mỗi ba tháng. Nhiều người bạn đang phải đau đầu về khoản du học của con cái, mất vài tỉ đồng để học xong một chương trình đại học là chuyện bình thường...

Chúng ta đều mừng khi thấy các cháu có điều kiện theo học ở các trường quốc tế, đi du học để thu thập thêm kiến thức ở nước ngoài. Nhưng thú thật tôi không thấy có mấy chênh lệch khi con tôi đang theo học một trường công lập ở Phú Nhuận với học phí 400.000 đồng/tháng, hay một đứa con khác theo học trường đại học hạng 2 (học phí 6 triệu đồng/năm) đã tốt nghiệp, đi làm được các nhà đầu tư nước ngoài rất tin cậy. Một đứa cháu nhà khó khăn nhưng chăm chỉ nên thi đỗ vào Trường Y Phạm Ngọc Thạch, tốt nghiệp xong được người Nhật cấp học bổng tiến sĩ tại Nhật...

Tôi không tự giả vờ khi bảo mọi chuyện đang rất tốt, chắc chắn giáo dục của chúng ta còn tồn tại nhiều vấn đề và phải tiếp tục được cải tiến. Đó là chuyện một nhà nước có trách nhiệm phải làm. 

Nhưng tôi nghĩ rằng một học sinh và những phụ huynh có trách nhiệm thì phải tự tìm con đường mưu cầu kiến thức cho mình và con em mình một cách thông minh. Tiền nhiều không phải là chiếc đũa thần của giáo dục.

Một cải tiến sản phẩm mang tính thích ứng công nghệ địa phương - Ảnh: wired.co.uk


Máy siêu âm xách tay Vscan của GE đang quay lại chinh phục nước Mỹ - Ảnh: medgadget.com

Một xã hội thanh đạm và hiệu quả

Chúng ta đã từng có một xã hội thanh đạm mà hiệu quả. Hình ảnh những lãnh đạo của cách mạng Việt Nam từ những năm 1954, đến 1975, rồi 1990... với chiếc áo sơmi trắng cộc tay bỏ ngoài, chân đi xăngđan nhựa... sống giản dị vì một mục đích mà họ cam kết, luôn làm người ta ngưỡng mộ dù có cùng quan điểm hay không. Và về mặt kinh tế, toàn bộ nguồn lực được huy động cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam là khổng lồ và hiệu suất rất cao.

Xã hội miền Nam trước năm 1975 cũng là một xã hội trọng sự thanh đạm. Công sở không được dùng máy lạnh thoải mái, kiến trúc từ dinh tổng thống cho đến thư viện quốc gia luôn tìm cách thông thoáng tự nhiên, có thiết kế các tấm vách che nắng trực tiếp... (Hiện nay các cao ốc, dinh thự mới dường như chỉ là một khung bêtông bọc kính khổng lồ và được bơm máy lạnh vào). Chuyện đi du học hay đi nước ngoài là hạn chế tối đa vì không được dùng số ngoại tệ ít ỏi của quốc gia.

Nếu có dịp đến viếng Dinh Lam Ngọc của bà cố vấn Ngô Đình Nhu ở Đà Lạt (hiện là một bảo tàng) bạn sẽ thấy các ghi chép viết tay của kế toán riêng gia đình ông bà Nhu còn lưu trữ như sau: từ năm 1956-1959, ông cụ trợ cấp cho ông cố vấn mỗi năm 360.000 đồng (tức 30.000 đồng/tháng. Tính theo thời giá đôla năm 1960, 1 USD = 73 VND, thì số tiền này chưa tới 450 USD).

Chúng ta cần chọn lựa một thái độ sống và phát triển. Và thời đại này thái độ sống văn minh nhất chính là sống giản dị và quan tâm đến quanh mình: từ quan hệ với con người đến quan hệ với con vật, đến chiếc lá, cành cây và với môi trường. Sự ngông cuồng về tiêu xài và xây dựng nguy nga kỳ vĩ không phù hợp với bản tính của người Việt. 

Có nhà nghiên cứu sử từng nói rằng: “Vua Việt Nam cũng hiền khô”, vì ông ta không huy động hàng triệu sinh linh nhằm xây những cái kỳ vĩ như Vạn lý trường thành hay Ăngko.

Không phải ngẫu nhiên mà thế giới đang nói về “frugal innovation”, đổi mới, cải tiến sản phẩm theo hướng bỏ bớt những hào nhoáng, hợp lý hóa hơn để tạo ra những sản phẩm rẻ, công năng tốt với hai cuốn sách tiêu biểu Reverse innovation (Đổi mới đảo ngược) của Vijay Govindara và Jugaad innovation (Đổi mới kiểu Jugaad) của Navi Radjou (với jugaad theo tiếng Hindu hàm nghĩa một sự cải tiến thông minh). Theo quan niệm này, người ta dùng các thiết kế thông minh, đơn giản hơn từ sáng tạo của kỹ sư các nước mới nổi như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Các sản phẩm này rẻ và tốt nhưng không cầu kỳ. Ý niệm này được nhiều hãng tên tuổi thế giới quan tâm: Hãng General Electrics (GE) đã mời tác giả Govindara tư vấn và ông đã cùng với ông chủ của GE là Jeff Immelt viết nhiều bài báo về “Frugal innovation”. Từ đó, các máy siêu âm xách tay cực rẻ tên Vscan của Hãng GE là một sản phẩm “Jugaad” phát triển ở Trung Quốc và đang quay lại chinh phục nước Mỹ. GE còn muốn mở ra một thị trường các máy điện tâm đồ giá rẻ mới cho y tế.

Hãng Mahindra thì bán các máy kéo nhỏ cho các nhà làm vườn nghiệp dư Mỹ. Haier đưa một loạt sản phẩm “Jugaad” vào Mỹ: từ máy điều hòa, máy giặt, tủ ướp rượu với giá chỉ còn một nửa. Ngay lập tức họ nắm 60% thị trường tủ ướp rượu ở đây. 

Cũng vậy, thế giới đang phát hiện ra khái niệm gọi là “Fortune at the bottom of the pyramid” (Tài sản nằm dưới đáy của kim tự tháp) do bậc thầy về quản lý là C.K. Prahalad đưa ra, nhấn mạnh đến một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm giá rẻ dành cho thị trường quần chúng (thể hiện ở cạnh đáy của mô hình tháp các tầng lớp xã hội).

Ngày nay, khi phải thuận theo xu thế kích thích tiêu dùng để phát triển của kinh tế học hiện đại, thì ở một mặt khác đừng quên cổ vũ cho một lối sống thanh đạm. Đừng để đời sống chỉ có mỗi một con đường mà luôn có những chọn lựa khác nếu muốn, chẳng hạn như quay về với lối sống đơn giản mà hiệu quả, thuận thiên mà tồn tại, một ý niệm lớn của tinh thần Việt từ xưa nhưng đang trở nên rất đương đại.

 Việt Nam cái gì cũng nhỏ, cũng hiền, vua thì bỏ đi tu lập cả một hệ phái thiền, quan thì từ bỏ phú quý để về quê sống thuận thảo với thiên nhiên: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Thái độ sống ấy văn minh thật. Không phá hủy môi trường, không kiêu căng vô độ. Cứ y như khuynh hướng “giải ước” đang là trào lưu ở phương Tây chính là “copy” ý tưởng sống của người Việt vậy: đầu tư ít nhất vào đời sống chức nghiệp dù thu nhập thấp đi, để dành thời gian cho gia đình, cho phục vụ cộng đồng, cho các dự án cá nhân, để thư giãn và thay đổi quan hệ với thiên nhiên. Đến mức có lúc báo Wall Street Journal từng báo động rằng cách sống “giải ước” này có làm giảm tiêu dùng và thúc chứng khoán tụt dốc không?


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận