​Sống trên cồn hoang

SƠN BÌNH 03/06/2015 04:06 GMT+7

Nhắc đến Cồn Phụng, nhiều người nghĩ ngay đến khu du lịch sông nước ở Bến Tre. Nhưng còn một Cồn Phụng khác thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) nằm choi loi giữa dòng sông Cổ Chiên, xa lạ giữa thế giới văn minh, thiếu thốn trăm bề...

undefined

Chuyến đò con chữ - Ảnh: Sơn Bình

Xuôi mái chèo trên sông, nhìn qua cồn sẽ thấy những căn nhà lá lụp xụp mà người dân tếu táo gọi “nhà đá”, nghĩa là chỉ cần đưa chân đá một cái là nhà sập. Nơi đây từ lâu không điện, không nước sạch, không đường đi, không trường học, không trạm y tế... Cuộc sống thiếu thốn mọi thứ nhưng người dân ở đây luôn sống lạc quan, hào sảng, chẳng so sánh thiệt hơn bên ngoài...

Năm đời bám cồn

Hỏi bậc cao niên sinh sống trên cồn, người dân chỉ nhà bà Lê Thị Nâu, tuổi ngoài 70. Họ nói bà Tư Nâu đặt chân đến Cồn Phụng từ khi nơi đây còn hoang vu lắm. Bà kể: “Những khi bơi xuồng, khỉ ra ngoắt lia lịa. Tui thuộc dạng lì lợm nhưng đêm ngủ cũng sợ. Riết rồi cũng quen, vẫn bám cồn sống riết tới giờ”.

Nhà bà che tạm bằng những mái lá dừa nước. Bà ngồi chằm lá, thi thoảng đưa võng toòng teng, nói sống trên cồn khoảng 50 năm, được sáu người con. Những năm trước nghề chằm lá dừa nước ăn nên làm ra lắm, sản phẩm này của cư dân xóm cồn nổi tiếng khắp vùng bởi chất lượng và sự khéo léo. Nhưng gần đây những mái tôn thay dần mái lá nên nghề chằm cũng tàn theo năm tháng.

undefined

Bà Tư Nâu chằm lá mưu sinh - Ảnh: Sơn Bình

Sống cảnh đèn dầu, không điện nước, trời nóng nực, bà chỉ tay theo cơn gió thoảng qua, nói: “Mình cũng có quạt gió của trời, nóng nực thì nhảy xuống kênh tắm”. Hỏi sao không mơ mộng nhà lầu xe hơi như bên ngoài, bà nheo mắt cười: “Người ta làm thì người ta hưởng, còn mình ở đây hưởng cái của mình”.

Bà đứng lên phụ con rể mới đi giăng lưới trở về. “Ngày xưa chiến tranh tui còn sống được. Nay bình yên, muốn ăn cá, tôm, cua thì đi bắt ăn, sống thanh thản lắm” - bà nói.

Gia đình ông Ba Thủy (81 tuổi) có đến năm thế hệ sống trên cồn, từ đời ông nội đi khai hoang đến con cháu. Ông ngồi trong căn nhà lá, bận áo bà ba, quàng khăn rằn, hút thuốc rê hài hước nói đủ chuyện trên trời dưới đất. “Hồi trước giải phóng tui qua đây che chòi nuôi trâu, chăn vịt. Cồn Phụng còn có tên Cồn Nóc bởi có xác chết con vật nào sình thối cạnh mé sông thì ôi thôi cá nóc bu đến ăn no nê, con nào con nấy to bằng cái bình thủy, xúc cả cần xé” - ông giải thích.

Ông Ba Thủy nói Cồn Phụng rất ngộ khi có nửa năm nước mặn, nửa năm nước ngọt. Nước mặn nuôi tôm, câu cua. Nước ngọt trồng lúa không cần phân bón cũng trúng dữ lắm do phù sa bãi bồi. Thời gian còn lại người dân chằm lá, nuôi ít con vật, giăng lưới bắt con cua, con cá sống tạm. Dù con cháu nhiều người chuyển đến thành thị sinh sống, năn nỉ ông về phố nhưng ông luôn từ chối. Ông tâm sự: “Còn nơi nào hơn nữa bởi mình quen cái chỗ ăn chỗ ở, quen cái tình cái nghĩa bà con chòm xóm. Đi xa không được, hễ vài ba ngày là nhớ. Mình quen cảnh nông dân nghèo khó nên nhớ đủ thứ trên cồn”.

Hào sảng trong khốn khó

Giữa cái nắng trưa khô khốc, lão nông Phạm Văn Hoàng cho biết con cái đã lớn nên ông tìm đến ấp Cồn Phụng sinh sống trong căn chòi lá bằng nghề trồng lúa, câu cua khoảng 10 năm nay. Sau bữa cơm sáng lưng bụng, ông tát nước từ sông vào một góc ao vuông để làm mát, chờ cua tìm đến. Thong thả ông móc mồi, thả cần ngồi chờ. Hút chưa hết điếu thuốc, cua bắt đầu cắn câu liền liền, chỉ có bốn cần nhưng sức già của ông làm không xuể khi phải bắt cua, cột dây thuần thục. “Chừng nào về lấy mấy con ăn chơi nghe con” - ông để riêng mấy con cua bự chảng cho người khách lạ ghé thăm cồn.

Ngồi chưa đầy nửa tiếng, ông kiếm được khoảng 8kg cua, mai sang sông đổi gạo, dầu lửa. Số cua đang ôm trứng hoặc đang lột da, ông cẩn thận thả lại dưới nước duy trì sinh sản chứ không tận diệt. Ngoài căn chòi lụp xụp, chiếc đèn dầu và cái radio là hai người bạn tri kỷ của ông nhiều năm qua. Cứ thế cuộc sống trôi qua thanh thản. “Ở đây sống vui sống khỏe, tối thì đèn dầu thắp sáng, tình làng nghĩa xóm đậm đà. Một mình tự nấu ăn riết cũng quen” - ông cười hì hì. Đang nói chuyện, một thanh niên cầm bọc cá đến tặng ông. Anh nói nhà hết dầu, mượn một ít. Ông dòm cây đèn còn hơn nửa, nói: “Mày lấy hết luôn đi, tao thắp đủ rồi”.

Đêm vừa buông xuống, ông Hoàng đứng bên nhà gọi í ới hàng xóm Nguyễn Văn Phương qua pha trà tán dóc. Câu chuyện giữa hai người đàn ông ở cồn hoang và vị khách lạ rôm rả đến tận gà gáy. Ông Phương kể theo ông nội qua cồn chăn vịt năm 12 tuổi. Ông không có xuồng, muốn mua gì cũng phải ôm cây khô chờ nước xuôi bơi sang sông. Đến giờ ông Phương không quen mang dép bởi xưa nay quen xắn quần lội sông, đi bộ trên cồn. Ông cười bảo: “Nhiều đêm thò tay xuống sình mò trúng con gì mềm mềm tưởng con lịch bỏ túi treo vách nhà. Sáng mượn ghe đi bán thì cả chợ chạy tá lả, chửi một trận khi con rắn mai gầm (loại rắn cực độc) bò ra”. Ông chân chất giải thích: “Phải chi nó cắn thì biết rắn rồi, nằm im ru cho tui bị chửi mới chịu”.

Đêm trên cồn, nhiều phụ nữ pha đèn pin đi câu cua đến tận mờ sáng. Chị Út (36 tuổi) quệt mồ hôi, giọng lanh lảnh: “Ông chồng bỏ mẹ con tui ra chòi ngủ canh tôm, tui vừa câu cua, vừa tranh thủ lên “câu” ổng một cái”. Rồi chị Út lên chòi, đốt đèn dầu lay chồng dậy nấu nước uống trà, ăn tôm khô, nói chuyện cà kê với khách.

Dù mang danh “chúa cồn” nhưng nhà ông Nguyễn Văn Thanh, 38 tuổi, bí thư kiêm trưởng ban nhân dân ấp Cồn Phụng - cũng “nhà đá” như bao nhà khác. Ông nói: “Người dân ở đây sống bằng nghề chằm lá, nuôi tôm, câu cua... Quanh năm chia sẻ từng lon gạo, lít dầu, miếng nước ngọt với nhau. Dù điều kiện tự nhiên trắc trở, đôi khi nước phủ mất cồn, thiếu thốn nhiều thứ nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ, không hề hé răng than thở”.

undefined

Ông Ba Thủy kể chuyện năm đời bám cồn - Ảnh: Sơn Bình

Chuyến đò con chữ

Trẻ em trên cồn hằng ngày theo xuồng ghe qua sông học chữ ở hai xã lân cận. Mỗi sáng học sinh mọi lứa tuổi phải đi bộ hơn 3km tập trung tại bến đò giữa cồn. Qua sông các em phải lội bộ thêm 6km nữa mới đến trường, chiều tự đón ghe trở về. Nhà nào khá thì cho con em qua sông ăn sáng, còn nhà nghèo mang cơm theo đi học.

Gia đình ông Thanh có hai đứa con, con gái lớn 15 tuổi học lớp 9. Nhà xa trường nên phải gởi con cho ông bà nội bên kia sông. Vợ chồng ông sống trên cồn cùng con trai nhỏ. Cu cậu mới 3 tuổi mà đã biết bơi bì bõm, hằng ngày đi câu cua cùng cha mẹ. “Con nít ở đây phải học bơi để đi học, phải biết làm quen lao động từ nhỏ mới sống nổi ở cái đất này” - ông Thanh nói.

Khó khăn là thế nhưng học sinh trên cồn đều ham học và học giỏi. Gia đình ông Đặng Trường On có hai con học giỏi nhưng do cuộc sống nghèo khó nên phải nghỉ học. Nghe tin, hàng xóm gom tiền động viên cho hai em đi học trở lại. Còn ông Thanh vận động người tài trợ cho hai em chiếc xe đạp, để mỗi khi sang sông không phải đi bộ đến trường. Ở cái xóm cồn này nhiều em đang học phải nghỉ ngang để gia đình bớt gánh nặng cơm áo.

“Lứa của tui ngày xưa cũng ham học lắm nhưng không xã nào có trường cấp III nên học xong cấp II phải nghỉ học. Mà không nghỉ sao được, khi muốn học tiếp phải lên tận TP Trà Vinh” - ông Thanh nói.

Hỏi ông Thanh có học sinh nào trên cồn đậu đại học, ông nói trước đây cũng có mấy người lên TP Trà Vinh học cấp III, rồi đậu cao đẳng, đại học. Người lớn tuổi trên cồn vẫn kể những câu chuyện, tấm gương hiếu học cho con cháu, mong chúng có cuộc sống mai sau tốt đẹp hơn. Ông Thanh tặc lưỡi: “Giá như có một ngôi trường cho lũ trẻ thì hay biết mấy...”.      

           

Ấp Cồn Phụng được thành lập năm 2010, tổng diện tích tự nhiên trên 300ha, trên 100 hộ dân sinh sống thường xuyên, hầu hết sử dụng đèn dầu thắp sáng. Ấp có trên 50 hộ nghèo và cận nghèo. Hiện có hơn 60 học sinh của ấp hằng ngày đi xuồng học chữ tại hai điểm trường xã Long Hòa và xã Hòa Minh.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận