TTCT - Khi cân nặng giảm hơn 5% trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng thì cần phải kiểm tra ngay xem có chuyện bất thường gì đang xảy ra với cơ thể chúng ta.

Phóng to
Thể dục thường xuyên từ lúc còn trẻ và lắng nghe cơ thể sẽ giúp giữ được phong độ thay vì “nước đến chân mới nhảy” - Ảnh: N.C.T.

Sụt cân là một dấu hiệu quan trọng và thường gặp, nhất là ở người lớn tuổi. Ở người tuổi trên 60, sụt cân có thể xảy ra với tốc độ 0,1-0,2kg mỗi năm là bình thường.

Sụt cân được chia thành hai loại là sụt cân không chủ ý và sụt cân do chủ ý. Sụt cân không chủ ý tiến triển thường chỉ ra một căn bệnh nghiêm trọng nào đó, trong khi sụt cân do chủ ý ở những người thừa cân hoặc béo phì là lành tính trong hầu hết các trường hợp.

Nếu ăn uống vẫn bình thường mà bị sụt cân, gợi ý: do sự tiêu hóa kém hiệu quả (rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu); tiểu ra chất đường glucose gặp trong bệnh đái tháo đường; hoặc tăng tốc độ chuyển hóa (cường giáp, u tế bào ưa crôm); ung thư và rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.

Lắng nghe cơ thể

Gặp tình huống sụt cân không chủ ý, người bệnh cần trả lời những câu hỏi sau để tìm ra nguyên nhân:

- Sụt bao nhiêu cân? Sụt cân xuất hiện từ khi nào? Mức độ thèm ăn và khát nước có thay đổi? Có thay đổi chế độ ăn? Cường độ vận động và làm việc có thay đổi? Có thay đổi thói quen tiêu, tiểu hay không? Có thay đổi sự tỉnh táo? Có đang dùng thuốc hay chất gây nghiện? Có triệu chứng bệnh nào đi kèm với sụt cân, chẳng hạn như sốt, yếu cơ...? Có bệnh lý gì trước đây hay không?

Trọng lượng cơ thể được xem như là tổng của nhiều ngăn. Tăng hoặc giảm cân nên được nghĩ như là thêm hoặc mất đi bao nhiêu cân từ mỗi ngăn.

Ngăn nước: chiếm 60% trọng lượng cơ thể, được chia làm hai khu vực trong (66%) và ngoài tế bào (34%). Ngăn mô và cơ quan: các cơ quan nội tạng và hệ xương rất ít khi thay đổi khối lượng, trong khi đó các thành phần dịch ngoài tế bào, cơ và mỡ rất dễ thay đổi khối lượng. Khi gặp trường hợp sụt cân quá đột ngột, người thầy thuốc sẽ tìm xem đó có phải là sự mất đi của nước, mô cơ hay mô mỡ, hoặc là sự kết hợp của chúng.

Trọng lượng cơ thể được xác định bởi năng lượng hay calo nạp vào, khả năng hấp thu thức ăn, tốc độ chuyển hóa và tiêu hao năng lượng do vận động thể lực. Sụt cân có thể do giảm lượng thức ăn, giảm sự hấp thụ thức ăn, tăng nhu cầu chuyển hóa, hoặc sự kết hợp của ba yếu tố này.

Khi ta ăn vào nhiều năng lượng nhưng năng lượng tiêu hao thấp thì ta sẽ có chiều hướng tăng cân. Nếu năng lượng đưa vào bằng với tiêu hao thì sẽ đứng cân. Còn khi năng lượng đưa vào thấp hơn tiêu hao thì sẽ giảm cân.

Sụt cân không chủ ý thường do các nguyên nhân sau: Về nội tiết: cường giáp, suy thượng thận, đái tháo đường - đặc biệt là type 1.

Có thể do tuổi cao, suy nhược, bất kỳ bệnh viêm hệ thống nào, ví dụ: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm mạch máu, bệnh truyền nhiễm mãn tính hoặc nhiễm trùng tại chỗ nặng (lao, viêm gan mãn hoạt động, AIDS, nhiễm ký sinh trùng đường ruột); chuyển hóa/nhiễm độc: suy cơ quan (suy tim xung huyết, suy thận, suy gan tiến triển, khí phế thủng), tăng hoạt động thể chất, rối loạn tiêu hóa và rối loạn hấp thu; tắc ruột, khó nuốt, vấn đề răng và nhai, giảm vận động, liệt..., ung thư gây chán ăn và tăng sử dụng năng lượng, đặc biệt khi ung thư gan hoặc nơi khác di căn đến gan...

Để xác định nguyên nhân gây sụt cân, người bệnh cần được hỏi bệnh kỹ lưỡng, thăm khám toàn diện, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, kế đến là làm các xét nghiệm cần thiết. Có đến 25% trường hợp sụt cân không chủ ý không tìm ra nguyên nhân.

Điều trị sụt cân

Đối với người thừa cân và béo phì muốn giảm cân chủ ý cần lên trước kế hoạch (chế độ ăn và tập luyện) để tránh sụt cân quá mức. Người bệnh sẽ có cảm giác khỏe hơn và hạnh phúc hơn khi cân nặng giảm theo lộ trình mong đợi. Đối với sụt cân không chủ ý, việc điều trị tập trung vào xử lý nguyên nhân, đi kèm với sự hỗ trợ sớm về dinh dưỡng để hạn chế sụt cân tiếp tục và tránh những biến chứng liên quan tới sụt cân.

Đối với người đã biết bệnh thì cần theo dõi các triệu chứng liên quan nguyên nhân gây sụt cân. Ví dụ người đái tháo đường cần theo dõi các triệu chứng của bệnh này như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân và kiểm tra đường máu. Nếu các triệu chứng xấu hơn thì cần báo cho bác sĩ biết.

Đối với sụt cân không chủ ý, phòng ngừa liên quan đến nguyên nhân. Tránh dùng các thuốc gây ra sụt cân. Thực hành tình dục an toàn để ngừa bị lây nhiễm HIV. Nhiều trường hợp sụt cân không chủ ý không thể phòng ngừa được như khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type 1, ung thư giai đoạn cuối, suy gan tiến triển, suy tim...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận