Theo dấu con đường gia vị Vasco Da Gama

NGUYỄN CHÍ LINH 26/08/2015 22:08 GMT+7

Những ngày lang thang ở châu Phi, đến Kenya tôi bỗng phát hiện Mombasa, một thành phố cổ vẫn lưu giữ vết tích của một thương cảng lớn thời Trung cổ. Nơi đây từng nối liền mạch giao thương giữa Kenya với Ấn Độ và Trung Quốc.

Người Oman giữ hồn phố bằng việc đặt cả chiếc bình cà phê Dallah truyền thồng trên đường phố

Những vòng quay xe đạp kêu vít vít trong những con ngõ hun hút sâu của phố cổ. Bỗng nhớ đến Hội An ở quê nhà, những bước chân khẽ khàng trên phố như không muốn phá vỡ sự tĩnh lặng vốn có của nó.

Những nét văn hóa đan xen

Lịch sử ở đây ghi lại Vasco Da Gama - thuyền trưởng Bồ Đào Nha - là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Mombasa vào năm 1498, sau khi vượt qua mũi Hảo Vọng để tìm cách nối liền con đường gia vị từ châu Âu đến Ấn Độ. Phố cổ còn mang nhiều dấu tích, đánh dấu sự thăng trầm của những nền văn hóa chồng chéo lên nhau giữa Bồ Đào Nha, Oman và Anh. Rõ nhất có lẽ là những cánh cửa gỗ trầm buồn với những đường nét điêu khắc khác nhau, biểu thị của từng nền văn hóa. Nét riêng biệt này tạo thành “linh hồn” cho phố.

Dạo phố, du khách sẽ bắt gặp những "phòng tranh" rất đặc trưng

Thoạt đầu, người bản địa Swahili khi xây dựng nhà đã dùng các họa tiết điêu khắc hoa lá sắc nét cùng những ụ đồng tròn nhỏ trên cánh cửa chính. Gia chủ muốn thể hiện một châu Phi hoang dã với những cánh rừng bao la hay các đồng cỏ savan rộng lớn. Nét điêu khắc phóng khoáng còn thể hiện sự yêu thích tự do của người châu Phi. Tiếp đến, người Ấn Độ đến đây lập nghiệp lại phả hồn vào phố bằng những cánh cửa gỗ khắc hoa văn Hindu giáo không lẫn vào đâu được. Những ụ tròn nhỏ bằng đồng gắn trên cửa được thay hình đổi dáng theo kiểu mái vòm cung điện Taj Mahal ở Ấn Độ. Rồi người Oman đến, những ụ đồng nhỏ được thay bằng những thanh đồng dài trông giống cặp sừng voi. Số lượng thanh đồng bao giờ cũng là số chẵn, thể hiện cặp sừng linh dương mặt trắng - một linh vật của Oman.

Nối liền phố cổ là pháo đài Jesus xây dựng vào năm 1591. Màu vàng đặc trưng của người Bồ Đào Nha thêm đậm sắc trong ánh nắng chiều.

Trung tâm du lịch đông Phi

Phía bên kia cửa biển, ven những bãi cát trắng phau, những khách sạn cao tầng và resort mọc lên như nấm khi Mombasa - thành phố lớn thứ hai của Kenya - đang trở mình để trở thành trung tâm du lịch của Đông Phi.

Pháo đài Jesus do người Bồ Đào Nha xây dựng

Mặt trời đang chìm dần xuống Ấn Độ Dương, ở tầng cuối cùng của pháo đài Jesus, ông lão Meda - gốc người Ấn Độ - đang thư thái quăng câu theo cách truyền thống của người Kenya bằng những dây câu nhỏ. Hai con mèo lười quấn quýt dưới chân ông, rồi chúng liếm chân ông đòi ăn mỗi khi một chú cá nhỏ xấu số nào đó dính câu... Trong hơi gió mằn mặn của biển, ông kể chuyện những người Ấn Độ đến đây lập nghiệp với bao kỷ niệm thời trai trẻ.

Theo những đoàn tàu rong ruổi trên “con đường gia vị” trên biển cùng đoàn người Ấn Độ đi tìm kế sinh nhai, ông Meda theo chân ông nội đến đây lập nghiệp. Cũng giống như người Mombasa, ông yêu phố cổ như chính hơi thở của chính mình. Mọi vạn vật có thể biến đổi theo thời gian nhưng với ông, phố cổ thì không. Ông vẫn thích ngắm nhìn mọi người đến đây tụ tập buôn bán mỗi ngày dù số lượng hàng bán không nhiều, khi thì nắm rau mang hương đồng gió nội, khi thì dăm vài quả chanh, ớt hái từ vườn nhà. Sao giống làng quê Việt quá đỗi!

Đường phố chật hẹp ở Mombasa

Trong dòng lịch sử, những người Oman hiện diện lâu nhất trên thương cảng Mombasa. Những thương gia giàu có từ vương quốc dầu mỏ đến đây mua lại từng dãy phố và biến chúng trở thành khách sạn với kiến trúc rất đặc trưng của người Oman. Từng dãy phố mang sắc màu đặc trưng, trắng tinh khiết hòa cùng những ô cửa hoa văn Ba Tư. Ngay tại cổng chính để vào phố cổ, người Oman đặt chiếc bình uống cà phê truyền thống Dallah to lớn như muốn đánh dấu vùng đất riêng cho chính họ.

Tiếng hò hét của những đứa trẻ chơi bóng trên khoảng sân trống trước pháo đài Jesus trong lúc hoàng hôn kéo tôi quay về thực tại. Ông già vẫn ngồi câu cá... Gió biển vẫn thổi, đem vị mặn chan chát vào câu chuyện của ông lão nghe sao bùi ngùi. Hai chú mèo tranh nhau những con cá cuối cùng ...

Từ Mombasa du khách có thể đón xe buýt ghé qua Kilifi nơi thuyền trưởng Vasco Da Gama dừng chân trên đường từ Ấn Độ quay về Lisbon sau khi nối con đường gia vị trên biển

Mặt trời dần tắt hẳn những tia nắng mong manh, ông lão dạy tôi bài hát quen thuộc của người Kenya và Tanzania: “Jambo - Jambo Bwana, Kenya Jetu, hakuna matata - Xin chào mừng đến Kenya, đừng lo lắng khi đến đây...”.■

Chuyện dọc đường:

Đừng nghĩ biết tiếng Anh là đủ

Tôi được công ty giao hướng dẫn một đoàn khách lẻ đi tour Trung Quốc bảy ngày theo lộ trình Quảng Châu - Thâm Quyến - Hàng Châu - Thượng Hải - Bắc Kinh. Đây là tour khó vì hành trình dài và di chuyển bằng nhiều phương tiện.

Vì là tour tết âm lịch nên khi làm thủ tục check-in tại sân bay đã thấy vất vả vì có rất nhiều đoàn khách cùng check-in. Tại Quảng Châu và Thâm Quyến, khách nội địa Trung Quốc đổ về các điểm du lịch khá đông. Trình tự tham quan Tây Hồ cụ thể như sau: xe chạy vào bãi xe (vì không được phép dừng trên đường), đoàn xuống xe đi bộ khoảng 200m đến bến tàu, lên tàu, trong thời gian tàu chạy trên hồ từ bờ bên này sang bờ bên kia thì hướng dẫn viên sẽ thuyết minh về Tây Hồ, về truyền thuyết Thanh Xà - Bạch Xà, về tháp Lôi Phong, thế nào là tam đàn ấn nguyệt... Sang đến bến tàu bên kia, đoàn rời tàu đi bộ khoảng 100m ra bãi xe và lên xe đi tiếp. Khi lên xe kiểm tra lại... thiếu mất một đôi vợ chồng là bác sĩ, cả hai đều hơn 60 tuổi.

Từ lúc phát hiện hai bác bị lạc đến lúc này đã gần hai giờ. Chương trình đi tham quan làng trà Mai Gia Ô chắc chắn phải hủy vì không còn thời gian. Cũng sắp đến giờ ăn trưa... Tôi lê bước ra xe mà lòng nặng trĩu. May quá, tiếng điện thoại reo, anh hướng dẫn địa phương cho biết đã tìm ra hai du khách. Chuyện là vì sợ lạnh, hai bác quay lại xe lấy khăn choàng cổ trong khi đoàn khách vẫn đi mà không hề hay biết. Lúc bác quay lại bến, đoàn đã lên tàu và tàu đã chạy rồi (vì ngày tết khách rất đông nên tàu không đợi). Bác trai tự tin với vốn tiếng Anh của mình nên đưa bác gái lên một chiếc thuyền nhỏ cũng đậu tại bến tàu, trên thuyền toàn dân địa phương.

Chiếc thuyền chở hai bác ra một hòn đảo giữa Tây Hồ. Hóa ra thuyền nhỏ chỉ chở khách ra hòn đảo giữa hồ, còn tàu lớn mới chở khách sang bờ bên kia. Hai bác không biết thông tin này. Đi hết một vòng trên đảo mà không thấy bóng dáng người Việt Nam nào, hỏi thăm cũng không được vì người dân ở đây không hiểu tiếng Anh. Biết là bị lạc, hai bác tìm thuyền quay lại bến tàu rồi về bến xe ngồi đợi...

Qua lần khách bị lạc ở Tây Hồ, tôi mới nghiệm ra rằng đừng bao giờ chủ quan vì trên đường điều gì cũng có thể xảy ra. Đi du lịch biết tiếng Anh là quá tốt, nhưng không vì thế mà chủ quan bởi nhiều nơi người dân địa phương không dùng, không biết đến ngôn ngữ này. Hơn nữa, việc tuân thủ hướng dẫn viên, dù là việc nhỏ, ở những nơi xa lạ không phải chuyện thừa...

Nguyễn Tuấn Quyền (hướng dẫn viên du lịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận