Tỉ phú, tiền, và nạn đói

TRÚC ANH 19/11/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Cứ ba bữa nửa tháng là tỉ phú công nghệ Elon Musk lại gây ra chuyện ầm ĩ gì đó trên Twitter. Lần ồn ào gần nhất của người giàu nhất thế giới tình cờ lại hướng sự quan tâm của công chúng đến vấn đề trước nay có vẻ ít được chú ý: Liên Hiệp Quốc đã và đang kêu gọi chung tay diệt nạn đói thế nào, đã chi tiền ra sao, hiệu quả đến đâu, và tiền có phải là tất cả?


 
 Ảnh: Getty Images

Tính đến ngày 1-11, với tổng tài sản ròng 335 tỉ USD, Musk đã trở thành người giàu nhất thế giới, theo xếp hạng của Bloomberg. Hãng xe điện Tesla do ông làm giám đốc điều hành cũng vừa trở thành công ty thứ 6 trong lịch sử Mỹ vượt mốc giá trị vốn hóa 1.000 tỉ đôla.


Musk chưa bao giờ băn khoăn tiền nhiều để làm gì, bởi đã có sẵn các mục tiêu “trên trời” theo đúng nghĩa đen như chinh phục sao Hỏa, du lịch vũ trụ. Thế rồi có người khẽ gọi tên anh khi đang bàn về nạn đói toàn cầu...

6 tỉ đô và 42 triệu người đói

Hôm 28-10, Elon Musk than phiền rằng “thuế tỉ phú” do phe Dân chủ ở Quốc hội Mỹ đề xuất có thể khiến mình mất tầm 50 tỉ USD, số tiền tốt hơn nên được dành để theo đuổi các sứ mệnh sao Hỏa. Sang ngày 31-10, nhà tỉ phú buộc phải tạm quên vũ trụ, quay lại lo chuyện Trái đất, bằng một tweet nhắn nhe đến Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ. “Nếu WFP có thể mô tả trên đoạn tin Twitter này chính xác cách mà 6 tỉ đô có thể giải quyết nạn đói thế giới, tôi sẽ bán cổ phiếu Tesla và làm ngay và luôn”. Musk còn nhắn thêm rằng chi tiết kế hoạch phải công khai để ai cũng có thể nhìn vào xem tiền được tiêu thế nào.

Đoạn tweet trên là để trả lời cho một tweet khác, đăng kèm ảnh chụp màn hình một bài viết trên CNN, với đầu đề dẫn lời giám đốc WFP David Beasley rằng chỉ 2% tài sản của Musk là đủ giải quyết nạn đói thế giới. Beasley cũng vội vàng lên tiếng sau tweet của Musk, phân bua rằng CNN giật tít tầm bậy, ý ông là số phần trăm be bé từ gia tài của Musk - con số tuyệt đối là 6 tỉ USD - không phải để giải quyết nạn đói mà là giúp nuôi sống “42 triệu người sẽ thật sự chết vì đói nếu chúng tôi không hỗ trợ họ” trong năm nay.

Chung quy đúng là tại CNN. Hãng này sau đó đã sửa tựa thành “có thể giúp giải quyết” thay vì “giải quyết”, nhưng câu chuyện 6 tỉ USD và nạn đói thế giới vẫn tiếp tục được mổ xẻ. Dân mạng trong nước thích thú cho rằng cơ quan LHQ mà cũng bị “sao kê” chiếu, nhưng thật ra Musk đòi kế hoạch hành động cụ thể trong tương lai, chứ đâu phải tiền tiêu xong mới đòi giải trình. Ở đây có thể hiểu Elon Musk không tin chuyện minh bạch của WFP, hoặc không cho rằng “chỉ” 6 tỉ USD mà có thể giải quyết nạn đói trên thế giới.

Với một tổ chức toàn cầu như WFP chuyện minh bạch ít nhất cũng được đảm bảo thông qua các báo cáo hoạt động thường niên và báo cáo tài chính có kiểm toán luôn được công khai, ai cũng có thể biết cơ quan này thu chi, giúp nhân loại ra sao. Có thể Musk chưa tìm hiểu, hoặc đã biết nhưng không cảm thấy thuyết phục.

Mới năm ngoái, WFP được trao Nobel hòa bình “vì những hành động đóng vai trò lực lượng thúc đẩy trong nỗ lực ngăn chặn việc biến cái đói thành vũ khí cho chiến tranh và xung đột”. Theo website của tổ chức này, có tới 811 triệu người phải đi ngủ với dạ dày lép kẹp mỗi đêm, 41 triệu người khắp thế giới đang trên bờ vực chết đói (hơi lệch so với số 42 triệu của ông giám đốc) và WFP cần khẩn cấp 6,6 tỉ USD để “ngăn chặn nạn đói đang diễn ra và hướng mọi người tránh xa bờ vực của nạn đói”. WFP cho biết họ giải quyết nạn đói thông qua hỗ trợ lương thực khẩn cấp, phản ứng nhanh và các chiến lược dài hạn. Tổ chức này cho rằng xung đột là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra nạn đói toàn cầu, với Yemen, Nam Sudan, Nigeria và Afghanistan là một số quốc gia có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất.

Còn nói về chuyện “sao kê”, WFP ghi rõ trên web: đây là tổ chức 100% đóng góp tự nguyện, với mỗi đôla nhận được thì 64 xu sẽ chi trực tiếp trong các chương trình hỗ trợ người đói, 2 xu để xử lý giao dịch và 6 xu chi phí vận hành, 28 xu dành cho việc gây quỹ được 1 đôla tiếp theo. Theo báo cáo tổng kết 2020, WFP nhận được 8,4 tỉ USD tiền đóng góp (thiếu 5,3 tỉ USD so với mục tiêu), nhờ đó mà kịp chi 2,1 tỉ USD tiền hỗ trợ và phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Theo kết quả kiểm toán nội bộ do ABC News tiếp cận được, cách quản lý tiền hỗ trợ và đóng góp của WFP được đánh giá là “phần nào thỏa đáng” nhưng cần một số cải thiện.

Trong một bài viết cho mục Ý kiến của Bloomberg, Amanda Little, giáo sư báo chí Đại học Vanderbilt, đã “lên kế hoạch” giúp Musk tiêu 6 tỉ đô để chấm dứt nạn đói. Theo đó, nếu không muốn chi tiền cho viện trợ khẩn cấp, Elon Musk có thể đầu tư vào các giải pháp công nghệ để mang lại thay đổi to lớn và dài hạn về an ninh lương thực, chẳng hạn phát triển các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu với khí hậu, nguồn cung cấp nước không bị ảnh hưởng bởi hạn hán và “công nghệ xanh” để tái chế và sử dụng nước tại những vùng tài nguyên khan hiếm một cách tối ưu. Tất cả sẽ giúp nông dân sản xuất nhỏ “sống sót” qua hạn hán, từ đó giảm nhu cầu cần hỗ trợ thực phẩm.

Bao nhiêu tiền để cứu đói?

Theo tính toán của Beasley thì cần chi hơn 142 USD một tí cho mỗi người để giúp 42 triệu người thoát khỏi nạn đói. Còn trên trang đăng ký quyên góp chính thức, WFP cho rằng cứ 15,3 USD thì đủ cung cấp lương thực cho 1 người trong 1 tháng. Mức đóng góp cao nhất là đóng 1 lần 76,5 USD, đủ nuôi một gia đình 5 người trong 1 tháng.

Nhưng câu hỏi quan trọng đặt ra từ chuyện Elon Musk và WFP là liệu giải quyết nạn đói chỉ là vấn đề tiền bạc, chỉ cần có đúng số tiền cần thiết - dù lớn cỡ nào - là xong? Nhưng số tiền đó phải là bao nhiêu? Robert Vos, kinh tế gia của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), đã trả lời tweet của Elon Musk với lời nhắn: “Elon thân mến, đây là kế hoạch vững chắc và dựa trên khoa học để kết thúc nạn đói một cách bền vững kèm đường link đến nghiên cứu của IFPRI”, cùng con số cụ thể: 33 tỉ USD mỗi năm, từ đây cho đến 2030.

Đài NPR đã gọi điện cho Vos để phỏng vấn, và đặt câu hỏi: trong gần 10 năm tới, mỗi năm cần 30 - 33 tỉ USD, nghĩa là trên 300 tỉ USD, vừa khéo cũng là tổng tài sản ròng của Elon Musk, liệu số tiền này sẽ giải quyết vấn đề? Vos trả lời: nếu Musk toàn tâm toàn ý tận hiến số tiền đó thì tốt thôi, nhưng câu hỏi kế đó mới là quan trọng: làm sao để tiền chảy vào đúng chỗ?

“Vấn đề không phải là cung cấp nhiều tiền hơn cho LHQ mà là trao nhiều không gian tài chính hơn cho các chính phủ (...). Chúng ta cần chính phủ can thiệp để thiết lập các hỗ trợ đặt ra và khuôn khổ quy định phù hợp (...). Có thể cũng sẽ cần một số bảo trợ xã hội bổ sung để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất” - Vos nói.

 
 Ảnh: Finshots

Nạn đói không phải là một vấn đề đơn lẻ mà chỉ cần tiền là đủ giải quyết; đó là một mạng lưới gồm những hệ thống phức tạp bao gồm nông nghiệp, vận tải, địa chính trị... “Cái cần làm là thay đổi hành vi - cách chúng ta ăn, tiêu thụ, sản xuất, đầu tư và nơi các chính phủ đổ tiền vào đầu tư” - Vos bổ sung.

Tóm lại, Vos tin rằng sẽ tốt hơn nếu các chính phủ đánh thuế giới tỉ phú và dùng số tiền đó cho việc giải quyết nạn đói, thách thức cần hành động tập thể thay vì việc làm thiện nguyện của các cá nhân. Theo nhà kinh tế này, tiền quan trọng nhưng nó chỉ là xúc tác để đạt được mục tiêu: không phải là chuyện ném tiền vào vấn đề mà là dùng tiền để giúp người ta giải quyết vấn đề.

Vos cho rằng tiền cần được đầu tư cho nghiên cứu, tìm kiếm những thứ có thể giúp nông dân địa phương, chẳng hạn vụ mùa dinh dưỡng nhưng không cần nhiều nước, để có thể chịu hạn. Người dẫn chương trình của NPR Adrian Ma bổ sung các khoản chi cần được quan tâm như cải thiện đường sá, cách lưu trữ để thực phẩm không bị hư hại. Tất cả đều là việc các chính phủ và quốc gia phải cùng làm với nhau thay vì trông chờ vào một cá nhân nào.

Trở lại chuyện WFP và Elon Musk, giám đốc Beasley chẳng lấy gì làm phiền với các đoạn tweet “sốc hông” của nhà tỉ phú. Trả lời phỏng vấn CNN hôm 2-11, Beasley mong muốn được đối thoại ngay và luôn với Musk vì tình hình đang nguy cấp, liên quan mạng sống con người. “Đơn giản mà nói, chúng tôi có thể trả lời các câu hỏi của anh ấy và đưa ra một kế hoạch rõ ràng. Bất cứ thứ gì anh ấy thắc mắc chúng tôi đều vui vẻ trả lời”. Có điều không rõ Musk vẫn còn quan tâm chuyện Trái đất hay đã quay lại mơ về Hỏa tinh.

Elon Musk nhiều lần bị chỉ trích vì không cho đi nhiều hơn, dù có khối tài sản khổng lồ. Nhà tỉ phú từng nói thích ẩn danh khi cho tiền, và ngụ ý rằng việc không phải đóng thêm thuế sẽ có lợi cho nhân loại. “Kế hoạch của tôi là sử dụng tiền để đưa nhân loại lên sao Hỏa và giữ gìn ánh sáng tâm thức” - Musk viết trên Twitter. “Hàng triệu người có thể sắp chết đói, nhưng Musk có một kế hoạch: để họ “cạp” không gian mà ăn!” - cây bút Arwa Mahdawi của The Guardian chỉ trích mạnh mẽ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận