“Tôi không nghĩ mình là người nước ngoài sống ở Việt Nam”

XUÂN MINH 02/05/2020 21:05 GMT+7

TTCT - Sau gần 20 năm sống ở Việt Nam, Brian O’Reilly (quốc tịch Ireland và Úc) không còn cảm giác mình là người nước ngoài mà đã “bản xứ” như bao người Việt khác.

Ông Brian O’Reilly. Ảnh: NVCC
Ông Brian O’Reilly. Ảnh: NVCC

Mở đầu câu chuyện với TTCT, ông O’Reilly - điều phối viên chương trình MBA của Đại học Việt Đức (VGU), giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam - nhắc lại kỷ niệm 19 năm trước, khi sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ xảy ra và tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới bị khủng bố lao máy bay vào.

“Lúc đó tôi đang ở Việt Nam. Mẹ tôi gọi hỏi con có an toàn không? Tôi trả lời bà: Mẹ ơi, Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất thế giới. 19 năm sau, ở Việt Nam suốt thời gian dịch COVID-19 xảy ra, tôi vẫn giữ quan điểm này” - ông kể.

Thân thuộc hơn quê hương

Sống ở Úc 18 năm trước khi chuyển đến Việt Nam năm 2001, làm tư vấn về quản lý và sau đó dạy ở trường đại học, O’Reilly nói ông không nghĩ mình là người nước ngoài sống ở Việt Nam mà “giống như bao nhiêu người Việt khác”.

“Tôi thấy điều này rõ nhất khi gặp những người nước ngoài mới đến đây và họ hào hứng, bỡ ngỡ với mọi thứ. Lúc đó tôi nhận ra mình đã ngấm sâu văn hóa, đời sống ở Việt Nam và tôi chính là một người bản địa. Tôi thường ăn đồ ăn Việt Nam hơn là đồ Tây. Lần thăm quê lâu nhất của tôi là khoảng 6 tuần, còn lại tôi sống ở Việt Nam” - O’Reilly kể.

Gần hai thập kỷ tiếp xúc mỗi ngày với thực phẩm, suy nghĩ, con người Việt Nam, sống cuộc sống Việt - với bạn bè, đồng nghiệp, người thân rất gần gũi, quan tâm đến nhau - người đàn ông 62 tuổi này thậm chí còn thấy cuộc sống ở đây quen thuộc đến nỗi “có thể nói là hơi chán mỗi khi về Úc”. “Tôi thậm chí cũng ít khi về Úc, vì mỗi lần tôi hỏi con trai rằng con muốn bố về thăm hay con sang đây thì cháu luôn bảo rằng muốn sang Việt Nam”.

O’Reilly nói có thể nhiều người sẽ không nghĩ về điều này và cho rằng đó là đương nhiên, nhưng với ông nó là món quà và ông rất thoải mái sống ở Việt Nam. “Mỗi khi tôi về lại Úc, nơi tôi gọi là quê hương, việc lái xe ở Úc làm tôi thấy căng thẳng hơn cả lái xe ở Việt Nam vì tôi đã quen với việc lái xe ở Việt Nam ngay cả trong giờ cao điểm” - ông kể.

20 năm không có nghĩa là O’Reilly đã hiểu hết và ngừng tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Trái lại, ông xem đó là điều mà ông, với vai trò một giáo viên nước ngoài, phải học mỗi ngày. “Nhờ có sinh viên của mình mà tôi có động lực để học về Việt Nam, hiểu về Việt Nam. Trong phạm vi của mình, tôi cố gắng giúp cộng đồng doanh nhân, người nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam bất cứ khi nào có thể” - ông nói.

Nhạy bén về công nghệ

Ông O’Reilly nhớ lại mình không nhận thấy sự khác biệt đáng kể về công nghệ giữa hai nước, ngoài điều duy nhất là ở Việt Nam lúc đó có ít người sở hữu máy tính riêng. Nhưng quan trọng hơn, theo ông, là số người sử dụng công nghệ và làm quen với công nghệ phần lớn là theo cách tích cực (có người chỉ chơi game, dĩ nhiên).

Thế hệ trẻ ngày nay sinh ra và trưởng thành với công nghệ, do đó công nghệ là điều rất bình thường với họ. Trong khi đó, những thế hệ trước, như thế hệ của chính ông thì phải vất vả tập làm quen vì những thứ này (và trong nhiều trường hợp vẫn tụt hậu).

Nhờ công nghệ và một hạ tầng Internet ổn định, cạnh tranh so với các nước đang phát triển đang có ở Việt Nam, ông O’Reilly có thể dạy hai lớp về quản lý dự án và tiếp thị trực tuyến cho các sinh viên của VGU từ cách đây ba tuần - khi trường học đóng cửa và phải chuyển sang dạy trực tuyến - hoàn toàn dễ dàng.

“Việt Nam có cơ hội để trở thành mái nhà công nghệ của thế giới nhờ lực lượng dân số trẻ và am hiểu về công nghệ. Nhiều ngành công nghiệp đã tận dụng công nghệ để vượt nhanh, nhiều loại công việc có thể làm từ xa, trong đó có lĩnh vực giáo dục của tôi” - ông nhận định.

Đây cũng là dịp để O’Reilly nhìn thấy rõ điểm khác biệt giữa thế hệ sinh viên thời ông mới đến Việt Nam và ngày nay. Sinh viên ngày xưa học theo cách truyền thống: đến lớp, vào thư viện tìm tài liệu, phụ thuộc nhiều vào bài giảng và kiến thức của giảng viên.

Ngày nay, họ có thể ngồi ở nhà và đọc tài liệu của bất cứ thư viện nào trên thế giới. Họ có thể ghi âm bài giảng, tham khảo bài trình bày của giáo viên, tải sách tham khảo điện tử, học từ rất nhiều nguồn miễn phí trên Internet miễn là biết “đãi cát tìm vàng”. Lợi thế của giới trẻ ngày nay là họ có rất nhiều nguồn thông tin nhưng cũng phải độc lập và có trách nhiệm nhiều hơn với việc học của mình, phải biết cách tìm thông tin ngay cả khi mình không biết.

Brian O’Reilly (bìa phải) tại một sự kiện của Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam ở Tây Ninh. Ảnh: NVCC
Brian O’Reilly (bìa phải) tại một sự kiện của Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam ở Tây Ninh. Ảnh: NVCC

Những đổi thay tích cực

Nếu so Việt Nam ngày nay với thời ông mới đến, O’Reilly cho rằng đã có đến 8 phần tích cực, mà rõ nét nhất là mức sống.

Ngày xưa, xe đạp và xe máy nhiều hơn. Ngày nay, xe máy và xe hơi nhiều hơn. Ngày xưa, ở những khách sạn lớn, như Caravelle hay Renaissance Riverside ở quận 1, vào sáng chủ nhật chủ yếu là người nước ngoài hoặc người nước ngoài và đối tác Việt Nam của họ ở đó.

Giờ đây, đi đến bất cứ chỗ nào vừa kể trên hoặc những nơi sang trọng mới ở TP.HCM, chỉ một số là người nước ngoài còn đa số là người Việt. Những chiếc xe sang ngoài đường, từ BMW, Mercedes... đều do người Việt sở hữu.

Theo ông, thay đổi này là kết quả của một sự tăng trưởng rất lớn về kinh tế, người dân giàu có hơn và có mức sống tốt hơn rất nhiều, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu, những người đang sống một cuộc sống tốt vừa vặn dù không nhất thiết phải có một chiếc xe sang.

Trường đại học ông làm việc gần 20 năm trước chỉ có vài trăm sinh viên, nay sĩ số lên đến vài ngàn. Theo ông O’Reilly, chính sự ổn định, an toàn mà Việt Nam đã duy trì trong thời gian dài vừa qua tạo ra một môi trường thuận lợi để người nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư, yên tâm tìm đến thử những cơ hội mới. Dĩ nhiên không phải là không có những vấn đề khác, như tình trạng quan liêu, nhưng là người làm ăn, họ tin tưởng sẽ không có biến động lớn và do đó họ tiếp tục dấn bước.

Như nhiều người khác, ông nhận thấy không khí ở TP.HCM trong lành hơn khi mọi người thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, ông lo ngại khi mọi thứ trở lại bình thường, kẹt xe, ô nhiễm sẽ lại xuất hiện. Vì vậy, ông hi vọng tốc độ xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho thế hệ trẻ cho Việt Nam sẽ được đẩy mạnh.

“Tôi đã có cuộc đời của mình và không quá lo lắng về nó. Tuy nhiên, thế hệ trẻ không muốn những thành phố xinh đẹp như Hà Nội, TP.HCM bức bối vì ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm. Nhiều người có lẽ đã bắt đầu nhận ra điều quan trọng là chỉ cần có cuộc sống tốt vừa phải.

Chúng ta cần suy nghĩ về những gì thực sự quan trọng mà trước đó mình không nghĩ đến. Tôi hi vọng điều gì đó sẽ thay đổi. Nó khó đấy nhưng chúng ta cần phải cố gắng” - ông chia sẻ.■

Những thay đổi theo hướng ngược lại, hay giẫm chân tại chỗ, là những vấn đề về giao thông và môi trường.

TP.HCM thời ông O’Reilly mới đến ít ngập nước hơn. Sau nhiều năm sống ở đây, ông cho biết mình phải cảnh giác, chủ động ở nhà nhiều hơn mỗi mùa mưa đến. Ông chia sẻ băn khoăn: “Tôi từng có xe hơi nên không phù hợp để nói điều này nhưng tôi tin chúng ta không muốn lấy của tương lai để làm nên hiện tại.

Tôi muốn người trên thế giới và Việt Nam nhận ra cần sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với môi trường và hành động bằng những việc thiết thực như làm việc ở nhà nhiều hơn, bớt các nhu cầu đi lại không cần thiết, sử dụng phương tiện công cộng”.

TP.HCM đã nói về kế hoạch xây dựng thành phố thông minh và ông O’Reilly hi vọng chính quyền có thể ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề của thành phố. Chúng ta đang tận hưởng tiện ích của cuộc sống ngày càng thông minh, hiện đại, như dịch vụ đặt xe công nghệ, nhưng đó chỉ là những gì sơ khởi.

“Nếu 10 năm trước có ai nói với tôi rằng “XE ÔM” là dịch vụ công nghệ tôi sẽ cười họ, nhưng nay thì chúng ta đã thấy công nghệ đã thay đổi cuộc sống của mọi người như thế nào” - O’Reilly nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận