Tương lai của wifi công cộng

LOAN PHƯƠNG 22/06/2016 00:06 GMT+7

TTCT - Khi hơn một nửa thế giới đã sở hữu điện thoại thông minh, câu hỏi về WiFi của tương lai là làm sao để sự kết nối phổ cập rộng khắp, nhanh hơn và an toàn hơn.

Một trạm phát WiFi thuộc dự án LinkNYC ở New York -wsj.com
Một trạm phát WiFi thuộc dự án LinkNYC ở New York -wsj.com

Trong tương lai, ngoài việc cung cấp WiFi miễn phí cho người dân và cả du khách, các mạng lưới WiFi ở thành phố phải đủ mạnh để xử lý lượng dữ liệu cực lớn, nhưng đồng thời cũng đủ linh hoạt để đáp ứng những tình huống gia tăng lượng truy cập bất thường, và ở những thành phố thật sự thông minh, kết nối được càng nhiều thứ càng tốt, như đèn tín hiệu giao thông với bảng giờ tàu điện ngầm.

Tìm hướng đi mới

Rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đang tìm những cách mới, mang tính đột phá để cung cấp WiFi công cộng ổn định và rộng khắp hơn cho người dân. Nhưng hầu hết các mạng lưới đều chưa đủ độ bao phủ về mặt địa lý. Mức đầu tư cho một hệ thống mới cũng sẽ là quá lớn cho những siêu đô thị hàng chục triệu dân.

Một đề xuất từ các chuyên gia là thay vì xây dựng các hệ thống WiFi công cộng hoàn toàn mới, các thành phố, với sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ Internet và điện thoại di động, nên nghĩ tới việc tận dụng hệ thống hiện có, như các máy phát WiFi tư nhân của các hộ gia đình, để tăng độ phủ và cường độ sóng.

“Hãy tưởng tượng việc biến mọi ngôi nhà có kết nối Internet trong thành phố hiện giờ thành một điểm phát WiFi phục vụ cộng đồng - tạp chí Computer Weekly tháng 4 vừa rồi viết - Làm sao để khi một người có đăng ký đi qua một mạng WiFi cá nhân, điện thoại của họ sẽ tự động kết nối vào mạng đó, với các hệ thống chia sẻ chi phí giữa thành phố và người sở hữu điểm phát WiFi.

Bằng cách đó, người có bộ phát WiFi sẽ giảm được tiền thuê bao hằng tháng, còn thành phố có thể cung cấp WiFi công cộng miễn phí mà không phải xây dựng mới một hệ thống hạ tầng viễn thông đồ sộ nhưng vẫn có nguy cơ quá tải liên tục”.

Thật ra, nhiều hãng cung cấp dịch vụ Internet quy mô toàn cầu như Comcast, Fon và Liberty Global đã triển khai hình thức “WiFi chia sẻ” này lâu rồi. Trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối và một “nền kinh tế chia sẻ” ngày càng lớn mạnh thì không có gì lạ nếu như chính hạ tầng của thế giới đó, sóng WiFi, cũng trở thành một kiểu “tài sản công xã”.

Cũng giống như mọi điều chia sẻ khác, một mạng WiFi như thế đi kèm với rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nhà cung cấp dịch vụ phải kiểm soát được lượng băng thông của người dùng để không thua lỗ. Cũng cần một cơ chế đảm bảo sự công bằng giữa những người chia sẻ, chính quyền và nhà cung cấp. Và tất nhiên, an ninh cùng sự riêng tư luôn là một vấn đề lớn.

WiFi miễn phí cho tất cả sẽ chưa thể thành hiện thực trong tương lai gần, nhưng một mô hình “những cộng đồng WiFi” nhỏ rải rác khắp thành phố là điều có thể hiện thực hóa.

Theo đó, qua công nghệ mới Điểm phát WiFi thế hệ tiếp theo (NGH), khi một người dùng có đăng ký bước vào một “cộng đồng WiFi”, thiết bị của họ sẽ tự động được kết nối với Internet, không cần tên đăng nhập và mật khẩu.

Tức là thay vì để thiết bị nhận diện bộ phát WiFi như hiện giờ thì bộ phát WiFi sẽ nhận diện thiết bị và chỉ mở cửa cho những thiết bị nào đã được đăng ký. NGH cũng cho phép người dùng chuyển đổi giữa các cộng đồng WiFi dễ dàng hơn, thay vì mỗi thay đổi bộ phát lại phải đăng nhập mới.

NGH được cho là đảm bảo an ninh tốt hơn, tốc độ nhanh hơn và giúp việc sử dụng sóng WiFi hiệu quả hơn nhiều so với hiện nay.

Cho tới nay, bảo trợ cho công nghệ mới là Liên minh băng thông rộng vô tuyến (WBA), một hiệp hội được thành lập năm 2003 để thúc đẩy những tiến bộ trong WiFi. Thành viên của WBA bao gồm những tên tuổi sừng sỏ nhất trong ngành: Google, AT&T, Boingo Wireless, Orange, Cisco, Intel, BT, China Mobile và hãng viễn thông hàng đầu Hàn Quốc KT.

Sở dĩ nhiều ông lớn phải ngồi lại với nhau như thế là vì NGH đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của nhà cung cấp thiết bị, hãng viễn thông, nhà mạng... Những nỗ lực chung đó, vì thế, cũng chỉ đang dừng lại ở mức độ thử nghiệm.

Thí nghiệm lớn nhất cho tới giờ là ở phi trường O’Hare tại Chicago, Mỹ. “Chúng tôi chọn O’Hare vì đó là một điểm rất tập trung - Christian Gunning, phó tổng giám đốc Boingo, hãng cung cấp dịch vụ kết nối Internet đặt ở Los Angeles với hơn 1 tỉ khách hàng cá nhân và là thành viên WBA, nói - Các hành khách đến đây từ khắp nơi trên nước Mỹ và sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, điều rất quan trọng với những thử nghiệm này”.

Thử nghiệm cũng được phủ kín cả sân bay thay vì chỉ vài cổng hay một nhà ga. Do nó chỉ mới bắt đầu, Boingo và Chicago O’Hare đều từ chối thảo luận về các kết quả, nhưng rõ ràng có nhiều vấn đề còn phải xử lý, nhất là hướng dẫn cho người dùng, trước khi NGH có thể áp dụng đại trà. Một vấn đề lớn nữa là sự thiếu tương thích của các thiết bị, nhưng WBA tỏ ra rất quyết tâm.

Một nghiên cứu của họ được dẫn lại trên trang công nghệ wired.com nói NGH sẽ chiếm 9% tổng lưu lượng WiFi toàn cầu và tạo ra doanh thu 150 tỉ USD cho các nhà phân phối tới năm 2018.

Các thành phố đang làm gì?

Cùng với các công nghệ mới là những giải pháp sáng tạo hơn cho việc cung cấp WiFi. New York chẳng hạn, đã biến các buồng điện thoại cũ của thành phố thành điểm phát WiFi, với mục tiêu từ giờ tới cuối năm sẽ phủ kín các quận trung tâm bằng sóng WiFi nhanh, miễn phí, tự động kết nối khi người có thiết bị ở trong vùng phủ sóng, chứ không cần đăng nhập, trong dự án lớn của họ là LinkNYC.

Nhiều thành phố khác cũng đã có các kế hoạch tương tự, nhưng hiện New York vẫn đang đi đầu. “Tốc độ cỡ nào ư? Nhanh chóng mặt - Joanna Stern, phóng viên của báo The Wall Street Journal đã dùng thử WiFi miễn phí tại New York, viết trên báo này vào tháng 1-2016 - Chỉ mất 45 giây để tải về một file nặng 1GB thường mất tới hai tiếng khi tôi ngồi cách điểm phát WiFi khoảng 3m.

Cũng file đó mất 6 phút mới tải xong ở mạng nhà tôi và 15 phút ở mạng WiFi miễn phí tại phi trường LaGuardia, còn dịch vụ của Verizon ư: 35 phút”.

Các điểm phát WiFi ở New York, sử dụng công nghệ NGH nói trên (hay còn gọi là Hotspot 2.0), được gọi là những “Passpoint”, chúng hoạt động như một trạm phát sóng điện thoại, ở đâu có sóng, ở đó có WiFi. Khi lần đầu tham gia vào mạng Passpoint, bạn cũng phải đăng ký như đăng ký với nhà mạng di động.

Passpoint có lợi thế về an ninh bởi không giống như các mạng mở bạn tìm thấy ở quán cà phê hay nhà hàng, Passpoint sử dụng mã hóa WPA2 giống như ở văn phòng hay nhà bạn.

Tuy nhiên, với tất cả sự thuận tiện và thích thú, chuyên gia về an ninh và bảo mật Mark Wuergler, người của Hãng Immunity được chính quyền thành phố New York thuê nhằm tìm ra những lỗ hổng của mạng WiFi kiểu mới, cảnh báo rằng “một cuộc tấn công vào hệ thống này ở thành phố New York, nếu nó được nhân rộng ra khắp nơi, là không thể tránh khỏi”, bởi mạng WiFi trở thành “một mục tiêu quá lớn và rõ ràng”.

CityBridge, doanh nghiệp được thành phố thuê triển khai hệ thống, nói họ có riêng một đội an ninh làm việc 24/7 để đảm bảo điều đó không xảy ra, nhưng Wuergler cho rằng mọi mạng WiFi đều sẽ có lỗ hổng an ninh.

Một nỗi lo khác là về quyền riêng tư của người dân. Liên minh quyền tự do dân sự thành phố New York (NYCLU) vào tháng 3 đã ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về LinkNYC. Trong tuyên bố, NYCLU nói việc người dùng phải trình địa chỉ thư điện tử để sử dụng thiết bị này cũng như lịch sử trình duyệt của họ có thể bị lộ trong khi dùng mạng WiFi mới có thể là mục tiêu hấp dẫn với các tay hacker ăn cắp thông tin cá nhân.

Thứ hai, NYCLU lo ngại LinkNYC có thể trở thành “sự do thám không cần trát tòa của cảnh sát New York với người dân”. “Các hoạt động sử dụng LinkNYC có thể được thu thập để tạo ra bộ dữ liệu khổng lồ trong tầm kiểm soát của cảnh sát New York - Donna Lieberman, tổng giám đốc NYCLU, nói trong tuyên bố - WiFi miễn phí ở nơi công cộng có thể là một nguồn lực vô giá cho thành phố, nhưng người dân New York cần hiểu có rất nhiều ràng buộc kèm theo”. ■

Lưu ý khi dùng WiFi công cộng

Trên các trang web mà bạn cần đưa vào dữ liệu cá nhân và mật khẩu, hãy nhớ để ý trong thanh địa chỉ đường dẫn là https. Nếu bạn không thấy đường dẫn như thế, bạn có thể bị đánh cắp thông tin.

Một mạng riêng ảo (VPN) tạo ra một kênh được mã hóa vào thiết bị của bạn dẫn tới Internet thông qua một máy chủ ở xa. “VPN giống như lái xe tăng ngoài chiến trường giữa hai bên là bộ binh, súng trường có thể khiến bạn dừng lại, nhưng không thể xuyên qua lớp áo giáp” - Wuergler nói. Với máy tính chạy trên hệ điều hành Windows và điện thoại Android, HotSpot Shield là một lựa chọn tốt; với người dùng iPhone và Mac là Cloak.

Xóa các dữ liệu đăng nhập ở mạng công cộng. Trừ khi đang dùng mạng ở nhà, đừng bao giờ chọn tùy chọn nhớ các dữ liệu đăng nhập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận