TTCT - Tiếp theo bài “Thủng nhĩ nào là an toàn?” trên TTCT ra ngày 26-5, kỳ này “Lá thư bác sĩ” sẽ cung cấp thông tin liên quan đến việc vá màng nhĩ và khả năng cải thiện thính lực mà bạn đọc quan tâm.

Phóng to

Vá màng nhĩ là một phẫu thuật nhằm đóng lỗ thủng ở bất kỳ vị trí nào trên màng nhĩ. Chỉnh hình chuỗi xương con là chỉnh sửa hoặc thay thế một trong ba hoặc cả ba xương con trong tai giữa là xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Lỗ thủng màng nhĩ cần được vá lại nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng tai giữa kèm chảy mủ tái đi tái lại, do vi khuẩn đi qua lỗ thủng và gây nhiễm trùng tai giữa, đặc biệt nếu nước vào trong tai.

Vá màng nhĩ trong nhiều trường hợp giúp cải thiện sức nghe mặc dù điều này không phải lúc nào cũng luôn luôn đúng.

Chỉnh hình chuỗi xương con được thực hiện nhằm cải thiện sức nghe khi có bằng chứng của sự mất liên tục chuỗi xương con do bào mòn, trật khớp, mất xương con. Chuỗi xương con bị mất liên tục có thể do các nguyên nhân như viêm tai giữa mủ mãn tính, cholesteatoma, chấn thương, bẩm sinh, hoặc do hậu quả các cuộc phẫu thuật tai trước đó.

Vật liệu (mảnh ghép) thường được sử dụng để vá màng nhĩ là cân cơ thái dương, mỡ, màng sụn, sụn hoặc tĩnh mạch. Cân cơ thái dương được sử dụng nhiều nhất vì hiệu quả và dễ lấy qua vết mổ. Vật liệu được sử dụng để tái tạo sự liên tục của chuỗi xương con là từ chính xương con (thường là xương đe), xương con nhân tạo là những bộ phận giả làm bằng teflon, silicon, titanium...

Phẫu thuật được thực hiện như thế nào?

Những triệu chứng cần gọi ngay cho bác sĩ: sốt cao, yếu, tê mặt mới xảy ra. Đau ngày càng tăng hoặc xuất hiện đau đầu. Đỏ và/hoặc phù nề xung quanh vết thương. Chóng mặt và ói mửa nghiêm trọng. Dịch chảy ra từ tai ngày càng nhiều và có mùi hôi.

Mục đích của phẫu thuật tai là loại bỏ hoàn toàn bệnh tích, đồng thời thực hiện việc tái tạo nhằm đảm bảo bệnh nhân có được tai khô, an toàn và cải thiện tối đa sức nghe có thể được.

Đường rạch da nhỏ được thực hiện ngay phía trước hoặc sau tai. Phẫu thuật có thể kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ tùy thuộc kích thước lỗ thủng và tổn thương chuỗi xương con.

Trong các cuộc phẫu thuật tai, khả năng lành bệnh và hồi phục chức năng nghe rất khác nhau phụ thuộc nhiều yếu tố bao gồm kinh nghiệm phẫu thuật viên, vị trí và kích thước lỗ thủng, tổn thương chuỗi xương con và tình trạng bệnh lý xương chũm bệnh nhân mắc phải. Nói chung, sức nghe không thể đánh giá trước sáu tuần do tai giữa còn phù nề và đầy máu tụ do quá trình phẫu thuật, toàn bộ ống tai ngoài được lấp đầy các chất tự tan.

Nhiễm trùng sau mổ là một nguy cơ tiềm tàng mặc dù rất thấp. Nguy cơ này có thể được loại bỏ hoàn toàn nếu đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tai khô ráo trước mổ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn trong mổ, lấy thật sạch bệnh tích và theo dõi sau mổ theo lịch hẹn.

Lưu ý sau mổ

Với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, dù lớn hay nhỏ, đều kèm theo phù nề vùng mô xung quanh. Bạn có thể có cảm giác tê bì vùng vành tai, trên tai. Điều này là do vết rạch da đi ngang các dây thần kinh cảm giác nông ở da. Cảm giác tê bì sẽ mất dần trong vài tháng. Có thể có rỉ máu ít từ vết rạch da. Điều này thường không đáng ngại lắm trừ khi máu chảy liên tục như vết cắt ngón tay.

Sau khi hoàn tất phẫu thuật, ống tai được lấp đầy với những vật liệu tự tan. Khi vật liệu này tan, bạn sẽ thấy dịch nâu đỏ chảy ra từ ống tai giảm dần kéo dài đến hai tuần. Trong 24-48 giờ đầu có thể khó chịu do băng ép trên tai. Một khi băng được tháo ra, khó chịu sẽ giảm đi. Thỉnh thoảng, có thể có những cơn đau nhói thoáng qua kéo dài một tuần sau phẫu thuật.

Cơ quan nghe và thăng bằng nằm chung hệ thống. Cả hai cơ quan nói chung rất tinh tế, do đó có thể bị sang chấn nhẹ trong lúc mổ. Bệnh nhân bị chóng mặt một vài ngày sau mổ. Điều này thường xảy ra đối với phẫu thuật xương bàn đạp hoặc tái tạo chuỗi xương con.

Ù tai và cảm giác đầy trong tai thường xảy ra trong 1-2 tuần sau mổ do máu tụ đọng trong tai giữa và các chất tự tan đặt ở ống tai ngoài cố định mảnh ghép màng nhĩ và da ống tai. Thỉnh thoảng, bạn có thể nghe tiếng lụp bụp nhẹ trong tai kéo dài vài tuần sau mổ. Điều này là do sự hấp thụ của máu và khí theo vòi nhĩ đi vào tai giữa. Nó là một phần của quá trình lành bình thường.

Bạn nên nằm đầu hơi cao một tí lúc ngủ trong tuần đầu. Điều này giúp giảm phù nề vết thương sau tai và trong tai. Bạn nên tránh tất cả các hoạt động làm gia tăng áp lực máu ở vùng đầu. Do đó, nên tránh gập người và nâng các vật nặng tối thiểu hai tuần sau mổ.

Bạn không nên xì mũi trong ba tuần. Cố gắng tránh nhảy mũi một vài tuần đầu sau mổ. Nếu bạn phải nhảy mũi, hãy cố gắng như ho nhưng cũng đừng ho mạnh quá. Bạn nên tránh các hoạt động thể lực quá mức trong một tháng đầu sau mổ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận