​“Về quê” giữa lòng thành phố

ĐOÀN BẢO CHÂU- YẾN TRINH 24/01/2015 21:01 GMT+7

Cuối tuần thay vì quanh quẩn trong căn nhà phố chật hẹp, chỉ sau 15 phút chạy xe cả gia đình anh Nguyễn Công Hùng (quận 1) đã đến Family Garden, khu vườn rộng hơn 5.000m2 ở Thảo Điền, quận 2, để tìm về một thú vui rặt không khí làng quê, ruộng vườn ngay tại Sài Gòn.

Phụ huynh và các bé tự tay hái rau, dưa leo ở Family Garden- YẾN TRINH

Một tay cầm rổ, tay kia cầm chiếc kéo nhỏ xíu, bé Mai Kim Cúc (6 tuổi) lóng ngóng chọn cắt trái dưa leo khuất trong vòm lá xanh thẫm. “Được rồi!” - bé reo lên, cẩn thận đặt trái dưa vào rổ. Quay qua luống mồng tơi, với sự hướng dẫn của mẹ, bé cũng thử thu hoạch vài đọt.

Trán lấm tấm mồ hôi, tay dính đất cát nhưng gương mặt cô bé rạng rỡ, cứ chạy tới chạy lui giữa những luống rau như một nông dân nhí.

“Thì ra đây là dây dưa leo mẹ ơi”

Cúc cười toe nói với mẹ như một khám phá thú vị lúc mân mê trái dưa leo vì “con tưởng nó mọc trên cái cây có thân cao!”. Chếch phía góc trên, ở cái ao có cầu ván bắc ngang, một cặp vợ chồng đang vừa chỉ bầy vịt rỉa lông, vừa giảng giải cho con mình đặc tính thích bơi lội của chúng.

Tất cả dân dã đến mức người ta chỉ có thể nhận ra đây vẫn là thành phố khi nhìn ra xa là những cao ốc, khu căn hộ cao cấp chọc trời.

Chị Nguyễn Thị Trâm Anh, mẹ của bé Cúc, cho biết đây là lần đầu chị và chồng đưa con mình đến khu vườn này. “Cuối tuần, nhiều khi tôi không biết phải đưa con đi đâu chơi, nên việc đến chỗ này cho bé nhìn ngắm rau củ quả còn trên cành, tự mình thu hoạch... rất thú vị. Đây cũng là cách biến những bài học về cây cối trong sách giáo khoa thành ví dụ sinh động” - chị chia sẻ.

Sau khi chừng 4-5 gia đình đến, chị Thùy Dung, nhân viên Family Garden, bắt đầu tập hợp các bé nhiều độ tuổi lại. Trên chiếc bàn nhỏ giữa không gian mát rượi của tiết trời cuối năm, chị Dung bắt đầu cho các bé chơi trò chơi. “Đố các bé đây là trái gì, lá gì?”, “Chúng dùng làm món gì?”, “Bé nào chỉ cho cô ngoài vườn có trái nào giống vậy không?”...

Chị vừa hỏi vừa hướng dẫn các bé cách gọi tên, phân biệt các loại rau trái có mặt ngoài vườn. Những cánh tay nhỏ xíu giơ lên hào hứng trả lời. Tiếp đến là phần làm đất, gieo đậu và tưới nước trên một thùng xốp, tất cả các bé đều thích thú tranh nhau làm thử. Đứng bên ngoài, các bậc cha mẹ hào hứng khuyến khích con tham gia và liên tục chụp ảnh lại những khoảnh khắc vui chơi hồn nhiên của con mình.

“Trước đây hễ con mè nheo là tôi đưa cho cháu cái điện thoại, iPad chơi. Tôi cứ nghĩ con mình thụ động vì không thấy bé nói gì, nhưng từ lúc đến đây tôi mới biết con rất nhanh nhẹn và lanh lợi, cả nhà cũng có dịp trò chuyện với nhau nhiều hơn” - anh Lê Lâm, cha của hai bé 3 và 5 tuổi, bày tỏ.

Dù nhà ở quận 8, hằng tháng anh vẫn đưa con đến đây chơi, thăm nom cẩn thận mấy cây bắp ba cha con đã trồng chờ ngày thu hoạch.

Tập làm đất, gieo hạt ở Family Garden - YẾN TRINH

Từ ý tưởng thiết kế cảnh quan sân vườn

Một mô hình 100% gắn bó với nông nghiệp như thế lại có khởi điểm không hề “nông nghiệp” chút nào. Chị Nguyễn Quỳnh Trân (35 tuổi), giám đốc Family Garden, xuất thân là dân thiết kế, chuyên về kiến trúc cảnh quan.

Khi tìm được mảnh đất này ở quận 2, chị chỉ định làm một khu vườn nhỏ thử nghiệm các ý tưởng thiết kế cảnh quan sân vườn cho công ty, đồng thời làm nơi mua bán một số nông sản mang lên từ quê ở Lâm Đồng.

Tuy nhiên, từ phản hồi quá tốt của khách đến chơi, chị bắt đầu đào thêm ao, dựng thêm nhiều nhà chòi, mang đất trồng từ Hóc Môn về bồi thêm và bắt đầu mở cửa cho khách vào tham quan miễn phí, khách chỉ phải trả tiền hạt giống khi gieo trồng hoặc nông sản thu hoạch được. Ngoài ra, vườn cũng cho khách thuê riêng đất nếu có nhu cầu tự trồng trọt và tính phí theo tháng.

“Là dân thiết kế nên ngay từ khi bắt đầu, tôi đã rất chú ý sắp xếp, bố trí sao cho mọi thứ thật hài hòa và dân dã. Trong các chi tiết ở đây, điều làm tôi hài lòng nhất là đào ao. Ao ở đây lấy nước trực tiếp từ sông Sài Gòn, nhờ có cái ao này nên không khí trong vườn lúc nào cũng dịu mát, thêm nữa mình còn có thể nuôi vịt, nuôi cá, thậm chí hút nước cạn để các bé chơi tát cá cũng được. Nhiều khách còn đặt cả tiệc cơ quan, tiệc sinh nhật ở đây vì không gian thoáng, có gió sông rất mát mẻ ban đêm” - chị Trân cho biết.

Xa trung tâm thành phố hơn một chút, mô hình vườn dưa lưới Vuông Tròn tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi rất thu hút các gia đình tìm đến thư giãn, chăm sóc và thu hoạch dưa lưới vào cuối tuần. Ngoài ra, khách còn được tham quan thêm vườn lan, trại nấm ở gần đó.

Cây dưa lưới một tháng tuổi ở nhà màng Vuông Tròn - YẾN TRINH

Đưa cả gia đình gần 10 người từ quận 7 xuống đây thăm thú, chị Nguyễn Thị Bích Vân giải thích: “Quê tôi ở ngoài Bắc, mỗi lần về là một lần khó, đi đến đây gần hơn nhiều. Cảm giác tay mình chạm vào từng lá dưa xanh ngắt, hít thở không khí trong lành dưới quê như thế này giống về quê thật sự vậy. Cứ hai, ba tháng, khi dưa lưới ở đây bước vào vụ thu hoạch, tôi lại rủ gia đình, bạn bè xuống đây chơi”.

Không chỉ có khách lẻ, nhiều trường học cũng bắt đầu chọn nơi này như một địa điểm dã ngoại, tìm hiểu về thiên nhiên, dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Anh Nguyễn Minh Nhân, đại diện Công ty Vuông Tròn, cho biết: “Nhờ phụ huynh đến chơi rồi giới thiệu, một số trường ở Gò Vấp, Tân Bình đã bắt đầu đưa học sinh đến đây vì thời gian di chuyển ngắn, chi phí lại không quá cao. Sắp tới chúng tôi đang định đẩy mạnh các dịch vụ dành riêng cho trường học, lồng ghép kiến thức vào quá trình tham quan cho các bé”.

Các gia đình tham gia Family Garden thích thú hái mướp - YẾN TRINH

Cầu nối đến nông sản quê

Không chỉ đơn giản là đến tham quan chốc lát rồi về, mô hình vườn ruộng này còn mang đến cho khách “quyền làm chủ cây trái”. Ở Vuông Tròn, khách có thể gọi điện đặt cây cho riêng mình với mức giá khoảng 250.000 đồng/cây, công ty sẽ gửi mã số cây và hằng tuần nhân viên tại vườn đều chụp ảnh, cập nhật tình hình phát triển của cây, gửi qua email cho khách hàng.

Khi cây đã bước vào vụ thu hoạch, khách sẽ có hai lựa chọn: đến tận vườn thu hoạch hoặc nhân viên giao dưa lưới về tận nhà.

Có mặt tại vườn dưa lưới Vuông Tròn, dễ dàng nhận thấy hàng ngàn cây dưa lưới nằm gọn gàng, xanh tươi trong các nhà màng, hầu hết đều đã có trái vừa chín tới, sẵn sàng chờ chủ đến mang về.

Giải thích về lựa chọn kinh doanh khá khác biệt của mình, anh Nhân cho biết: “Nếu khách nhìn thấy được cây của mình từ lúc còn là hạt giống đến khi ra hoa kết trái, họ sẽ tin tưởng hơn vào chất lượng trái. Mỗi vụ chúng tôi có 200-300 khách, có khách đặt đến 20-30 cây/vụ, lấy trái mang đi biếu các đối tác, khách hàng của họ”.

Chị Võ Thị Thương (Q.Gò Vấp), một trong những khách hàng đầu tiên ở Vuông Tròn và đến nay vẫn đều đặn đặt hàng, cho biết thêm: “Tôi vốn rất ngại mua dưa bên ngoài vì sợ họ dùng nhiều thuốc trừ sâu độc hại. Riêng chỗ này tôi tin tưởng hơn vì công ty có kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn và trình bày rất rõ ràng về cách chăm sóc dưa, quy trình trồng sạch”.

Ngoài việc thu hoạch, khách thậm chí có thể tự mình nấu nướng, chế biến các sản phẩm vừa thu hoạch được. Giữa cảnh nhà quê ở Family Garden, sau khi đi hái trái, mọi người tập trung vào chái bếp giữa vườn nhờ các chị bếp nấu nướng. Chẳng mấy chốc, bắp luộc bắt đầu dậy mùi, khoai lang đang dần chín. Các em bé đều thích thú, xuýt xoa gặm trái bắp nóng hổi, người lớn thong thả chuyện trò, làm quen với nhau.

Có ngày khách quá đông, các mẹ dắt con đến chơi xắn tay vào bếp luôn, người rửa rau người chiên xào í ới. Ngay cả người nước ngoài đến chơi cũng không đứng ngoài cuộc.

Anh Fenton Robert, người Úc, cùng vợ và con gái 4 tuổi thích thú học theo các chị làm bếp ở đây cách cuốn chả giò, làm ram bắp. Fenton vui vẻ nói: “Tôi làm việc ở Sài Gòn đã lâu, nhưng việc nấu các món ăn Việt Nam vẫn còn là điều xa lạ với cả hai vợ chồng. Ở đây người ta cung cấp cho mình nguyên vật liệu để làm thử nên tôi quyết định hôm nay phải có một bữa ra trò mới được!”.

Chia sẻ thêm về tiềm năng phát triển mô hình dã ngoại nông nghiệp trong lòng thành phố, chị Quỳnh Trân, giám đốc Family Garden, cho biết: “Nước mình cái gốc vẫn là làng quê nông thôn, người lớn hầu hết đều có một vùng quê trong lòng mình, và cũng rất mong con cháu mình dù ở phố thị nhưng cũng biết được trái bầu, trái bí, con vịt...

Có được chỗ nào dân dã, thôn quê giữa lòng thành phố là nhiều người rất thích. Tôi nghĩ những khu vườn này sẽ còn tiếp tục mở rộng trong thời gian sắp tới vì hiện đã có nhiều người tìm hiểu đầu tư mô hình này”.    

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận