Vì sao "họ" dám dùng, ta lại sợ?

XUÂN ANH 23/01/2013 20:01 GMT+7

TTCT - Theo dõi loạt bài “Sống cùng công nghệ cao” trên TTCT (xem TTCT từ số ra ngày 24-11-2012), tôi có cảm giác không ít người đang “cảnh giác cao độ” hoặc bất lực trước các loại mạng xã hội.

Trong khi đó thực tế số người tham gia các mạng xã hội này nói chung ngày càng tăng. Chỉ riêng Facebook từ lâu đã vượt mức 1 tỉ người.


Cái chạm tay của Đức giáo hoàng Benedict XVI vào Ipad để gửi đi thông điệp đầu tiên qua mạng xã hội Twitter hồi tháng 12-2012 đã được báo giới ghi lại - Ảnh: CPP/Polaris


Mới đây, New York Times cho biết giữa tháng 12-2012, Đức giáo hoàng Benedict XVI lần đầu tiên đã lên Twitter bằng iPad của ngài, gửi thông điệp bằng tám thứ tiếng đến các giáo dân (1). Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm việc này từ vài tháng trước và số người kết nối với ông đã lên tới hơn 5 triệu (2).

Dĩ nhiên, không phải giáo hoàng hay Đạt Lai Lạt Ma tham gia mạng xã hội vì “thời thượng”. Chắc chắn đó cũng chỉ là một phương tiện để họ vươn tới hàng triệu tín đồ. Vậy tại sao họ dám dùng? Họ không có nỗi sợ như chúng ta? Trong khi danh sách người kết nối với họ dài hơn chúng ta cả ngàn lần và những vấn đề họ đưa lên trang mạng xã hội cũng có thể gây tranh cãi hơn chuyện của chúng ta cả ngàn lần...

Vì sao họ dùng một thứ mà ta thấy cám dỗ và nguy hiểm đến vậy? Tôi cho rằng vì họ mạnh. Mạnh nên thắng được bản thân, không sa vào những niềm ham muốn khoe mẽ, tò mò tọc mạch mất thời gian mà chúng ta không cưỡng được. Họ biết dùng các mạng xã hội để làm được những việc nếu bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để làm, mà kết quả không thể nào bằng được.

Con dao hai lưỡi

Công nghệ cao luôn là con dao hai lưỡi, mà lưỡi độc hại, khốn thay, thường đến từ trong chính chúng ta. Những lời than về các mạng xã hội chính là than về sự yếu đuối trong ta.

Tôi không phải là người am hiểu Internet, cũng không phải tuýp chuộng công nghệ. Nhưng tôi đã lướt net từ lâu bởi các tiện ích mà Internet mang đến cho công việc của tôi - một loại công việc cần phải đọc nhiều và tìm kiếm, tổng hợp thông tin.

Tôi còn là một bà mẹ có con gái đang tuổi trung học. Khi Internet mới “du nhập” vào gia đình, tôi quyết định đặt máy tính ở phòng chung để có thể dễ dàng “quan sát” con từ xa. Và từ khi con gái có tài khoản Facebook thì tôi cũng phải mở tài khoản cho mình, cũng để “quan sát” con từ xa. 

Trong khoản này Facebook khá “được việc”. Nhớ lại ngày xưa, “bốc phét” với bố mẹ về những người bạn thân tốt lành, làm sao bố mẹ kiểm chứng được. Tất cả là qua một lời kể của một đứa đang muốn tạo hình ảnh tốt về bầu không khí xung quanh nó cho bố mẹ yên lòng. 

Ngay nay, với Facebook và thêm một chút cẩn trọng, bình tĩnh, tôi đã biết rõ hơn bạn bè của con tôi là ai, có phải là cậu bé mê bóng bàn, cô bé thích nấu ăn như con kể tôi nghe không... “Add friend” với con, tôi có thể “thoải mái” tìm hiểu. Đọc một mẩu nhắn gửi của con, các bình phẩm của bạn con, tôi có thể biết con và bạn con đang quan tâm chuyện gì, có gì bức xúc, có gì mong muốn, chiều sâu của những mối quan tâm đó...

Mạng xã hội, hay ở đây cụ thể là Facebook, giúp người ta “lọc” người nhanh hơn. Xưa kia chọn người yêu cũng chỉ có vài nguồn thông tin ít ỏi, toàn có lợi cho “đối phương”, khó kiểm chứng. Nay dùng Facebook, bạn có thể đánh giá nhanh người này kín đáo hay khoe khoang? Bạn của họ là dạng nào? Họ sử dụng thời gian ra sao? Họ có biết giữ bí mật không hay cái gì cũng phải “chia sẻ”?

Ta cũng có thể, qua Facebook, dạy con cẩn thận hơn để không bị tổn thương cũng như chớ nên bất nhất, nói dối. Toàn là những bài học bố mẹ có dạy hoài cũng không thuộc được. Tôi nhớ có một chuyện phim Mỹ, trong đó cô sinh viên hào hứng đưa lên Facebook bức ảnh chụp cảnh cô uống rượu cùng bạn bè trong một bữa tiệc cuối năm học. Sau đó khi ra trường tìm việc, một kẻ “ghen ăn tức ở” đã mail link bức ảnh đó cho ông chủ tương lai của cô. Kết quả là cô không được nhận vào vì bị cho là nói dối (cô đã khai trong hồ sơ mình không nghiện thuốc lá, rượu chè...).

Trang Twitter của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Dùng dao giỏi chỉ dùng lưỡi tốt

Trong “Sẹo Facebook”, tác giả Nguyễn Trương Quý có đề cập việc sử dụng mạng xã hội trong công sở. Tôi cũng không ủng hộ việc nhân viên “nuôi thỏ”, “đổ kẹo” hay buôn chuyện trên mạng trong giờ làm việc. 

Nhưng mặt khác, nếu là một người quản lý, mạng xã hội sẽ cho phép bạn hiểu thêm nhân viên. Bạn có thể biết cô X đang có nỗi buồn trong gia đình, C đang hân hoan vì tết này có người thân ở nước ngoài về, H mừng vì mới mua một quyển sách mới, L đang hỏi thăm địa điểm tham quan đâu đó... 

Qua mạng xã hội, bạn biết được con người ẩn sâu của đồng nghiệp hóa ra rất lãng mạn, thích chụp ảnh kiểu bông hồng ngậm sương chẳng hạn...

Dĩ nhiên, người ta luôn đến với mạng xã hội vì những mục đích tốt. Nhưng rồi lưỡi dao xấu trong chúng ta lộ dần. Chúng ta dùng Facebook để theo dõi đối thủ, tò mò chuyện hai đứa kia còn yêu nhau không, con nhỏ ấy vui lại chưa. Chúng ta dùng Facebook để bạ cái gì cũng khoe, đến nỗi vào quán ăn việc đầu tiên là chụp cái hình, thông báo đã đến, đã gọi và đã chụp. Chúng ta dùng Facebook chỉ để viết những câu ngăn ngắn có vẻ thông minh, nhưng sự thật nếu bắt nghĩ sâu hơn, dài hơn thì tắc tị. Cái ham muốn có khán giả tức thì được Facebook đáp ứng triệt để. Tung một thứ gì ra, chút sau đã có “like”, có bình luận, có xin “share”. Còn gì thích hơn cho những người bình thường trong vòng ít phút được là ngôi sao giữa một nhóm nhỏ?

Đúng như tác giả Nguyễn Trương Quý nói, nghiện Facebook cũng như nghiện các thứ khác. Thế thì hãy thôi than về nó như đừng than về rượu, về thuốc lá, mà hãy than về bản thân người sử dụng. Các mạng xã hội nếu dùng đúng sẽ tiết kiệm cho người dùng rất nhiều. Chúng mang lại nhiều thông tin mà chúng ta có bỏ lắm thời gian, tiền bạc cũng khó mua được.

Giáo sư ĐH Oxford Susan Greenfield từng quan ngại, và đã đúng, đây là thời mà công nghệ đang từ vị trí “phương tiện” trở thành “mục tiêu”, đang từ vai trò nhằm cải thiện cuộc sống trở thành một lối sống. Nhưng để nó biến hóa và đổi vai như thế rốt cuộc là do ta, tại ta. Còn nếu vẫn không tin, bạn có thể xin kết nối với Đức Đạt Lai Lạt Ma và hỏi ngài bí quyết làm sao để khỏi vừa mở mắt ra là đã ôm chầm lấy máy.

“Lướt” và “cưỡi” sóng

Bạn có thể ngồi lo âu cho những tác hại của mạng xã hội, nhưng đừng quên một thực tế có nhiều người đang sống tốt, thậm chí rất tốt, nhờ biết tận dụng truyền thông xã hội.

Đến nay, không chỉ mỗi mình ông chủ Facebook Mark Zuckerberg giàu lên nhờ Facebook. Có những doanh nhân sau khi lướt net đã biết “cưỡi” cơn sóng mạng xã hội này để gặt hái. Gary Vaynerchuk là một thí dụ. Xuất thân là một người buôn rượu, nhờ biết tranh thủ mạng xã hội mà anh chàng đã thành công và trở thành người tư vấn cho các doanh nhân cách sử dụng mạng xã hội để bán hàng. Vaynerchuk kể hồi anh bắt đầu chơi Twitter, không ai biết đến anh.

Để xây dựng thương hiệu của mình, anh bắt đầu trò chuyện xoay quanh đề tài anh quan tâm nồng nhiệt: rượu. Anh dùng Search.Twitter để tìm những “mention” (bàn luận trên Twitter) về rượu Chardonnay. Mọi người bèn đặt câu hỏi và anh trả lời...

Nếu người ta nói họ đang uống Merlot, anh cho lời khuyên về Merlot nhưng không đề cập tới việc mua Merlot trên trang web của anh. Anh cũng không cố tiếp cận quá sớm, mà tập trung đầu tư vào mối quan hệ trước. Cuối cùng, người ta bắt đầu “biết” anh và nghĩ: “Ê, cái tay Vaynerchuk này biết về rượu Chardonnay. Ái chà, anh ta có kinh doanh rượu, để thử xem nào. Ê, tay này vui tính đây. Anh ta có bán rượu, lại giao hàng miễn phí nữa. Thử một chai coi nào...”. Bằng cách đó, Vaynerchuk kể anh đã xây dựng nên thương hiệu của mình (*).

Đó chỉ là một trong số không ít ví dụ cho việc biết “cưỡi” sóng sẽ giúp bạn thế nào. Cho nên thay vì lo âu, né tránh con sóng, bạn hãy tìm cách đối đầu, hay sống chung với nó thế nào có lợi nhất cho bạn, gia đình bạn. Gary Vaynerchuk đã ví von một cách hình tượng về thế giới chúng ta đang sống: thuở trước, ông bà ta khắc phục khoảng cách bằng những đoàn tàu. Ngày nay đoàn tàu đó là Web 2.0, có tên là truyền thông xã hội. Nó chạy dọc đường ray web với tốc độ khổng lồ khiến Internet vốn dĩ lặng lẽ, ẩn danh trở nên rôm rả, trực tiếp và công khai. Mọi người không chỉ biết nhau mà còn có thể biết rõ những chuyện vụn vặt về nhau, sở thích của nhau, mạnh yếu của nhau.

Những thông tin trước đây người ta phải bỏ công tìm kiếm, thậm chí phải thuê người tìm kiếm, kể cả mua lại, giờ nhan nhản. Bạn chỉ cần biết cách sàng lọc không chỉ nội dung thông tin mà cả phương thức truyền đi thông tin đó, làm lợi cho mình hay cho công ty mình. Có nghĩa bạn có thể chọn nhảy hay không nhảy lên đoàn tàu đó, nhưng đừng quên rằng “trò chơi mà tất cả đã học cách chơi rốt cuộc cũng bắt đầu thay đổi”.

___________

(*): The Thankyou Economy. Gary Vaynerchuk. Bản dịch tiếng Việt: Nền kinh tế cảm ơn (NXB Trẻ)


___________

(1): http://www.nytimes.com/2012/12/13/world/europe/the-pope-now-on-twitter-posts-his-first-message.html

(2): https://twitter.com/DalaiLama

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận