Wakaz Hassan (Iraq) - Con đường dẫn đến Nhà nước Hồi giáo

THANH GƯƠNG (CHUYỂN NGỮ) 07/10/2016 01:10 GMT+7

TTCT - Điều đặc biệt thu hút người đối diện là cặp mắt. Wakaz Hassan, 22 tuổi, người cao lêu nghêu, có một cặp mắt khiến gương mặt mang vẻ khác thường so với những người cùng trang lứa: đôi mắt nâu thẫm, quầng đen như được tô bút chì trang điểm, cái nhìn mang một vẻ bí ẩn sâu kín, như chứa đựng cả một thế giới đầy gian truân mà anh ta đã phải trải qua.

Wakaz Hassan (hình mô tả lại cảnh anh ta bị lực lượng an ninh của chính phủ Kurdistan bắt trong quá trình chạy trốn ly khai IS)
Wakaz Hassan (hình mô tả lại cảnh anh ta bị lực lượng an ninh của chính phủ Kurdistan bắt trong quá trình chạy trốn ly khai IS)

 

Tuổi thơ phẳng lặng

Đến tận năm 2003, khi Wakaz 8 tuổi (là em út trong bốn anh em, bố là nhân viên ngân hàng, mẹ nội trợ), cuộc đời vẫn trông có vẻ bình thường, phẳng lặng. Anh ta lớn lên ở Dawr, một vùng thôn quê nằm dọc sông Tigris, cách thành phố Tikrit 15 phút đi xe.

Mọi chuyện bình lặng đến ngày 3-4-2003, khi Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq. Tikrit - thành phố quê hương của Saddam Hussein - được xem là “căn cứ địa” của Đảng Baathist (Phục hưng, đảng của Saddam Hussein), do đó là một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của Mỹ.

Đến giữa tháng 4, quân đội đồng minh đã chiếm đóng toàn bộ cơ sở hành chính và quân sự trong thành phố. Ở vùng quê Dawr của Wakaz, trong cuộc hành quân ngày 15-5, lính Mỹ bắt giữ khoảng 30 người tình nghi phần tử Baathist. Đến giữa tháng 12-2003, cũng ngay ở Dawr, lính Mỹ đã tìm ra được một hầm trú ẩn và lôi Saddam lên mặt đất.

Wakaz không có khái niệm nào về những gì đang diễn ra xung quanh. Gia đình cậu ta thuộc sắc tộc Sunni, cũng như phần đông dân cư vùng Tikrit, không thuộc loại đặc biệt sùng đạo, cũng chẳng mấy quan tâm chuyện chính trị.

Wakaz kể: “Chuyện học hành đối với tôi là cả một cực hình”... Sau nhiều lần phải ở lại lớp, Wakaz bỏ học. Đến tuổi thiếu niên, Wakaz nhập vào đám trai trẻ thất nghiệp và lay lắt qua ngày bằng cách đi làm thợ phụ xây cất... Nhìn chung, cuộc đời của Wakaz đến lúc ấy vừa nghèo khổ vừa vô nghĩa.

Mohammed - anh trai cả của Wakaz - theo con đường khác: thay vì tìm việc làm, anh ta được chính quyền Saddam thu nhận làm nhân viên tình báo của lực lượng an ninh địa phương, điều này ít nhiều cho phép gia đình Hassan nuôi một vài hi vọng.

Nhờ vào chính sách phân phát quyền lực (và quyền lợi) trong dòng họ và bè đảng của Saddam, Wakaz hi vọng Mohammed sẽ được thăng tiến trong guồng máy địa phương đến độ có thể tìm được cách để đưa cả ba người em trai vào làm việc trong lực lượng an ninh.

Sóng gió nổi lên...

Tháng 6-2014, hàng loạt sự kiện đã làm thay đổi tận gốc rễ số phận người thanh niên Wakaz 19 tuổi. Đầu năm 2014, quân phiến loạn IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) đã đánh chiếm được Fallujah, một thành phố nằm trong vùng Anbar có địa thế chiến lược quan trọng, để từ đó lần lần lấn chiếm và kiểm soát hàng loạt thành phố, làng mạc trong vùng.

Thời đó Wakaz không biết mấy về đám IS, chỉ biết đám này muốn thiết lập một Caliphate Hồi giáo trên những khu vực của sắc tộc Sunni ở Iraq (Caliphate là một mô hình “chính phủ”, trong đó đứng đầu là một vị Caliph, được xem là người kế vị bậc “tiên tri Hồi giáo” Muhammad và cũng là giáo chủ của toàn thể cộng đồng Hồi giáo).

Những tháng sau đó, Wakaz, như phần lớn thanh niên ở Tikrit, có dịp xem những video của IS phát tán trên Internet nhằm tuyên truyền và kêu gọi “tòng quân”.

Những video này cho thấy hình ảnh những đoàn chiến binh, được gọi là “hiệp sĩ” trong các video, với những bộ quân phục hoành tráng, đeo mặt nạ đen, ngồi trên những chiếc xe Toyota Land Cruise lộng lẫy phấp phới cờ đen (cờ của IS).

Cũng có những video khác mang nội dung thê thảm như những cuộc hành quyết tập thể hay treo người một cách dã man trên thập tự giá. Nhưng Wakaz thề rằng anh ta chưa bao giờ thấy những video đó.

Trong vòng sáu tháng đầu năm 2014, chiến binh IS đã tiến đến vùng ngoại ô phía tây Mosul, thành phố quan trọng nhất của vùng phía bắc Iraq với 2 triệu dân, cách Tikrit 230 cây số, cách thủ đô Baghdad 180 cây số về phía nam.

Người ta đồn rằng chỉ với 1.500 chiến binh, thậm chí ít hơn, IS đã chiếm được Mosul chỉ trong vòng hai ngày, khiến hàng chục ngàn binh sĩ của quân đội và lực lượng an ninh chính quyền Iraq tháo chạy. Sau khi đánh chiếm Mosul, đám phiến loạn IS đã tiến nhanh về khu vực Nhà máy lọc dầu Baiji nằm cách khoảng 50 cây số ở phía bắc Tikrit.

Ngày 11-6, họ tiến vào Tikrit. Quân đội Iraq đã không có một kháng cự nào, thậm chí còn tranh nhau tháo chạy, bỏ lại hàng tấn vũ khí, đạn dược rơi vào tay địch. Nhưng đa số người dân trụ lại, trong đó có gia đình của Wakaz.

Cuộc tiến công tháng 6-2014 của IS đánh dấu một trong những chiến thắng quân sự lạ lùng nhất trong lịch sử cận đại: chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, một đạo quân du kích, cùng lắm chừng 5.000 người với vũ khí nhẹ, đã đánh tan một quân đội hiện đại đông hơn gấp 20 lần, được trang bị vũ khí trị giá mấy tỉ đôla, chiếm cứ và kiểm soát hàng loạt trung tâm đô thị với 5 triệu dân cư.

Sự đại bại của quân đội Iraq phần lớn do yếu kém nhân sự, nhưng chắc chắn quan liêu hành chính và tham nhũng cũng đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian 8 năm của Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki, đa số sắc tộc Shiite tại Iraq đã hầu như độc chiếm quyền lực ở toàn bộ đời sống chính trị - xã hội Iraq, trong đó có cả quân đội, và thống trị sắc tộc Sunni.

Với phần lớn dân cư ở các vùng thuộc sắc tộc Sunni, trong đó có Baiji và Tikrit, sự thống trị đàn áp này làm họ thù ghét chính phủ trung ương và quân đội. Dĩ nhiên, quân đội Iraq thừa biết sự thù ghét này, do vậy khi chỉ mới có vài dấu hiệu xuất hiện của chiến binh thuộc sắc tộc Sunni của IS, quân đội đã tháo chạy.

Lần hành quyết đầu tiên

Sau khi chiếm được các thành phố, làng mạc, IS mở chiến dịch kêu gọi “tòng quân” tham gia đấu tranh chống nhà nước trung ương. Một trong những tân binh là Wakaz Hassan.

“Thật ra cũng chẳng phải vì lý do tôn giáo - Wakaz khẳng định - Cũng chẳng phải do sự đồng tình đường lối chính trị với đám quân IS, bởi ở thời điểm đó tôi cũng không biết rõ đám quân của IS chiến đấu cho cái gì.

Tôi làm là vì ông anh cả Mohammed bảo tất cả chúng tôi, những người sắc tộc Sunni phải đoàn kết với nhau”. Thật ra có một lý do mà Wakaz cố tình không nhắc đến. Mùa hè 2014, kho bạc của IS đầy ứ tiền nhờ kiểm soát được các khu vực khai thác dầu khí ở phía đông Syria, nhiều tiền đến độ IS dám trả lương 400 đôla/tháng cho một chiến binh hạng bét.

Đó là một số tiền cực lớn, hơn rất nhiều so với đồng lương công nhật của một lao động chân tay như Wakaz. Sau đó, việc chiếm cứ được khu lọc dầu Baiji càng làm két sắt của IS đầy thêm.

Khi IS tiến vào thành phố Tikrit hôm 11-6, anh em Wakaz và Mohammed đã là chiến binh IS, góp phần vào những tội ác ghê tởm trong khi IS chiếm Tikrit. Phía bắc Tikrit có một trường huấn luyện quân sự rất lớn của quân đội Iraq, được gọi bằng một cái tên rất Mỹ là “Camp Speicher”.

Khi quân của IS tiến vào, các lãnh đạo, các đơn vị bảo vệ trường huấn luyện đã tháo chạy, bỏ lại hàng ngàn học viên. Sau khi phân loại học viên dựa trên “lý lịch sắc tộc”: Sunni một bên, Shiite một bên, những chiến binh IS bắt các học viên Shiite tập trung ở nhiều địa điểm trong thành phố Tikrit, họ bị hành quyết tập thể, những cuộc hành quyết này cũng được chính IS quay phim và phát tán lên Internet.

Thông thường, các quân đội hay tổ chức du kích luôn phủ nhận hoặc cố tình làm giảm những tội ác chiến tranh. Nhưng IS thì ngược lại, họ rêu rao những vụ hành quyết tập thể. Theo các quan sát viên quốc tế, hôm ấy ở Tikrit có khoảng 800 học viên bị hành quyết, nhưng các người phát ngôn IS nói rằng con số là 1.700.

Sau vụ hành quyết tập thể ở Camp Speicher, Wakaz gia nhập quân đội IS một năm. Anh ta và những tân binh được đưa đến một căn cứ ở ngoại ô Mosul để huấn luyện.

Một buổi sáng, Wakaz được thượng cấp gọi lên và ra lệnh đi cùng đến một bãi đất trống. Một lúc sau, một chiến binh IS giải một người dân khoảng 30 tuổi đến. Người dân thường này bị bịt mắt, hai tay bị trói quặt ra phía sau, khóc lóc thảm thiết.

Trong khi tay chiến binh ra lệnh cho người thường dân quỳ xuống, thượng cấp của Wakaz trao cho anh ta một khẩu súng. “Họ chỉ dẫn cho tôi biết phải làm thế nào - Wakaz kể lại - Đưa nòng súng xuống thấp và không được nhắm vào ngay giữa đầu mà phải bắn chệch qua một bên”.

Trên bãi đất trống hôm đó, Wakaz đã làm theo lệnh của thượng cấp. Đó là lần hành quyết đầu tiên của anh ta. Những tuần kế tiếp, Wakaz được gọi lên năm lần để hành quyết năm thường dân. “Tôi hoàn toàn không biết gì về những thường dân này cả - Wakaz nhớ lại - Họ từ 35-70 tuổi, chỉ hai người khóc trước khi bị hành quyết, những người khác thì tôi nghĩ họ không lường được những gì sắp xảy đến với họ”.

Wakaz kể lại những chuyện này một cách lạnh lùng, không cảm xúc, thậm chí còn ra dấu diễn lại các động tác hành quyết. Nhưng có lẽ sau đó cũng chợt nhận ra sự lạnh lùng vô cảm của mình nên anh ta biện bạch: “Tôi không có lựa chọn. Một khi đã đặt chân đến Mosul thì không thể nào làm khác được, nếu không làm theo lệnh của họ thì họ sẽ giết tôi”.

Kết thúc khóa huấn luyện, Wakaz được đưa đi đóng ở một đồn, sau đó được đưa đi chiến đấu chống lại quân đội Iraq đang mở chiến dịch tấn công quân sự để giành lại Baiji.

Ly khai để tự cứu lấy thân

Chiến sự tiếp diễn, nếu muốn, Wakaz có thể tiếp tục là một chiến binh IS, nhưng anh ta quyết định “rũ áo về nhà”. Một phần vì lý do kinh tế: bấy giờ đã qua rồi thời “tiền rừng biển bạc” trong két sắt của IS, thậm chí “tiền lương” còn đến trễ.

Nhưng Wakaz bắt đầu lo sợ cho bản thân. Dù chậm nhưng tình hình đang chuyển dần sang hướng bất lợi cho IS: Khoảng tháng 4, quân đội Iraq, với sự yểm trợ không quân của phe đồng minh, đã giành lại được Tikirt. Đến tháng 6, quân đội Iraq tiến gần đến Baiji.

IS còn kiểm soát được Mosul và một số tỉnh lỵ trong vùng Anbar. Nếu tình hình cứ tiếp tục xấu và quân đội Iraq chiếm lại được hết các cứ điểm, Wakaz sẽ cầm chắc cái chết trong tay.

Wakaz quyết định “ly khai” IS và đi về hướng Kirkuk - thành phố nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh Kurd. Ngày 18-6-2015, Wakaz chào từ giã các “chiến hữu” IS, bắt đầu tìm cách đi về phía Kirkuk - cách Baiji khoảng 100 cây số, giữa hai thành phố đầy các hầm chiến sự của cả hai bên. Đó là một hành trình đầy gian nan trắc trở để tránh không bị rơi vào giữa hai làn đạn.

Đầu tiên, Wakaz đi về hướng tây các vùng đất của Iraq và Syria đã bị rơi vào tay IS, từ đó đi ngược lên phía bắc, vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó trở ngược lại các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chiến binh Kurd ở Iraq. Tổng cộng, Wakaz đã phải lội một vòng hơn 800 cây số, “ly khai” IS để cứu lấy thân.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận