Cựu Đại sứ Anh: Ấp ủ hồi ức cũ, tạo ra kỷ niệm mới

MARK KENT 17/03/2023 10:03 GMT+7

TTCT - Là nơi đầu tiên được cử đến làm việc với cương vị đại sứ Vương quốc Anh, Việt Nam có một vị trí tình cảm đặc biệt đối với ông Mark Kent.

Cựu đại sứ Anh Mark Kent bên bờ sông Sài Gòn ngày 23-2-2023 trong lần trở lại Việt Nam sau 12 năm. (Ảnh: Hữu Hạnh)

Cựu đại sứ Anh Mark Kent bên bờ sông Sài Gòn ngày 23-2-2023 trong lần trở lại Việt Nam sau 12 năm. (Ảnh: Hữu Hạnh)


Vị đại sứ này đã gắn bó với Việt Nam từ năm 2007 - 2010 và tạo sự khác biệt thú vị khi những bài viết trên blog của ông (thuộc trang web của đại sứ quán) được nhiều người dân biết đến, cùng các hoạt động sôi nổi trên Facebook ngay từ những ngày mạng xã hội này bắt đầu được biết đến ở Việt Nam.

Trở lại Việt Nam sau 10 năm, ông thăm lại Hà Nội và TP.HCM với một lịch trình bận rộn và sôi nổi để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh - Việt, gặp lại những người từng quen biết từ 12 năm trước, những người đồng cấp và đồng nghiệp, bạn bè ngoài khu vực ngoại giao, cả những người một thời hay cùng ông đi… uống bia hơi. Ông gửi tới Tuổi Trẻ Cuối Tuần bài viết về chuyến đi này.

Tôi đến Hà Nội lần đầu vào tháng 12-2007, ngay trước Giáng sinh. Đó cũng là lần đầu tôi tới Đông Nam Á. Trời lạnh và âm u, không khác mấy London mà tôi vừa rời khỏi. Trước khi đến nơi, tôi đã học tiếng Việt được hai tháng, nhưng ngoài ra tôi chẳng biết gì nhiều về đất nước mà trong ba năm nữa tôi sẽ coi là nhà mình. 

Tôi được các đồng nghiệp ở đại sứ quán chào đón ấm áp và giúp đỡ ổn định cuộc sống. Đầu tiên tôi ở một chỗ tạm thời bên ngoài, đến tháng 1-2008 mới chính thức chuyển vào tư dinh đại sứ Anh trên đường Phan Chu Trinh. Đại sứ quán thì nằm trong một tòa nhà hiện đại ở phố Hai Bà Trưng, chỉ cách nhà tôi vài phút đi bộ.

Quan hệ Việt Nam - Anh bấy giờ đã rất hữu nghị, nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều tiềm năng cho mối quan hệ hợp tác hiện đại hướng về phía trước. Vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng thương mại và đầu tư, hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ, và để đối phó những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu bởi Việt Nam là nơi dễ ngập nếu mực nước biển dâng cao.

Nói chung cơ hội kết nối người dân hai nước còn rất lớn, đặc biệt là về du lịch, vì khắp Việt Nam có nhiều điểm đến rất tuyệt vời, dù lúc bấy giờ vẫn chưa có đường bay thẳng Việt Nam - Anh.

Các đồng nghiệp ở đại sứ quán nhất trí là chúng tôi phải làm sao để câu chuyện về Việt Nam hiện đại được biết đến nhiều hơn ở Anh, và ngược lại, Việt Nam sẽ hiểu rõ hơn hình ảnh hiện đại của nước Anh. Chúng tôi đã khuyến khích các bộ trưởng, nhà lãnh đạo và doanh nhân Anh đến thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến những cơ hội ở quốc gia này. 

Chúng tôi muốn tăng cường quan hệ với các bộ ngành Việt Nam và chính tôi đã gọi nhiều cuộc để tìm hiểu những lĩnh vực hợp tác mới. Nhưng tôi không muốn chỉ giới hạn quan hệ của đại sứ quán với các cơ quan nhà nước, mà còn mong được trực tiếp tiếp cận người dân Việt Nam. Internet và mạng xã hội đã giúp mong muốn đó khả thi.

Chúng tôi bắt đầu với website của đại sứ quán, hợp tác với một công ty truyền thông Anh để khởi động chương trình mời người dân Việt Nam gửi câu hỏi cho các chính trị gia và những người nổi tiếng của Anh như ngôi sao ca nhạc hoặc cầu thủ bóng đá, và nhận câu trả lời từ họ.

Rồi nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, tôi ra mắt blog bằng tiếng Việt của mình, blog nhận được rất nhiều quan tâm và bình luận của người Việt. Một mặt, tôi muốn chia sẻ thông tin về Vương quốc Anh hiện đại, nhưng đồng thời cũng để kể về công việc của một đại sứ và "giải ảo" vai trò này. 

Đó là một bước quan trọng giúp công việc ngoại giao trở nên minh bạch, thân thiện và phù hợp với tất cả mọi người. Khi tôi đi vắng, các blogger khách mời sẽ đóng góp câu chuyện của họ. Chúng tôi mở rộng sự hiện diện của đại sứ quán trên truyền thông xã hội, lập các kênh YouTube và Flickr, rồi năm 2009, Đại sứ quán Anh trở thành đại sứ quán đầu tiên tại Việt Nam ra mắt trang Facebook riêng.

Một trong những sáng kiến tôi thích nhất là vào mùng 1 Tết năm 2009, Ngoại trưởng Anh David Miliband và huấn luyện viên đội bóng Manchester United Sir Alex Ferguson gửi lời chúc Tết đến người dân Việt Nam qua đoạn video được ghi hình khi họ đến thăm Trường Cedar Mount High ở Manchester. 

Vào thời điểm đó, ước tính có khoảng 20 triệu người hâm mộ Manchester United tại Việt Nam và video đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nếu có thể so sánh thì hoạt động ngoại giao và quan hệ song phương với sự chắp cánh của truyền thông và mạng xã hội giống như "bình mới rượu cũ" nhưng... "ngon" hơn.

Tôi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam vào tháng 11-2010. Một trong những nhiệm vụ lớn cuối cùng của tôi là chuẩn bị văn kiện đối tác chiến lược với những người đồng cấp Việt Nam ở Bộ Ngoại giao, trong đó có đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Anh và cam kết phát huy các thành tựu đạt được để củng cố hợp tác trong tương lai. Tôi cảm thấy mình đã góp phần giúp hai bên đạt tới mức kỳ vọng ban đầu của chính tôi về mối quan hệ song phương.

Sau khi rời Việt Nam, tôi sang Bangkok làm đại sứ Anh tại Thái Lan, rồi năm 2016 chuyển đến bên kia địa cầu, Argentina ở Mỹ Latin. Khi trở về Anh năm 2021, tôi rời ngành ngoại giao và chuyển sang làm cho Scotch Whisky Association (Hiệp hội Whisky Scotland). Rượu whisky là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất ở Anh trong ngành thực phẩm và đồ uống, đến với 180 quốc gia. Giờ tôi đang sống ở Scotland, phía bắc nước Anh, lạnh hơn Việt Nam rất nhiều, ở một thành phố xinh đẹp tên là Edinburgh. 

Rồi bỗng nhiên một ngày vài tháng trước, tôi nhận được cuộc gọi từ sứ quán và tổng lãnh sự quán Anh: "Ông sang Việt Nam được không?". Lời mời là một phần của chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh với nhiều hoạt động diễn ra trong năm nay. Cùng lúc đó ở Anh, tôi được mời làm chủ tịch kế tiếp cho tổ chức Mạng lưới Việt Nam - Anh, vốn hoạt động tương tự Hội Hữu nghị Việt - Anh của Việt Nam. 

Hai việc này hợp lại đã dẫn đến chương trình đi thăm và làm việc của tôi tại Hà Nội và TP.HCM tuần trước. Đây là lần đầu tôi thăm lại đại sứ quán và tổng lãnh sự kể từ khi rời Việt Nam năm 2010. Tôi rất cảm động khi gặp lại các đồng nghiệp ở đại sứ quán và thế hệ cán bộ ngoại giao, lãnh đạo trẻ Việt Nam vốn từng biết tôi ở cương vị đại sứ Anh cách đây hơn một thập niên, để cùng họ ôn lại hồi ức cũ và tạo ra những kỷ niệm mới.

Cựu Đại sứ Anh Mark Kent tại TPHCM tháng 2-2023 (Ảnh: Hữu Hạnh)

Cựu Đại sứ Anh Mark Kent tại TPHCM tháng 2-2023 (Ảnh: Hữu Hạnh)

Tuần lễ tuyệt vời đó giúp tôi thấy mọi thứ ở Việt Nam đã thay đổi thế nào. Tôi bay từ phi trường Heathrow (London) đến Việt Nam trên chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được làm mới vào năm 2020 và quan hệ song phương giờ đã đi cả vào chiều rộng lẫn bề sâu. Tôi có những cuộc thảo luận đầy cảm hứng với các sinh viên ở cả Hà Nội và TP.HCM. 

Trong chuyến thăm gần nhất của tôi đến TP.HCM hồi 2010, tôi còn phải đi phà mới qua được Thủ Thiêm, còn nay tôi đã có thể đi buýt đường sông dọc sông Sài Gòn để ngắm nhìn thành phố sôi động với những công trình mới xây dựng dọc bờ sông.

Ông Mark Kent xuống bus sông thăm lại TPHCM tháng 2-2023 (Ảnh: Hữu Hạnh)

Ông Mark Kent xuống bus sông thăm lại TPHCM tháng 2-2023 (Ảnh: Hữu Hạnh)

Tôi cũng thấy nhiều thay đổi trong thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam 12 năm qua. Facebook giờ đã thành một phần của đời sống thường nhật, cũng là kênh quảng bá cho doanh nghiệp và nơi nhiều hộ kinh doanh chào bán sản phẩm của mình, từ đồ ăn cho tới các sản phẩm tự sản xuất khác. Người Việt nắm bắt tiến bộ công nghệ nhanh và hoạt động tích cực trên các nền tảng khác như Instagram, YouTube, TikTok và LinkedIn.

Dù lịch trình cực kỳ bận rộn, tôi rời Việt Nam với nhiều hy vọng và lạc quan về một đất nước đã phát triển vượt bậc và đang trên đường đạt được tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao. Niềm hy vọng và lạc quan đấy cũng dành cho quan hệ đối tác và hữu nghị giữa hai nước chúng ta, mối quan hệ đã và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Tôi sẽ trở lại thật sớm nhé! Hẹn gặp lại!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận