TTCT - Xuất thân từ dân lịch sử, rồi đi lính từ những cấp bậc thấp nhất đến khi trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc từ tháng 11-2020 đến tháng 1-2021, cựu quyền bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Miller trao đổi với TTCT về những vấn đề quốc phòng Việt - Mỹ nhân một chuyến thăm Hà Nội mới đây. Cựu quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher C. Miller cầm quyển "Nỗi buồn chiến tranh" trong cuộc trao đổi với TTCT vào ngày 9-12-2022. Ảnh: Duy LinhTheo ông, làm thế nào để các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể đảm bảo an ninh quốc phòng mà không phải dành quá nhiều tiền cho mua sắm và phát triển vũ khí?- Đó là một câu hỏi hay. Điều khiến Việt Nam khác biệt với phần lớn các nước trên thế giới chính là tinh thần trong trái tim của mỗi người dân và chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vấn đề không phải ta đang nắm trong tay công nghệ quân sự gì, mà là cách sử dụng chúng thế nào. Trong lịch sử 1.000 năm qua, Việt Nam đã tiếp thu và biến tấu, sử dụng những công nghệ quân sự đương thời mà không lệ thuộc hay trở thành "tù nhân" của chúng. Bởi Việt Nam hiểu đó chỉ là những công cụ trong một cuộc đấu trí và thử thách lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn.Có một sự thật, một thực tế khiến tôi lo lắng một chút, đó là hiện giờ nhiều người chỉ tập trung vào màn hình điện thoại thông minh để phân tích loại vũ khí mang trên mình công nghệ gì mà quên mất việc nên sử dụng chúng như thế nào và mức độ tin cậy của chúng ra sao. Trong các tình huống khó khăn nhất, khi nhiều thứ bắt đầu hỏng, một loại vũ khí thô ráp nhưng bền bỉ là điều chúng ta cần.Trong bối cảnh thế giới hiện nay, ông nghĩ sức mạnh quân sự hay ngoại giao sẽ được ưu tiên trong việc ngăn chặn những tình huống nóng xảy ra, ví dụ như xung đột vũ trang?- Ngoại giao phải luôn là phương thức ưu tiên hàng đầu để giải quyết những bất đồng. Hai nước Việt Nam và Mỹ hiểu rõ hơn ai hết những hậu quả của chiến tranh. Chúng ta đã cùng đi qua cuộc chiến, nếm trải những mất mát và hiểu rõ tầm quan trọng của đối thoại để tạo lòng tin, giải quyết khúc mắc.Tôi vừa mua được bản tiếng Anh cuốn Nỗi buồn chiến tranh ở Hà Nội ngay trong sáng trước khi gặp anh. Đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh mà tôi từng đọc và nó như bước thẳng ra từ cuộc chiến.Chiến tranh gây ra nhiều bi kịch. Song không phải vì vậy mà chúng ta né tránh xây dựng một quân đội mạnh. Có một đội quân mạnh là cách để răn đe các thế lực ngoại bang gây hấn và khiêu khích hay gây tổn hại cho đất nước. Khi chúng ta mạnh, sẽ không ai dám tấn công hay bắt nạt.Ông đánh giá thế nào về năng lực quốc phòng Việt Nam? Liệu có đủ để đối phó với các thách thức mới trong khu vực và thế giới?- Việt Nam bây giờ giống như Israel của những năm 1970. Đất nước Do Thái khi đó vừa giành chiến thắng sau nhiều cuộc chiến bảo vệ nền độc lập với sự trợ giúp vũ khí và thiết bị từ các quốc gia khác. Sau những cuộc chiến đó, người Israel nhận ra họ cần phát triển công nghiệp quân sự của riêng mình để tăng cường nội lực. Họ đã làm được vào những năm 1980 và 1990. Những sản phẩm đầu tiên của ngành công nghiệp quốc phòng Israel chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước, nhưng giờ thì Israel đã sản xuất được nhiều thiết bị quân sự đẳng cấp và xuất khẩu khắp thế giới.Cá nhân tôi nghĩ Việt Nam hiện giống Israel ở chỗ sẵn sàng sản xuất thêm vũ khí nội địa để củng cố năng lực quốc phòng. Người Việt Nam cần cù, thông minh và đã rút ra được nhiều bài học từ lịch sử rằng phải tự cường để bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng. Việt Nam đang đứng trước thời điểm hoàn hảo để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng nội địa. Theo dự đoán của tôi, trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ đủ sức xuất khẩu sản phẩm quốc phòng ra thế giới.Mỹ sẽ ở đâu trong quá trình đó?- Đó cũng là lý do tôi đến Hà Nội, nhân triển lãm quốc phòng quốc tế đầu tiên do Việt Nam tổ chức, để hiểu thêm mọi thứ, về cách thức để hai bên có thể phối hợp chặt chẽ hơn, không chỉ giữa hai chính phủ mà còn giữa các công ty. Những gì tôi rút ra được là dư địa vẫn còn rất nhiều, nhưng hiện giờ mọi thứ còn sơ khai, mới ở bước nhìn nhận là vẫn còn rất nhiều việc phải cùng làm.Điều đó đòi hỏi không chỉ thời gian mà cả niềm tin và đối thoại nhiều hơn. Thế giới ngày một phức tạp và Việt Nam biết rõ điều này. Các nước đang trong một quá trình mà tôi gọi là "chuyển tiếp" về cách họ nhìn nhận thế giới.Mỹ và Việt Nam đều có ý thức mạnh mẽ rằng chủ quyền quốc gia là rất quan trọng. Quân sự, ngoại giao, kinh tế và thông tin cũng rất quan trọng. Vậy nên tôi nghĩ nếu hai bên làm việc cùng nhau nhiều hơn, những trở ngại sẽ sớm được vượt qua. Khi niềm tin đã được xây dựng, việc chuyển giao công nghệ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Barack Obama đã công bố quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương. Kể từ đó đến nay mọi thứ thế nào, thưa ông?- Theo tôi đánh giá thì không tệ, nhưng cũng không quá tuyệt vời, ở mức lưng lửng, nhưng tôi nghĩ trong tương lai sẽ tốt hơn. Quan hệ hai bên hiện giờ như một cuốn sổ trắng đang mở, nghĩa là những gì xảy ra trong tương lai sẽ do chúng ta viết hôm nay.Cá nhân tôi nghĩ sẽ không có giới hạn nào trong việc Mỹ cung cấp hay chia sẻ một năng lực gì đó, nhưng như tôi đã nói, Mỹ và Việt Nam cần trao đổi nhiều hơn. Từ năm 1945, các sĩ quan quân đội Mỹ đầu tiên đã đến Việt Nam để hợp tác với lực lượng Việt Minh của Hồ Chí Minh. Họ góp phần huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho Việt Minh - lực lượng sau đó đã giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa tháng 8 cùng năm. Nếu những người Mỹ năm ấy có thể thấy Việt Nam ngày nay phát triển thế này, họ hẳn sẽ rất tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé. Tôi nghĩ cũng giống như bầu trời, sẽ không có giới hạn nào trong việc Mỹ và Việt Nam đi bao xa. Người Mỹ đang rất quan tâm và muốn tiến xa hơn nữa trong quan hệ với Việt Nam.Điều quan trọng nhất vẫn là Việt Nam mong muốn có được năng lực quân sự gì, cần thiết bị gì cho các chiến lược trong tương lai. Câu hỏi đó cần được đặt chung với quá trình xây dựng một chiến lược và kế hoạch tương lai, chứ không chỉ dừng lại ở chuyện mua một thiết bị cụ thể.Mỹ đã xác nhận sẽ cung cấp 12 máy bay T-6 cho Việt Nam. Điều đó có mở ra cánh cửa cho việc cung cấp thêm những thiết bị khác không, thưa ông?- Hiện tôi chưa có thông tin về khả năng chuyển giao thêm thứ gì ngoài T-6. Mẫu máy bay T-6 do Textron chế tạo rất bền bỉ, đáng tin cậy và lý tưởng cho nhiều nhiệm vụ. Nó có những biến thể có thể mang theo một lượng lớn vũ khí cùng các cảm biến để do thám, giám sát và thu thập thông tin. Máy bay cũng có tầm hoạt động lớn, đủ sức vượt biển. Textron không trả tiền cho tôi để nói những điều này, và tôi cũng không đại diện cho họ. Nhận xét của tôi là từ những gì tôi trải qua khi còn trong lực lượng đặc biệt của lục quân và trung tâm chống khủng bố quốc gia [ông Miller làm giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ từ tháng 8 đến tháng 11-2020].Đó là một chiếc máy bay tốt nhưng giá hợp lý và chính xác là những gì Việt Nam cần. Sẽ có những nước sẵn sàng bán cho Việt Nam các chiến đấu cơ với giá lên tới 125 triệu USD/chiếc nhưng lại không có được tính năng của chiếc T-6.Cá nhân tôi vẫn nghĩ Việt Nam nên tự sản xuất vũ khí để đáp ứng nhu cầu và tăng cường tiềm lực, bởi suy cho cùng, để bảo đảm an ninh cho đất nước và bảo vệ tốt nhất cho người dân thì không thể lệ thuộc vào bất kỳ ai. Không một quốc gia nào có quyền bảo Việt Nam phải làm gì và không được phép làm gì. Các bạn biết cách làm thế nào để hài hòa các mối quan hệ, bảo vệ đất nước và lợi ích quốc gia. Nhưng có một điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là Mỹ sẵn sàng hỗ trợ theo mọi cách mà Việt Nam muốn.Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!■T-6 là dòng máy bay cánh quạt ra mắt lần đầu năm 2000, được sử dụng cho mục đích huấn luyện sơ và trung cấp trong không quân Mỹ. Máy bay có nhiều phiên bản, trong đó T-6A Texan II dùng cho mục đích huấn luyện. Một số phiên bản xuất khẩu có các điểm gắn vũ khí trên cánh có thể biến T-6 thành máy bay cường kích hạng nhẹ. Hiện hơn một chục nước đang sử dụng T-6, phần lớn là phiên bản T-6A. Mỹ xác nhận đang hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa chương trình huấn luyện phi công quân sự và đào tạo kỹ thuật viên cho nhiệm vụ bảo dưỡng. Năm 2019, thượng úy Đặng Đức Toại là phi công Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa huấn luyện trên máy bay T-6 trong khuôn khổ Chương trình lãnh đạo hàng không của không quân Mỹ.Trả lời TTCT ngày 13-12, một sĩ quan đại diện cho không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết thêm: "Chúng tôi dự định sẽ chi trả toàn bộ chi phí 12 máy bay huấn luyện T-6. Tổng chi phí cho chương trình khoảng 250 triệu USD, bao gồm đào tạo phi công ban đầu và hỗ trợ bảo dưỡng". "Số lượng phi công Việt Nam được đào tạo sẽ đủ để vận hành 12 máy bay. Quá trình đào tạo phi công đang diễn ra và tuân theo quy trình huấn luyện nghiêm ngặt giống hệt với phi công quân sự Mỹ. Sau khi hoàn thành, các phi công này có thể vận hành những máy bay T-6 tiên tiến an toàn và hướng dẫn phi công mới tương tự". "Chính phủ Mỹ cung cấp chương trình này cho Việt Nam bằng 100% kinh phí viện trợ không hoàn lại, nghĩa là Việt Nam không có nghĩa vụ hoàn trả. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nâng cao năng lực của Việt Nam và nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác vì lợi ích chung". Tags: Quyền Bộ trưởngBộ Quốc phòng MỹAn ninh quốc phòngChristopher millerLầu Năm GócQuốc phòng Việt NamTriển lãm quốc phòngChuyến thăm Việt NamQuân đội Mỹ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.