Cứu trợ COVID-19 ở Mỹ: Ném tiền qua cửa sổ

D.K.THOA 02/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Trong đại dịch COVID-19, Quốc hội Mỹ đã 5 lần phê chuẩn các gói cứu trợ với tổng ngân sách 5.700 tỉ USD. Và không phải tới giờ, khi dịch bệnh đã dịu bớt, truyền thông Mỹ mới chỉ ra những khoản tiền khổng lồ đã bị rút ruột từ những gói này.

Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết các khoản thất thoát ngân sách khổng lồ trong dịch đã được ghi nhận này xuất phát từ nguyên nhân quản lý kém, quan liêu, tắc trách của các cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách tại mỗi địa phương cũng như chính phủ liên bang.

Trợ cấp thất nghiệp mất một nửa?

Báo cáo công bố tháng 6-2021 của văn phòng Tổng thanh tra thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết ngân sách liên bang ước tính đã chi khoảng 872,5 tỉ USD cho trợ cấp thất nghiệp, nhưng như nhà báo Bill Maher chỉ ra trong chương trình “Real time with Bill Maher” của Đài HBO tháng 4 vừa rồi, ngay cả khi ước tính ở mức “khiêm tốn”, số tiền chi sai hoặc bị gian lận trong đó đã là 163 tỉ USD. 

 
 Ảnh: Virginia.edu

Ông Maher dẫn ước tính của trang ID.me chuyên phòng chống gian lận bảo hiểm ở Mỹ cho rằng số tiền bị gian lận có thể lên tới gần 400 tỉ USD, tức là khoảng... một nửa.

Chuyện này nghe thật khó tin, nhưng nếu đọc bài báo vào tháng 10-2021 của tờ Los Angeles Times (LAT) phanh phui trường hợp khoảng 2 triệu USD trong số các khoản chi hỗ trợ thất nghiệp gian lận đã được gửi về cùng một địa chỉ ở Roseville, bang California, thì mức thất thoát lên tới 50% không còn bất ngờ.

LAT còn dẫn nguồn tin từ giới chức bang California cho biết chính quyền đã chi “lầm” ít nhất 20 tỉ USD các khoản trợ cấp thất nghiệp. Đáng chú ý khi LAT nêu dữ kiện California đã chi khoảng 810 triệu USD trợ cấp thất nghiệp cho những đối tượng đang... ở tù, trong đó có hàng chục kẻ giết người hàng loạt đang chờ ngày hành hình.

Các vụ gian lận bảo hiểm thất nghiệp nở rộ như nấm sau mưa trên toàn nước Mỹ, theo LAT. Chỉ tính riêng tại bang Arizona, theo Hãng tin AP, giới chức bang ước tính kẻ gian đã bỏ túi gần 30% tổng số 16 tỉ USD ngân sách chi trả trợ cấp này kể từ khi bùng dịch.

Hầu hết các vụ gian lận xảy ra trong những tháng đầu tiên của đại dịch, chủ yếu bòn rút từ các chương trình bảo hiểm thất nghiệp được chi từ ngân sách cứu trợ khẩn cấp của liên bang nhằm giúp những người vốn bình thường không được hỗ trợ vì chỉ là lao động thời vụ hoặc làm việc tự do như các tài xế Uber.

Bà Rita Saenz, giám đốc Bộ phát triển việc làm bang California, trong phiên điều trần tại nghị viện bang cuối năm ngoái, đã thừa nhận “năm 2020 là một cuộc tấn công bất thường với chương trình bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc”.

Theo Đài CNBC, các cơ quan điều tra Mỹ đã điều tra và thu hồi được khoảng 2 tỉ USD gian lận tiền trợ cấp thất nghiệp trong dịch COVID-19 để trả lại cho ngân sách của ít nhất 30 bang. 

Các vụ gian lận tràn lan buộc chính quyền phải sử dụng phần mềm xác minh danh tính mới cùng các biện pháp ngăn chặn khác. Tại bang California, theo bà Saenz, nhờ các biện pháp này họ đã chặn được khoảng 120 tỉ USD số tiền đáng lẽ đã bị rút ruột!

Dùng tiền cứu trợ xây... sân golf

Khi nói tới “kế hoạch cứu trợ” của chính phủ, ai cũng nghĩ tới những gói dành cho những người người/tổ chức đang lâm cảnh khó khăn. Khó ai hình dung tiền cứu trợ sẽ được dùng để xây một... sân golf, nhất là lại ở miền nam Florida, nơi vốn đã “lạm phát” sân golf.

Nhưng trên thực tế chuyện này đã xảy ra hồi năm ngoái tại thành phố Palm Beach Gardens, nơi đã có tới 160 sân golf. Thành phố này đã chi hơn 2 triệu USD trong ngân sách cứu trợ COVID-19 của chính phủ liên bang cho xây dựng sân golf mới theo cùng tòa nhà câu lạc bộ 2 tầng và một khu tập golf kèm theo có tổng chi phí 16,8 triệu USD.

Cây bút bình luận Frank Cerabino của tờ Palmbeach Post ngày 28-9-2021 mỉa mai: “Tôi đoán là bạn có thể nói một mặt, đại dịch COVID-19 đã giết chết hơn 50.000 người Florida và phá hủy rất nhiều cuộc sống cũng như doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, nó giúp trả tiền xây một sân golf mới tại Palm Beach Gardens... Tôi dám cá là việc chi tiền cho một sân golf mới không phải là điều Tổng thống Joe Biden nghĩ tới khi ông ký [phê chuẩn] đạo luật kế hoạch giải cứu nước Mỹ hồi tháng 3-2021”.

Một sự vụ khác cũng đã bị truyền thông Mỹ chỉ trích rất nhiều là sự gian dối của Tổ chức Feeding Our Future, vốn tự nhận sẽ hỗ trợ thực phẩm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. 

Tháng 3 vừa rồi, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phanh phui vụ việc lạm dụng chương trình hỗ trợ của nhiều tổ chức phi lợi nhuận thuộc điều hành của Feeding Our Future tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Họ đã “nuốt chửng” hơn 65 triệu USD đáng lẽ phải thành thực phẩm cho trẻ em nghèo trong dịch bệnh.

FBI cho rằng gần như toàn bộ số tiền cứu trợ đã không hề được dùng để mua thực phẩm như tuyên xưng của Feeding Our Future. 

“Gần như không đồng nào trong số tiền đó được dùng để mua thực phẩm. Thay vào đó, những kẻ này đã cấu kết biển thủ hết và dùng nó để mua đất đai nhà cửa, xe hơi và các thứ khác”, báo The New York Times trích cáo buộc chống lại Feeding Our Future của FBI.

Lập khống trang trại nhận tiền cứu trợ

Những kẻ lợi dụng chính sách cứu trợ dường như luôn “thừa sáng tạo” hơn các nhà hoạch định cũng như kiểm soát chính sách. 

Một thủ đoạn gian lận điển hình khác được nhà chức trách Mỹ phát hiện là rất nhiều trang trại giả được lập khống để nhận hàng trăm khoản vay ưu đãi trong Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), vốn được xây dựng nhằm giúp các chủ lao động có tiền trả cho nhân viên trong đại dịch.

Trang ProPublica tháng 3-2021 cho biết đã có ít nhất 378 khoản vay với tổng số tiền hơn 7 triệu USD được giải ngân thông qua nền tảng cho vay online có tên Kabbage cho những doanh nghiệp giả mạo, chủ yếu là các trang trại “khống” trên toàn nước Mỹ, trong đó có nhiều địa chỉ “ma” tại bang Arizona.

Theo đó, những cái tên công ty như Ritter Wheat Club, Deely Nuts, Tomato Cramber, hay Seaweed Bleiman được liệt kê là trang trại lúa mì, cây lấy hạt, cà chua, rong biển... đã nhận mỗi tên hàng chục nghìn đôla. 

Không một trang trại nào trong số đó có tên trong hồ sơ doanh nghiệp của bang New Jersey, và chủ các ngôi nhà được ghi là địa chỉ doanh nghiệp đều rất ngạc nhiên khi ProPublica liên hệ với họ. Một nơi được ghi là nông trại gia súc có tên Beefy King là địa chỉ nhà của ông Joe Mancini. “Không có trang trại nào ở đây cả: Chỗ chúng tôi là một bãi cạn, trời đất!”, ông Mancini bực bội nói qua điện thoại, cho biết ông "chẳng có con bò nào cả, nhà chỉ có 3 con chó thôi”.

Liên quan tới những trường hợp được cứu trợ vô lý từ PPP, tạp chí Hollywood Reporter tháng 7-2020 dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) của Mỹ cho biết Công ty Yeezy của tỉ phú - rapper Kanye West (có tài sản khoảng 2 tỉ USD) đã được hỗ trợ hơn 2 triệu USD trong chương trình PPP. 

Hay Công ty TB12 của triệu phú - huyền thoại bóng bầu dục Tom Brady được nhận khoản vay hơn 960.000 USD trong PPP, như Đài CNBC đưa tin tháng 12-2020 dù bản thân Brady có tổng tài sản ước tính tới 250 triệu USD.■

Chi trả gần 1,4 tỉ USD cho người đã chết

Tháng 6-2020, báo cáo của Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) cho biết Sở Thuế vụ (IRS) đã gửi nhầm số tiền gần 1,4 tỉ USD tiền cứu trợ trong dịch COVID-19 cho gần 1,1 triệu tài khoản của những người đã chết, thuộc đạo luật Cares. 

Nguyên nhân theo GAO là vì trong quá trình thực hiện, IRS đã bỏ qua quy trình thông thường, không sử dụng hồ sơ chứng tử đã có và cũng không trao đổi rõ ràng với Bộ Tài chính là đơn vị quản lý công việc của họ.

Chính phủ Mỹ chi 5.700 tỉ USD cho 5 đạo luật hỗ trợ trong dịch COVID-19

1. Đạo luật ứng phó virus corona và ưu tiên gia đình: 192 tỉ USD ký ngày 18-3-2020. Đạo luật yêu cầu một số công ty cho nhân viên được nghỉ vì lý do gia đình và y tế kéo dài, nghỉ bệnh có lương vì các lý do liên quan COVID-19, áp dụng từ 1-4 đến 31-12-2020.

2. Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP): 484 tỉ USD các khoản vay ưu đãi liên bang nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhỏ tiếp tục trả lương cho người lao động trong dịch. Bên vay nếu đủ điều kiện có thể được xóa nợ.

3. Đạo luật hợp nhất ngân sách: 900 tỉ USD năm 2021 hỗ trợ tiền thuê nhà và chi phí tiện ích khẩn cấp cho các hộ thuê nhà đủ điều kiện được hỗ trợ trong dịch bệnh.

4. Đạo luật kế hoạch giải cứu nước Mỹ: 1.900 tỉ USD trợ cấp liên bang để mở rộng một số chương trình trợ cấp của đạo luật trợ cấp tiếp diễn từ 14-3 đến 4-9-2021.

5. Đạo luật Cares: 2.200 tỉ USD ký ngày 27-3-2020, cho phép nhiều người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn, nhất là những người bị ảnh hưởng vì COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận