TTCT - 90% người lao động ở các nước đang phát triển làm việc hoặc dựa vào những lĩnh vực phi chính thức của nền kinh tế - không hợp đồng lao động, không bảo hiểm, không thu nhập cố định, không phúc lợi xã hội. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 2 tỉ người lao động trong lĩnh vực này. Ở Việt Nam, các ước tính có khác nhau, nhưng thống kê của ILO năm 2019 trong từng lĩnh vực cho thấy lực lượng lao động phi chính thức là rất cao, thấp nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo cũng là hơn 36%, và cao nhất trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, thực phẩm, nhà hàng ăn uống, lên tới hơn 81%. COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất tới những người nghèo và lao động phi chính thức. Ảnh: UNICEF Dù nhiều khi chiếm phần lớn hơn của lực lượng lao động, những người này không được hoặc khó thể nhận hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước chính thức. Rất nhiều người đã mất hoàn toàn cơ hội có được thu nhập vì dịch COVID-19, và hỗ trợ họ trở thành yêu cầu mang tính đạo đức, xã hội, lẫn kinh tế với mọi nhà nước.Các khảo sát ở Kenya, Myanmar và Peru của Nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAP), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho thấy sự giảm sút thu nhập nghiêm trọng với nhóm lao động không chính thức ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội được ban hành.Ở Kenya, chịu ảnh hưởng lớn nhất là lao động phi chính thức tại đô thị. Ở Myanmar, hơn 60% hộ gia đình có người phải ngưng việc, 38% phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ của họ. Ở Peru, nơi 70% dân chúng sống dựa vào các hoạt động kinh tế phi chính thức, thu nhập đã giảm 1/5 với đối tượng này.Các khảo sát cũng cho thấy phụ nữ, người cao tuổi, người có học vấn thấp và người trẻ lao động giản đơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng làm lộ ra sự dễ tổn thương của người lao động lĩnh vực không chính thức, những kẻ vô hình với các chương trình bảo trợ xã hội và không được các chương trình hỗ trợ thất nghiệp chính thức đoái hoài”, báo cáo của CGAP viết. Đáng ngại hơn, không ai biết bao giờ công ăn việc làm mới có thể trở lại bình thường với họ. Các kịch bản do Công ty tư vấn BFA xây dựng vào năm 2020 đều loại trừ viễn cảnh bình thường trở lại ít ra là tới hết năm 2022 - đồng nghĩa phải mất một thời gian dài nữa những người lao động này mới có hy vọng khôi phục mức thu nhập, vốn đã bèo bọt, như trước dịch; và nhiều người sẽ bị từ chối điều đó vĩnh viễn để gia nhập đội ngũ bần cùng.Lao động không chính thức thường bị loại trừ trong những nỗ lực cứu trợ vì sự vô hình của họ trong các số liệu thống kê. Các quy định về cư trú, mức đóng thuế, mức thu nhập, hợp đồng lao động... có thể loại trừ họ khỏi các chương trình trợ cấp. Những người ra quyết định chính sách có thể không có động cơ chính trị để trợ giúp họ. Nhà nước và các tổ chức cứu trợ, ngay cả khi muốn, có thể gặp quá nhiều trở ngại trong việc xác định các đối tượng cần trợ giúp. Khó khăn trong công tác triển khai thực tế có thể khiến nhiều người không nhận được hỗ trợ...Một ví dụ là Bangladesh. Nước này có 85% lực lượng lao động là phi chính thức và lĩnh vực này đóng góp khoảng một nửa GDP. Tháng 4-2020, sau khi giãn cách xã hội vì COVID-19, chính quyền tung ra gói “phản ứng khủng hoảng” 11 tỉ đôla, trong đó chỉ có 90 triệu đôla dành cho “lao động công nhật, người kéo xe, công nhân bốc vác, thợ xây, người bán báo dạo, nhân viên nhà hàng, khách sạn, và những người khác mất việc vì giãn cách”.Khoản tiền đó sẽ được chi bằng tiền mặt, chuyển thẳng một lần vào tài khoản ngân hàng - nhưng quyết định tiện lợi cho chính quyền này loại trừ một nhóm lớn những người cần hỗ trợ: Họ đơn giản là không có tài khoản ngân hàng (chỉ 50% người trưởng thành ở Bangladesh có một tài khoản ngân hàng). Một gói cứu trợ khác cũng vô nghĩa tương tự: chính quyền dự tính chuyển cho 5 triệu hộ gia đình nghèo nhất khoản tiền tương đương 30 đôla qua... các ứng dụng ví điện tử. Kết quả, như báo chí nước này đưa tin vào tháng 7, là danh sách nhận tiền có nơi cho thấy 200 cái tên khác nhau với duy nhất một số điện thoại đăng ký! Gạo phát chẩn cho dân cũng bị báo chí phát hiện là đã bị ăn chặn. Tóm lại, ý định tốt của nhà nước khi triển khai trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham nhũng.Những ví dụ như vậy là không hề hiếm. Chính quyền Indonesia có chương trình thẻ hỗ trợ người thất nghiệp với khoản chi tương đương 215 đôla trong bốn tháng, nhưng việc đăng ký phải diễn ra trên mạng, điều vừa loại trừ nhiều người cần và đáng được nhận, vừa mở đường cho tình trạng lừa đảo tiền cứu trợ.Peru, trong khi đó, là một ví dụ cho thấy nhà nước cần làm khác đi ra sao. Bộ Lao động và Ngân hàng Trung ương nước này đã thành lập “bono independiente”, một ứng dụng chuyển tiền mặt không đòi tài khoản ngân hàng để chuyển khoảng 110 đôla cho các lao động không chính thức. Tuy nhiên, chương trình này cũng chỉ tới được với khoảng 800.000 trong hơn 7 triệu lao động như vậy.Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khuyến nghị các nước và tổ chức cứu trợ cần triển khai công việc có tính hệ thống hơn, tìm hiểu và xây dựng dữ liệu trên những mạng lưới, chương trình, và định chế sẵn có về người lao động không chính thức. Điều này đã giúp, nói ví dụ, chính quyền Colombia trong dịch COVID-19 chủ động mở mới 2 triệu tài khoản ngân hàng cho những người chưa có, giúp ích rất nhiều trong việc chuyển và minh bạch hóa các khoản cứu trợ.■Bài học trăm năm trướcNghiên cứu “Dịch cúm năm 1918 và những bài học cho COVID-19” của nhóm tác giả thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ công bố tháng 8-2020 cho thấy vào năm 1918, các nước có tỉ lệ tử vong cao hơn do dịch cúm cũng suy thoái kinh tế trầm trọng hơn. Một điểm phần trăm tăng thêm trong tỉ lệ tử vong vì dịch cúm tương ứng với 3% suy giảm GDP thực bình quân đầu người và 4% tiêu dùng thực bình quân đầu người.Trong khi đó, dữ liệu với 100.000 người ở 9 vùng đô thị của Mỹ cho thấy những người giàu và khá giả có tỉ lệ tử vong vì dịch cúm năm 1918 là 0,38%. Tỉ lệ này tăng dần khi thu nhập giảm dần, với người nghèo là 0,52% và với những người bần cùng là 1%. Tương tự, những người Ấn giáo thuộc đẳng cấp thấp ở Bombay City (nay là Mumbai, Ấn Độ) có tỉ lệ tử vong cao gấp 3 lần tỉ lệ chung của thành phố và gấp 8 lần so với châu Âu. Tags: Người nghèoCOVID-19Cứu trợĐại dịch coronaLao động phi chính thức
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.