Đã đến lúc dè chừng loài nấm

LÊ MY 02/01/2022 18:10 GMT+7

Con người thật may mắn vì xưa nay được bảo vệ khá tốt khỏi các loài nấm gây bệnh. Nhưng lớp tường thành đó đang dần mỏng manh, và các nhà khoa học vừa lên tiếng cảnh báo: đã đến lúc dè chừng loài nấm.

 
 Aspergillus fumigatus xuất hiện trong nhiều môi trường và có thể khiến bệnh nhân cúm hoặc COVID-19 tử vong. Nguồn: Science Source

Nếu ta là một cái cây, ta sẽ phải khiếp sợ nấm. Hãy nhìn sang nhà nông - họ phải ra sức diệt nấm để bảo vệ mùa màng. Và nếu ta là cá, thằn lằn hay ếch nhái, ta cũng khó mà sống yên ổn với nấm - kể từ thập niên 1990, 2 loài nấm thuộc chi Batrachochytrium, được xem là “đại sát thủ” của loài lưỡng cư, đã đẩy một số loài ếch đến bờ tuyệt chủng. Nhưng loài người thì khá điềm nhiên, mấy ai sợ chết vì nấm. “Đặc quyền” đó do đâu mà có, và vì sao nó có thể không còn nữa?

Chuyện người thuyền trưởng bị nấm quật ngã

Tyson Bottenus từng điều khiển một chiếc thuyền buồm mang tên Aquidneck, đưa khách du lịch dạo chơi ngoài khơi thành phố biển Newport, bang Rhode Island (Mỹ) và trò chuyện về lịch sử địa phương. Tháng 1-2018, Bottenus tạm khép buồm để cùng vị hôn thê của mình, Liza Burkin, đạp xe khám phá thiên đường nhiệt đới Costa Rica.

Khoảng một tháng sau khi trở về, Bottenus bắt đầu gặp những cơn đau đầu khó hiểu, rồi mất kiểm soát cơ miệng, đến nỗi không thể nói chuyện. Kết quả chụp MRI cho thấy có một tổn thương trong não của anh. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: tôi hẳn đã mắc một loại ung thư. Tôi chỉ mới 31 tuổi… Tôi còn quá trẻ cho chuyện này” - Science News tháng 11-2021 dẫn lời Bottenus.

Nhưng đó không phải ung thư, cũng chẳng phải bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà bác sĩ đã gọi tên trong quá trình chẩn đoán. Hai lần sinh thiết não không cung cấp đủ mô để nhận diện vấn đề. Đến tháng 8-2018, Bottenus phải nhập viện trong tình trạng không thể đi lại, cũng không thể tự buộc dây rút quần bằng chính cái nút thắt mà dân đi biển như anh vẫn luôn nằm lòng.

Cuối cùng, lần sinh thiết não thứ ba thu được lượng mô lớn hơn một chút, giúp đưa ra chẩn đoán: có nấm trong não của Bottenus! Đó là một loại nấm mốc đen, Cladophialophora bantiana, có khả năng phá vỡ hàng rào máu - não. Các bác sĩ phỏng đoán rằng Bottenus đã bị phơi nhiễm ở Costa Rica, có thể từ bụi đường mà anh hít phải, hoặc do vết thương trên khuỷu tay sau một lần té xe.

Tất nhiên, nấm không phải chỉ có ở Costa Rica. Chúng ở khắp mọi nơi. Mỗi hơi thở ta hít vào chứa từ 100 đến 700.000 bào tử nấm. Nhắc đến nấm, nhiều người dễ liên tưởng đến những phiền toái nho nhỏ, như nấm mốc trên bánh mì, hay nấm mọc sau mưa. Nhưng thế giới nấm đa dạng và tráng lệ hơn thế. Với khoảng 6 triệu loài nấm, chúng đủ lớn và khác biệt để “đứng tên” 1 trong 5 giới sinh vật: giới Nấm, bên cạnh là giới Khởi sinh, Nguyên sinh, Thực vật và Động vật. Trong đó, khoảng 300 loài nấm đã được ghi nhận là có thể gây bệnh cho con người.

Khác với vi khuẩn nói chung và vi khuẩn gây bệnh nói riêng, nấm là sinh vật nhân thực - chúng lưu giữ ADN trong nhân và sở hữu các cấu trúc tế bào phức tạp khác. Vì vậy, ở cấp độ tế bào, nấm giống với chúng ta một cách kỳ lạ. Chính điểm tương đồng này khiến các bệnh nhiễm nấm xâm lấn rất khó điều trị, vì đa phần những loại thuốc giết chết nấm cũng sẽ phá hoại tế bào của người. Trên thực tế, chúng ta chỉ mới có trong tay ba nhóm thuốc kháng nấm.

Và khâu chẩn bệnh thì chưa bao giờ dễ dàng, một phần là vì vẫn chưa có nhiều xét nghiệm chẩn đoán nhiễm nấm. Một thách thức khác là nhiễm nấm xâm lấn thường có các triệu chứng không đặc hiệu, nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus, dẫn đến việc điều trị “đúng bệnh” thường bắt đầu trễ.

Trước một bối cảnh cực kỳ bất lợi cho phe con người, Bottenus - một thanh niên khỏe mạnh và thích phiêu lưu - đã không may khi một loài nấm tìm được đường đến não…

 
 Đối với Tyson Bottenus, lái tàu là “một trong những công việc tốt nhất mà tôi từng có”.

Bức tường thành sắp đổ

Bệnh nấm “chết người” không phải bây giờ mới có. Ví dụ như viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nguy hiểm, thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt khi đã nhiễm HIV. Ngoài ra, danh sách nhiễm nấm không chỉ bao gồm những cụm từ Latin xa lạ, mà chúng ta có thể đã nghe về các bệnh nấm da như lang ben hay hắc lào.

Nhưng về cơ bản, người khỏe mạnh sẽ khó bị nấm tấn công sâu vào các hệ cơ quan và nội tạng. Tất cả là nhờ một lý do: chúng ta là loài máu nóng - quá ấm để nấm có thể tồn tại.

Một minh chứng cho quyền năng của “bức tường thành” nhiệt độ là bi kịch của loài dơi ngủ đông ở Bắc Mỹ. Giống như chúng ta, dơi là động vật hằng nhiệt. Để sống sót qua mùa đông lạnh giá, chúng phải hạ thấp nhiệt độ bên trong cơ thể và ngủ một giấc dài. Khi tỉnh giấc, thật không may, vô số đã bị nhiễm một loại nấm gây ra “hội chứng mũi trắng”. Hàng triệu con dơi đã chết theo cách này.

Theo một nghiên cứu năm 2009 của nhà vi trùng học Arturo Casadevall, 95% các loài nấm không thể tồn tại ở nhiệt độ trung bình của cơ thể con người. Nhưng ngày nay, Casadevall liên tục cảnh báo rằng: sự chung sống tương đối hòa thuận giữa người và nấm đang bị thay đổi theo biến đổi khí hậu.

Thực tế là bệnh truyền nhiễm do nấm thường phổ biến hơn ở những vùng ấm áp hơn, chẳng hạn như tỉ lệ nhiễm nấm Cryptococcus ở bệnh nhân AIDS tại châu Phi có thể lên đến 30%, so với chỉ 5-10% ở các vùng ôn hòa hơn, theo một nghiên cứu khác của Casadevall. Nếu ta giữ nguyên quan điểm rằng nấm chỉ sống tốt ở những nơi mát mẻ, thì hiện tượng vừa nêu thật sự khó hiểu! Nhưng nếu ta giả định rằng nhiều loài nấm đã biết cách thích nghi (vì chúng là những sinh vật sống) với nhiệt độ tăng cao của môi trường, và rồi đến một lúc tiệm cận với nhiệt độ cơ thể người, mọi chuyện bắt đầu có lý hơn.

Một ví dụ kinh điển cho xu hướng này là bệnh do nấm Candida auris, được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2009 ở Nhật Bản. Lúc bấy giờ, khoa học chưa biết đến nó, nhưng nó đã có thể kháng lại phần lớn các loại thuốc ít ỏi sẵn có. Khoảng 1/3 số bệnh nhân C. auris tử vong trong vòng 30 ngày. Tính đến giữa tháng 2-2021, đã có hàng ngàn ca bệnh ở 47 quốc gia, trong đó có 3 nước ASEAN là Thái Lan, Malaysia và Singapore, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.

Giới khoa học giả định rằng vì con người di chuyển nên dịch bệnh lây lan. Nhưng khi giải trình tự gene các ca bệnh, họ phát hiện ra rằng những chủng nấm này hoàn toàn không có liên quan chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, dường như dịch bệnh đã xuất hiện độc lập ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy nấm C. auris đã tiến hóa để có thể phát triển và sinh sản ở nhiệt độ cao hơn so với họ hàng của chúng. Casadevall dự đoán rằng mỗi khi Trái đất tăng thêm 1°C, “bức tường thành” nhiệt độ ngăn cách nấm và chúng ta có thể giảm đi 5%...

 
 Nấm Candida auris thường ẩn náu trong các bệnh viện, nơi nó lây nhiễm cho những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch. -Nguồn: Juan Gaertner/Science Source

Hướng đi nào cho tương lai?

Casadevall đưa ra câu trả lời như mọi nhà khoa học khác: lĩnh vực này cần nhiều kinh phí hơn. Ông nói với trang Wired: “Nhân loại nên đầu tư nhiều hơn nữa cho việc tìm hiểu về vương quốc lớn nhất hành tinh này (tức giới Nấm)”. Tỉ như ở châu Phi, bệnh do Cryptococcus “chết chóc” hơn cả lao, nhưng kinh phí nghiên cứu bệnh nấm chỉ bằng 1% kinh phí được phân bổ cho bệnh lao, tạp chí Scientific American dẫn chứng.

Ngay lúc này, Casadevall và các đồng nghiệp đang cố gắng lập danh sách các loài nấm có nhiều khả năng lây nhiễm sang người nhất - tức là những loài đã thích nghi với ngưỡng nhiệt độ cơ thể của chúng ta. Việc phát triển các loại thuốc mới cũng rất quan trọng. Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc trong nhiều tháng, đôi khi nhiều năm, trong khi đó, nhiều loại thuốc chống nấm lại rất độc hại. Hơn nữa, chúng cũng đang mất dần tác dụng.

Bottenus vẫn đang chống chọi với nhiễm nấm não và đột quỵ. Anh đã mất đi phần lớn thị lực ngoại biên, gặp khó khăn trong việc định hướng, dù là đi lại trong nhà. Khả năng giao tiếp cũng thay đổi. Tuy nhiên, các chức năng khác của não dường như không bị tổn hại. Bottenus bắt đầu học cao học vào mùa thu năm 2020 và đã hoàn thành tốt các lớp học của mình. Burkin tự hào kể: “Anh ấy không thể một mình đạp xe quanh khu phố của chúng tôi, nhưng anh ấy có thể viết một bài nghiên cứu dài 20 trang”.

Trong các ca nhiễm C. bantiana đã được công bố, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 70%. Cuộc sống của những người sống sót ra sao hầu như chưa được ghi chép. Bottenus cùng bạn đời của anh đang nhận lấy trọng trách này.

Vẫn biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng tin xấu là chưa có vắc xin phòng ngừa bất kỳ bệnh nấm nào. Tin tốt là các nhà khoa học tại ĐH Y khoa Arizona (Mỹ) đang nghiên cứu một loại vắc xin phòng bệnh do nấm Coccidioides (còn gọi là “sốt thung lũng”) dành cho chó, hứa hẹn có mặt trên thị trường vào đầu năm sau. Dù không mê nghịch đất bằng mũi, con người cũng mắc bệnh này, nhưng việc nghiên cứu và thử nghiệm trên vật nuôi dễ dàng hơn (chưa kể là một phần lớn kinh phí nghiên cứu đến từ hàng trăm người nuôi chó). Ta có thể tin rằng: vắc xin đầu tiên rồi sẽ mở ra con đường cho một hoặc nhiều vắc xin khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận