Đãi cát tìm vàng

VŨ TOÀN 06/08/2008 22:08 GMT+7

TTCT - Dân khai thác vàng sa khoáng trên những tàu cuốc suốt ngày này qua đêm khác phải sống tròng trành trên sông nước, đối mặt với sương gió, nắng mưa, bão lũ nơi thượng nguồn những dòng sông hẻo lánh.

Phóng to
Đãi cát lấy vàng cám

Tiếp cận một số tàu cuốc được phép khai thác vàng dọc tuyến sông Cả thuộc địa bàn huyện rẻo cao Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi mới hiểu thêm về cái giá của những hạt vàng cám li ti lấy được từ dưới đáy sâu lòng sông.

Tôi bước vào con tàu đào vàng đang nổ máy ầm ĩ mặt sông thì hai màng nhĩ rung lên bởi tiếng kêu ken két của dây chuyền tải những gàu đầy ắp đá sỏi. Sao lại có tiếng kêu dữ dằn thế? Chủ tàu tên V. giải thích: “Dây cuaroa bị mòn, xích tải lại yếu mà sỏi đá nặng hàng tấn buộc nó phải ọ lên như bò rống”. Nói xong, ông bảo tôi đứng tránh ra để lỡ không may dây xích bị đứt, văng vào người là tiêu.

Tôi nhìn ra bốn phía, con tàu lù lù như lô cốt án ngữ giữa dòng sông, thấy hai dây neo phía trước, năm dây neo phía sau, mỗi dây có đường kính 5cm, dài cỡ 8m căng hết cỡ xuống mặt sông và hai bên bờ vì đang mùa mưa tiểu mãn, nước thượng nguồn sông Cả chảy rất xiết. Quay vào tàu, mắt tôi như bị hút vào cái gàu sắt đang tải đá sỏi nặng nhọc trườn lên từng nấc một để leo tới đỉnh dốc cao 5m - nơi kết thúc nửa vòng quay để lần lượt trút đá sỏi rầm rầm xuống mặt sàng là những thanh sắt tròn và to dựng song song.

- Mỗi gàu tải bao nhiêu đá sỏi? - tôi hỏi ông V.

- Trước dùng tàu nhỏ, mỗi gàu giỏi lắm cũng chỉ múc được 1,5 tạ, nay tàu lớn khối lượng tăng gấp đôi. Dây chuyền này gồm 30 gàu quay hết một vòng trong bảy phút thì đào, đổ gần 9 tấn đá sỏi.

Phóng to
Tàu đào vàng của ông V.

Ông V. đưa hai bàn tay gân guốc cho tôi thấy những móng tay thâm đen do bị bầm dập, những ngón chân lở loét vì dầm nước quanh năm. Bỗng “Khực! Khực! Khực!...”. Đám thợ trẻ đang ngủ li bì trên sạp gỗ lắc lư choàng dậy ngay, chú nào chú nấy nhanh chân nhanh tay chỉnh ròng rọc, dây tời, dây neo.

Riêng ông V. lẹ làng nới dây điều khiển gàu xuống mặt nước, chùng dây đang tải gàu lên và giữ thăng bằng dây thắng. Ông V. gọi đó là “tay côn” và nói: “Khó nhất là xử lý tay côn. Học ba tháng chưa hẳn đã thành thạo. Hiện gàu đang bị hóc đá đấy. Nếu miết mạnh dây kéo gàu lên trong lúc các gàu đang tải nặng là xích bung ngay.

Lúc này phải nhả dây tời gàu xuống để miệng gàu tránh tảng đá to và khẩn trương rướn lên thì guồng xích mới tải trở lại. Phải biết nhìn dây côn và biết nghe tiếng guồng của xích mới biết gàu đầy hay vơi để điều chỉnh độ nông sâu của miệng gàu”. Nhưng vừa chữa được bệnh “hóc đá” thì dây xích lại “khực” tiếp. Ông V. đưa mắt về hệ thống dây cáp chuyền tải, tức thì tốp thợ trẻ liền đem búa, đục, máy hàn ra tháo dây cáp, thay vòng bi chuyền tải. Ông V. bảo: “Thợ đào vàng cũng là thợ cơ khí. Ở trên tàu có cả một xưởng cơ khí để hư đâu sửa đó”.

Máy lại nổ đinh tai nhức óc, tôi ngước nhìn lên đỉnh guồng, nơi lần lượt các gàu đổ đá sỏi ầm ào vào hai cửa. Cửa chính, đá đổ vào mặt sàng lớn. Vô số tảng đá bị hất xuống, chất thành cồn giữa dòng sông. Cát lẫn vàng cám thì được nước đẩy qua cửa thứ hai, trôi vào hệ thống sàng đã lót sẵn nhiều tấm thảm gai bằng cao su để giữ những hạt vàng cám li ti ở lại.

- Mấy ngày gom vàng một lần?

Phóng to
Máng lưu giữ vàng cám (lẫn cát)
- Nơi nào trúng vỉa thì một ngày “rũ thảm” một lần. Có nghĩa phải chạy hết 164 lít dầu/24 giờ, đào cả ngàn tấn đá sỏi mới tìm được vài ba chỉ vàng cám. Trong lúc đó, đánh tầm hai giờ là phải di chuyển tàu sang phải hoặc trái. Cái nghề đào vàng này xương xẩu lắm, không béo bở gì đâu.

Ông V. trút một cơn ho khù khụ do bệnh hen phế quản hành hạ sau đợt sốt rét rồi đút một bàn chân vào điều khiển “côn” do tay đã mỏi rũ. Ông bảo: “Tàu khai thác suốt ngày đêm, cứ bốn giờ thay ca một lần để thay nhau ngủ. Không ai có thể ngủ trọn một đêm nên đã nằm là thiếp đi, nhưng hễ tàu gặp sự cố là biết ngay. Dân đào đãi vàng như chúng tôi là dân đen, ngủ đu đưa trong tiếng máy nổ, tiếng đá đổ rầm rầm như thế này quen rồi. Mỗi lần về nhà nằm trên giường đệm với vợ con lại thấy khó ngủ. Khổ nỗi lên bờ là không có tiền, sống mãi thành quen”.

Cạnh tàu ông V. là con tàu của ông H. bị chìm đã một tuần đang được tốp thợ tháo gỡ từng mảng, hì hục kéo lên trông như một đống sắt gỉ. Con tàu này phao thủng nhưng không ai biết để hàn bịt lỗ thủng nên bị sóng đánh gãy phao mới chìm. “Thế là con tàu 1,3 tỉ đồng mới làm chưa đầy năm nay biến thành sắt vụn” - ông V. nuối tiếc.

Ngược theo sông Nậm Nơn (một nhánh sông đổ vào sông Cả), tôi ghé tàu ông L. đang nổ máy ầm ĩ. Con tàu này đã “cày” ba năm, sắp hết “đát” nên tiếng máy nổ, tiếng dây xích nghe còn rợn hơn nhiều so với tàu ông V.

Phóng to
Đu người kéo dây neo để dịch chuyển tàu

Nếu ông V. thuộc đội tàu gồm 30 chiếc của dân đào vàng đến từ làng Chu Minh, huyện Ba Vì (Hà Tây) thì tàu ông L. thuộc đội tàu cũng gồm 30 chiếc đến từ làng Trung Lao, huyện Trực Ninh (Nam Định).

Ông L. cho biết: “Làng chúng tôi nghèo, không đủ đất trồng lúa nên đa số thanh niên sau khi rời ghế nhà trường liền bám nghề sông nước. Khởi đầu đi chở gỗ thuê, nứa hoặc cát sỏi. Sau khi mục kích cách đào đãi vàng của một số tàu của dân đào vàng dọc biên giới Trung Quốc, chúng tôi về hùn vốn mua tàu rồi làm theo đã hàng chục năm nay. Từ đó, hễ ở đâu trên đất nước này có sông suối, có vàng sa khoáng là tàu cuốc bọn tôi có mặt”.

Bình quân mỗi tàu chín người nên hai đội tàu kéo hầu hết trai làng Chu Minh, Trung Lao đi đào vàng thuê quanh năm. Ông L. tâm sự: “Chúng tôi buồn đứt ruột khi mỗi tháng chỉ kiếm được vài triệu đồng gửi về nuôi vợ con. Buồn hơn khi đội tàu có người gặp nạn do bão lũ cuốn dây neo cuốn luôn cả người hoặc tai nạn do văng dây xích chuyền tải. Có người chết ngạt trong phao do phải chui vào để hàn phao bị thủng, có người chết do sốt rét... nhưng cuộc sống bắt buộc dân đen tụi tôi phải như thế, đành chịu”. Cả ông V., ông L. không hề giấu giếm: hơn mười năm đi “đánh” vàng thuê từ Hà Giang, Lai Châu qua Nghệ An vào Kontum, Đắc Lắc... đã tận mắt chứng kiến tới vài chục người thiệt mạng. Không ít cảnh “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”.

Sau khi rũ hết những tấm thảm gai có vàng cám đọng lại cùng với cát, đại diện công ty khai thác và quản lý đội tàu (người thường trực nằm trên tàu để theo dõi hoạt động khai thác và quản lý sản phẩm) đổ chúng vào máng gỗ để đãi cát lấy vàng. Lúc này chất lượng vàng chỉ khoảng 5-7 tuổi. Vàng cám được khò (nung chảy ở nhiệt độ 1.500 độ) với bột hàn the (bột kích hoạt tăng độ nóng và làm vàng nhanh chảy) để biến thành vàng cục. Vàng cục được đem vào máy cán, cán rất mỏng, sau đó cắt nhỏ để phân kim cùng hóa chất nitơ, clo rồi sunfit (hóa chất kết tủa) để biến thành vàng có độ tuổi xấp xỉ vàng 9999.

Tàu khai thác vàng nhiều sai phạm

Thượng tá Trần Hữu Hồng - trưởng Phòng cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An) - cho biết: “Mặc dù được phép khai thác vàng sa khoáng trong vùng huyện Tương Dương, Nghệ An nhưng hàng loạt tàu đã vi phạm môi trường do gây ô nhiễm nguồn nước, làm thay đổi dòng chảy, xâm phạm công trình giao thông và khu vực dân sinh. Năm 2007, cảnh sát môi trường Nghệ An đã mở chiến dịch truy quét loại tàu này, phạt 230 triệu đồng. Năm 2008 thực trạng gây ô nhiễm từ loại tàu này vẫn không hề giảm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận