Đãi cát tìm vàng đường đua tốc độ

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 04/06/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Điền kinh Việt Nam giành 22 HCV trong tổng số 47 bộ huy chương ở SEA Games 31 - thành tích vô tiền khoáng hậu ở giải này của thể thao VN. Nhưng trong cơn bão vàng, vẫn có nhiều điều tiếc nuối.

Đó là ở nhóm các cự ly ngắn (100m, 200m và 4x100m, cả nam lẫn nữ), điền kinh VN chỉ có vỏn vẹn 2 HCB. Mà đây là nhóm nội dung vẫn được cho là “vua” trong môn thể thao “nữ hoàng”!

Thua về con người hay công tác đào tạo?

Việc vắng Lê Tú Chinh vì chấn thương đã phơi bày lỗ hổng trong công tác đào tạo của điền kinh VN những năm qua. Không còn “nữ hoàng tốc độ” người Sài Gòn, điền kinh VN gần như bỏ 2 nội dung chạy 100m và 200m nữ. 

 
 Ngần Ngọc Nghĩa (số áo 800) dù bùng nổ nhưng vẫn không thể vượt mặt thần đồng nước rút Boonson của Thái Lan. Ảnh: Nam Trần

Hoàng Dư Ý, cô gái 18 tuổi được chọn thay Tú Chinh, chỉ về đích thứ 6/8 ở chung kết cả hai nội dung này. Ở nội dung chạy 4x100m tiếp sức nữ, đội VN dù rất cố gắng, chỉ về nhì, kém khá xa đội vô địch Thái Lan (45,25 giây so với 44,39 giây).

Ở các nội dung nam, chàng trai người Thái Ngần Ngọc Nghĩa dù phá kỷ lục quốc gia cự ly 200m với thành tích 20,74 giây, nhưng tấm HCB của anh chỉ vừa đủ để làm nền cho sự thống trị của Thái Lan ở các cự ly này. 

Thái Lan lấy toàn bộ 3 HCV 100m, 200m và 4x100m tiếp sức nam, với dấu ấn của thần đồng Puripol Boonson. Chứng kiến chân chạy 16 tuổi người Thái Lan thi đấu, giới chuyên môn điền kinh VN chỉ biết tặc lưỡi than “thế này thì VN khỏi mơ cạnh tranh đua tốc độ trong 10 năm tới”.

Lý giải về nốt trầm của điền kinh VN ở các nội dung tốc độ, cựu trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy nói: “Riêng ở các cự ly tốc độ, từ thời của tôi, chúng ta đã luôn gặp khó. Nhiều chân chạy dù xuất sắc của VN, nhưng ở cự ly 100m nam thành tích chỉ dừng ở mức 10,6 hoặc 10,7 giây, như vậy thì rất khó cạnh tranh với các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia…" 

"Với nữ, chúng ta ngon hơn nhưng sau Vũ Thị Hương thì cũng gần như còn mỗi Tú Chinh. Tú Chinh năm nay cũng đã 25 tuổi rồi, dù cô có chấn thương hay không, chúng ta vẫn phải tính đến phương án cho những kỳ SEA Games sau”.

Cũng theo ông Thủy, thành công của điền kinh VN tại SEA Games 31 là nhờ… dịch Covid! Cụ thể, nhiều VĐV các nước chỉ tập ở nhà chứ không được tập luyện tập trung như VĐV Việt Nam. 

Nhờ đó, nhiều VĐV đã khá lớn tuổi của VN vẫn thành công như Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Huyền, Phạm Thị Diễm, Võ Xuân Vĩnh… Ngoài ra, VĐV VN nói chung thường có lợi thế về sự dẻo dai, bền bỉ ở các cự ly trung bình và dài. 

Nhưng vấn đề chính vẫn là sự thua sút của Việt Nam trong đầu tư, phương tiện khoa học, các trang thiết bị tập luyện, chuyên gia, yếu tố dinh dưỡng… Có những trang thiết bị mà 20 năm rồi giờ vẫn còn sử dụng. Trong khi các cự ly tốc độ vốn được các nước khác tập trung đầu tư, sự cạnh tranh rất quyết liệt.

TP.HCM tuyển nhân tài…

Một tuần trước, Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM ra quyết định gia hạn cho chương trình “Tuyển chọn người có tài năng đặc biệt các lĩnh vực văn hóa - thể thao”. Chương trình này bắt đầu từ năm 2020, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên tiếp tục gia hạn thêm một tháng. 

Theo đó, các cá nhân ứng tuyển có thể nộp hồ sơ vào 6 hạng mục, gồm tuyển chọn HLV các nội dung chạy ngắn. Mỗi hạng mục như vậy chỉ tuyển 1 người, với mức đãi ngộ hứa hẹn là “rất cao”, theo lời một lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM.

“Việc tuyển chọn có tiêu chí rất rõ ràng như trình độ phù hợp, có năng lực, từng đào tạo được VĐV có thành tích… Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa tuyển được người nên mới gia hạn. Chương trình này cũng hướng đến việc thu hút tài năng từ nước ngoài trở về”, lãnh đạo này cho biết.

Ông Trịnh Đức Thanh, trưởng bộ môn điền kinh TP.HCM, giải thích thêm: “Điền kinh TP.HCM vẫn đang có những VĐV trẻ tài năng. Thế nên, TP.HCM cần một HLV trình độ quốc tế như của Mỹ, Jamaica… để xây dựng hệ thống đào tạo, phát triển chung chứ không đơn thuần là “rèn” một VĐV cụ thể nào. 

Đó mới là mục đích nhắm đến của chúng tôi. Khi đã tuyển được người, TP.HCM cũng sẽ tổ chức tuyển thêm VĐV để học tập kinh nghiệm phát hiện tài năng. Trường hợp HLV Thanh Hương của Tú Chinh thì hiện cô đã là HLV của TP.HCM nên không thuộc chương trình này. 

Điền kinh TP.HCM luôn tạo điều kiện cho HLV Thanh Hương tìm kiếm tài năng để đào tạo thêm nhiều VĐV như Tú Chinh trong tương lai. Tuy nhiên, nếu cô muốn thì có thể xin rút khỏi vị trí HLV hiện tại rồi ứng cử lại HLV tài năng”.

Trong 6 hạng mục tuyển chọn tài năng đặc biệt do Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM đưa ra (2 hạng mục còn lại thuộc lĩnh vực văn hóa), điền kinh chiếm đến 4, cho thấy sự quan tâm của ngành thể thao với bộ môn thể thao mệnh danh “nữ hoàng”. 

Nhưng liệu “tìm người tài” có dễ, và liệu chỉ cần người tài là đã đủ để giúp điền kinh VN khắc phục lỗ hổng các cự ly ngắn?

“Thể thao cần có sự đầu tư diện rộng và sâu. HLV tìm ra tài năng, rồi sau đó phải có chuyên gia để nâng tầm, rồi đội ngũ HLV thể lực, dinh dưỡng, y tế chăm sóc đầy đủ thì VĐV trẻ mới phát triển đúng hướng được. Nói riêng mảng y học thể thao thôi, đã thấy mình còn thua kém nhiều nước trong khu vực rồi. Một HLV dù tài năng đến mấy cũng không thể ôm đồm hết mọi việc được”, ông Dương Đức Thủy nói.

Trong kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà, điền kinh cũng như các môn thể thao khác đã thi đấu bùng nổ. Nhưng ở các nội dung thi đấu hấp dẫn nhất của các kỳ đại hội, điểm yếu của cả ngành thể thao vẫn bị phơi bày. ■

Tìm chuyên gia cũng cần… chuyên gia

Ông Đỗ Trọng Thịnh, cựu HLV trưởng tuyển bơi lội VN, cho biết việc tìm kiếm người tài, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực thể thao, không hề đơn giản. 

“HLV đến từ các cường quốc thể thao nói chung đều có nhiều kiến thức hơn so với HLV người Việt. Nhưng không phải cứ mời đại ai cũng được. Phải tìm những người phù hợp, khéo léo, và giỏi thật sự… Để được như vậy phải là người trong giới đứng ra giới thiệu, dựa trên quan hệ sâu rộng, mới có thể tìm được chuyên gia phù hợp”, ông Thịnh cho biết. 

Cá nhân HLV Trọng Thịnh là người đã tìm hiểu, thông qua các mối quan hệ cá nhân, để mời được chuyên gia Trung Quốc Hoàng Quốc Huy cho Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ, từ đó nơi đây trở thành lò đào tạo làm nên một loạt kình ngư bùng nổ những năm qua như Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Thanh Bảo…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận