Dải Gaza: Một thảm họa nhân đạo chực chờ

SÁNG ÁNH 29/10/2023 11:25 GMT+7

TTCT - Israel đang triển khai một sách lược rất kiểu "tát nước bắt cá" có nguy cơ gây ra một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza trong cuộc chiến Trung Đông hiện giờ.

Trẻ em Palestine trên xe cứu thương, ngay sau vụ tấn công bệnh viện Al-Ahly ở Gaza ngày 17-10. Ảnh: Reuters

Trẻ em Palestine trên xe cứu thương, ngay sau vụ tấn công bệnh viện Al-Ahly ở Gaza ngày 17-10. Ảnh: Reuters

Sau hai tuần chiến tranh, ngày 21-10, 20 xe tải, tức 400 tấn hàng cứu trợ, được cho phép vào Dải Gaza bị Israel vây hãm. Đây là kết quả sau khi thương thuyết, thảo luận tới lui và Israel lúc thuận lúc không. 

Nguyên tắc của Israel là nếu Hamas buông súng đầu hàng thì Gaza sẽ được tiếp tế. Trừng trị tập thể, như ta biết, là vi phạm quy ước quốc tế. Không thể vì 2.000 du kích mà đánh bom và bỏ đói tập thể hơn 2 triệu người dân tại Gaza.

Đây chẳng phải là việc lén lút, mà là chính sách công khai của Israel mang tên "Sách lược Dahiya", do tham mưu trưởng Gadi Eizenkot (2015-2019) chủ trương từ lúc ông là tư lệnh mặt trận miền bắc đối diện Lebanon. Trong chiến tranh với Hezbollah tại Lebanon (2006), Dahiya là khu ngoại ô Beirut do Hezbollah quản lý.

Sách lược Dahiya

Khu này bị không lực và hải pháo Israel trừng trị tối đa sập cửa sập nhà và Eizenkot hứa chuyện tàn phá đó sẽ "xảy ra ở mọi ngôi làng có một phát súng được bắn về phía Israel. Chúng tôi sẽ sử dụng sức mạnh không cân xứng để đánh lại [họ] và gây ra thiệt hại và tàn phá to lớn. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là những căn cứ quân sự. […] Đây không phải là gợi ý, mà là kế hoạch đã được phê duyệt. […] Làm hại dân chúng là cách duy nhất để kiềm chế (lãnh tụ Hezbollah Hassan) Nasrallah".

Thi hành sách lược này, Israel cắt nước, cắt điện, cắt xăng dầu và thực phẩm cho cả một tập thể dân sự ở Gaza, và ra lệnh trong 24 tiếng, 1 triệu dân, kể cả 22 bệnh viện, phải di tản. Tại sao Israel lại ngang nhiên làm được việc này? Bởi vì họ được Tây phương chiếu cố, bằng chứng là Tổng thống Mỹ Joe Biden vội sang và gửi hai mẫu hạm.

Toàn thể bốn mặt Dải Gaza, cả dưới đất, trên không, ngoài biển, đều do Israel và Ai Cập kiểm soát. Từ 2007, kiểm soát được siết chặt, mọi sự vào ra đều phải xin phép. 

Trước 2007, Gaza được nhập tất cả 4.000 mặt hàng, nhưng bị phong tỏa gay gắt nhất giai đoạn 2007-2010, chỉ được nhập 100 mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng. Để so sánh, một siêu thị lớn bên ngoài Gaza thường có 10.000-15.000 mặt hàng.

Danh sách các thứ cấm nhập vào Gaza 2007-2010 nghe như một bài thơ siêu thực: "Hôm nay cấm sô-cô-la / Ngày mai thì cấm ghi-ta, bóng đèn". 

Ngoài ra, có lúc cấm cả quả bóng đá, cần câu cá, đồ lặn, gừng, nệm giường, nước ngọt có gas, nước trái cây… và tất nhiên là cấm sắt, cấm bê tông, xi măng, nhựa dày hơn 4mm…, do bị coi là những thứ có thể dùng vào việc quân sự.

Trẻ con đi học trời nắng chang chang nhưng có lúc không mang theo được mẩu bút chì. Đó là khi ngẫu hứng, Israel cấm nhập bút chì và văn phòng phẩm, tập vở và giấy viết, giấy in khổ A4. 

Năm 2009, thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry khi đi thăm Gaza đã ngạc nhiên hỏi sao lại cấm nhập pasta (nui). Ông là ứng viên tổng thống 2004 của Đảng Dân chủ và là nhân vật quan trọng nên vào năm 2010, ông được toại nguyện, Israel cho nhập lại nui vào Gaza.

Gaza là một trại tập trung lớn nhất thế giới, trong đó một nửa là trẻ em, và một nửa người lớn thất nghiệp. Số calorie trên đầu người tại Gaza được Israel tính toán chính xác là 2.200/ngày, không cho nhập hơn. Đây là mức đủ để tồn tại, với điều kiện đừng đòi thêm gà rán hay khoai tây chiên - mà đó là tình hình trước chiến tranh 7-10.

Hai tuần qua, Gaza hoàn toàn không có tiếp tế và nếu hết xăng dầu, nhà máy điện sẽ ngưng hoạt động, các bệnh viện không chạy được máy phát, đe dọa tính mạng của trẻ sơ sinh trong lồng ấp và bệnh nhân điều trị lọc máu chẳng hạn.

Nhớ lại thời chiến tranh Iraq, năm 1990, một em gái 15 tuổi giấu tên ("vì sợ gia đình bị liên lụy trả thù") người Kuwait làm chứng trước Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ. 

Em kể là khi về nước và tình nguyện đến giúp tại nhà thương Al Adan, Kuwait City, em chứng kiến cảnh quân Iraq xâm lược vào cướp các lồng ấp trẻ sơ sinh thiếu tháng mang đi. Các em bé bị vứt ra sàn đá và qua đời. Chuyện này gây thương cảm nơi quần chúng Mỹ và giúp cho việc ủng hộ liên minh Mỹ đánh Iraq lần thứ nhất. 

Sau này mới biết em gái này là Nayira, thuộc vương tộc cai trị Kuwait là gia tộc Al Sabbah. Lúc em làm chứng thì bố em là đại sứ Kuwait tại Mỹ và Canada, rồi sau về nước làm bộ trưởng thông tin, và lên tới bộ trưởng dầu hỏa. 

Mọi cuộc điều tra đều kết luận câu chuyện là bịa đặt hoàn toàn, do một công ty PR Mỹ nhận tiền triệu để bày ra. Tại Gaza, nếu cắt điện thì các lồng ấp trẻ sơ sinh chắc không chạy được bằng củi, mà chuyện này thì không bịa tí nào.

Nhưng lần này, thay vì lên án, lãnh đạo Tây phương xếp hàng sang tận nơi ủng hộ Israel. Sau tổng thống Mỹ là thủ tướng Anh, thủ tướng Hy Lạp, tổng thống Pháp... Đến 23-10, tức trước khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang vấn an Israrel, số thường dân Gaza thiệt mạng đã trên 5.000 người, trong đó trên 2.000 là trẻ em. 

Số bỏ nhà lánh nạn trên dải đất hẹp này là 1 triệu, số nhà cửa bị hư hại là 42%, gồm 15.100 căn bị phá hủy hoàn toàn. Sách lược Dahiya đã được triển khai triệt để.

Ảnh: Getty

Ảnh: Getty

Như muối bỏ biển

400 tấn hàng cứu trợ hôm 21-10 chia cho dân số 2,3 triệu người là mỗi đầu người được tiếp tế 170g nhu yếu phẩm từ thức ăn đến thuốc men, vật dụng cần thiết như chăn mền. 

Theo UNICEF, 20 xe tải này mang được lượng nước uống đủ cho 27.000 người trong 1 ngày. Ngày 22-10, thêm 14 xe tải được phép vào Gaza, phần nước họ tiếp tế đủ dùng trong 1 ngày cho 22.000 người nữa.

Theo Văn phòng Phối hợp cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA, nếu bạn chưa bao giờ nghe đến tên tổ chức này, thì bạn là người may mắn đấy), trong tháng 1-2023, Gaza được phép nhận 10.799 chuyến xe tải hàng, tức mỗi ngày trung bình 348 chuyến (24% là thực phẩm, tức bình thường mỗi ngày Gaza cần 83 chuyến xe tải thực phẩm). 

Để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của Gaza hiện nay, số xe tải vận chuyển hàng phải là 100-200 chuyến/ngày. 34 chuyến xe vừa qua là muối bỏ biển. Đêm 23-10, phía biên giới Ai Cập còn 200 xe tải đang đợi phép.

Về mặt kinh tế, Gaza có sản xuất một ít quần áo và bàn ghế, chăn nuôi có trại gà, nhưng các trại này bị đánh bom đều đặn mỗi khi có xô xát như 2017, 2021 và hiện nay, khiến nguồn thịt bị giới hạn. 

Đánh cá chẳng hạn, tùy thời điểm, ngư dân được phép ra khơi mức 3-6-9, hay tối đa là 12 hải lý và không lưới được các mẻ lớn xa bờ. Đất nông nghiệp rất hiếm vì mật độ dân cư cực cao. 

Gaza cơ bản không tự túc được về thực phẩm, và ngay cả nước ngọt, vì thiếu điện (chỉ phát khoảng 7 tiếng một ngày) nên chất lượng lọc nước rất kém, chưa kể nguồn nước cũng phụ thuộc vào kiểm soát của Israel.

Về mặt xuất khẩu, tháng 1-2023, Gaza xuất được sang Israel 776 xe tải gồm 61% là rau, 27% là trái dâu và 5% là hàng may mặc. Xuất sang Ai Cập cũng trong tháng đó là 184 xe tải hàng sắt vụn phế thải, bình điện cũ. Như vậy có khoảng 10.000 xe hàng vào và 1.000 xe hàng ra trong một tháng trước chiến tranh, cho thấy sự phụ thuộc của Gaza với bên ngoài. ■

Riêng con người, tháng 1-2023, có 53.118 lượt người rời khỏi Gaza sang Israel và thêm 14.098 lượt sang Ai Cập. Lưu ý đây là số lượt, chứ không phải số người, và 88% là những người buôn bán hay lao động công nhật. Một chuyện nữa, người Ki Tô giáo từ nước ngoài có thể sang Israel hành hương Jerusalem. Người Ki Tô Palestine là những giáo hữu Ki Tô đầu tiên và sớm nhất trước khi tôn giáo này lan ra thế giới vì họ ở ngay đất thánh. Nhưng năm 2019, người Ki Tô Gaza chỉ được cấp 200 giấy phép ra khỏi lãnh thổ để hành hương. Họ phải trên 55 tuổi và chỉ được đến Bethelem (nơi sanh của Chúa), chứ không được đến Jerusalem, dù chỉ cách đó có 70km. Từ 2002 trở đi, Israel còn xây tường ngăn cách Jerusalem với Bethelem. Sự phân biệt đối xử này nằm trong chính sách chia rẽ để cai trị của Nhà nước Israel.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận