Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ: Ông Biden và những căng thẳng trong cánh gà

THANH TUẤN 24/08/2024 05:21 GMT+7

TTCT - Bài phát biểu đầy kịch tính tối 19-8 của ông Joe Biden sau quyết định rút lui, nhường vị trí ứng viên đảng cho bà Kamala Harris đã làm dấy lên không ít câu hỏi, dù phe Dân chủ đang tìm thấy sinh khí mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ: Ông Biden và những căng thẳng trong cánh gà - Ảnh 1.

Ông Obama và bà Harris. Ảnh: Getty Images

Đảng Dân chủ Mỹ giờ đầy hào hứng với hy vọng chiến thắng. Các thăm dò mới nhất cho thấy họ dẫn trước ở một loạt bang chiến trường. Bình thường thì đây là thời khắc vinh dự cho tổng thống đương nhiệm. 

Nhưng mỗi tiếng hò reo ông Biden nghe, mỗi nụ cười ông thấy, mỗi cánh tay giơ lên mừng rỡ, đều là sự hào hứng về một tương lai không có vị tổng thống 81 tuổi.

Đại hội đã diễn ra với những cảm xúc trái ngược cho vị tổng thống đương nhiệm. Ông Biden là tổng thống đầu tiên kể từ thời Chester Arthur năm 1885 bị chính đảng của mình bác quyền tái tranh cử (Lyndon Johnson tự nguyện rút năm 1968 trước bầu sơ bộ). 

Hai đêm tiếp theo của đại hội đảng là dành cho hai cựu tổng thống Barack Obama và Bill Clinton - cả hai đều hai nhiệm kỳ, giỏi diễn thuyết, và đều có vai trò trong việc loại Biden khỏi cuộc đua năm nay.

Tan vỡ mối quan hệ 5 thập kỷ

Căng thẳng giữa ông Biden với các lãnh đạo đảng lúc này vẫn âm ỉ. Ông giận sếp cũ Obama khi không nói thẳng với ông việc nên rút. Ông giận cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khi tìm cách đẩy ông khỏi cuộc đua. 

Ông phật ý với thượng nghị sĩ Chuck Schumer vì vai trò của ông trong chiến dịch này. Theo những trợ lý thân cận nhất, ông Biden đã dần chấp nhận rút lui khỏi cuộc đua hồi tháng trước, nhưng vẫn thấy mình bị chèn ép.

Theo Politico, bà Pelosi được coi là người dẫn dắt chiến dịch. Trong tour quảng bá cuốn sách mới in, bà đã giải thích chi tiết về vai trò của mình trong việc loại ông Biden khỏi cuộc đua. 

"Bà ấy làm việc phải làm" để giúp phe Dân chủ có cơ hội thắng tốt nhất vào tháng 11, ông Biden nói với một cố vấn. Ông cho rằng bà Pelosi "quan tâm nhiều hơn tới đảng" chứ không phải là cảm xúc cá nhân của ông, nhưng ông vẫn không khỏi thấy thất vọng.

Khi ông Biden mới là thượng nghị sĩ nhiệm kỳ đầu và đến thăm San Francisco hồi năm 1970, Nancy Pelosi, lúc đó là người gây quỹ nổi tiếng ở thành phố, đã cho ông mượn xe Jeep để đi lại. 

Nửa thế kỷ sau đó, họ đã xây dựng tình bạn sâu đậm và trở thành những nghị sĩ ảnh hưởng bậc nhất của phe Dân chủ. Cả hai người thuần đạo, luôn đem theo tràng hạt trong túi. 

Họ biết cách gây ảnh hưởng ở Washington với tư cách lãnh đạo các ủy ban: Tình báo và Ngân sách Hạ viện với bà Pelosi, Đối ngoại và Tư pháp Thượng viện với ông Biden. Hồi tháng 5, ông Biden, ở tuổi 81, đã tặng bà Pelosi, 84 tuổi, Huân chương Tự do của tổng thống và ca ngợi bà là "chủ tịch Hạ viện vĩ đại nhất lịch sử".

Nhưng tới tháng 7, bà Pelosi bắt đầu chiến dịch thay thế ông Biden. Hai người không còn nói chuyện với nhau kể từ đó. Bà Pelosi thường xuyên chỉ trích đội ngũ của ông Biden về cách vận hành và chuyện tranh cử. 

Hiện chưa rõ tới bao giờ hai người sẽ nói chuyện lại với nhau, điều mà bà Pelosi thừa nhận khiến bà mất ngủ. "Tôi hy vọng vậy, tôi cầu nguyện, khóc và mất ngủ vì vậy", bà nói với David Remnick, tổng biên tập The New Yorker, khi được hỏi liệu mối quan hệ của bà với ông Biden còn có thể cứu vãn không.

Những người thân của bà Pelosi nói bà tham gia sâu như vậy là chuyện không có gì là đáng ngạc nhiên, do bà luôn rất tập trung và "máu lạnh" khi liên quan tới chính trị - bà sẽ làm tất để Đảng Dân chủ chiến thắng. "Những người biết Pelosi biết bà luôn rất tập trung vào công việc, và công việc ở đây là làm thế nào để chiến thắng", David Axelrod, cựu chiến lược gia số 1 của ông Obama, nói.

Căng thẳng dai dẳng giữa những lãnh đạo phe Dân chủ cho thấy quyết định rút lui của Biden là không dễ dàng.

Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ: Ông Biden và những căng thẳng trong cánh gà - Ảnh 2.

Ông Biden và bà Pelosi từng rất thân thiết. Ảnh: Roll Call

Căng thẳng với Obama

Một quan chức Nhà Trắng khác nói ông Biden nghĩ bà Pelosi "tàn nhẫn" và sẵn sàng gạt bỏ mối quan hệ lâu năm để đảng của bà thắng cử, và quan trọng hơn nữa là không để Donald Trump trở lại Nhà Trắng. 

"Con người bà ấy vẫn luôn như vậy", nguồn tin này nói với Politico. Sự tức giận của ông Biden thể hiện rõ khi ông nhắc tới bà Pelosi trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình tuần trước giải thích về nguyên nhân ông rút lui.

Ông Biden cũng giận ông Obama, bạn và sếp cũ của ông, vì đã không nói thẳng với ông những quan ngại về chiến dịch tranh cử sau màn tranh luận hồi cuối tháng 6. Ông Obama tweet thể hiện sự ủng hộ ngay lập tức sau tranh luận, nhưng sau đó im ắng hoàn toàn. 

Ông không khuấy động phong trào để loại ông Biden, nhưng cũng không lên tiếng chống lại những người muốn thay ngựa giữa dòng.

Quan hệ giữa hai ông vốn luôn phức tạp hơn những gì thể hiện công khai. Về mặt cá nhân, hai người rất thân thiết, ông Obama từng đề nghị trả góp tiền nhà hộ ông Biden sau khi con trai Beau của ông qua đời năm 2015 vì ung thư, nhưng những căng thẳng về chính trị thì vẫn âm ỉ. 

Ông Biden từ lâu vẫn cảm nhận các trợ lý của Obama coi thường ông, còn trợ lý của Biden thì vẫn tức giận khi đồng minh của Obama như Axelrod hay nhóm Pod Save America phê phán ông Biden. Phe ông Biden tức giận khi năm 2016, ông Obama thể hiện rõ ông ủng hộ bà Hillary Clinton kế nhiệm thay vì phó tổng thống của mình. ■

Cái bóng lớn

Ngày 20-8, bà Kamala Harris đã chính thức được đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Nền chính trị lưỡng đảng và phải tìm mọi cách tranh thủ cử tri đã hàng trăm năm ở Mỹ khiến những nhân vật cộm cán của mỗi phe, dù đã về hưu, vẫn còn ảnh hưởng rất lớn lên chính trường. Trong trường hợp bà Harris, cái bóng lớn đó là của ông Barack Obama.

The New York Times 20-8 có bài viết lý thú: "Đằng sau tình bằng hữu Obama - Harris: Người ủng hộ then chốt và mối quan hệ tri kỷ".

Bài báo nhận định quyết định của bà Harris ủng hộ ông Obama trong vòng sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2008, khi bà Hillary Clinton được đánh giá cao hơn nhiều, là "một canh bạc chính trị" nay đã đến lúc thu tiền lời, do "cựu tổng thống (Obama) không bao giờ quên điều đó".

"Họ xây dựng được cảm nhận rằng chính trị không phải là về cá nhân ai hết, Dan Pfeiffer, cựu cố vấn cấp cao của ông Obama, nói với NYT - Chính trị là xây dựng lên một phong trào".

Không lâu sau khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống, một nấc thang mới trong sự nghiệp chính trị mở ra với bà Harris: Bà tuyên bố chạy đua cho chức tổng chưởng lý tiểu bang California.

"Có thể gọi đó là hào quang Obama, ông ấy đã tỏa ánh sáng lên bà Harris, Brian Brokaw, người điều hành chiến dịch chạy đua tổng chưởng lý năm xưa, nhớ lại - So sánh hai người họ là tự nhiên và dễ hiểu".

Nhưng chính trị vẫn là chính trị, ông Obama đợi tới khi bà Harris đã thắng vòng sơ cử (California về cơ bản là một bang Dân chủ) mới chính thức ủng hộ bà. Dẫu vậy, đó vẫn là một động thái khác thường: tổng thống Hoa Kỳ hiếm khi thể hiện quan điểm về các cuộc bầu cử ở quy mô địa phương.

Mối quan hệ của họ thực ra đã bắt đầu từ năm 2004, khi bà Harris hỗ trợ buổi gây quỹ cho ông Obama chạy đua vào Thượng viện ở San Francisco.

Họ nhanh chóng gắn kết vì có xuất thân khá tương đồng: đều là người Mỹ lai giữa hai chủng tộc, có cha mẹ xuất thân từ những vùng xa xôi trên thế giới so với nước Mỹ, và những trải nghiệm cực kỳ đa dạng khiến cả hai "tin rằng họ ắt sẽ tìm được điểm chung với bất kỳ ai", theo lời Valerie Jarrett, bạn thân và cố vấn của ông Obama.

Khi Tổng thống Joe Biden quyết định rút lui trong chiến dịch năm 2024 và thông báo điều đó với bà Harris, cuộc gọi đầu tiên của bà là cho gia đình, gồm chồng bà, Doug Emhoff.

Nhưng trong hơn 100 người bà phó tổng thống đã trao đổi ngày hôm đó, ông Obama ở vị trí thứ ba hoặc thứ tư, NYT dẫn một nguồn thạo tin. Kể từ đó đến nay, ông đã giúp bà định hình thông điệp chính trị lẫn nhân sự, bao gồm cả vị trí liên danh tranh cử.

C.VĂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận